Chuyện mẹ chồng nàng dâu, vấn đề muôn thuở

(Hình minh họa: Bence Halmosi/Unsplash)

Chuyện mẹ chồng, nàng dâu không chỉ có trong xã hội Việt Nam.

Ngày nay, mọi việc đã khác nhiều. Tuy vậy, mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu vẫn còn có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, mức độ, tùy vào văn hóa, tập tục và quan niệm sống của mỗi gia đình.

Ở Hoa Kỳ, nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon cũng cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến ly hôn.

Ngược lại, một nghiên cứu khác đăng trên Thư viện y khoa quốc gia Mỹ ghi nhận nhiều người dâu, rể rất coi trọng mối quan hệ với bố mẹ chồng, vợ và coi đó là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống hôn nhân của họ, nhất là các nàng dâu. Vì theo tâm lý chung, hai người phụ nữ (mẹ và vợ) cùng “chia sẻ” một người đàn ông sẽ dễ có những cạnh tranh về mặt tình cảm.

Thực tế, mối quan hệ lành mạnh của con dâu với gia đình chồng chính là nền tảng cho sự hòa hợp trong hôn nhân và hạnh phúc chung của gia đình.

Khi có sự tham gia của ông bà và các thành viên khác trong đại gia đình, trẻ em sẽ nhận được nhiều tình yêu thương, sự quan tâm và những quan điểm đa dạng hơn. Ông bà có thể đóng vai trò là tấm gương, người cố vấn, nguồn trí tuệ truyền thống, làm phong phú thêm sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, trẻ em được hưởng lợi từ việc quan sát những tương tác lành mạnh giữa cha mẹ và ông bà, học được những bài học quý giá về sự tôn trọng, giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.

Bên cạnh những điểm tích cực, quan hệ với nhà chồng cũng rất thường dẫn đến căng thẳng, hiểu lầm, mâu thuẫn giữa vợ chồng. Mâu thuẫn với nhà chồng rất dễ tạo ra căng thẳng trong hôn nhân. Xung đột xuất hiện, khi cha mẹ và con cái không tìm thấy tiếng nói chung trong mọi vấn đề từ quan điểm, truyền thống gia đình, tôn giáo, kỳ vọng. Sự can thiệp và những lời khuyên không được chào đón mà bố mẹ chồng cố gắng gửi đến cho cặp vợ chồng với ý muốn dù tốt đẹp, nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn.
Vì vậy, cả mẹ chồng và con dâu nên tự đặt ra những ranh giới của mỗi người và tôn trọng ranh giới đó.

– Bố mẹ chồng chỉ nên góp ý khi hai vợ chồng thực sự muốn nhận được sự cố vấn từ họ.

– Hãy thực sự coi hai vợ chồng là những người trưởng thành, tin tưởng và tôn trọng quyết định của họ về mọi lĩnh vực. Khi thấy những việc mà bạn biết rõ cần thiết lên tiếng, hãy hết sức tế nhị khi đưa ra lời khuyên.
– Hãy tôn trọng không gian riêng tư và nếp sinh hoạt cá nhân của họ.

Người con dâu cũng cần tế nhị, thông hiểu tâm lý của bố mẹ chồng.

Khi có con, người chồng thường dành nhiều thời gian hơn cho gia đình nhỏ của mình như giúp vợ việc nhà hay chăm con. Lúc này bà mẹ chồng dễ dàng cảm thấy “xót” cho con trai, đứa con mà bà nâng niu, chiều chuộng, từ bé đến lớn có phải đụng tay vào việc gì đâu mà bây giờ ngày nào ăn cơm xong cũng đứng rửa cả chậu bát đĩa, hì hục lau nhà, trong khi cô con dâu thì hún hớn dẫn con đi chơi.

Để tránh xung đột, hai vợ chồng cần thảo luận để biết chính xác những gì cả hai cần phải làm liên quan đến gia đình và con cái. Việc phân công công việc cụ thể cho cả hai mà không có sự can thiệp từ bên ngoài sẽ không thể tạo ra bất kỳ hiểu lầm và cảm giác khó chịu nào. Anh con trai cũng nên nói chuyện thẳng thắn với mẹ về việc này, rằng hai vợ chồng đã có “phân công cụ thể”, tránh để mẹ chồng can thiệp quá sâu vào công việc gia đình mình, nếu ở chung nhà.

– Đừng cạnh tranh với mẹ chồng
Bất kỳ bà mẹ nào cũng nghĩ họ hiểu và yêu con trai mình hơn bất kỳ ai trên đời. Đó là lý do tại sao khi có mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, bà mẹ sẽ ngay tắp lự đứng về phía con trai, và điều này hẳn là khiến người con dâu cảm thấy cô đơn, chán nản. Tuy nhiên, cô ấy nên hiểu tâm lý đó của bà mẹ chồng, và cách tốt nhất là ngay từ đầu cứ khuyến khích chồng dành nhiều thời gian cho bố mẹ chồng, làm cho họ yên tâm là mối quan hệ của con trai với mình không bị phai nhạt vì nàng dâu. Điều này tạo ấn tượng tốt cho mọi việc về sau.

– Đừng ngại từ chối
Con dâu nên học cách từ chối khéo léo khi không muốn mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của hai vợ chồng. Ví dụ, khi cặp vợ chồng ở riêng và sinh con, mẹ chồng muốn đến thăm cháu thường xuyên cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải bất cứ thời gian nào cũng là lý tưởng cho những cuộc viếng thăm. Con trẻ có những khung giờ sinh hoạt nhất định. Những chuyến thăm bất thình lình của bà sẽ khiến cuộc sống của trẻ bị xáo trộn. Hãy thẳng thắn nói rõ điều này với mẹ chồng.

Sẽ là tốt nhất nếu hai người bắt đầu cuộc trò chuyện và bạn giải thích cho mẹ chồng lý do tại sao không nên đến thăm bất cứ khi nào bà muốn. Dù quyết định thế nào, bạn cũng nên nói với mẹ chồng một cách khéo léo và thuyết phục. Đương nhiên, bà vẫn có thể phật lòng dù bạn nói khéo đến đâu, nhưng rồi bà sẽ hiểu và phải tôn trọng quyết định của bạn.

Cố gắng không kỳ vọng quá nhiều, dù bạn có những mong đợi về gia đình chồng nhưng khi bạn đưa ra những kỳ vọng không phù hợp, bạn sẽ gây rắc rối cho chính bản thân lẫn những người thân của chồng. Cần hiểu họ không thể là một gia đình có những điều kiện giống như chính gia đình bạn và không thể nào đáp ứng mọi mong muốn của bạn. Điều này hoàn toàn khác với việc đặt ra những kỳ vọng rõ ràng, hợp lý từ cả hai phía để được lắng nghe và tôn trọng.

Cuối cùng, trong mọi hoàn cảnh, bố mẹ chồng và con dâu chỉ cần đối xử chân thành và yêu thương, cho đi và sẽ nhận được chân thành và yêu thương.

(theo Marriage và nguồn tổng hợp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo