Trong bài phát biểu Lễ Tạ ơn năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về vai trò của chính sách thương mại mở trong sự thịnh vượng của Hoa Kỳ:
“Một trong những yếu tố quan trọng đằng sau sự thịnh vượng to lớn của quốc gia chúng ta là chính sách thương mại mở cho phép người dân Mỹ tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ với những người tự do trên khắp thế giới.”
Tuyên bố này đã từng trở thành kim chỉ nam kinh tế cho Đảng Cộng hòa, đại diện cho phe bảo thủ, vốn luôn ủng hộ thương mại tự do và toàn cầu hóa. Ngược lại, phe cánh tả thường nghiêng về chủ trương bảo hộ các ngành công nghiệp địa phương. Sự phân chia quan điểm về thương mại tự do và bảo hộ thường diễn ra rõ ràng theo đường lối chính trị suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, thời kỳ này đã chấm dứt dưới thời chính quyền đầu tiên của Donald Trump khi ông đã sử dụng Điều 301 và Điều 232 để áp đặt thuế quan lên hàng loạt hàng hóa, với lý do chống lại các hoạt động thương mại không công bằng và bảo vệ an ninh quốc gia.
Tại sao lại có sự xoay chiều này?
Về bản chất, thuế quan là một loại thuế mà các doanh nghiệp Mỹ – chứ không phải các quốc gia khác – phải trả khi nhập khẩu hàng hóa sản xuất ở nước ngoài. Mục tiêu của việc áp thuế quan là làm tăng giá thành sản phẩm nước ngoài, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Hiệu ứng ban đầu khi áp dụng hàng rào thuế quan là tăng thu ngân sách cho chính phủ, điều này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu và nợ công tăng cao. Đồng thời, hàng rào thuế quan còn tạo ra “lá chắn” bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh từ lao động giá rẻ và các chính sách trợ giá bị coi là bất công từ Trung Quốc. Thậm chí, chính quyền Trump đã coi thuế quan như một công cụ quan trọng, đặc biệt là trong quá trình đàm phán lại Hiệp định NAFTA với Mexico và Canada.
Theo Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, cho đến nay, người Mỹ đã trả hơn $242 tỷ vào ngân khố Hoa Kỳ cho các loại thuế quan mà Trump áp đặt lên pin mặt trời, thép và nhôm nhập khẩu, cũng như hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Một điều đáng ngạc nhiên là chính quyền Joe Biden sau đó đã duy trì phần lớn các chính sách thuế quan này. Thậm chí còn tiến xa hơn khi mở rộng phạm vi áp dụng bằng chính sách áp thuế bảo hộ $18 tỷ đối với xe điện, chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng do Trung Quốc sản xuất, cùng nhiều mặt hàng khác. Tất cả điều này là một phần của chính sách công nghiệp mà ông Trump đã khởi xướng theo Đạo luật Giảm Lạm phát.
Những động thái này cho thấy cả hai đảng phái chính trị lớn của Hoa Kỳ đều đang ngày càng ưa chuộng việc sử dụng thuế quan như một công cụ chính sách để thu hút cử trị.
Thậm chí chiến dịch tranh cử hiện tại, những lời hứa về thuế quan từ cả hai phía vẫn được sử dụng như một cam kết chính sách để thu hút cử trị. Ví dụ như Trump đã công khai ấp ủ ý định áp đặt thuế quan 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Thậm chí, cựu tổng thống Mỹ còn tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ áp thuế quan lên tới 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, cũng như thuế quan bổ sung lên tới 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông cũng cho biết sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia không sử dụng đồng đô la Mỹ.
Nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng Thống Trump đã chứng minh một bài học rõ ràng cho các chính trị gia toàn cầu: cử tri quan tâm đến việc làm hơn là toàn cầu hóa. Rất nhiều tiểu bang và tỉnh đã chứng kiến việc làm và nhà máy bị “chảy máu” sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn như Trung Quốc và Mexico. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ việc làm trong nước, ngay cả khi phải đánh đổi bằng giá cả hàng hóa cao hơn trong tương lai, đã trở thành một chiến lược chính trị hiệu quả.
Việc sử dụng thuế quan để tái cân bằng cán cân thương mại, chẳng hạn như đối phó với lao động giá rẻ hoặc tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, là điều cần thiết. Đặc biệt là khi Trung Quốc có những hoạt động thương mại không công bằng trên diện rộng. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuế quan cũng có thể đẩy Hoa Kỳ vào một vòng xoáy leo thang căng thẳng thương mại đầy rủi ro. Khi một quốc gia áp thuế, các quốc gia đối tác có thể trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên hàng hóa của quốc gia ban đầu. Kết quả là một cuộc chiến thương mại, nơi không bên nào chiến thắng do chi phí tăng cao và dòng chảy thương mại bị thu hẹp.
Đây giống như một trường hợp mà ông Trump đã bắt người dân Mỹ phải lựa chọn: hoặc là giữ lại một số công việc sản xuất trong nước nhưng phải chấp nhận giá cả leo thang, năng suất giảm sút và bị các nước khác trả đũa; hoặc là chấp nhận toàn cầu hóa với nguy cơ mất việc làm. Và dường như người lao động Mỹ đang lựa chọn công việc của mình, bất chấp những hệ lụy kinh tế có thể xảy ra. Chính vì vậy, chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Thượng Nghị Sĩ JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, gần đây lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan. Ông lập luận rằng thuế quan, về nguyên tắc, mang lại lợi ích kinh tế ròng.
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng các ngoại lệ đối với thương mại tự do để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước thông qua trợ cấp và hạn ngạch. Chẳng hạn, Hoa Kỳ thường viện dẫn lý do an ninh quốc gia để áp dụng các chính sách công nghiệp bảo hộ, như trường hợp Trump áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu. Canada cũng có những chính sách tương tự, bảo vệ ngành ngân hàng và ngành sản xuất sữa, phô mai tại Quebec.
Thậm chí, ông Vance tiến xa hơn khi khẳng định rằng thuế quan về bản chất là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Thuế quan tạo ra một hiệu ứng năng động, thu hút thêm việc làm vào trong nước,” ông Vance phát biểu trên chương trình “Meet the Press.”
“Bất kỳ thiệt hại nào người tiêu dùng phải gánh chịu do thuế quan đều được bù đắp bằng mức lương cao hơn, vì vậy, xét cho cùng, người lao động sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Họ có thêm thu nhập và có việc làm tốt hơn,” ông nói thêm.
Thậm chí, ông còn tuyên bố vào cuối Tháng Tám, rằng kết quả của việc áp thuế quan mà Trump áp đặt trong nhiệm kỳ tổng thống của mình là “giá cả đã giảm đối với người dân Mỹ.”
Vance nói thêm: “Giá tăng đối với người Trung Quốc, nhưng giảm đối với người dân chúng ta.”
Được và mất với hàng rào thuế quan
Tuy nhiên, hiệu quả của thuế quan trong việc tạo việc làm vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù một số công ty thép Mỹ đã mở lại nhà máy và tạo ra việc làm mới sau khi Trump áp đặt thuế quan đối với thép sản xuất ở nước ngoài, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bức tranh toàn cảnh lại không mấy khả quan.
Cụ thể, một số nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu của Tax Foundation và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung chỉ ra rằng nhìn chung, nền kinh tế Mỹ đã mất việc làm. Nguyên nhân được cho là do chính sách thuế quan của Trump và các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác, khiến hàng hóa và nông sản xuất khẩu của Mỹ bị áp thuế cao hơn.
Điển hình là nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tiết lộ rằng thuế quan năm 2018 của Trump đối với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Canada và Mexico đã gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho ngành nông nghiệp Mỹ.
“Từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2019, nghiên cứu này ước tính rằng thuế quan trả đũa đã gây ra sự sụt giảm hơn $27 tỷ (hoặc thiệt hại hàng năm là $13,2 tỷ) trong xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ,” nghiên cứu cho biết.
Các nhà kinh tế tại Viện CATO đã chỉ ra một hệ quả tiêu cực của chính sách thuế quan đi ngược lại với những vì ông Vance tuyên bố: người nộp thuế Mỹ phải gánh thêm từ $50 đến $80 tỷ mỗi năm do giá cả hàng hóa tăng.
“Người tiêu dùng Mỹ – cả doanh nghiệp và cá nhân – chứ không phải người nước ngoài, mới là người thực sự phải trả giá cho thuế quan”, các chuyên gia kết luận.
Điều này xảy ra bởi vì cơ chế hoạt động của thuế quan về cơ bản khiến người tiêu dùng Mỹ chịu gánh nặng chi phí. Cụ thể, khi Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chi phí thuế quan thường được trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của nhà nhập khẩu Mỹ. Mặc dù các công ty nước ngoài có thể chọn tự trả thuế quan hoặc giảm giá để duy trì sức cạnh tranh với hàng hóa sản xuất tại Mỹ, nhưng thông thường, chi phí này sẽ được chuyển từ nhà nhập khẩu sang người tiêu dùng Mỹ thông qua việc tăng giá bán.
Nói cách khác, sau khi một công ty nhập khẩu Mỹ trả thuế quan cho Bộ Tài Chính Hoa Kỳ, họ có thể quyết định tự chịu chi phí hoặc chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí cho người mua hàng, bao gồm cả nhà bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng.
Mặc dù tác động của thuế quan lên giá bán lẻ không đồng đều, ví dụ như một nghiên cứu năm 2019 cho thấy một số mặt hàng chịu ảnh hưởng từ thuế quan của Trump đã tăng giá mạnh, nhưng nhìn chung, giới chuyên gia đều đồng tình rằng thuế quan khiến giá cả một số mặt hàng tăng lên đối với người tiêu dùng.
Howard Gleckman, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings, khẳng định: “Ai đó ở Hoa Kỳ phải trả khoản thuế này. Nếu không phải người tiêu dùng thì sẽ là các công ty. Và nếu các công ty trả tiền, cuối cùng chi phí sẽ được gánh chịu, ở một mức độ nào đó, bởi người lao động.”
Theo Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ, việc ông Trump áp dụng thuế quan, đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ. Các khoản thuế quan này, nhắm vào gần $280 tỷ hàng hóa, đã khiến chi phí tiêu dùng tăng thêm hơn $51 tỷ mỗi năm.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Quỹ Tổng Thống Ronald Reagan xuất bản một bài viết có tựa đề “Liệu Đảng Cộng Hòa có còn là Đảng của thương mại tự do?” và kết luận rằng họ không phải, đặc biệt là sau khi Trump đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
CPTPP hoặc các hiệp định tương tự được thực hiện nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại trong khu vực. Mục tiêu chính của những hiệp định này là duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở Á châu, điều này được coi là một hàng rào chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại này giúp Hoa Kỳ củng cố mối quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn thương mại cao hơn và tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng hơn.
Ngoài ra, các hiệp định này cũng thường bao gồm các cam kết về bảo vệ quyền lợi lao động, bảo vệ môi trường, và các quy định về minh bạch trong thương mại, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế tham gia mà còn góp phần ổn định và phát triển kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Giờ đây, người dân Mỹ đã chuyển từ việc chấp nhận các khái niệm như “gần bờ” và “bạn bè” đối với các sản phẩm chuỗi cung ứng quan trọng như thuốc men và chip AI sang việc chọn người chiến thắng và kẻ thua cuộc trên khắp nền kinh tế. Đây là chính sách công nghiệp của những năm 1970, và sự khác biệt giữa cánh tả và cánh hữu về vấn đề này đã trở nên rất nhỏ.
Trong thời gian chờ đợi, hãy chuẩn bị tinh thần cho việc giá cả tăng cao hơn khi la bàn chính trị tiếp tục quay cuồng mất kiểm soát.