Ký ca ký cóp cho cọp nó xơi

Người dân đẩy xe chết máy trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) sau cơn mưa lớn . (Hình: Tuổi Trẻ)

1.

Một cơn mưa lớn ập xuống, phố phường chìm trong biển nước. Một kênh youtube đăng video với tựa: “Sài Gòn thất thủ, mưa lớn kinh hoàng, đường biến thành sông.”

Thật ra chuyện Sài Gòn lụt lội đâu có gì mới. Mùa mưa nào chả thế. Đã gọi là “Thành phố Hồ Chứa Mưa” thì còn than nỗi gì. Nhiều người khen rằng nhờ qui hoạch mở đường, khai thông cống rãnh, chỉnh trang đô thị nên thành phố ta trở thành hồ nước đẹp mênh mang.

“Thành phố Hồ Chứa Mưa” nắng đi xe, mưa đi xuồng. Việt Nam mãi đỉnh. Có người hát: “Bao năm giải phóng như thế này, phải không em,” rồi chê chủ kênh youtube đặt tựa chưa đúng. Phải sửa lại là: “TPHCM thất thủ…” mới đúng. Bởi Sài Gòn ngày xưa làm gì có chuyện ngập thê thảm như bây giờ.

Mà đâu chỉ TPHCM mưa là ngập. Nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng hễ mưa là ngập. Có nơi ngập từ ngoài đường, ngập vào trong nhà. Vợ chồng hè nhau tát nước nên tình nghĩa mặn nồng. Vậy đợi gì mà không hát: “Mùa mưa này về trên quê ta, khắp đất trời nước ngập bao la…”

2.

Cụ Vương Hồng Sển vốn là một nhà sưu tầm đồ cổ có tiếng.

Giá trị bộ sưu tập đồ cổ của cụ Vương được giới sưu tầm đánh giá vài triệu đôla. Thuở cụ còn sống, nhiều người hỏi mua cổ vật của cụ nhưng cụ không bán.

Cụ Vương có một người con trai nhưng tính nết hư hỏng nên trước khi mất, cụ Vương quyết định hiến tặng bộ sưu tập của mình cho nhà nước. Lúc đó không ít người khen việc cụ Vương hiến cho nhà nước bộ sưu tập quí giá là một quyết định khôn ngoan. Song thực tế lại rất phủ phàng. Mới đây, một cán bộ ngành văn hóa cho hay nhiều món trong bộ sưu tập của cụ Vương đã không cánh mà bay. Không nói ra thì ai cũng biết tại sao mà bay, dẫu không có cánh.

Nghĩ mà buồn, cụ Vương cả đời tốn bao công sức mới có được những cổ vật đầy giá trị. Vậy mà…

Rõ là ký ca ký cóp cho cọp nó xơi!

Cụ Vương Hồng Sển. (Hình: Wikipedia.org)

3.

Sợ chết đứng là vì cây không ngay!

Về việc bỏ qui định người dân được giám sát qua ghi âm, ghi hình, Cục CSGT (Bộ Công An VN) cho rằng là để tránh kẻ xấu lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình đưa lên mạng xã hội, và để không gây ảnh hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Rất nhiều ý kiến của người dân phản đối việc này. Vì nếu đúng như lời giải thích của Cục CSGT, thì Bộ CA chỉ cần cấm đăng lên các mạng xã hội, chứ sao lại cấm quay phim, chụp hình. Quang minh, chính đại thì việc gì mà phải cấm?

Vả lại, ai sử dụng sai hình ảnh thì cứ xử lý người đó. Pháp luật đã có qui định về việc này. Bộ CA không nên đánh đồng với những người sai rồi làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của nhân dân. Công dân được phép làm những điều pháp luật không cấm. CSGT cứ làm đúng luật thì sợ gì bị dân ghi hình. Nếu không cho dân ghi hình thì dân lấy gì làm bằng chứng để tố cáo những việc làm sai qui định của CSGT?

Dân cho rằng nếu CSGT làm đúng luật mà được ghi hình đăng lên mạng thì dân càng khâm phục. Có sao lại sợ? Nhà nước luôn nói “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Cấm dân ghi hình CSGT làm nhiệm vụ thì dân kiểm tra kiểu gì đây? Và thế nào là “không gây ảnh hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ?” Dân quay phim, ghi hình thì ảnh hưởng gì tới CSGT làm nhiệm vụ?

Cây ngay không sợ chết đứng. Sợ chết đứng là vì cây không ngay!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: