Nhận xét về bài thơ “Vết xe trâu” của nhà thơ Kiên Giang, Nghệ Sĩ Viễn Châu viết: “Tuổi thơ của Kiên Giang gắn liền với đồng áng, với giếng nước, bờ tre, ruộng lúa nên vết xe trâu chính là những lát cắt thân phận đậm chất nhà quê đi vào thơ ca, sân khấu bằng ngòi bút mẫn cảm của ông. Và trên hết, bàng bạc trong tác phẩm của ông là thân phận con người, tình người, tình yêu quê hương và lòng chung thủy.”
Còn nhà văn Sơn Nam, người được mệnh danh là “Ông già Nam bộ” nhận xét về người bạn đồng hương của mình là: “ Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi… Kiên Giang đã để lại cho đời những câu thơ tuyệt vời mà nhiều nhà nghiên cứu cứ ngỡ là… ca dao Nam bộ”
Thật vậy, nhà thơ Kiên Giang nổi tiếng trên Thi đàn miền Nam từ những năm 1955, 1956 với bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” (Được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc rất nổi tiếng) ăn sâu vào tiềm thức hầu hết những người yêu thơ ở miền Nam thời bấy giờ. Bài thơ với giai thoại về người bạn học nữ xinh đẹp tại ngôi trường Trung học tư thục Nam Hưng ở Cần Thơ (năm 1944), mà sau này gần cuối đời thi sĩ mới thổ lộ… Đó là một bài thơ rất mộc mạc, giản dị nhưng cũng hết sức “diễm tình” theo nhiều nhà phê bình đã nhận định. Song dấu ấn suốt một đời thơ của ông lại chính là những câu chữ “rặt ròng” Nam bộ, mà nhà văn Sơn Nam gọi là “Chân quê Nam Bộ” (Sơn Nam còn khẳng định, mặc dầu Thi Sĩ Kiên Giang với Thi Sĩ Nguyễn Bính là anh em kết nghĩa, cao hơn là tình thầy trò, do vậy, có lúc người ta lầm tưởng bài thơ “Tiền và lá” của Kiên Giang là Nguyễn Bính, song thơ của Nguyễn Bính là “Chân quê Bắc bộ,” còn Kiên Giang là “Chân quê Nam bộ”). Vì chỉ có trong thơ Kiên Giang mới có những phương ngữ, khẩu ngữ của những người Nam bộ đi khai khẩn ở miền đất phương Nam, dọc ngang sông rạch…
Cũng trong bài thơ nói trên, câu chữ, hình ảnh rất “Nam bộ” đã đi vào lòng người của thuở đó: “ Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có Chúa ngự trên trời…”, mà trong cuộc sống đời thường nó đã trở thành câu nói đầu môi của bất kỳ chàng trai miền Nam nào không có đạo nhưng lỡ yêu người con gái là “tín đồ của Chúa,” và tôi dám khẳng định là đến bây giờ vẫn còn nhiều người dùng câu thơ này khi đã “trót yêu.” Hay câu thơ “Thuở ấy anh hiền và nhát quá,” lời giải bày rất chân thật, vụng về nhưng lại rất dễ thương, cũng được nhiều người yêu nhau lặp lại. Trong bài thơ ấy còn có câu thơ “Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông…” Cái từ “ghiền” người Bắc gọi là “nghiện” lại rất dân dã, bình dị, và trong thơ miền Nam chỉ có mình Thi Sĩ Kiên Giang dám sử dụng, và sử dụng rất thành công trong bài thơ này. Cũng giống như từ “tóc để gáo dừa” (có bản in “Miểng vùa”) trong bài thơ “Tiền và lá”: “Ngày thơ tóc để gáo dừa”cũng là từ đặc trưng Nam bộ, để chỉ cách hớt tóc của con nít ngày trước, Kiên Giang là người duy nhất “sở hữu” từ này rất đặc sắc và cũng rất hình tượng này!
Thi Sĩ Kiên Giang còn được biết đến là một soạn giả cải lương tài năng được xem là bậc thầy của những soạn giả cải lương nổi tiếng ở miền Nam như Hà Triều và Hoa Phượng, với bút danh Hà Huy Hà. Những vở cải lương nổi tiếng là “Áo cưới trước cổng chùa,” “Người vợ không bao giờ cưới,” “Sơn nữ Phà Ca”.. và chính vở cải lương “Người vợ không bao giờ cưới” đã đưa tên tuổi Thanh Nga trở nên một cô đào lừng danh với giải “Thanh Tâm” lúc bấy giờ.
Điều đặc biệt là trong những vở cải lương đó, ngòi bút của Kiên Giang- Hà Huy Hà luôn chỉn chu, trau chuốt cho ca từ đẹp hơn, sâu sắc hơn thì ngược lại trong thơ của thi sĩ, soạn giả, thì ngôn ngữ chân quê, giản dị, gần với đời thường của những con người nghèo khổ, lam lũ ở vùng quê Nam bộ, đã để lại nhiều dấu ấn cho bạn đọc và người yêu thơ ông những mỹ cảm về những vùng quê yêu dấu của mình.
Hãy thử đọc lại và chia sẻ những câu thơ ông viết:“Không kê giấy chặm em vô ý/ Để giấy tay lem vở học trò” (Đồng xu giấy chặm), “Phạt anh ngâm nước vô lu/ Bẻ tàu chuối hột che dù cho em” (Ngựa trúc). Những từ “Giấy chặm, tay lem vở, ngâm nước vô lu, bẻ tàu chuối hột…” là những từ cửa miệng của người Nam bộ. Có lẽ “rặt ròng” hơn là:
“Con chờ xe lửa kéo còi/ Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi” (Trái gùi Bến Cát), “Tuổi thơ tóc để gáo dừa/ Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cầu ông” (Tiền và lá), “Thuở con còn khóc tiếng tu oa/ Nằm bên gối mẹ trong mùng vá…” (Ngủ bên chân mẹ), “Khỉ hết chuyền cành bần hái trái/ … Ngày thơ xé mắm ăn bần chín/ Bóng mát lung linh chở khẳm xuồng” (Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ).
Ở những câu thơ này ta thấy các phương ngữ như “Lấy gùi ăn chơi” hay hình ảnh “Tóc gáo dừa” “ Đeo bùa cầu ông”, tức là tóc chừa một vá, như cái “sọ dừa”, hay lấy chỉ màu, cuốn và thắt thành dây, để thầy chùa, hay thầy pháp, đọc kinh, vô bùa cho con nít đeo khỏi sợ ma qủy, là niềm tin của những bà mẹ ở thôn quê miền Nam, hay “Khóc tiếng tu oa, nằm mùng vá,” tiếng người miền Nam để diễn tả con nít khóc, mùng (màn) rách, vá của người nghèo. “Xé mắm ăn bần chín, chở khẳm xuồng” là hình ảnh và sinh hoạt của con người Nam bộ…
Và những câu thơ mà Sơn Nam nói như… ca dao là:“Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương,”“Ong bầu đậu đọt mù u/Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn,”“Ngày mai đám cưới người ta/Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?”
Đã có một thời gian, ở miền Nam, dấu ấn và phong cách thơ của Thi Sĩ Kiên Giang đã có rất nhiều ảnh hưởng đến các tác giả trẻ miền Nam lúc bấy giờ khi có thơ đăng trên trang thơ của báo Tia Sáng, “Lều thơ” của báo Điện Tín và diễn ngâm trên chương trình Thi văn Mây Tần do Thi sĩ Kiên Giang phụ trách như các nhà thơ Nguyệt Lãng. Diệp Hồng Phương, Sa Mạc Linh, Mặc Tuyền,…
Tiếc là cho đến nay, dấu ấn, và dòng thơ “Chân quê Nam bộ” với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, mang nét riêng của phương ngữ Nam bộ dần dần phai nhạt, ít thấy xuất hiện trong các nhà thơ trẻ miền Nam, đã khiến nhiều người tiếc nuối về một phong cách thơ mộc mạc, trữ tình độc đáo của người phương Nam lớp trước…
**
Xin được giới thiệu bài thơ “Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ” mang phong cách Nam bộ và rất riêng của Thi Sĩ Kiên Giang, Một người con mang nặng tình yêu với quê hương cố thổ…
CHẬU NHỎ ĐỰNG ĐẦY HỒN CỐ THỔ
*Kỷ niệm một chuyến trở về thăm làng cũ
(Đông Yên, U Minh Thượng)
Năm mươi năm, bỏ làng xa xứ
Đầu bạc mới tìm về cố hương
Quên mất Vàm ngoài sông Cái nước
Không nghe gà gáy giữa canh sương
Khỉ hết chuyền cành bần hái trái
Bông không còn rụng thả trôi sông
Ngày thơ xé mắm ăn bần chín
Bóng mát lung linh chở khẳm xuồng
Cây cầu dừa bắc ngang đường lở
Trẻ quậy bùn sôi bến tắm mưa
Nay đã xây cầu, hai mố đúc
Mình quên là phải cái cầu xưa
Kìa sân phơi lúa thời thơ dại
Con nít đá banh gọt bặp dừa
Ai đá thua khum lưng, cõng bạn
Bây giờ lập miếu nhớ người xưa
Đã cất lâu ngôi trường lợp ngói
Trống da trâu đánh buổi đông trường
Thầy cô ở huyện vô đây dạy
Cha mẹ học trò đều mến thương
Thằng bạn cái thời tuổi tắm mưa
Dắt mình tìm lại đất nền xưa
Vẫn còn nguyên vẹn, không ai chiếm
Tràm mọc đầy sân, mặc gió lùa
Ở chợ, người giàu giành hết đất
Không nhà, tới chết vẫn long đong
Sao chưa trở lại U Minh Thượng
Hai đứa già ôm tuổi tắm mưa
Nắm chặt tay sần người bạn cũ
Gượng cười, đứng ngắm cánh diều bay
Còn mang nặng nợ văn chương đó
Khó trở về quê lúc trắng tay
Đứng giữa nền xưa sao muốn khóc
Hàng ba giăng võng, mẹ ru con
Sáu năm hồn mẹ vào thiên cổ
Tiếng võng nhà bên gợi nỗi buồn
Vẫn tiếng cu gù thời trẻ dại
Còn nghe gió hát lộng chồm tre
Bến sông lở đất khơi dòng chảy
Đông xóm xanh làng mát bóng quê
Móc đất giữa nền nhà bỏ trống
Đựng đầy chiếc giỏ cuối đời người
Đem hồn quê gởi nơi thành thị
Giữ lấy cố hương giữa chợ đời
Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ
Tiếng gà rừng gáy thuở khai hoang
Ngỡ sông quê chảy vờn hương khói
Nghe tiếng cu kêu sực nhớ làng.