Nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư, tên thật Trần Quí Sách, sanh năm 1942 tại Đà Lạt, chủ trương nhà xuất bản Thư Ấn Quán và Tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã qua đời lúc 6 giờ 35 phút, sáng ngày 27 Tháng Năm năm 2024 tại New Jersey, Hoa Kỳ, hưởng thọ 82 tuổi.
Trần Hoài Thư, một nhà văn đã đóng góp rất nhiều cho văn học Việt Nam Cộng Hòa – đặc biệt khôi phục lại di sản văn học miền Nam qua chủ trương nhà xuất bản Thư Ấn Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Có người đã gọi anh là “Người Khâu Di Sản Văn Học Miền Nam” (Nguyễn Quang Chơn – báo Người Việt). Viết về văn-thi sĩ Trần Hoài Thư bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa nói hết về những cống hiến to lớn của anh. Tuy nhiên trước sự ra đi vĩnh viễn của anh, và của chị, tôi muốn nhắc đến một vài kỷ niệm nhỏ về cặp vợ chồng thủy chung gắn bó nầy.
Tôi “biết” anh Trần Hoài Thư lúc còn phụ trách tòa soạn tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (NCVH). Trong số hàng trăm bản thảo đánh máy và viết tay gởi về tòa soạn hằng tháng, tôi “cảm” được truyện ngắn “Sao Chổi” của anh nên đã chọn đăng trên NCVH số 9 tháng 11/1971. Từ đó tôi đã “quen” anh qua mục Tin Thơ của báo, rồi Thư đi tin lại vài lần, nhưng vẫn chưa “kiến kỳ hình”.
Thời bấy giờ người phụ trách tòa soạn tạp chí NCVH có toàn quyền tuyển chọn thơ văn của cộng tác viên mà không cần thông qua Linh mục Chủ nhiệm. Nhưng có cái “lệ” là không chi trả “nhuận bút” cho các tác giả có thơ văn đăng báo, ngoại trừ những cây bút đã thành danh. Chính cái lệ nầy, so với các báo khác, “NCVH là một tạp chí can đảm, nhiều thiện chí hơn sinh lực”. NCVH không có nguồn tài trợ nào, mọi khoản chi phí từ A tới Z đều do LM Thanh Lãng gồng mình gánh hết, cộng với công sức của đám môn sinh rất mực trung thành. Chính Nguyên Sa đã nhận xét về bảy tạp chí văn chương – trong đó có Nghiên Cứu Văn Học “đã và còn ở trong tình trạng vất vả”, có thể nói là “bẩy tờ báo định kỳ là bẩy nhân với một ngàn lần khốn khó”.
Tác giả tập thơ “Những Năm Sáu Mươi” đã viết: “Một vài tạp chí thì được trợ giúp bởi cơ quan ngoại viện, theo lời đồn của dư luận mà tôi thực tình không biết thực hư, còn tờ Nghiên Cứu Văn Học đè trên vai ông chủ nhiệm là Linh mục Thanh Lãng, chẳng biết ông còn gánh được bao lâu” (NCVH số 6, tháng 8/1971, tr.3-4). Do vậy mà NCVH mất dần lực lượng cộng tác viên nòng cốt và độc giả trung thành – trong đó có Trần Hoài Thư. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, đã có vô số nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình văn học khai thác khá đầy đủ – nếu không muốn nói quá tải – về tiểu sử, văn nghiệp của anh, nhưng chưa ai nói về truyện ngắn nầy cũng như tạp chí NCVH mà anh đã cộng tác.
Bẵng đi một dạo từ khi NCVH bị đình bản, chúng tôi đã mất liên lạc nhau. Nhờ một duyên may, lúc về giảng dạy tại Đại học Cần Thơ, tôi có dịp quen một nữ thơ ký hành chánh của Viện Đại học. Chị tên Nguyễn Ngọc Yến, dáng người dong dỏng cao, mặt trái xoan phúc hậu, lúc tiếp xúc với mọi người, nụ cười tươi thắm luôn nở trên môi. Vốn con nhà gia giáo, chị cư xử lễ độ với mọi người, với cấp trên và luôn hòa ái thân thiện với đồng nghiệp. Chị viết chữ rất đẹp. Tôi còn nhớ có lần điền tên tôi vào Công Vụ Lịnh của Viện Đại học cho những chuyến đi “điền dã” sưu tầm văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long, “tay tiên” của chị thảo những nét như “phượng múa rồng bay”. Về sau được biết chị Yến là người vợ hiền đầu ấp tay gối của anh Thư, tôi có nhờ chị tạo cơ hội để chúng tôi có dịp gặp nhau. Nhưng chúng tôi vẫn chưa được duyên lành gặp gỡ bởi tháng tư năm ấy vội ập đến.
Trải qua một cuộc bể dâu, kẻ mất người còn, kẻ ở người đi, nhà nhà tan tác, người người ly tán thì chuyện hợp tan là lẽ thường tình. Rồi cả anh và chị, kẻ trước người sau, đều vượt biển tìm tự do để sum họp dài lâu nơi vùng đất hứa. Kể ra cuộc hải hành của chị Yến cũng vô cùng gian nan, muôn vàn nguy hiểm. Nhưng với ý chí quyết tâm muôn dặm tìm chồng, chị đã liều chết tay xách nách mang bồng con vượt biển. Tội nghiệp đứa con trai của anh chị – cháu Trần Quí Thoại – tuổi còn thơ dại mà đã “nếm” mùi sóng gió và bổ sung vào danh sách trên 400 ngàn thuyền nhân vượt biển tìm tự do, tìm sự sống trong cái chết! Thế là từ đó chúng tôi người góc biển kẻ chân mây ngàn trùng xa cách.
Bốn mươi tám năm sau (1974-2022) qua trang mạng Facebook, tôi đã kết nối với anh. Lúc bấy giờ chị Yến sau nhiều lần bị đột quỵ đã mất hoàn toàn trí nhớ. Cũng như vài bạn văn, tôi sống khép kín, ngại giao tiếp nên ít bạn bè, kể cả kết bạn FB. Nghe tin anh và chị lần lượt bị “hết nạn nọ tới nạn kia”, tôi chỉ gởi lời thăm hỏi trên Facebook. Rồi tin dữ lại dồn dập đến: Chị Nguyễn Ngọc Yến đã vĩnh viễn ra đi ngày 27/4/2024. Đúng một tháng sau, ngày 27/5/2024, cũng tại New Jersey Hoa Kỳ, anh Trần Hoài Thư đã giã từ cõi thế. Đối với chị Nguyễn Ngọc Yến, đó là một cái chết không khổ trong đệ tứ khổ như để giải trừ kiếp nạn bởi cái đệ tam khổ dai dẳng.
Đối với anh Trần Hoài Thư, đó là một cái chết thật đẹp sau khi châu toàn hậu sự cho chị để cùng hẹn thề sum họp ở một thế giới khác, nơi cõi Vĩnh Hằng. Có lần anh Thư đã tâm sự với nhà văn Trần Doãn Nho: “Nói thật với bạn, tôi vui là vì Yến đã được giải thoát. Bao năm nay, Yến sống đó mà cũng như Yến đã đi tự hồi nào”. Tôi viết về Chị như nhắc nhớ tới kỷ niệm giữa những người cùng công tác tại một ngôi trường Đại học ở thủ đô miền Tây thân yêu. Tôi viết về Anh như để gợi nhớ tới kỷ niệm ngắn ngủi bởi cái tình văn nghệ vừa mới đơm bông, giữa người phụ trách một tạp chí văn học với một cộng tác viên/độc giả – một nhà văn cầm súng.
Tôi còn nhớ Kỷ niệm cuối cùng với Trần Hoài Thư. Vào tháng 11/2023, tôi có “ủng hộ” Thư Quán Bản Thảo số 106 chủ đề Nhà văn học sử Thanh Lãng (có bài về Luận án Tiến sĩ Văn chương của LM Thanh Lãng) với số tiền cước phí gần gấp đôi. Anh đã gởi lộn cuốn “TIỂU THUYẾT” của Thanh Lãng (cũng TQBT số 106, ấn hành tháng 10/2023). Tôi đã nhắn tin trên FB đề nghị anh gởi lại đúng tên sách và hứa sẽ “ủng hộ” cước phí một lần nữa, như trước. Nhưng có lẽ vì bịnh tình của chị Yến đã trở nặng, anh Thư phải lo sốt vó nên đã không gởi sách cho tôì và còn viết: “Không gởi lại sách nữa”. Tôi có đem việc nầy tâm tình vớì ông bạn Nguyễn Vy Khanh – người đã nhận đúng sách TQBT số 106 – và được nhà phê bình hồi đáp trên FB ngày 15/11/2023 như sau: “Anh THT bệnh lúc tỉnh lúc bình thường, tuy vậy tôi ngạc nhiên biết anh nhận bản khác bản giấy của tôi”.
Ban đầu tôi có ý “giận”, nhưng sau nghĩ lại thấy “thương” anh Thư nhiều hơn. Bất giác tôi thầm nghĩ, nếu lâm vào nghịch cảnh như anh Thư, cách hành xử của tôi chưa chắc đã tốt đẹp hơn. Sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy là vì trên một trang FB, anh Thư đã phàn nàn một “ông giáo sư” nọ và một “vị tiến sĩ” kia ở trong nước đã nhận hai quyển sách nặng ký của LM Thanh Lãng (Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam) – thành quả do công lao khó nhọc của anh và chị. Nhưng cả tháng sau khi nhận sách, hai “nhà văn hóa ” kia vẫn bặt vô âm tín. Tôi đã biểu đồng tình với anh qua một Lời bình trên FB: “Thật đáng buồn cho cảnh chợ chiều sách vở. Hành xử của hai vị “đại trí thức” kia thật đáng chê trách”!
Thủ bút của Trần Hoài Thư (11/2023)
Như Trần Trung Đạo đã viết: “Nếu tin vào Nhân Duyên, chúng ta sẽ nhận ra tình vợ chồng của anh chị Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến đã kết thúc một cách diệu kỳ. Hoa hạnh phúc cuối cùng đã trổ ra từ những nhánh khổ đau, những cành chịu đựng”.
Anh Trần Hoài Thư và chị Nguyễn Ngọc Yến thân quý, cháu Trần Quí Thoại thương mến,
Anh Chị – những kẻ ra đi, hãy dìu dắt nhau, sát cánh bên nhau như chim liền cánh cùng bay cao, bay xa về phía chân trời Hạnh Phúc, nơi cõi Vĩnh Hằng.
Xin kính tiễn đôi uyên ương Thư & Yến bằng đôi Câu đối phúng:
“Tuổi lão niên, kẻ ra đi giải trừ khổ nạn
“Cõi hồng trần, người ở lại hoài vọng tiếc thương”.
Riêng cháu Trần Quí Thoại và gia đình – những người ở lại, hãy nén đau thương và giữ vững niềm tin mà vui sống, dầu rằng trước cảnh tử biệt sanh ly, ai mà không đau đớn nát lòng! Dịp nầy chú sáng tác vội mấy câu thơ để tặng cháu và gia đình:
Đã đành sanh ký tử quy
Người còn kẻ mất, sầu bi lẽ thường
Đã đành Tạo hóa cơ cầu
Thì ngăn suối thảm mạch sầu trào dâng!
(Montréal – Canada – IX.2024)