Cách xoay xở của người điều hành một lúc hai công ty tỷ đô

(Hình minh họa: Headway/Unsplash)

Một công việc toàn thời gian đã khó khăn lắm rồi, nói chi hai việc.

Điều đó lại bình thường đối với Jyoti Bansal, 46 tuổi, người sáng lập và giám đốc điều hành hiện tại của hai công ty khởi nghiệp software thành công: Harness, được thành lập vào năm 2017 và gần đây nhất được định giá $3.7 tỷ vào năm 2022, và Traceable, ra mắt vào năm 2019 và được định giá $500 triệu vào Tháng Năm.

Những người sáng lập công ty khởi nghiệp vốn đã có nguy cơ cao bị kiệt sức và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, một phần do công việc căng thẳng của họ và sự không chắc chắn về thành công của các doanh nghiệp mới. Vậy Bansal xoay xở thế nào để duy trì sức khỏe và năng suất trong khi điều hành hai công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng?

Anh may mắn là đã có kinh nghiệm với một công ty thành công trước đây. Vào năm 2017, anh bán công ty khởi nghiệp software đầu tiên của mình, AppDynamics, cho Cisco với giá $3.7 tỷ.

Tuy nhiên, Bansal, người đồng sáng lập và đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Unusual Ventures, nói với CNBC Make It rằng bí quyết để anh điều hành hai doanh nghiệp cùng lúc thực ra lại đơn giản đến mức khó tin: Đừng cố gắng làm nhiều việc cùng lúc.

“Mọi người cứ nghĩ khi tôi một ‘nách’ giữ vai trò giám đốc điều hành của hai công ty cùng một lúc, chắc tôi… thở không nổi, và giỏi giang lắm,vì phải làm nhiều việc, thật ra họ nghĩ sai hết rồi,” Bansal nói.

Khi mới bắt đầu làm doanh nhân tại AppDynamics, Bansal thường để bản thân bị phân tâm khi cố gắng làm quá nhiều việc cùng lúc. Anh kể khi đó, anh từng phải liên tục họp, gọi điện thoại, kiểm tra email và tin nhắn.

Cuối cùng anh nhận ra rằng nếu làm nhiều việc cùng lúc, mọi thứ sẽ bị chậm lại, và anh sẽ đưa ra những quyết định… chẳng đâu vào đâu.

Nghiên cứu cho thấy não hoạt động tốt hơn khi bạn tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm.

Khi Bansal nhận ra rằng làm nhiều việc cùng lúc không có ích, anh thay đổi phương cách. Anh làm việc hiệu quả hơn nhiều khi thực hiện một việc trong khoảng thời gian 30 phút hoặc 1 tiếng. Nhờ thế anh làm được nhiều việc, nhưng không phải cùng một lúc.

Hiện nay, Bansal chia thời gian của mình giữa hai công ty bằng cách đánh dấu các khoảng thời gian mà anh chỉ làm việc trên một nhiệm vụ hoặc dự án từ một trong hai doanh nghiệp tại một thời điểm. Điều này mang lại lợi ích thúc đẩy năng suất mà không lâm vào tình trạng kiệt sức, trong đó quan trọng là phải nghỉ giải lao sau vài tiếng làm việc.

Thay vì cố gắng làm “hai việc cùng một lúc” và dẫn đến kết quả không tối ưu, Bansal hiện dành 30 phút làm việc với các kỹ sư về các vấn đề kỹ thuật mà anh quan tâm. Trong 30 phút tiếp theo, anh ở cùng các nhà đầu tư và tham gia vào một thứ gì đó ở cấp độ kinh doanh cao hơn nhiều. 30 phút kế tiếp, trò chuyện với khách hàng.

Những nhà lãnh đạo cấp cao khác, từ giám đốc điều hành Whole Foods Market Jason Buechel đến giám đốc điều hành Goldman Sachs Shekhinah Bass, đều sử dụng phương pháp chặn thời gian để tăng hiệu quả công việc, tránh bị bù đầu bù cổ vì lịch trình dày đặc và danh sách những việc cần làm dài dằng dặc.

Khi quyết định cách ưu tiên các khối 30 phút đó, chiến lược của Bansal là tập trung vào những gì anh có khả năng hoàn thành một cách có ý nghĩa, bằng cách quản lý thời gian.

Anh tự hỏi: “Nếu tôi không dành thời gian cho một việc gì đó, thì liệu có tác động theo hướng này hay hướng khác, tiêu cực hay tích cực không?” Nếu câu trả lời là “Không,” Bansal thường cảm thấy thoải mái khi giao phó trách nhiệm đó cho một nhân viên cấp cao khác để anh có thể tập trung vào một việc cấp bách hơn.

Theo các chuyên gia lãnh đạo, giao phó được xem như một công cụ quan trọng đối với các nhà quản lý muốn tăng hiệu quả và năng suất. Đó cũng là lý do tại sao Bansal tôn vinh tầm quan trọng của các cộng sự mà anh tin tưởng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: