Tại sao Tô Lâm bằng mọi giá phải gặp Tổng Thống Joe Biden?

(Hình: Facebook)

Chuyến công du Mỹ để tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc của ông Tô Lâm – người đang nắm giữ cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước – đang thu hút sự quan tâm đặc biệt. Nhưng dường như tâm điểm chú ý không chỉ đổ dồn vào những hoạt động ngoại giao của ông tại New York, mà còn vào một sự kiện diễn ra ngay trước đó: hai tù nhân chính trị nổi tiếng, ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng, bất ngờ được trả tự do vào ngày 21 Tháng Chín 2024.

Cả ông Thức và bà Hồng đều là những cái tên không còn xa lạ với những người quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam. Ông Thức, người bị kết án 16 năm tù vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” đã trải qua hơn 14 năm trong tù. Còn bà Hồng, bị kết án ba năm tù vì tội trốn thuế, cũng đã phải chịu cảnh giam cầm gần một năm. Việc họ được trả tự do, dù chỉ vài tháng trước khi mãn hạn tù, vẫn được coi là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, bài viết “Lời chào đầu tiên” được ông Thức chia sẻ trên Facebook sau khi được thả lại khiến dư luận thêm phần bàn tán. Trong bài viết này, ông Thức đã kể về việc mình bị “đặc xá cưỡng bức.” Theo lời ông, ông Lâm đã ép ông phải nhận đặc xá và rời khỏi trại giam, dù ông không hề mong muốn. Ông Thức muốn được trả tự do một cách quang minh chính đại, theo đúng quy định của pháp luật, chứ không phải bằng một “ân huệ” mang màu sắc chính trị.

Dù chỉ có lời kể từ phía ông Thức và những người chứng kiến là công an trại giam số 6 cùng các tù nhân chính trị khác, nhưng việc trả tự do trước thời hạn cho ông Thức (8 tháng) và bà Hồng (hơn 1 năm) không mang nhiều ý nghĩa vì cả hai đều sắp mãn hạn tù. Điều này khiến câu chuyện của ông Thức trở nên đáng tin cậy hơn.

Thời điểm “trùng hợp” này khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi. Phải chăng đây là một “món quà” mà chính phủ Việt Nam muốn gửi đến Mỹ trước thềm chuyến thăm của ông Tô Lâm? Đặc biệt là khi trước đó, nhiều nguồn tin cho biết ông Lâm rất muốn có một cuộc gặp riêng với Tổng Thống Biden, nhưng phía Mỹ lại tỏ ra khá lạnh nhạt vì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Việc hai tù nhân được trả tự do ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm và thông tin về cuộc gặp dự kiến giữa ông với Tổng Thống Biden vào ngày 25 Tháng Chín khiến nhiều người cho rằng đây là một động thái nhằm “mở đường” cho cuộc gặp này.

Ta có thể nhận ra rằng, việc thả hai tù nhân chính trị sắp mãn hạn tù này giống như một món quà của ông Lâm để có thể tìm cách gặp được Tổng thống Joe Biden. Tương tự như cách mà ông Thức đã viết về lệnh “đặc xá cưỡng bức” của mình “một cách mặc nhiên,” ông “đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch nước, một chuyến đi mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai.”

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ông Lâm phải làm mọi cách để được gặp ông Joe Biden cho dù vị tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ chỉ còn tại vị bốn tháng? Có một số chuyên gia nhận định rằng, ông Lâm tìm cách gặp ông Biden là để tìm cách mua được máy bay vận tải C-130 của Mỹ. Nhưng C-130 dù là một máy bay vận tải quân sự thuộc hàng tối tân nhất hiện nay nhưng nó cũng không phải là một thứ vũ khí chiến lược tới mức phải tìm cách gặp cho bằng được ông Biden. Chưa kể, ông Biden chỉ còn tại vị bốn tháng nên khả năng cao cũng sẽ không quyết định gì trước khi tổng thống mới lên thay vào năm sau. Vậy mục đích thực sự của ông Tô Lâm là gì?

Nếu nhìn vào bối cảnh chính trị hiện tại, ta thấy ông Lâm đang đứng giữa vòng xoáy quyền lực, với muôn trùng khó khăn bủa vây. Biển Đông dậy sóng với liên minh Philippines – Mỹ đối trọng cùng Trung Quốc. Sức ép từ chính quyền Bắc Kinh và cả từ phe quân đội Quân Ủy Trung Ương với tướng Phan Văn Giang đứng đầu cũng không hề nhỏ. Uy tín quốc tế của ông Lâm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức và những vấn đề đàn áp, bắt bớ liên quan đến nhân quyền, dân sự.

Cán cân trên biển Đông và hình ảnh đối mới

Trong chuyến công du Mỹ lần này, ông Tô Lâm dường như đang thể hiện một thái độ cầu thị hơn hẳn so với người tiền nhiệm. Ông không còn “nặng lòng” với “ngoại giao cây tre” như ông Nguyễn Phú Trọng, mà chọn cách tiếp cận mềm mỏng, cởi mở hơn với Washington.

Điển hình là việc ông Lâm tránh né các cụm từ mang nặng tính ý thức hệ như “cuộc kháng chiến chống Mỹ” khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam, thay vào đó là những cách diễn đạt trung lập hơn như “chiến tranh ở Việt Nam.” Hình ảnh một nhà lãnh đạo cởi mở, sẵn sàng đối thoại đã phần nào làm cải thiện góc nhìn cởi mở đối với những chỉ trích về độc tài và vi phạm nhân quyền mà ông phải đối mặt trong quá khứ từ cộng động quốc tế.

Đặc biệt, trong bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Lâm có một động thái chưa từng có tiền lệ: nhắc đến sự hợp tác và giúp đỡ của Hoa Kỳ trong Cách Mạng Tháng Tám. Phải chăng đây là một lời “xoa dịu” gửi đến Washington sau “sự cố” vu cáo Đại học Fulbright, đồng thời là một đòn phản pháo ngoại giao nhắm vào phe Quân Ủy Trung Ương – vốn được cho là có xu hướng thân Trung Quốc hơn?

“Cách mạng màu” – cụm từ nhạy cảm từng được sử dụng để ám chỉ sự can thiệp của phương Tây – bất ngờ “nóng” trở lại trước chuyến đi của ông Tô Lâm. Mặc dù video đăng tải trên kênh Youtube của Truyền Hình Quốc Phòng Việt Nam đã bị gỡ bỏ, nhưng Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc tại Đà Nẵng lại bất ngờ đăng tải lại, kèm theo thông điệp cảnh báo. Hành động này được xem như một lời nhắc nhở từ Bắc Kinh, yêu cầu Việt Nam thận trọng trong quan hệ với Mỹ, tránh để bị lôi kéo vào những “cuộc chơi” gây bất ổn khu vực.

Việc ông Tô Lâm nhắc lại sự giúp đỡ của Mỹ trong Cách Mạng Tháng Tám, trong bối cảnh đó, mang nhiều hàm ý sâu xa. Phải chăng, ông đang ngầm thừa nhận rằng chính quyền Việt Nam hiện tại cũng được thiết lập thông qua một cuộc “cách mạng màu”? Và phải chăng, đây cũng là một cách để cân bằng lại mối quan hệ với Mỹ, sau những căng thẳng liên quan đến Đại học Fulbright?

Bên cạnh đó, việc xích lại gần Mỹ cũng được xem là một nước cờ chiến lược của ông Lâm trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng. Khi Trung Quốc đang bận tâm với tranh chấp Philippines – đồng minh mới của Mỹ, Việt Nam có thêm không gian để củng cố chủ quyền trên biển đảo.

Lời khẳng định của Tổng Thống Biden trong cuộc gặp ông Tô Lâm bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc:

“Chúng tôi đoàn kết xây dựng một Ấn Độ Dương mở và an toàn hơn, cam kết tự do hàng hải và tôn trọng pháp luật,” càng củng cố thêm vai trò của Mỹ tại Biển Đông, đồng thời là tín hiệu ủng hộ rõ ràng cho những quốc gia đang đối mặt với áp lực từ Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, việc Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau chắc chắn không phải là điều Bắc Kinh mong muốn.

Thông qua chuyến công du này, phải chăng ông Tô Lâm đang muốn gửi một thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh: Việt Nam sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ, củng cố lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền Biển Đông nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng. Đồng thời, đây cũng là cách để ông Tô Lâm tạo ra đối trọng với phe Quân ủy Trung ương, củng cố vị thế của mình trong cuộc chiến quyền lực đầy cam go.

Củng cố vai trò chính khách lãnh đạo trước Đại hội Đảng lần thứ 14

Ông Tô Lâm lên nắm quyền tổng bí thư không phải thông qua quá trình bầu chọn thông thường trong Đảng, mà bằng một cuộc “đảo chính” mềm, kế thừa di sản của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này khiến vị thế của ông không thực sự vững chắc, bởi những “kẻ dưới trướng” chưa chắc đã đồng lòng ủng hộ. Ban đầu, ông Tô Lâm còn muốn “ôm” cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước như người tiền nhiệm, nhưng áp lực từ phe quân đội đã buộc ông phải nhường ghế chủ tịch nước vào Tháng Mười này.

Trước thềm Đại Hội Đảng lần thứ 14 dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026, ông Lâm hiểu rõ rằng nếu không thể hiện được năng lực và đạt được những thành tựu nổi bật, chiếc ghế tổng bí thư của ông sẽ lung lay dữ dội. Ngay cả những đề xuất cải cách mà ông đưa ra tại hội nghị Trung Ương 10 cũng không được thông qua.

Tuy nhiên, ông đã khôn khéo “gỡ bỏ” một “quân bài chiến lược” mà ông Nguyễn Phú Trọng từng sử dụng để hạ bệ ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Cụ thể, đảng CSVN quyết định sửa đổi Quyết định 244-QĐ/TW về quy chế bầu cử trong Đảng.

Điều 13 của Quyết định 244, được ban hành năm 2014, quy định rằng tại các hội nghị Trung Ương, các ủy viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư không được đề cử hay ứng cử nếu không có tên trong danh sách do Bộ Chính Trị đề cử. Tại Đại Hội 12 năm 2016, điều khoản này đã được sử dụng để “chặn đường” ông Nguyễn Tấn Dũng, người được nhiều đoàn đại biểu giới thiệu nhưng không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính Trị, buộc ông phải rút lui và kết thúc sự nghiệp chính trị.

Bằng cách sửa đổi Quyết định 244, ông Lâm đã vô hiệu hóa “con bài” mà ông Trọng từng dùng, đồng thời ngăn chặn phe Quân đội sử dụng chiêu bài tương tự để chống lại mình.

Bên cạnh đó, chuyến công du Mỹ của ông Tô Lâm cũng được xem là một nước cờ chiến lược nhằm củng cố vị thế. Việc gặp gỡ Tổng Thống Biden, dù nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc, thể hiện mong muốn duy trì và nâng tầm quan hệ với Mỹ của ông Tô Lâm, bất kể ai sẽ là người kế nhiệm ông Biden.

Nếu Phó Tổng Thống Kamala Harris đắc cử, những cam kết hợp tác thời ông Biden sẽ được tiếp nối. Còn nếu cựu Tổng Thống Donald Trump trở lại, thông tin về việc công ty của gia đình ông Trump muốn đầu tư vào Hưng Yên – quê hương của ông Tô Lâm – có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Trong cuộc gặp với ông Biden, hai bên đã thảo luận về việc nâng tầm quan hệ song phương, đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và chuỗi cung ứng, hợp tác an ninh mạng,… tuy chưa mang lại lợi ích thiết thực ngay lập tức, nhưng đã góp phần xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo năng động, linh hoạt, biết cách vận dụng “ngoại giao cây tre” để cân bằng quan hệ với Trung Quốc.

Để xoa dịu phe bảo thủ trong Đảng, trước khi đến Mỹ, ông Tô Lâm đã có chuyến thăm Trung Quốc. Sau chuyến công du Mỹ, ông ghé thăm Cuba – một quốc gia nghèo đói mà Việt Nam đã nhiều lần viện trợ. Hành động này được cho là nhằm lấy lòng những thành phần “hoài cổ” bảo thủ trong lãnh đạo đảng CSVN về tình hữu nghị Xã Hội Chủ Nghĩa, củng cố hình ảnh một nhà lãnh đạo cấp tiến nhưng vẫn giữ vững lập trường ý thức hệ.

Nếu trong kỳ Đại Hội 14, tướng Lương Cường lên làm chủ tịch nước, chiếc ghế bộ trưởng Quốc Phòng sẽ trở thành mục tiêu tranh giành giữa ông Hoàng Xuân Chiến – đồng hương và người thân cận của ông Tô Lâm, và phe Quân ủy Trung Ương do Đại Tướng Phan Văn Giang đứng đầu, với sự hậu thuẫn từ Trung Quốc. Vì vậy, ông Tô Lâm cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả việc tạo ra bước ngoặt trong quan hệ với Mỹ, để tạo sự đối trọng củng cố vị thế và hình ảnh của mình trước thềm Đại Hội 14.

Tất cả những động thái này cho thấy ông Tô Lâm đang tích cực chuẩn bị cho Đại Hội 14, xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo vững mạnh, đủ sức chèo lái đất nước và củng cố ổn định phe phái để giữ chắc vị trí đứng đầu. Ông Tô Lâm rõ ràng không muốn mình bị “hất cẳng” khỏi bàn cờ chính trị. Cuộc chiến giành quyền lực trong nội bộ đảng CSVN vẫn đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: