Chuyện Đông Lào: Chán không buồn nói!

Nhóm người hát rong xin tiền từ thiện ở khu vực ngã tư Trường Chinh – Tôn Thất Tùng trưa ngày 16 Tháng Mười. (Hình: Gia Khiêm/Dân Việt)

1.

Mấy hôm nay người dân xứ Đông Lào xôn xao bàn tán về việc ông chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: thủ đô không có người ăn xin, người vô gia cư.

Người ta vừa bàn tán vừa cười cái “khẳng định” của “đồng chí chủ tịch.” Cười là vì thấy “đồng chí” này ngây thơ quá đi thôi. Bởi chỉ cần cỡi xe máy chạy hết các con đường trong nội thành là thấy rõ ngay. Chỉ ngõ chợ Khâm Thiên tối nào chẳng có người ăn xin và vô gia cư ngủ trước cửa nhà dân.

Không ít kẻ là ăn xin giả. Nhưng giả hay thật thì vẫn là ăn xin. “Đồng chí chủ tịch” chịu khó vi hành là thấy, chứ ngồi ì trong phòng máy lạnh thì làm sao thấy, rồi đâm ra hoang tưởng.

Nếu bảo Hà Nội ít người ăn xin và người vô gia cư thì còn tin được, chứ nói không có thì ma nó tin. Trên tivi, trên báo có thể không có, chứ ngoài đường thì đầy ra đấy. Nhắm mắt cũng thấy. Tất nhiên ai cũng muốn thủ đô xanh, sạch, đẹp, không có người ăn xin hay người vô gia cư. Nhưng muốn là một chuyện, còn thực tế là một chuyện khác.

Có người cho rằng “đồng chí chủ tịch” Trần Sỹ Thanh từ trên trời rơi xuống nên mới phán như vậy. Nhưng lại có nhiều người tin, rằng đồng chí ấy từ dưới cống chui lên.

2.

Sư Minh Tuệ từng nói: “Nếu có ai nói xấu con thì con mong họ thành Phật. Họ thành Phật rồi, họ sẽ từ bi hỉ xả. Khi đó họ không nói xấu con nữa.”

Thật là những lời nói đi vào lòng người. Chỉ những người có trái tim cao cả mới nói được như vậy. Con người ta chỉ cần học được một phần nhỏ cái phẩm hạnh của sư Minh Tuệ thì thế gian sẽ không còn ai làm những việc xấu xa. Mọi người sẽ sống trong hòa bình và thương yêu nhau.

Ngay những kẻ có bằng tiến sĩ Phật học như sư quốc doanh Thích Nhật Từ cũng không thể nói được như vậy. Thích Nhật Từ từng bảo sư Minh Tuệ chưa giác ngộ. Mong rằng những lời cao cả trên của sư Minh Tuệ sẽ giúp giác ngộ Thích Nhật Từ!

3.

Ở Việt Nam, báo Dân Trí vừa qua có một loạt bài viết về thực trạng đáng buồn của giới nghệ sĩ Tuồng, Chèo và Cải Lương.

Đó là các bài:

“Nghệ sĩ Chèo ở gác xép, đi diễn cắp theo con, cát-sê không đủ mua phở”

“Ở nhờ nhà 15m2, đi vệ sinh chung, nghệ sĩ Tuồng vẫn hết mình với đam mê”

“Nhà hát Cải Lương xuống cấp, tường bong tróc, nghệ sĩ không có thưởng Tết”

Thật ra thực trạng này, báo không nói ra thì ai cũng biết. Bao nhiêu năm rồi đời vẫn loanh quanh. Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, dù đảng luôn mồm nói mình chăm lo cho anh em nghệ sĩ.

Thôi thì đảng “no,” dân khỏi “no.” Trót làm nghệ sĩ sân khấu xứ Đông Lào thì phải chấp nhận chuyện ở nhà trọ chật hẹp, không có tiền cho con mua nắm xôi ăn sáng. Dẫu sao có chút an ủi cho họ là nghèo thì có nghèo, nhưng trên sân khấu vẫn được đóng vai ông hoàng, bà chúa.

Sướng quá còn gì!

4.

Sư quốc doanh Thích Chân Quang sau khi được Đại học Luật Hà Nội trao bằng tiến sĩ luật, bỗng lòi ra ông ta chưa có bằng tú tài.

Thật ra chuyện bằng cấp dỏm ở Việt Nam đã là chuyện… xưa rồi Diễm. Chẳng có gì mới cả, ai ai cũng biết. Vụ vi phạm của Đại học Đông Đô năm nào chỉ là một trường hợp cho thấy việc sử dụng bằng giả khá là trầm trọng ở Việt Nam hiện nay. Vấn đề là ngay cả khi là bằng thật đi nữa thì cái sự “học giả” cũng khiến nhiều người lo ngại chuyện bằng cấp. Tới giờ này người ta thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại chuyện ông Thủ Niễng, tiếng là có bằng B tiếng Anh, nhưng lại phát âm “Ma-dê In Việt Nam” có chết không cơ chứ!

Có ý kiến rất đúng rằng cái gì giả cũng đáng sợ, nhưng bằng cấp giả còn đáng sợ gấp nhiều lần. Bởi một kẻ dám dùng bằng giả để mưu cầu lợi ích thật thì họ sẵn sàng bán rẻ mọi giá trị khác.

Tình trạng bằng cấp giả ở Việt Nam sẽ kéo dài tới bao giờ và có triệt tiêu được hay không? Đây quả là câu hỏi khó trả lời. Nghĩ cho cùng, bằng cấp giả phù hợp với một nhà nước giả!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: