Vì sao nhạc lính VNCH vẫn sống trong lòng chế độ cộng sản?

(Dòng Nhạc Vàng)

Nhiều người đã từng hỏi, và cũng đã có nhiều câu trả lời đây đó. Bài viết này là một vài ý, chỉ ra tính chất bất diệt của một dòng nhạc vàng, đặc biệt là nhạc về người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), vẫn được hát vang trong lòng đất nước nay đã khác chế độ, khác chính kiến.

Khác với nhạc Đỏ, nhạc Vàng có tính chất động viên hơn là tuyên truyền, mang tính tâm sự hơn là thôi thúc, thay vì lên án thì nhạc vàng chọn tính chia sẻ, có than thở nhưng không ủy mị. Nhạc lính VNCH không gây căm thù như nhạc Đỏ, mà thường kêu gọi yêu thương xóa bỏ căm hờn của người Việt trên đất Việt. Lời ca chủ yếu mô tả tính chất công việc và tính cách của lính và đặc biệt là tình yêu của lính và tình người yêu lính và trách nhiệm với tổ quốc.

Tôi là người tha hương đi bốn phương
Anh là người quân nhân vui gió sương
Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay

(Trích Quán Nữa Khuya của Tuấn Khanh và Hoài Linh)

Mặc dù phía chính quyền mới nói nhạc vàng tuy là nhạc tâm lý chiến, nhưng thật ra cũng là viết riêng cho đời lính và nhạc tình của lính. Đó là một thể loại âm nhạc truyền cảm xúc cực mạnh, giúp người nghe hòa mình với vô vàn những cảm xúc như hân hoan, xúc động hay cả những âm thanh tượng hình đưa ta về về lại những nẽo đường quê hương miền Nam xưa cùng hình ảnh người lính như hiện hữu qua bao năm tháng. Nhiều người cho rằng nhạc vàng làm giảm tinh thần lính chiến riêng qua thời gian, tính phục vụ cho con người, đã khiến chính nhạc vàng làm Việt Nam Cộng Hòa mãi sống theo thời gian.

Qua rồi cái thời giao tranh thì nhạc đỏ lại vô hình và vô nghĩa, còn nhạc vàng lại mang đậm tình yêu và tình người. Ở Việt Nam trong thời đại 5.0 người từ Nam ra Bắc điều hát nhạc vàng, có những năm nó còn hot trở lại như một hiện tượng mà xã hội đấy nói tránh là Bolero, còn nhạc đỏ thì chỉ có loa phường ê a.

Có khá nhiều tác giả và tác phẩm viết về người lính như:

– Nhật Trường đã sáng tác các ca khúc: Anh Về Với Em (1964), Bảy Ngày Đợi Mong (1964), Ngày Anh Đi (1964), Đồn Vắng Chiều Xuân (1964), Không Bao Giờ Ngăn Cách (1964), Người Yêu Của Lính (1965)…

– Anh Bằng với: Gót Chinh Nhân, Lạy Mẹ Con Đi, Nếu Vắng Anh, Nửa Đêm Biên Giới, Huynh Đệ Chi Binh…

– Hoàng Thi Thơ: Khi Người Lính Trở Về, Tìm Anh, Tôi Nhớ Tên Anh…

– Phạm Đình Chương: Lá Thư Người Chiến Sĩ, Anh Đi Chiến Dịch…

– Y Vân: Bức Thư Trên Lô Cốt, Đi Bên Lính, Lính Du Xuân, Người Lính Yêu Em, Thăm Lính…

– Trúc Phương: 24 Giờ Phép, Tình Người Chiến Binh, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật

– Lam Phương: Bức Tâm Thư (1950), Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân (1958), Rừng Xưa…

– Thanh Sơn: Lính Tâm Sự, Ngày Phép Của Lính, Tâm Sự Hai Giờ Gác…

– Lê Dinh – Minh Kỳ: Mười Ba Tuổi Lính, Cánh Thiệp Đầu Xuân…

– Nhật Ngân: Làm Quen Với Lính, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Chúc Thư Viết Từ Chiến Trường, Lời Người Lính Xa Xôi…

– Trầm Tử Thiêng: Quân Trường Vang Tiếng Gọi, Đêm Di Hành, Mưa Trên Poncho

– Anh Thy: Biển Tuyết, Một Đêm Hải Hành, Tâm tình người lính thuỷ và Hoa Biển…

– Song Ngọc: Một Chuyến Bay Đêm, Người Ra Vùng Hỏa Tuyến…

Các ca khúc trên, không có ca từ nào sắt máu gây thù như “đường vinh quang xây xác quân thù hay thề phanh thây uống máu quân thù,” mà hầu như là những ca từ nói lên tình cảm, nỗi lòng của người lính nhân bản. Hoặc những từ gợi hình miêu tả nơi giới tuyến, tiền đồn, hay rừng sâu hiểm trở… để nói lên sự gian khổ và tính chất công việc của lính. Có đôi khi là những lời tâm tình chia sẻ niềm vui nỗi buồn của lính về với hậu phương yêu thương. Cũng có lúc là những lời ca lãng mạn, trữ tình với giai điệu nhẹ nhàng dành cho người yêu lính.

Anh là lính đa tình
Tình non sông rất nặng
Tình hải hồ ôm mộng
Tình vũ trụ ngát xanh

(Trích Tình Lính sáng tác Y Vân.)

(Facebook)

Nhạc vàng không chỉ hay mà còn đẹp không chỉ là lời ca mà còn mang đậm chất thơ:

Anh gửi về em thêu áo
Cả ngàn vì sao trên trời
Kết thành một chuỗi em đeo
Dù rằng đời lính không giàu
Mà chắc không nghèo tình yêu

(Trích Tình Lính sáng tác Y Vân.)

Tình yêu dành cho lính phải nói đến tình yêu của các em gái hậu phương, khác với Việt Nam thời bấy giờ các em gái chỉ thích đại gia hay doanh nhân… riêng cái thời VNCH thì lính là mẫu người yêu người chồng lý tưởng nhất vừa tài giỏi hiên ngang và lãng tử đa tình.

Các anh là nguồn thơ vô song
Các anh là tình thương mênh mông
Là muôn tiếc ca vang vang tận cõi lòng
Là trong tiếng chim vui líu lo ngoài sân

(Trích Có Những Người Anh của Võ Ðức Hảo)

Trong thời chinh chiến, các nhạc phẩm về người lính VNCH, không phải là những bài nhạc viết theo đơn đặt hàng mà được viết lên bởi những cảm xúc chân thật của những người yêu lính. Nó tượng trưng cho sự đoàn kết giữa quân và dân mà không cần bất cứ bảng báo tuyên truyền nào cả.

Và trong đó có cả những câu chuyện chân thật nhất khi ấy nhạc vàng không còn là âm nhạc mà người nhạc sĩ viết nhạc trở thành người viết sử thi, hồi ký về lính:

Anh Quốc ơi !
Từ nay trong gió xa khơi
Từ nay trong đám mây trôi
Có hồn anh trong cõi lòng tôi.

Anh Quốc ơi !
Nghìn thu anh nhớ đến tôi
Thì xin cho Thái Dương soi
Nước Việt Nam sáng rọi … muôn đời.

Như trong ca khúc Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào năm 1965 để tặng cho phi công Phạm Phú Quốc gãy cánh ở Hà Tĩnh. Vào ngày 19-4-1965 trung tá Phạm Phú quốc tử trận trong một phi vụ Bắc phạt, nơi đây cách thị xã Vinh về phía đông nam 10km. Lúc đó là 15 giờ 04 phút. Phi đội của Trung tá Quốc trong phi vụ này với nhiệm vụ phá hủy trục giao thông cách 10 cây số phía nam thành phố Vinh. Sau khi hoàn tất phi vụ, trên đường trở về thì phi đội của trung tá Quốc đã đụng phải một lực lượng phòng không không quân chống trả dữ dội, phi cơ của Phạm Phú Quốc bị trúng đạn và bốc cháy. Ông tử trận, hưởng dương 30 tuổi.

Sao không hát cho người giết giặc trên cầu
Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh
Trong khói súng xây thành
Mắt quầng thâm mất ngủ
Tàn đêm khói lửa
Giờ chỉ cần hai tiếng “mến anh”!

Hay trong Rừng Lá Thấp Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết để thương tiếc người bạn thân của mình đó là Trung úy Vũ Mạnh Hùng. Vào năm 1968 có một người lính TQLC đã đền nợ nước ở mặt trận Hàng Sanh – Bình Lợi, đó là Trung úy Vũ Mạnh Hùng. Ông Vũ Mạnh Hùng lúc ấy đang là đại đội trưởng đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 3 TQLC, đã tử thương trên cầu Bình Lợi khi đang cùng đại đội bảo vệ vành đai thủ đô Sài Gòn. Trong tờ nhạc có trích những lời mà tác giả Trần Thiện Thanh dành cho người bạn của mình như sau: “Xưa, 1 lần hành quân về ghé thăm tao, mày đã tỏ ý “khó chịu về…” những nàng ca sĩ… cứ bô bô hát những bài ca đòi… “yêu”… đòi… “chung tình” với “lính”. Tao đã không đáp, bởi… thật khó cho tao khi phải nói về những bạn… đồng nghiệp. Trong tình bằng hữu mười mấy năm còn thật đậm, tao ghi lại đây 1 ý kiến của mày, tiếc là mày không thèm nghe tao hát nữa… HÙNG ơi!

Hơn nửa thế kỷ qua nhạc vàng vẫn in sâu vào tâm hồn người Việt trên quê hương và người Việt nơi viễn xứ. Những nhạc phẩm thời chinh chiến viết về người lính VNCH cứ như những bức tranh chân dung khắc họa đầy chân thật vào trong tim của những người yêu lính, đó là những hình ảnh oai hùng với đầy yêu thương. Nhạc vàng vẫn sống là Việt Nam Cộng Hòa mãi sống.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: