Đu “trend”: Cơm thừa canh cặn

Tối 7 Tháng Mười, mạng Facebook xôn xao trước một phóng sự của đài truyền hình VTV24 phản ánh về chất lượng bữa ăn trong 2 tuần học giáo dục quốc phòng của nhiều sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội. Bản tin tố cáo các suất cơm, canh đã được chuẩn bị sẵn trên bàn là cơm thừa từ các bữa ăn của một trung đội đã ăn trước đó khoảng 1 giờ. Các sinh viên trực có nhiệm vụ thu gom cơm thừa trong bát của từng bàn, trộn đều, đổ vào khay, sau đó nhân viên của nhà ăn đổ số cơm thừa này vào thùng đựng cơm chung và tiếp tục chia cho các đơn vị đến ăn sau. Điều đáng nói là mỗi sinh viên đều phải đóng tiền cơm trong thời gian đó là 85.000 đồng/ngày cho 3 bữa

Nhiều lời bình luận mỉa mai về chiến dịch tấn công người Việt hải ngoại của Ban Tuyên giáo CSVN chủ trương, gọi đó là thành phần đi theo “bơ thừa sữa cặn” của phương Tây. Nhưng bo thừa sữa cặn thì chưa chứng minh được, nhưng cơm thừa canh cặn cho thế hệ trẻ được đào tạo căm thù Mỹ, Ngụy… thì đã có thật. Bài viết của tác giả Nguyễn Thông cám cảnh, nhân sự kiện này,

Giáo dục xứ này lúc nào cũng có “chuyện”, kể cả khi nó yên bình nhất. Không bị ồn ào, sao có thể là nền giáo dục An Nam.

Vừa rồi um lên vụ cô giáo ở Sài Gòn, quên, TPHCM, quấy quả phụ huynh xin laptop, rồi vụ cô giáo ở thủ đô trong video. Thú thực, tôi chả quan tâm lắm. Đời mà. Nhưng tới vụ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (trước kia là trường, bây giờ là đại học, còn trên trường một bậc) tố phải ăn cơm thừa canh cặn, thì nhà cháu không đừng được.

Nhà cháu từng ăn cơm thừa canh cặn suốt thời niên thiếu đói nghèo, rồi cả thời sinh viên đầu thập niên 70, chả bao giờ tố ai, bởi thày bu anh chị cũng cùng ăn, thầy cô là các đấng bậc cũng phải ăn như vậy. Gặp thời thế thế thời phải thế. Không cằn nhằn, trách móc. Có ăn, dù thừa dù cặn, là may lắm rồi. Cả một thời, con người thân phận chỉ hơn con vật một tí.

Nhưng nghe câu thành ngữ “cơm thừa canh cặn” cũ kỹ lại chợt bâng khuâng nhớ câu thành ngữ khác, mới hơn, cũng về chuyện ăn, cũng bốn chữ, “bơ thừa sữa cặn”, nó ám vào dân tộc này hơn nửa thế kỷ, chứa bao nhiêu bi kịch, cười ra nước mắt.

Nhà cháu biên lại vài dòng cho đầy đủ hơn so với lần đã từng đưa lên.

Thành ngữ mới “bơ thừa sữa cặn’’

Gọi là thành ngữ mới bởi nó được dùng khá nhiều và khá lâu, rất phổ biến, trong một thời gian dài. Tất nhiên tác giả của nó là những người cộng sản ở miền Bắc.

Nhớ hồi những năm 60 – 70 ở miền Bắc, khoai còn chả đủ ăn, lấy đâu ra bơ sữa. Tôi sinh năm 1955, một năm sau khi miền Bắc được giải phóng khỏi người Pháp, thú thực mãi đến hơn 20 năm sau mới biết mặt mũi miếng bơ, do một người bạn đem từ miền Nam ra. Còn sữa, cũng chỉ nghe nói thì nhiều chứ chả mấy khi được uống. Có lúc chỉ mong mình bị ốm (bệnh) để được uống sữa. Với nông dân đặc sệt như tôi, bơ sữa là cái gì đó rất cao sang, mà cũng chả mơ được ăn uống nó bởi vì hiểu phận mình chỉ có khoai sắn làm bạn.

Nhưng đài báo nhà nước thì cho dân “ăn” bơ sữa thường xuyên, nhất là khi lên tiếng tố cáo chính quyền “ngụy” Sài Gòn. Họ gọi đó là bọn tay sai của đế quốc Mỹ, cam phận ăn “bơ thừa sữa cặn” để áp bức bóc lột đồng bào miền Nam, gây chiến tranh chia cắt đất nước. Theo cán bộ hồi đó giải thích, cũng như đọc trên báo Nhân Dân, ăn “bơ thừa sữa cặn” là ăn thứ người ta đổ đi, ăn hèn ăn nhục, bám đít đứa khác, chả khác gì con chó ăn sít. Thà đói khổ mà làm người cách mạng còn hơn sống kiếp “bơ thừa sữa cặn”. Nghe giải thích vậy, tự dưng thấy không thèm bơ sữa nữa. Đói cũng vinh quang. Thèm cũng tự hào.

Nhưng nếu chỉ cho kẻ thù ăn bơ thừa sữa cặn nhằm khinh bỉ nó thì cũng dễ hiểu, đằng này mấy bác lý luận cách mạng nhà ta gán cho dân chúng miền Nam luôn. Thời đó gần như ai cũng biết đời sống của người dân miền Nam cao hơn hẳn ở miền Bắc, lương thực dư thừa, hàng hóa dồi dào, nông thôn cũng như thành thị đại đa số dân chúng không bị đẩy vào cảnh đói kém, thiếu thốn, khốn cùng. Gia đình bà xã tôi ở nông thôn, trên một cù lao sông Tiền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, dù giao thông cách trở, đi lại khó khăn, vùng xôi đỗ (ngày thì chính quyền cộng hòa, đêm thì cộng sản), chiến tranh ác liệt như thế, nhưng ông anh vợ tôi bảo những năm tháng ấy chưa hề bị đói bao giờ. Tôm cá thịt thà chả bao giờ thiếu. Hàng hóa nhập khẩu ê hề, cứ thế giới có thứ gì thì miền Nam có thứ ấy. Bơ sữa chả là gì để phải thèm thuồng.

Tôi lại nhớ những đồng nghiệp vốn là giáo viên cũ từng đi dạy trước năm 1975, các anh kể từ giữa thập niên 1960 gia đình bình dân đã mua sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy; lương giáo viên chỉ tiết kiệm, dè sẻn ăn tiêu trong 2 tháng là mua được chiếc xe máy Honda dame 50 mới cứng. Hầu như thầy dạy trung học nào cũng sắm xe Vespa. Các giáo sư đại học thì diện xe hơi. Xe taxi đầy phố… Nghe anh tôi và các đồng nghiệp kể vậy, tôi sực nhớ cùng thời ấy “ngoài mình” chưa có khái niệm tivi tủ lạnh. Cơm còn chả đủ bỏ vào mồm, lấy đâu ra thứ đồ sinh hoạt mắc mỏ thế.

Lại sực nhớ những năm 1977-1978, trong các lớp học chính trị, cán bộ tuyên giáo lý luận đầy mình, hùng hồn chỉ ra cho những người như anh tôi và đám giáo viên thu dung, cơ hữu kia thấy rằng đó chỉ là thứ “phồn vinh giả tạo”, là dạng “bơ thừa sữa cặn” thôi. Trong tư thế của bên thắng cuộc, họ lặp lại y nguyên những gì mà bộ máy tuyên truyền cách mạng đã suốt bao năm nhét vào trí não tôi. Chỉ có điều, họ lừa được những người miền Nam ở lại chứ không lừa được chính chúng tôi, đám từ miền Bắc vào, bởi từng nhìn tận mắt sự khác nhau của hai cuộc sống, hai chế độ.

Một bên cơm thừa canh cặn thực, còn một bên bơ thừa sữa cặn giả (bởi ăn chả hết lấy đâu ra cặn).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: