Tô Lâm truy nã ‘mắt xích quan trọng trong cuộc chiến quyền lực’

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch HĐQT Công ty AIC. (Hình: Tuoitre)

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch AIC, đang đối diện với vòng xoáy pháp lý, liên tiếp bị truy nã và kết án vắng mặt trong nhiều vụ án gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đầu Tháng Mười năm nay, bà Nhàn bị truy nã vì liên quan đến vụ án tại Trung Tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Máy Tính Việt Nam với cáo buộc vi phạm quy định đấu thầu, Bộ Luật Hình Sự, gây thiệt hại lớn cho ngân sách.

Từ ngày 29 đến 31 Tháng Mười, Tòa Án tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Sở Y Tế Bắc Ninh và Công ty AIC mà tiếp tục vắng mặt bà Nhàn. Đây là lần thứ tư, các tòa án của nhà cầm quyền xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch AIC. Dù 4 lần bị tòa kết án, bà Nhàn vẫn không phải thụ án tù ngày nào, bởi bà đã cao chạy xa bay từ lâu.

Trước đó, bà đã bị tuyên 24 năm tù (12 năm cho tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 12 năm cho tội “Đưa hối lộ”) trong vụ án tại Trung tâm Công Nghệ Sinh Học TP.HCM, gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng.

Bà cũng nhận thêm 40 năm tù, bao gồm 30 năm trong vụ án tại Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai và 10 năm trong vụ án tại Bệnh Viện Sản Nhi Quảng Ninh, với các tội danh tương tự.

Tổng cộng, bà Nhàn đã bị tuyên 64 năm tù trong bốn vụ án, tất cả đều liên quan đến thao túng đấu thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hiện nay không có thông tin bà Nhàn đang ở đâu, nhưng theo báo Haaretz của Israel, bà Nhàn đã tới Châu Âu từ 2021.

Trước đó, vào cuối Tháng Chín xuất hiện thông tin về Công An Việt Nam đang lập kế hoạch xâm nhập vào Châu Âu và thực hiện việc bắt cóc bà Nhàn về Việt Nam “tự thú,” tương tự trường hợp Trịnh Xuân Thanh trước đây.

Công luận đang đặt câu hỏi về mục đích thực sự của việc ông Tô Lâm tiếp tục ra lệnh truy nã bà Nhàn. Liệu động thái này có liên quan đến cuộc chiến quyền lực chính trị của ông với phe quân đội và Thủ Tướng Phạm Minh Chính?

Mắt xích quan trọng trong cuộc chiến quyền lực?

Nhà báo Yossi Melman của Haaretz cho biết, bà Nhàn là một nhân vật quan trọng, giữ vai trò môi giới trong nhiều thương vụ mua bán vũ khí và thiết bị cho công an Việt Nam trong hơn 10 năm.

Trong 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu vũ khí quan trọng của Israel, minh chứng là thỏa thuận hợp tác an ninh ký kết năm 2011 và chuyến thăm của một quan chức cấp cao Israel cách đây 3 năm.

Haaretz cho biết giá trị các thương vụ vũ khí giữa hai nước đã vượt quá một tỷ đôla. Nổi bật trong số đó là thương vụ mà công ty IAI của Israel đang đàm phán để bán thiết bị vệ tinh tình báo Ofek (Horizon) cho tình báo quân đội Việt Nam, trị giá khoảng $550 triệu.

Tác giả Yossi Melman cho biết Israel đã cung cấp cho Việt Nam nhiều loại vũ khí, bao gồm máy bay không người lái, hệ thống phòng không, nâng cấp xe tăng và tên lửa. Thậm chí, một công ty Israel còn xây dựng nhà máy tại Việt Nam để lắp ráp súng trường Tavor trị giá $100 triệu.

Bà Nhàn chính là cầu nối giữa IAI và Việt Nam thông qua đại diện của bà tại Israel, Haya Meshel, trong giai đoạn 2018-2019. IAI sau đó gửi thư đề nghị chính thức tới Hà Nội.

Bên cạnh IAI, hai hãng Airbus và Thales của Pháp cũng cạnh tranh trong thương vụ này, tuy nhiên, thiết bị của IAI được chính phủ Israel hậu thuẫn mạnh mẽ hơn.

Theo Intelligent Online, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời quyết định chọn thiết bị của IAI. Thủ Tướng Phạm Minh Chính, người chịu trách nhiệm chính về dự án, sau đó trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Israel Naftali Bennett.

Năm 2020, Intelligent Online đưa tin về việc bà Nhàn có liên quan đến các thương vụ vũ khí giữa Việt Nam và Israel, đồng thời nêu nghi vấn tham nhũng. Tác giả Yossi Melman dẫn lời một nguồn tin tại Việt Nam cho rằng nguyên nhân thực sự dẫn đến việc bà Nhàn bị truy nã, chính là do các thỏa thuận mua bán vũ khí này. Nguồn tin này cho biết gốc rễ của vụ việc nằm ở cuộc cạnh tranh quyền lực nội bộ giữa Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Trưởng Công An Tô Lâm (lúc bấy giờ).

Tổng Cục Tình Báo – “Boong-ke” an toàn cho Chính và Giang?

Có thể với vai trò của mình, bà Nhàn đang nắm giữ nhiều bí mật liên quan đến các hợp đồng mua sắm vũ khí của Bộ Quốc Phòng với đương kim Thủ Tướng Phạm Minh Chính. Đây đều là những thông tin tuyệt mật và ngoài tầm kiểm soát của Bộ Công An.

Vì thế,  trường hợp bà Nhàn sẽ khác với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nếu thực sự bà Nhàn đang được phe quân đội và Phạm Minh Chính bảo vệ, đồng thời ngăn cản Tô Lâm truy tìm.

Với chức năng phụ trách an ninh tình báo ở nước ngoài, Tổng Cục Tình Báo (Tổng Cục 2) trực thuộc Bộ Quốc Phòng có thể đang đóng vai trò hỗ trợ bảo vệ và giám sát bà Nhàn lẩn trốn tại Châu Âu.

Ngoài ra, vì là cơ quan tình báo quân đội nên Tổng Cục 2 có khả năng không chỉ nắm giữ bí mật của Phan Văn Giang và Phạm Minh Chính mà còn lưu trữ hồ sơ của nhiều tướng lĩnh khác. Vì thế, bảo vệ Tổng Cục 2 cũng chính là tạo thành một mạng lưới bảo vệ lẫn nhau của phe đối đầu Tô Lâm.

Khi còn sống và giữ chức bí thư Quân Ủy Trung Ương, ông Trọng không thể can thiệp và thay thế “người gác đền” của Tổng Cục 2 là Trung Tướng Phạm Ngọc Hùng, người giữ chức vụ này suốt 10 năm, bất chấp việc đã quá tuổi nghỉ hưu 4 năm.

Điều này cho thấy quyền lực của bí thư Quân Ủy Trung Ương trong quân đội cũng có giới hạn.

Nhưng khác với người tiền nhiệm, ông Tô Lâm có đồng minh chân rết của mình trong Bộ Quốc Phòng gồm hai tướng lĩnh quân đội thuộc phe Hưng Yên là Thượng Tướng Hoàng Xuân Chiến, ủy viên Trung Ương Đảng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; và Trung Tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân Khu 1, khiến ảnh hưởng của ông Lâm trong quân đội được tăng cường đáng kể.

Khi còn tại vị bộ trưởng Công An, ông Lâm không đủ khả năng để can thiệp vào Tổng Cục Tình Báo. Nhưng nay, với vị trí bí thư Quân Ủy Trung Ương, ông có đủ quyền hạn để tác động đến Bộ Quốc Phòng, tạo điều kiện cho ông hậu thuẫn hai vị tướng phe Hưng Yên nhằm thách thức vị trí của Phan Văn Giang và giúp ông kiểm soát Tổng Cục 2, nơi nắm giữ kho dữ liệu tình báo đầy nhạy cảm của cơ quan này.

Mục tiêu cuối cùng của ông Lâm là củng cố quyền lực và tạo lợi thế trong cuộc cạnh tranh chính trị với Phan Văn Giang và Phạm Minh Chính – điều mà ông Trọng chưa làm được.

Vì thế, ông Giang đang phải đối mặt với bài toán nan giải: làm thế nào để hóa giải sức mạnh của ông Lâm trong Bộ Quốc Phòng. Nếu thất bại, ông Giang có thể mất tất cả, thậm chí có nguy cơ kéo theo cả chiếc ghế yhủ tướng của ông Chính.

Ông Lâm đã và đang triển khai mọi chiến lược loại bỏ các chướng ngại vật cả trước khi giành được quyền lực tối cao. Ông tấn công ông Chính trước ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai.

Tuy nhiên, ông Chính dường như vẫn đứng vững nhờ “boong-ke” Tổng Cục 2, nơi bảo vệ ông và ông Giang.

Ông Phạm Ngọc Hùng là lá chắn vững chắc cho cặp Giang – Chính và những bí mật của phe quân đội. Không ai bảo vệ thông tin mật của Tổng Cục 2 tốt hơn ông Hùng. Nhưng ông cũng không phải là không có điểm yếu chí mạng mà ông Lâm có thể khai thác, đó chính là tuổi tác.

Theo quy định, ông Hùng đã quá tuổi nghỉ hưu từ 4 năm trước, điều này đồng nghĩa với việc ông có thể bị thay thế bất cứ lúc nào nếu ông Lâm muốn.

Việc thay “người gác đền” này sẽ giúp Tô Lâm dễ dàng tiếp cận các bí mật của Tổng Cục 2 và tạo lợi thế trong cuộc đấu đá quyền lực với ông Giang và ông Chính, tiến tới hiện thực nhất thể hóa chính quyền một lần nữa dưới trướng ông sau kỳ Đại Hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: