Grace Carr học tập, làm việc và làm tình nguyện tại cùng một bệnh viện trong gần như suốt cuộc đời mình. Nay ở tuổi 97, cụ vẫn chưa có ý định nghỉ hưu.
Cụ Carr được đào tạo để trở thành y tá vào năm 17 tuổi, trong Thế Chiến Thứ II năm, tại bệnh viện Sacred Heart Hospital, nay là Cơ Sở Sacred Heart của St. Luke’s Sacred Heart Campus ở Allentown, Pennsylvania.
Từ nhỏ, Carr đã dành hàng giờ để chơi trò “bác sĩ” với anh trai mình và quấn búp bê của bà bằng bông băng. Ước mơ của bà là trở thành y tá và làm việc trong bệnh viện.
Trong 80 năm qua, Carr gần như luôn có mặt tại “The Heart” – tên gọi trìu mến của nhân viên bệnh viện Sacred Heart Hospital.
Năm 1989, bà Carr nghỉ việc điều dưỡng tại bệnh viện và dành ba năm kế tiếp làm việc tại phòng khám của bác sĩ trực thuộc bệnh viện. 65 tuổi, bà nghỉ hưu và bắt đầu làm tình nguyện tại bệnh viện vào năm 1993 sau khi chồng bà, ông Edward Carr qua đời.
Cho đến nay, bà làm tình nguyện hơn 6,000 giờ, đến vào mỗi Thứ Tư để cung cấp nước cho bệnh nhân, động viên họ bằng hoa, đưa họ đi làm xét nghiệm, cũng như mang mẫu vật đến phòng xét nghiệm của bệnh viện.
Beth Fogel, chuyên gia về hoạt động tình nguyện của bệnh viện, người quen biết Carr trong 20 năm, cho biết: “Chúng tôi gọi chị ấy là Amazing Grace. Từ lúc chị xuất hiện vào buổi sáng cho đến khi rời đi vào buổi chiều, chị như một cô thỏ Energizer, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và rất vui tính.”
Carr cho biết cụ luôn có kế hoạch làm tình nguyện tại bệnh viện khi đã nghỉ hưu và không thể tưởng tượng cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu không có công việc này. “Tôi yêu mọi người ở đó, và sức khỏe của tôi tốt, vì vậy tôi rất vui khi được giúp ai bất cứ điều gì trong tầm tay,” cụ tâm sự.
Carr lớn lên ở Freeland, Pennsylvania, một thị trấn khai thác than nhỏ cách bệnh viện khoảng 50 dặm. Cụ rời Freeland sau khi học xong trung học để học tại Trường Điều Dưỡng Sacred Heart, sống trong ký túc xá với những sinh viên điều dưỡng khác trong khuôn viên trường bệnh viện.
Carr làm y tá thực tập trong thời gian học. Chính phủ trợ cấp học phí trường điều dưỡng cho cụ như một phần của Quân Đoàn Y Tá Thực Tập Hoa Kỳ, một chương trình nhằm ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt điều dưỡng trong chiến tranh.
Bà được trả $15/tháng trong năm đầu tiên, $20/tháng trong năm thứ hai và $30/tháng trong năm cuối.
Năm 1947, Carr tốt nghiệp Trường Điều Dưỡng Sacred Heart và kết hôn với Edward, người yêu thời trung học của mình – và là cựu quân nhân, phục vụ trong quân đội trong Thế Chiến Thứ II.
Sau đó, cụ được thuê làm ca đêm từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng tại các tầng phẫu thuật y khoa tại Sacred Heart, nơi cụ làm việc trong gần 20 năm. Cụ sanh được bốn người con gái và một con trai.
“Giờ nhìn lại, tôi không biết sao mà mình có thể làm được như vậy chứ. Tôi ngủ rất ít, thích giúp đỡ mọi người và cảm thấy biết ơn khi được làm điều mình yêu thích,” cụ kể.
Tình trạng kiệt sức rất phổ biến trong nghề điều dưỡng và Carr thừa nhận rằng cụ từng trải qua những đợt căng thẳng và kiệt sức thoáng qua trong suốt sự nghiệp của mình. “Khi bạn làm việc trong bệnh viện, bạn sẽ thấy cả những điều tuyệt vời nhất và tồi tệ nhất mà cuộc sống mang lại,” cụ kể. “Thật sự khó khăn khi chứng kiến ai đó đau khổ hoặc qua đời vì bệnh tật và biết rằng chúng ta không thể làm gì hơn để giúp họ.”
Tuy nhiên, Carr cho biết những khoảnh khắc vui vẻ hơn, chẳng hạn như khi sinh con hoặc ca giải phẫu thuật của bệnh nhân nào đó diễn ra tốt đẹp, cùng với những mối quan hệ có ý nghĩa mà cụ xây dựng đã giúp cụ kiên trì vượt qua những thách thức.
Cả năm đứa con của cụ Carr, và gần như tất cả 12 đứa cháu của cụ, đều được sinh ra tại Sacred Heart.
Con rể của cụ, Vincent Burns, cũng được sinh ra tại bệnh viện này. Carr gặp cậu bé vài giờ sau đó tại phòng trẻ sơ sinh. Sau này Burns kết hôn với con gái lớn của cụ là Janet, và đứa bé sơ sinh năm nào, nay cũng đã 70 tuổi.
Những khoảnh khắc như thế đã truyền cảm hứng cho cụ tiếp tục làm việc tại Sacred Heart, mang lại cho cụ cảm giác có mục đích sống lớn hơn.
Niềm đam mê của Carr có sức lan tỏa: Cô con gái Grace Loring làm việc tại khoa nhi tại Cơ Sở Sacred Heart của St. Luke trong 35 năm trước khi nghỉ hưu, kể: “Lúc đầu, tôi muốn trở thành giáo viên, nhưng khi chứng kiến sự tận tụy và niềm đam mê của mẹ dành cho ngành điều dưỡng, tôi quyết định theo đuổi ngành chăm sóc sức khỏe.”
Bà Loring đón mẹ đi làm tình nguyện vào mỗi Thứ Tư, rồi lại đến chở bà về nhà ở Allentown.
Theo cụ Carr, bí quyết để tìm được công việc mà mọi người yêu thích khá đơn giản, đó là: Làm việc với những người bạn thích.
Tại Sacred Heart, Carr xây dựng được tình bạn thân thiết với nhiều đồng nghiệp, trong đó có một số y tá mà cụ làm việc chung từ mấy chục năm qua. Các cụ vẫn tụ tập tại nhà nhau để uống cà phê hoặc ăn tối và hàn huyên tâm sự.
Một nghiên cứu kéo dài 85 năm của đại học Harvard phát hiện ra rằng các mối quan hệ tích cực là yếu tố giúp mọi người hạnh phúc suốt cuộc đời. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những công việc không hạnh phúc nhất khiến người ta cảm thấy cô đơn.
“Các mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc dẫn đến mức độ căng thẳng thấp hơn, người lao động khỏe mạnh hơn và ít khi trở về nhà trong tâm trạng buồn bã,” hai nhà nghiên cứu, Robert Waldinger và Marc Schulz, viết trong cuốn sách “The Good Life” của mình.