Chính sự Việt Nam mấy năm trở lại đây trở nên ngột ngạt, ngày nào cũng có quan chức Cộng sản bị bắt, ngày nào cũng có kẻ bị kỷ luật. Càng bắt, càng kỷ luật, thì càng khui ra nhiều quan chức to cùng với những vụ án lớn.
Quan chức bị bắt nhiều đến nỗi người dân… chán, vì chẳng thấy thay đổi gì. Và cũng khá nhiều người quan tâm cho dù bản thân chẳng nhận lợi lộc, nhưng thích hóng chuyện cung đình với những màn đấu đá nội bộ, thích xem ai “vào lò” lấy làm hả dạ như thể thấy kẻ thù bị trả giá. Cứ thế, câu chuyện nhà cầm quyền CSVN chống tham nhũng luôn là đề tài “nóng” được dư luận quan tâm đem ra bàn tán, mổ xẻ, tranh luận…
Hôm 17 Tháng Mười, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tại quê nhà Hưng Yên, Tổng Bí Thư- Chủ Tịch Nước Tô Lâm có bài phát biểu và kêu gọi tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.
Trước đó vào ngày 11 Tháng Mười, tại buổi tọa đàm bàn về giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP.HCM, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát TP.HCM Ngô Phạm Việt đề xuất: “Trong trường hợp tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản mà không có ý định khắc phục, Viện sẽ đề xuất khởi tố tội rửa tiền.”
Phát biểu của ông Lâm hay đề xuất của ông Việt chí ít cũng đánh động vào tâm lý của người dân Việt. Một là, thể hiện sự quyết tâm truy đến cùng tội phạm tham nhũng mà nhà cầm quyền CSVN đang muốn cho người dân Việt nghe và thấy. Hai là, thể hiện công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng khởi nguồn từ thời cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tới thời ông Tô Lâm, chứ chưa tắt, thậm chí là quyết liệt hơn. Ba là, việc khởi tố thêm tội rửa tiền đối với tội phạm tham nhũng có hành vi tẩu tán tài sản, không có ý khắc phục được coi là một giải pháp sáng tạo trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Hai phát biểu ở hai nơi nhưng lại chung một tiến trình, đó là tiến trình chống tham nhũng ở Việt Nam dự kiến thời gian tới có thêm bước tiến mới đẩy mạnh chống thất thoát.
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Còn hành vi rửa tiền, Khoản 1 Điều 4 Luật phòng chống rửa tiền 2012 định nghĩa đây là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Và tẩu tán tài sản được hiểu là hành vi xác lập các giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba.
Những hành vi trên được quy định rõ ràng trong luật phòng chống Tham nhũng và luật phòng chống rửa tiền của Việt Nam, thể hiện trong các vụ án hay đại án tham nhũng đã và đang xảy ra ở Việt Nam, tội phạm tham nhũng thường gắn liền với hành vi tẩu tán tài sản hoặc rửa tiền. Họ thường dùng chiêu trò lách luật để chiếm đoạt tài sản rồi sau đó đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào các kênh tài chính, chuyển tài sản vào tài khoản người thân hoặc tiêu sài cá nhân… và khi bị phanh phui, cơ quan chức năng rất khó thu hồi đủ số tài sản tham nhũng, thất thoát.
Ví dụ như vào năm 2018, vụ án liên quan đến sai phạm đất đai tại TP.Đà Nẵng, do Phan Văn Anh Vũ, một mafia ở Đà Nẵng cấu kết với hai cựu Chủ Tịch Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng với số đồng phạm khác gây thất thoát ngân sách nhà nước đến mấy ngàn tỷ đồng. Bản án đã thi hành được mấy năm qua, nhưng đến nay cơ quan chức năng mới thu hồi được 5.3 tỷ VNĐ.
Hay trước đó là vụ án xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam vào năm 2017, do ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng và đồng phạm gây ra, tổng số tiền bồi thường là 785 tỷ VNĐ, trong đó tính riêng của ông Thăng là 600 tỷ VNĐ. Đến nay ông Thăng mới thi hành khoảng 5 tỷ, lý do đưa ra là không có tiền, nên không đủ khả năng bồi thường.
Hoặc gần đây nhất là đại án bê bối kinh tế, tham nhũng Vạn Thịnh Phát- Trương Mỹ Lan, bản án sơ thẩm Tòa Án TP.HCH tuyên phạt các bị cáo, các tổ chức liên quan phải nộp khoản tiền sai phạm là 673,800 tỷ VNĐ. Các bị cáo đã nộp lại hơn 11,000 tỷ VNĐ, hơn 1,000 lượng vàng SJC cho cơ quan chức năng nhưng nhìn lại cũng chẳng đáng bao nhiêu so với số tiền bị buộc phải nộp. Số tiền còn lại được cho là rất khó để cơ quan chức năng thu hồi nếu không nói là không thể thu hồi bởi nó đã được các bị cáo tẩu tán hết.
Do đó, công cuộc tiếp tục “đốt lò”chống tham nhũng thời Tô Lâm, với đề xuất khỏi tố thêm tội rửa tiền đối với tội phạm tham nhũng “cứng đầu” tẩu tán tài sản, không có ý khắc phục, là điều cần thiết, làm được sẽ rất tốt, nên sớm làm, chắc chắn được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Thể hiện đi cùng với chống tham nhũng là thu hồi tài sản tham nhũng, làm giảm thất thoát ngân sách và bảo vệ tính răn đe của pháp luật.
Ở chiều ngược lại, người dân không đồng tình cũng không được, bởi công cuộc chống tham nhũng có như thế nào vẫn do nhà cầm quyền quyết định, người dân chỉ là nạn nhân và tội phạm tham nhũng thì ai cũng biết đó là những đảng viên có chức có quyền thuộc giới cầm quyền, quyền càng cao chức càng trọng thì tham nhũng càng lớn càng nguy hiểm.
Họ sẽ có những động thái cản trở, biến lời nói hay nhưng làm không được bao nhiêu. Có vụ án mà đường đi nước bước của tội phạm thể hiện rất rõ ràng ở bản cáo trạng và ai ai cũng thấy cần phải xử lý đúng theo luật phòng chống tham nhũng hoặc luật phòng chống rửa tiền nhưng cơ quan điều tra, hội đồng xét xử các cấp ở Việt Nam né tránh, e ngại đụng trạm nên không dám mạnh tay xử lý triệt để, làm ngơ bỏ lọt tội.
Nhớ lại vụ án cựu đại biểu Quốc Hội TP.Hà Nội – bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 377 tỷ VNĐ của khoảng 700 khách hàng xảy ra tại công ty Cổ Phần Tập Đoàn Đầu Tư Xây Dựng Nhà Đất-Housing Group, khởi tố vào năm 2015.
Trải qua hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, vào Tháng Mười năm 2017, bà Nga bị tuyên bản án tù chung thân, bị buộc phải bồi thường 54 tỷ VNĐ cho hàng trăm người bị hại. Tuy nhiên, bà Nga cũng như nhiều đồng phạm khác từ chối khoản phạt bồi thường. Quá trình điều tra sai phạm, Bộ Công An Việt Nam cho biết, bà Nga dùng phần lớn số tiền lừa đảo chiếm đoạt chi cho mục đích cá nhân gia đình, hợp tác sản xuất phim ảnh, làm từ thiện, mua cổ phần công ty, góp vốn đầu tư bất động sản…
Ngoài ra, tại phiên xử phúc thẩm vào Tháng Mười năm 2017, bà Nga hai lần khai báo đã dùng $1.5 triệu để “chạy” chiếc ghế đại biểu Quốc Hội. Bà Nga có hành vi tẩu tán tài sản hay không? Hoặc có nên khởi tố thêm tội “rửa tiền” hay không, đến nay vẫn chưa thấy cơ quan điều tra-tố tụng xem xét.
Thế mới thấy rằng, phát biểu của ông Tô Lâm hay đề xuất của Viện Kiểm Sát TP.HCM cũng chỉ mới “nói” mà thôi. Để xem họ “nói” mà có “làm” không.