Tác giả “Người Em Xóm Đạo” rời cõi tạm ở tuổi 86

Nhạc sĩ Bằng Giang (Ảnh gia đình)

Tin buồn gửi đến mọi người yêu nhạc, nhạc sĩ Bằng Giang, tác giả của nhiều bài hát quen thuộc như Người Em Xóm Đạo, Lính Trận Miền Xa, Thành Phố Mưa Bay… đã từ giã cõi tạm, qua đời vào lúc 2 giờ sáng ngày 8 Tháng Mười 2024 tại nơi cư ngụ ở bang Georgia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.

Ca sĩ Chế Linh là một trong những nghệ sĩ chia buồn sớm nhất, ngay sau khi gia đình của nhạc sĩ Bằng Giang phát đi thông báo. Viết trên trang facebook của mình vào ngày 10 Tháng Mười, ca sĩ Chế Linh chia sẻ: “Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Bằng Giang vừa vĩnh viễn ra đi, để lại trong gia đình văn nghệ sĩ sự mất mát to lớn, trong lòng những người yêu nhạc bao thương tiếc. Ông đã để lại những ca khúc giá trị đi vào lòng người. Xin thông báo đến những thân hữu bạn bè thân thương”.

Ca sĩ Chế Linh ngoài việc trình bày thành công những sáng tác của nhạc sĩ Bằng Giang, ông còn là đồng tác giả với bút danh Tú Nhi, qua các tác phẩm như Bài Ca Kỷ Niệm, Đêm Buồn Tỉnh Lẻ…

Nhạc sĩ Bằng Giang tên thật là Trần Văn Khôi, sinh năm 1938 tại Đồng Nai. Từ nhỏ ông đã mê nhạc hơn học văn hóa nên có lúc đã bỏ học mà đến nhà thầy dạy nhạc ở.

Lớn lên ông tham gia văn nghệ cho các trại lính ở Biên Hoà, được người bà con là chủ hầm đá ở Bửu Long giúp đỡ cho ở cùng với người bạn Chế Linh. Hai sáng tác đầu tiên của ông đồng tác giả với Chế Linh là Đêm buồn tỉnh lẻBài ca kỷ niệm. Ngoài ra, ông còn có một số sáng tác riêng như Thành phố mưa bayNgười em xóm đạoNgười về đơn vị mới… Tổng cộng khoảng 50 tác phẩm viết trước và sau 1975.

Sau năm 1975, ông sang định cư tại Montréal, Canada. Tại đây ông tiếp tục sáng tác, phổ thơ của các nhà thơ như Thy Lệ Trang, Hoàng Ánh Nguyệt. Về sau, năm 1992, ông chuyển qua sinh sống ở Hoa Kỳ. Nhiều năm nay, sức khỏe không tốt nên ông không còn sáng tác và cũng gần như không tham gia sinh hoạt văn nghệ với cộng đồng.

Bài hát Người Em Xóm Đạo là một trong những bài hát nổi tiếng trước năm 1975, thường xuyên được phát trên đài phát thanh, và cũng được trình diễn nhiều nơi bởi các ca sĩ nổi tiếng. Bài hát này được nhạc sĩ Bằng Giang viết năm 1970 về một xóm đạo có thật của người Bắc di cư ở Đồng Nai. Câu chuyện tình không có đoạn kết mà nhạc sĩ Bằng Giang mô tả trong bài hát, là việc ông nhìn thấy một người con gái và đem lòng yêu thương nhưng mang tâm sự của một chàng thanh niên trong thời chiến bước ra chiến trường, không biết được ngày về nên mọi thứ chỉ là niềm thương nỗi nhớ đơn phương.

Một hôm tôi đến tìm em để từ giã lên đường
Gửi lại phố phường chuyện đôi mình thương
Mai xa cách ngàn phương.

Cuộc đời sương gió cʜiến cʜinh nơi miền xa
Qua những vùng xa lạ quá
Quê hương bao la những chiều đóng quân ven rừng
Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa.

Nhưng có ai đâu ngờ một chiều mưa lộng gió
Người em đã ra đi
Không nói lời biệt ly trường xưa giờ vắng bóng
Xóm đạo hết chờ mong.

Nội dung của bài Người Em Xóm Đạo là một phiên bản khác của miền Nam, tương tự như câu chuyện tình Màu Tím Hoa Sim mà nhà thơ Hữu Loan đã viết.

Mối tình ban đầu mới chỉ nhìn nhau qua ánh mắt nhưng rồi sau đó, khi quân giặc kéo về gây chết chóc, người con gái đã ra đi không lời từ biệt. Xóm đạo ấy đọng lại trong bài hát một ký ức đau buồn về những ngày tháng mà chiến tranh đã cướp đi tất cả những điều đẹp đẽ nhất của người miền Nam.

Với sáng tác cùng viết chung với nhạc sĩ Châu Kỳ (thường có bút danh thêm là Anh Châu), nhạc sĩ Bằng Giang đã tạo ra một tác phẩm quen thuộc đối với tất cả những người thanh niên bước vào quân ngũ của miền nam Việt Nam trước năm 1975: Lính Trận Miền Xa. Ca khúc này của nhạc sĩ Bằng Giang là một trong những bài hát tiêu biểu mô tả tâm trạng người lính Việt Nam Cộng Hòa buộc phải ra trận, và chỉ ước mong có một đời sống hòa bình để trở về với người yêu thương của mình. Chiến tranh là điều ập tới và họ phải đối diện vì tổ quốc và trách nhiệm, chứ không phải là điều mong muốn.

Tôi nơi biên trấn xa xăm, em phong kín khuê phòng
Tôi và em, đêm từng đêm dặn lòng xin chớ quên, hai đứa ở hai miền…

Tôi lính trận bưng biền, nguyện đem bình yên hiến quê nhà tôi luyến mến
Hỡi em yêu dịu hiền, lời thề khi mới quen đừng chóng lãng quên
Cuộc đời tôi lính chiến nhưng vẫn mộng về em.

Dòng văn nghệ vàng son của miền Nam tự do lại phải ngả mũ chào thêm một cái tên lớn của âm nhạc ra đi, để lại một di sản vẫn vang lên từng ngày ở mọi nơi.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: