Trần Huỳnh Duy Thức: một nhân cách cao quý

Chúc mừng anh Trần Huỳnh Duy Thức đã về sum họp với gia đình. Theo tin từ gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh đã về đến nhà sớm ngày 21 Tháng Chín 2024, bình an, sum họp với gia đình, sau gần 16 năm trong nhà tù XHCN VN.

Vì anh Thức ở tù lâu quá, nhiều người không rõ anh là ai, nên tôi xin phép viết về anh, điểm lại cho đầy đủ mọi sự việc.

Một lần nữa chúc anh và gia đình mạnh khoẻ, an vui, và mong sao nhiều anh chị em TNLT nữa sớm được về đoàn tụ với gia đình.

Ở góc độ Tâm lý học, có thể coi NHÂN CÁCH là tổng thể các thuộc tính tâm lý cá nhân, tạo phẩm chất, năng lực và bản sắc riêng của mỗi con người. Phân tích, đánh giá nhân cách một người, có rất nhiều cách. Có thể nhìn nhận nhân cách như một giá trị xã hội: CAO QUÝ, BÌNH THƯỜNG, THẤP HÈN… Từ cách nhìn này thì TRẦN HUỲNH DUY THỨC là MỘT NHÂN CÁCH CAO QUÝ.

Nghiên cứu về Trần huỳnh Duy Thức phải là một công trình lớn. Vào lúc tôi viết bài này thông tin về Trần Huỳnh Duy Thức tràn ngập, gõ tên ông trên tìm kiếm Google, chỉ 0,37 giây, cho khoảng 10.500.000 kết quả.

Trong bài viết khiêm tốn này, tôi chỉ dám đề cập đến một vài điều nói lên sự cao quý của con người, của nhân cách Trần Huỳnh Duy Thức.

  1. Một Doanh nhân dấn thân “Duy Việt”

“Trần Huỳnh Duy Thức sinh ngày 29 Tháng Mười Một năm 1966, tại Sài Gòn. Năm 1990, ông tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 1993, Trần Huỳnh Duy Thức mở một cửa hàng vi tính nhỏ. Chỉ một vài tháng sau, cửa hàng của ông đã có thể tự lắp ráp những chiếc máy vi tính cá nhân đầu tiên. Dù nhỏ, nhưng cửa hàng không chấp nhận làm giảm giá trị thương hiệu EIS của riêng mình, từ chối chạy theo trào lưu bằng một nhãn hiệu nước ngoài giả, cho dù khi đó thị trường Việt Nam vừa được mở cửa rất ưa chuộng hàng ngoại nhập.

Năm 1994, ông cùng ông Lê Thăng Long thành lập Công ty tin học Duy Việt tại Hà Nội. Từ năm 1998 trở đi, Internet chính thức được sử dụng ở Việt Nam, tạo nên một nhu cầu truy cập Internet bùng nổ. Tuy nhiên, thời điểm đó các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) vẫn còn sử dụng công nghệ truy cập analog qua đường điện thoại nên dung lượng và tốc độ truy cập rất hạn chế, không đáp ứng được cho nhu cầu đang tăng rất nhanh. Nhận thấy lỗ hổng trên, công ty Duy Việt đã giới thiệu vào thị trường công nghệ truy cập digital mới nhất vào lúc đó, cho phép mở rộng nhanh dung lượng lẫn tốc độ truy cập nhiều lần so với công nghệ analog cũ. Nhờ vậy Duy Việt thắng thầu nhiều dự án mở rộng hạ tầng Internet trước các hãng lớn nước ngoài, tạo nên một hiện tượng mới lạ.

Năm 2000, công ty TNHH Tin học Duy Việt chuyển đổi thành công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS (EIS, Inc.) với sứ mệnh: “Tiến công mạnh mẽ vào thị trường CNTT quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới.” 2 năm sau, với 3 công ty con gồm One-Connection Singapore, One-Connection USA và One-Connection Vietnam có mặt ở San Jose (California, Mỹ), TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Singapore. Sau khi ra mắt vào Tháng Hai năm 2003, One Connection Singapore nhanh chóng nổi lên thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu. Nhờ thành công về thương mại của công ty, các hãng thông tấn, truyền hình quốc tế và Singapore bắt đầu đưa tin sự kiện công nghệ Việt Nam xuất hiện cạnh tranh vững chãi trên thị trường toàn cầu.”…

Vào khoảng thời gian trên, nhiều doanh nhân Việt Nam chỉ tìm cách móc ngoặc với các quan chức để làm giàu bằng con đường chộp giật, không ít người còn luồn lách, gian manh, thì Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh nhân hiếm hoi, tìm con đường làm ăn chân chính, với tầm nhìn ra thế giới và năng lực sáng tạo tuyệt vời… Càng đặc biệt hơn là khát vọng khẳng định sứ mệnh: “Tiến công mạnh mẽ vào thị trường CNTT quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới.” Và tất cả cũng chỉ nhằm “DUY VIỆT”.

  1. Khát vọng chấn hưng đất nước bị chặn lại và thành “tội phạm”!

Doanh nghiệp của Trần Huỳnh Duy Thức đang phát triển đầy triển vọng thì gặp những rào cản phi lý, ông cùng các đồng nghiệp đã nêu nhiều ý kiến phê phán những cản trở từ phía các cơ quan quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này. Vì vậy, ngay tại quê nhà, One-Connection Việt Nam không được nghênh đón. Tháng Ba năm 2009, sở Thông tin – Truyền thông TP Hồ Chí Minh ra quyết định buộc One-Connection Việt Nam ngừng cung cấp dịch vụ phone – to – phone và xử phạt hành chính, tịch thu các máy móc thiết bị vì dịch vụ này chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép. (I)

Không chấp nhận quyết định trên, One-Connection Việt Nam khiếu nại lên bộ Thông tin – Truyền thông. Chủ Nhật, ngày 24 Tháng Năm 2009, Trần Huỳnh Duy Thức bất ngờ bị bắt với thông tin ban đầu là “trộm cước viễn thông”. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau cả Lê Công Định, Lê Thăng Long đều lần lượt bị bắt và cùng với ông bị chính quyền cáo buộc tội “lật đổ chính quyền”. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc “trộm cước viễn thông” đối với Trần Huỳnh Duy Thức sau hàng tháng lục tìm hệ thống thiết bị và sổ sách công ty. Sau đó vụ việc được chuyển thành khởi tố “kinh doanh trái phép”. Theo sau việc bắt bớ, One-Connection Việt Nam và EIS, Inc. bị thanh tra thuế toàn bộ quá trình hoạt động trong những năm qua của 2 công ty trong 3 tháng liên tiếp với lý do liên quan đến “xâm phạm an ninh quốc gia.” Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không tìm được bằng chứng cáo buộc các công ty này trốn thuế. Không lâu sau đó, One-Connection Việt Nam bị rút giấy phép, và dự án mở rộng của EIS, Inc. ra Đà Nẵng để làm trung tâm hỗ trợ khách hàng toàn cầu không được cấp phép.

Từ những hành xử phi lý của chính quyền, Trần Huỳnh Duy Thức nhận ra rằng phải cải cách hệ thống quản trị xã hội mới mong chấn hưng được đất nước.

Vậy là, năm 2005, ông cùng một số nhân vật như Lê Thăng Long lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn thông qua việc nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Từ đầu Tháng Mười Một năm 2008, ông lập hai Blog trên mạng internet: Change We Need và Trần Ðông Chấn xuất hiện nhiều bài viết và bình luận về lãnh đạo cũng như nền chính trị Việt Nam, với tổng cộng khoảng 49 bài viết. Thông tin ở đây được một số hãng thông tấn quốc tế đăng lại.

Ông cùng với ông Lê Công Định, Nguyễn Sĩ Bình hợp tác viết cuốn sách “Con đường nước Việt”, trong đó Lê Công Định viết phần cải cách Tư pháp, Nguyễn Sĩ Bình viết về phần cải cách Xã hội, còn ông viết về phần cải cách Kinh tế. Ông cũng không giấu giếm tham vọng muốn được làm Bộ trưởng Kinh tế để đưa kinh tế Việt Nam phát triển theo xu hướng thế giới.

Ông chính thức bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 24 Tháng Năm 2009 với tội danh ban đầu là “trộm cắp cước điện thoại”, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”. Cùng với một số nhân vật như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long bị tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 Tháng Một năm 2010, riêng cá nhân ông bị tuyên án 16 năm tù giam và tịch thu một phần tài sản.

  1. Thà chết không rời bỏ Tổ quốc và trách nhiệm với đất nước

Trong nhà tù Trần Huỳnh Duy Thức bị đối xử hết sức nghiệt ngã. Ông đã ba lần bị chuyển trại giam. Đầu tiên ông bị giam ở trại Xuân Lộc, Đồng Nai. Sau đó bị chuyển đến trại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lần thứ ba là Tháng Năm 2016 ông bị chuyển ra trại 6, Nghệ An.

Lý do của việc chuyển trại giam lần này là do, nhiều lần nhà cầm quyền thuyết phục ông đi tị nạn tại Mỹ, nhưng ông kiên quyết từ chối. Trước việc bị tống xuất đi Mỹ, Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực trong tù từ ngày 24 Tháng Năm 2016 để phản đối việc ép ông đi Mỹ định cư. Sau đó, không có một giấy tờ quyết định nào, người ta cưỡng bức ông lên xe, còng tay, bịt miệng và đưa đi trong đêm, ra nhà tù Nghệ An…

Nhiều người khuyên Trần Huỳnh Duy Thức nên đi Mỹ để được sống an toàn và tiếp tục đấu tranh, nhưng ông dứt khoát tuyên bố: “TÔI KHÔNG ĐI NƯỚC NGOÀI, TÔI Ở LẠI ĐỂ CỐNG HIẾN VÀ PHỤC VỤ CHO ĐẤT NƯỚC”!

Với lòng yêu nước thiết tha và khát vọng phục như vậy, nên dù sống trong lao tù khắc nghiệt và rất thiếu thông tin, nhưng Trần Huỳnh Duy Thức luôn cố gắng tìm hiểu tình hình thế giới, trong nước để đưa ra những nhận định sáng suốt lạ thường.

Trong lá thư số 115 viết gửi cho gia đình, dài khoảng 3.500 chữ, viết ngày 26 Tháng Bảy 2018 của ông Thức được gia đình công bố hôm 30 Tháng Bảy và được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Trần Huỳnh Duy Thức đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để phân tích về vận mệnh đất nước thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Thư có đoạn viết: “Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là cái cớ và công cụ để Mỹ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc thực tế đến đâu, để Mỹ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình.”…

“Tập đoàn ZTE khổng lồ có cổ phần chi phối thuộc chính phủ Trung Quốc mà Mỹ mới khều nhẹ đã ngã lăn ra, không chống đỡ nổi.”…

“Thế giới sẽ chứng kiến và học được một bài học từ sự thất bại nặng nề của chiến lược về công nghệ của Trung Quốc, rồi sẽ không bao giờ quên rằng muốn sở hữu được công nghệ vượt trội thì quốc hội gia phải là một xã hội vận động tự do để tạo nên một môi trường cạnh tranh tự do.”…

“Nhưng con muốn viết để ba và mọi người hiểu rằng chiến tranh thương mại này là sự may mắn cho nhân loại… Mỹ, Nhật và các đồng minh phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội này để làm suy yếu sức mạnh hung hăng của Trung Quốc, loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới.”…

“Vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang nổ ra. Trung Quốc có rất ít cơ hội để thắng. Khi Mỹ và phương Tây giương chính nghĩa là buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm với thế giới thì họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế thôi.”…

“Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng một thời gian nhưng Trung Quốc cuối cùng phải nhượng bộ, chấp nhận luật lệ quốc tế, hành xử có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng”…(II)

Thân thể trong lao tù tàn độc, nhưng Trần Huỳnh Duy Thức vẫn tha thiết nghĩ đến vận mệnh quốc gia, vẫn viết thư, làm thơ…gắn bó đời mình với đời sống gia đình, xã hội và tin tưởng ở tương lai dân tộc.

  1. Danh dự cao quý hơn cả sinh mạng

Từ khi bị bắt, bị ép cung (hẳn là rất khốc liệt) nhưng Trần Huỳnh Duy Thức nhất định không nhận tội “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tháng Bảy 2018 Trần Huỳnh Duy Thức viết đơn gửi Tòa án Nhân dân tối cao, yêu cầu trả tự do, vì theo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) 2015, ông đã quá hạn tù.

Bộ Luật hình sự (sửa đổi) 2015, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 2018, quy định tại Khoản 3, Điều 109 rằng: “Người nào chuẩn bị phạm “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. ..

Tòa không trả lời, mà “người ta” ép Trần Huỳnh Duy Thức nhận tội để được đặc xá; ông khẳng định ông không có tội, nên có chết cũng không nhận tội mình không có. Rồi từ ngày 13 Tháng Tám 2018 Trần Huỳnh Duy Thức lại phải tuyệt thực để phản đối yêu cầu nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá và cũng để phản đối những ngược đãi của trại giam đối với mình. Ngày 16 Tháng Chín 2018, Trần Huỳnh Duy Thức đã ngừng tuyệt thực sau khi được gia đình khuyên can.

Sau đó Trần Huỳnh Duy Thức đã nhiều lần gửi đơn, yêu cầu Tòa án tối cao trả lời đơn khẩn cầu của ông, lá đơn cuối cùng là vào ngày 19 Tháng Tám 2020. Nhưng Tòa vẫn im lặng!

Tháng  Mười năm 2020, Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu Tòa án xem xét đơn yêu cầu miễn thời hạn tù còn lại vì mức án mới cho tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tính từ năm 2015 chỉ có thời hạn 5 năm. Từ ngày 24 Tháng Mười Một, Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực để đòi Tòa án phải trả lời đơn thư của mình.

Nhiều người lo lắng đã khuyên ông không thể đem sinh mạng của mình để thách đố nhà cầm quyền này làm gì!

Nhưng suốt hơn 15 năm trong tù, Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần tiến hành tuyệt thực, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, sinh mệnh, sự nghiệp, gia đình chỉ vì 2 nhu cầu thiêng liêng cho con người Việt nam:

QUYỀN CON NGƯỜI và THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT, các giá trị mà ở các nước văn minh, tiên tiến luôn tôn vinh, đề cao, luôn nhắc nhở, truyền đạt cho các thế hệ tiếp nối.

THAY LỜI KẾT

Trong suốt chiều dài lịch sử việt nam, thời nào cũng xuất hiện những con người có nhân cách lớn lao, cao quý, những người có TÂM, có TÀI, có CHÍ KHÍ không cam chịu sống đời “giá áo túi cơm”, chỉ biết vinh thân, phì gia, mà quyết vượt lên trên cái tầm thường, dấn thân vì Dân, vì Nước… Họ đặt lý tưởng và danh dự trên cả mạng sống của bản thân mình. Những người như thế, ngày nay thật hiếm hoi, mà Trần Huỳnh Duy Thức là một trường hợp đặc biệt, thức tỉnh những người có lương tri.

Những kẻ nhân cách thấp hèn không thể hiểu nổi, tại sao Trần Huỳnh Duy Thức lại dại thế? Đối với họ “lý tưởng” là càng vơ vét được nhiều tiền cho mình càng tốt; càng có nhiều lâu đài, biệt phủ, danh hiệu càng oai; luồn cúi, nhục nhã, gian manh, cướp của, hại người cũng chẳng là gì…

Có kẻ thân ngồi ở hội trường Ba Đình, nhưng bụng đang toan tính làm sao có thẻ xanh, quốc tịch nước ngoài… Những kẻ hèn mọn như thế không hiểu được nhân cách Trần Huỳnh Duy Thức cao quý biết chừng nào!

“Hy sinh vì một tư tưởng chắc chắn là cao quý. Nhưng còn cao quý hơn biết bao nhiêu nếu người ta hy sinh vì tư tưởng đúng!” (Henry Louis Mencken)(III)

Chỉ khi đất nước có nhiều người có nhân cách cao quý thì đất nước mới giàu, sang, hưng thịnh bền vững, mới đáng tự hào và đáng được tôn trọng, ngưỡng mộ.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: