Khoảng bảy giờ tối một đêm, Thùy Trâm đến nhà Tuấn mời chàng xuống Căn Tin (canteen) sát biển, uống nước để nhờ chàng giúp một chuyện. Trên đường đá gập ghềnh, cả hai lặng lẽ đi bên nhau.
Lúc này ở Căn Tin cũng có một số người ngồi rải rác ở sân sau, hướng ra biển. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, rọi xuống mặt nước, sóng nhẹ gợn lăn tăn như tạo nên muôn ngàn con rắn bạc đang vẫy vùng, lấp lánh. Tuy vậy tít ngoài xa, cả một vùng không gian đen ngòm đôi khi vẫn còn gợi lại trong lòng Tuấn các tháng ngày hãi hùng lúc lênh đênh trên biển độ nào!
Nhìn trăng treo trên biển, gió thổi hiu hiu, tiếng sóng rì rào, vỗ nhẹ nhàng vào bờ đá như một điệp khúc buồn không tên, đoạn vỡ tung tạo thành những bọt nước trắng xóa làm cho khung cảnh thêm hữu tình, thơ mộng. Sau khi đã chọn một chiếc bàn, cách bờ tường khá xa để tránh bọt biển bất ngờ tung lên, bắn vào người, Thùy Trâm gọi mua hai chai Coke.
Cái lạnh và mùi nước biển mằn mặn thổi vào mặt, vị ngọt thơm, đầy gas của Coke khi Tuấn hút một ngụm và nuốt xuống tới cuống họng làm chàng sảng khoái. Khẽ đưa tay che miệng, ợ nhỏ một tiếng. Tuấn hắng giọng:
-Thùy Trâm nói là cần hỏi anh cái gì phải không?
-Có nhỏ “minor nữ” nhờ em dịch giùm kháng cáo của “dì họ” nó sang tiếng Anh. Mà trong ấy cô ta có nói rằng “khi đi vượt biên là hy sinh tất cả! Người ta đánh đổi nhà cửa, tài sản, mạng sống với súng đạn, tù đày nếu bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt lại. May mắn nếu ra khơi được thì thuyền nhân có thể chết vì đói, khát, phong ba bão tố. Đặc biệt đối với phụ nữ thì còn to lớn gấp bội trước nạn cướp biển, bị hãm hiếp bởi hải tặc Thái Lan. Thế cho nên cái nỗi khổ của “thân gái dặm trường” này nếu không ai trải qua thì không thể cảm nhận hết được!
Nói tới đây, nàng ngừng lại. Tuấn tiếp lời:
-Đúng, trên con đường tìm tự do này thì sự hy sinh của người phụ nữ to tát hơn là của đàn ông thanh niên rất nhiều!
-Em muốn hỏi anh về “thân gái dặm trường”? Em cũng biết nhưng không rõ ràng lắm!
Tuấn chép miệng, đọc nho nhỏ.
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.”
-Đây là 2 câu thơ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Nghĩa là đường đi dài và xa. Tuy nhiên lúc người ta nói “thân gái dặm trường,” là ám chỉ về người phụ nữ, ngụ ý muốn nói có nhiều khó khăn nguy hiểm đối với họ trong hành trình này. Vì trên đường xa xăm và dài ấy lắm khi có nhiều tai họa sẽ xảy ra mà không ai có thể lường trước được do đó lúc nói như vậy là mình biết người ta muốn diễn tả sẽ có lắm nỗi nhọc nhằn, chết chóc có thể xảy đến với họ bất cứ khi nào.
Tuấn ngừng lại uống thêm một ngụm Coke nữa rồi lại lên giọng:
-Do đó anh nghĩ, khi dịch có lẽ em phải giải thích nhiều và rõ ràng một tí thì người xét kháng cáo mới hiểu được vì tiếng Anh và tiếng Việt mình không có “cụm từ” tương đồng nào cả trong trường hợp này phải không?
-Dạ… cũng khó thiệt! Mà bà con mình cũng kỳ ghê anh, làm kháng cáo cần rõ ràng, diễn giải đơn giản, mạch lạc cho người ta dễ hiểu trường hợp của mình thì có lợi hơn, đâu cần chi văn chương bóng bẩy trong lúc này…
Thùy Trâm tặc lưỡi. Tuấn trách móc:
-Bởi vậy!
Tuấn trầm ngâm suy tư một chút rồi tiếp:
-Hồi trước lúc có cuộc họp với Cao Ủy về chương trình thanh lọc, tụi anh có nêu vấn đề này với Cao Ủy rồi. Tụi anh bảo là họ áp đặt thanh lọc mà không có chuẩn bị về nhân sự một cách chu đáo như nhân viên phỏng vấn sở tại thì thiếu hiểu biết về chủ nghĩa cộng sản, về hiện tình đất nước Việt Nam sau 1975. Thông dịch viên Cao Ủy thì không đủ, không thông thạo Anh ngữ cũng như Việt ngữ. Và bây giờ tới kháng cáo cũng thế, thời gian thì hạn hẹp, phương tiện lo kháng cáo cho người lánh cư thì thiếu thốn. Phần dịch thuật song ngữ cũng què quặt như vầy thì bảo làm sao thanh lọc công bằng chứ?
Bất chợt ngay lúc ấy có hai ba thanh niên bất ngờ xuất hiện trước mặt hai người. Tuấn ngẩng mặt nhìn lên, hóa ra là thằng Hưng “hí” và đám bạn “heavy metal” của nó. Hưng nhìn chàng cười cười nói:
-Xuống biển uống nước, ngắm trăng mà có tri kỷ thì tình gì bằng anh?
Tuấn tảng lờ, lái sang chuyện khác.
-Tụi em về hả? Sớm vậy?
Hưng “hí” đứng mà lắc lư như thuyền trên cơn sóng biển. Nó lự nhự:
Tụi em xuống đây từ chiều đó anh. Bây giờ về ngủ thôi, say quá rồi!
Và nó bỗng bước lên thêm một bước, nói nhỏ:
-Chắc em “hồi hương” quá anh. Ở đây riết bị “hư đầu!”
Nhìn cả đám lảo đảo, đi ra đường lớn. Tuấn lắc đầu thất vọng cho sự thiếu ý chí và mạnh mẽ, bỏ cuộc nửa chừng của Hưng. Thùy Trâm lặp lại trong nỗi thắc mắc ngờ vực:
-Hư đầu?
-Một kiểu nói mới của tụi nó ở đây ấy mà. Ý là nó muốn nói sống trong trại như thế này lâu ngày sẽ bị “khùng điên, ba trợn.” Thần kinh không còn tỉnh táo nữa!
– “Khùng điên, ba trợn!”
Thùy Trâm mở to cặp mắt tuyệt đẹp nhìn Tuấn, mồm há hốc:
-Ngôn ngữ của mấy anh ở đây “dễ sợ” quá!
“When I need you I just close my eyes and I’m with you…when I need love … .the telephone can’t take the place of your smile…Honey that’s a heavy load that we bear…when I need love I hold my hands and I touch love…”
Tiếng hát trầm ấm, truyền cảm của Julio Iglesias; nam ca sĩ lừng danh, hát được bảy thứ tiếng, qua bản tình ca bất hủ “When I need you” vang ra từ chiếc loa thùng để sát góc nhà của Căn Tin làm cho không khí như bỗng trở nên sâu lắng hơn và làm Tuấn nhớ nhà hơn.
Bởi những năm 1985, 1986 trước khi vượt biên đến được đây, mỗi khi đi buôn bán về mệt mỏi thì Tuấn thường thường nghe Julio Iglesias qua cái máy hát dĩa cũ kỹ lâu đời của ông chú mua từ thuở xa xưa khi đi Nhật tu nghiệp, còn sót lại. Tuấn thích nghe dĩa hơn là nghe “casette!” Ai có nghe nhạc qua dĩa mà lại là dĩa “đá” chứ không phải loại dĩa nhựa “45 tours” mới cảm được cái giọng trung thực của người ca sĩ và “phê” hơn nhiều so với nghe băng cassette sau này. Và trong cái khung cảnh trữ tình của biển cả, của trăng thanh, của gió mát ấy, Thùy Trâm và Tuấn ngồi im bất động. Mỗi người lặng lẽ theo đuổi các ý nghĩ miên man trong cõi riêng của mình. Không gian như đọng lại và thời gian hình như cũng đứng yên, cho đời vào quên lãng!
Khi trăng lên cao gần tới nóc quán, chứng tỏ đêm đã khuya thì Tuấn và Trâm đứng dậy ra về. Lúc hai người bước qua khỏi Chùa Vạn Đức và quẹo xuống phía Staff House thì thấy bóng một nam và một nữ đang quấn quýt ôm lấy nhau trong bóng tối xa xa. Họ chỉ rời nhau ra và cô gái dợm bước vào nhà “Minor nữ” thì bất chợt bà Sơ Eleanor xuất hiện. Từ dưới văn phòng CADP bà vội vã đi lên và ra hiệu cho cả hai đứng lại cũng là khi Thuỳ Trâm và Tuấn vừa trờ tới khiến họ không kịp lẩn trốn.
Tuấn nhận ngay ra người thanh niên trước mặt là thằng Bửu, nổi tiếng phong lưu, thay “bồ” như thay áo, ở dãy phía sau nhà mình. Còn cô bé kia là Minh Xuân, ở trong nhà “Minor nữ” đối diện và thường chạy sang chơi nhà chàng. Cả hai đứng im lặng, cúi đầu, trước sự quát tháo dữ dội của vị Sơ già khó tính vì Minh Xuân đã vi phạm giờ giới nghiêm dành cho các cô gái vị thành niên khi còn ở ngoài đường lúc này.
La lối một hồi rồi Sơ Eleanor đuổi Minh Xuân vào trong và trừng mắt răn đe Bửu. Nhìn nó lủi thủi vô bóng đêm và khuất sau con hẻm tăm tối đằng sau một lúc lâu Sơ mới chị bỏ đi. Thùy Trâm lắc đầu nói bâng quơ:
-Cha mẹ cho con nhỏ đi vượt biên một mình đâu biết cảnh này bên trại hả anh? Biết bao cạm bẫy luôn rình rập mấy em, nhất là con gái nữa. Không khéo giữ mình là khổ cả đời!
Điều ấy quả không sai! Đó là một cảnh đời tị thương đau trong muôn vàn câu chuyện vượt biên tị nạn buồn, không diễn tả nên lời thuở đó. Vì sau một khoảng thời gian dài hơn hai mươi năm, thấm thoát như thoi đưa nọ, Tuấn tình cờ biết tin Minh Xuân đang ở Mỹ như một cái duyên không ngờ qua một cô em “minor” khác.
Trong điện thoại ngày hai anh em nói chuyện với nhau, giọng Minh Xuân trầm buồn, đều đều như ru cho biết khi lên Bataan chờ định cư cô bé đã có một đứa con trai với Bửu và chia tay sau đó vì nhận ra anh ta chỉ là một kẻ “chót lưỡi đầu môi,” rất ngọt ngào với phụ nữ nhưng bất tài mà vì thời trẻ do cả tin và say men tình nên cô bé đã lỡ. Một mình nuôi con với thân phận “single mom” nhưng em đã tranh đấu vượt qua mọi khó khăn nhọc nhằn, trở lại trường học để vươn mình đứng lên. Hiện Minh Xuân là “executive director” cho một công ty lớn ở tiểu bang Maine, còn con nàng là kỹ sư trưởng trong một nhà máy ở Kentucky.
Âu cũng là số phận! Mừng cho em đã vượt qua nghịch cảnh với một nghị lực phi thường và thành công trong cuộc sống hiện tại.
“Cuộc sống ở trại tị nạn thì lúc nào cũng chộn rộn, sinh hoạt nhộn nhịp. Thiên hạ vội vã sống, vội vã yêu như chưa bao giờ từng đã…!” Tuấn nghĩ vậy vì hôm nay ở đây lại mới có thêm Thanh Thư; một cô giáo trẻ vừa từ Mỹ sang làm thiện nguyện khiến học sinh nhốn nháo vì cô khá xinh xắn và dễ thương vô chừng. Cô này thuộc nhóm “Project Ngọc” vì cô tự giới thiệu như thế hôm vừa rồi.
Project Ngọc; là một tổ chức do các sinh viên Việt Nam ở đại học UCI (University of California, Irvine) Hoa Kỳ, sáng lập năm 1987-1997 theo tên của một người con gái chết thảm thiết trên đường vượt biển tìm tự do vài năm trước đây. Tiêu chí hoạt động của Project Ngọc là nhằm cho những hoạt động cứu giúp nhân đạo các thuyền nhân đang bị kẹt trong mấy trại tị nạn ở Đông Nam Á trước nguy cơ bị đuổi về lại nguyên quán cũng như để tưởng nhớ người con gái vắn số kia!
Hôm nay trước khi bắt đầu buổi học cô Thanh Thư đã dạy cho mọi người hát một nhạc phẩm bất hủ từ lâu đời “Hello darkness, my old friend, I’ve come to talk with you again…and the vision that was planted in my brain…with thin the sound of silence…When my eyes were stabbed by…and touched the sound of silence…and no one dare, disturb the sound of silence…Take my arms that I might reach you…and echoed in the wells of silence…”
Từ dưới lớp trông lên, Tuấn chăm chú ngó cô giáo đứng trên hát say sưa với chiếc miệng duyên dáng đã tạo cảm hứng cho cả lớp cùng hòa theo, lòng cảm thấy hân hoan. Trong niềm vui nho nhỏ do Thanh Thư mang lại, Tuấn thầm nghĩ “Sao mà tất cả các cô giáo ở Mỹ sang đây người nào cũng hay dạy hát thế nhỉ? Xem cách họ đam mê hát như vậy thì hẳn là cuộc sống của họ bên kia phải yên lành và hạnh phúc lắm mới tạo ra được những con người yêu đời, năng nổ như vầy? Nhìn họ luôn vui vẻ, hiền hòa, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thì chắc là họ đã được hun đúc trong một xứ sở thanh bình, một xã hội nhân ái để làm nên các con người có trái tim nhân hậu bao la, vì tha nhân mà phục vụ đến như thế này được!”
Càng nghĩ, càng ước mơ một ngày nào đó được sống ở các nơi bình yên, nghe chim hót trong ánh ban mai tuyệt vời kia Tuấn lại càng não lòng bởi quá khứ đầy đau thương, hiện tại đen tối và tương lai thì mịt mờ sương khói của mình!
Tan buổi học, Tuấn ra về. Vừa bước vô nhà chưa kịp cởi áo thì chàng nghe tiếng thằng Hiền “lùn” ở gần đó réo gọi phía ngoài. Tuấn bước ra, thấy nó đứng cạnh một người thanh niên đẹp trai, lịch lãm mà dù không quen nhưng Tuấn biết anh này bởi anh này có thân nhân ở nước ngoài giúp đỡ hàng tháng nên cuộc sống ở đây không đến đổi thiếu thốn lắm và mỗi khi trại có lễ lạc, ca hát gì thì chàng luôn thấy anh ta chơi đàn trong Ban Văn Nghệ Trung Tâm. Thằng Hiền chỉ người thanh niên nói:
-Anh Bảo kiếm anh mà không biết nhà, nhờ em dẫn qua nè!
Trong lúc Tuấn còn đang ngạc nhiên chưa hiểu anh ta muốn gặp chàng có chuyện gì thì Bảo lên tiếng xởi lởi:
-Mình có người cô bên Mỹ sang thăm và sắp trở về nên mình đang kiếm một chai rượu ngoại đã uống hết để nhờ anh Thành trong Chùa Vạn Đức làm cho chiếc thuyền bên trong đặng làm quà “souvenir” cho bà cô…nghe..anh em trong trại nói anh có nên mới muốn gặp anh để hỏi xem…
Nghe tới đó mà lại là giọng người Saigon đã lâu không được nghe, Tuấn chợt hiểu và cảm thấy thân thiện với người thanh niên trước mặt, nên ngắt lời:
-À..à…có!
Đoạn Tuấn dẫn Bảo vô phòng mà chú Hùng vừa đi định cư để lại cho chàng, chỉ lên mấy chai rượu đã cạn queo đang nằm im lìm trên chiếc kệ, sát cửa sổ:
-Có mấy chai này thôi, anh coi có xài được không?
Mắt Bảo sáng lên và nhoẻn miệng cười thật tươi, bước tới cầm từng chai lên ngắm nghía. Cuối cùng Bảo chọn chai Cognac nói:
-Cho mình lấy chai này nha, vì mình cần chai thủy tinh trắng mới thấy được chiếc thuyền bên trong. Chai Napoleon này cũng đẹp quá nhưng nó xanh đen đậm không xài được. Mấy chai Remy Martin kia cũng vậy, đẹp nhưng tối quá!
Rồi ba thằng kéo nhau ra khỏi phòng. Đứng trước cửa nhà Bảo ngập ngừng:
-Chai này anh để lại cho mình bao nhiêu?
Tuấn xua tay:
-Không, Bảo cần thì cứ lấy xài đi. Chai không mà, tiền bạc gì!
Bảo trợn mắt và hơi ngạc nhiên trước sự khẳng khái của chàng, tần ngần nói:
-Anh cũng lấy chút đỉnh cà phê, thuốc lá chứ!
Tuấn vỗ vai Bảo:
-Đừng ngại, không có gì đâu.
Ngập ngừng giây lát, sau cùng Bảo chìa tay ra bắt tay Tuấn và cười vui:
-Cũng tính gửi anh chút đỉnh, nhưng anh nói thế… thôi… cám ơn anh nhiều lắm nghe. Hôm nào mời anh đi uống cà phê chơi!
Vậy là từ đó cả hai quen rồi thân nhau. Theo Tuấn biết Bảo hiện đang ở Khu 8 với ba bốn anh em, trai có, gái có, và tất cả đều đã bị từ chối quyền tị nạn từ cuối năm ngoái. Bảo thì tuy nhỏ hơn Tuấn hai tuổi nhưng cũng kể như đồng trang lứa, cùng đồng cam cộng khổ qua nhiều năm tháng khó khăn, nhọc nhằn thời kỳ thanh lọc, cưỡng bức hồi hương để cuối cùng xem nhau như anh em một nhà cho đến bây giờ, tính ra cũng đã gần bốn mươi năm rồi chứ ít gì!
Một ngày kia Bảo xuống mời Tuấn lên Khu 7 dự “party” của mình ở Thư Viện Trung Tâm nơi mà Bảo hỏi anh Phú; quản thủ thư viện, mượn chỗ làm tiệc sau khi hết giờ đọc sách. Tối đó có hơn năm mươi người đến chơi với vợ chồng Bảo mà Tuấn đã gặp. Trên các dãy bàn thì đồ ăn được bày biện khá nhiều trông rất xôm tụ, năm bảy két (case) bia San Miguel được chồng chất sát bên cửa ra vào!
Đám tiệc này có thể xem như là một “farewell party” để tiễn Liên, vợ Bảo lên đường đi Bataan định cư luôn thể vì Cao Ủy không gia hạn cho cô ấy ở lại đây nữa. Liên nguyên là một cô gái trẻ tuổi, quê ở gần Cầu Xóm Bóng, Nha Trang, hiện đang sống tại Khu 3 của trại, thương thầm Bảo đã lâu nên lúc vừa “đậu” thanh lọc cách nay vài tháng, đã sẵn lòng làm hôn thú theo diện vợ chồng với Bảo khi anh ta ngỏ ý, với hy vọng hồ sơ của mình sẽ được cứu xét và có nhiều hy vọng đậu trong đợt kháng cáo để đi đoàn tụ với vợ hơn!
Ở đây bây giờ, ngoài việc hối lộ tiền, hối lộ tình, thì “ghép hộ” với người có RS (Refugee Status) là người được công nhận quyền tị nạn chính là con đường mà lúc này nhiều người rớt thanh lọc tính tới qua sự gợi ý của nhiều luật sư di trú. Do đó người RS khi này đang được trọng vọng và có giá rất cao vì có quá nhiều kẻ săn đón. Chuyện bỏ trại trốn đi Bataan tìm người ghép hộ đã trở thành để tài nóng, sốt, được âm thầm bàn tán khắp nơi khiến Cao Ủy và Ban Quản Đốc trại (OIC) phải thắt chặt an ninh tại phi trường, bến cảng, nhất là vào những đợt chuyển trại để ngăn kẻ bỏ trốn!
Buổi tiệc kéo dài đến khuya và như vẫn chưa đã nên Bảo lôi Tuấn và cả đám anh em về bên nhà tại Khu 8 uống tiếp, làm một “Palawan by night” như Bảo nói đùa. Bàn ghế được mang ra, bày giữa con đường lớn dẫn xuống giếng nước của khu. Bấy giờ thì mọi người đều đã ngà ngà say, nói cười, la lối ồn ào. Và trong cuộc vui miên man ấy Bảo chợt chọc Liên khi thấy vợ đi ngang:
-Quớ trời, ai dè dân “Sè-gòn” mà lại đi lấy gái “Xóm Bóng“ chớ!
-Xóm Bóng thì sao? Dân Sè-gòn có gì hơn?
Liên cũng cười cười trả đũa.
-Sao không hơn, nhìn là biết liền hà.
-Chứ bộ đây dở à?
-“Sè-gòn” ngon hơn!
-Ngon hơn mà “rớt” thanh lọc. “Sè-gòn” phải đi năn nỉ ghép hộ với “Xóm Bóng!”
Đang vui bỗng bị Liên chọc tức, làm “quê độ” với bạn bè trước mặt khi vợ tự dưng khơi lại vết thương đang mưng mủ không lành của mình, Bảo nổi giận la lớn:
-Không ngon thì thôi! Không ngon thì xé hôn thú đi!
Cảm thấy tự ái phụ nữ bị “dồn cục” Liên léo nhéo thách thức:
-Xé thì xé! Coi đứa nào lỗ biết liền!
Thế là cuộc cãi vã giữa vợ chồng xảy ra, chẳng bao lâu bùng nổ dữ dội khiến anh em phải lên tiếng can gián. Cuộc vui bất ngờ bị dừng lại, nhưng có lẽ tự ái đàn ông bị tổn thương nặng nên Bảo hét lớn:
-Tao chẳng thèm đi nữa, tao chẳng cần hôn thê, hôn thú gì nữa. Đ.m., ngày mai tao đăng ký “hồi hương!” Tao thề đó! Tao xuống chùa cạo đầu liên bây giờ nè! Nếu tao không cạo đầu… không… không… là con chó đó!
Vì quá nóng giận thành thử Bảo nói lắp bắp và đứng dậy bỏ đi về hướng Khu 1 ngay. Thấy vậy, Tuấn và một số anh em theo can ngăn. Phần Liên cũng lo sợ Bảo giận quá hóa liều nên vừa khóc vừa chạy theo sau tru tréo.
Khi cả hai vô Chùa Vạn Đức rồi, anh em đứng bên ngoài bàn tán một hồi nữa mới giải tán.
Sáng hôm sau, trong khi ngồi uống cà phê ngoài quán Hân “chùa,” thì Tuấn ngơ ngác lúc thấy vợ chồng Bảo từ trong chùa bước ra. Cả hai nắm tay nhau, cười tỏn tẻn đi về nhà, nhưng người cạo đầu bây giờ không phải là Bảo mà là vợ nó!
Điều mà tới bây giờ anh em, bạn bè vẫn không hiểu tại sao? Đúng là đời tị nạn có lắm chuyện “tưng tửng” không biết được!
Ngày xưa tình hình thế giới tương đối yên bình không có biến cố gì lớn lao, ngoài chuyện vượt biên của dân Việt Nam nên người Việt tị nạn cộng sản được cả cộng đồng quốc tế xắn tay vào chung lo thành thử những ai sống sót tới được đất liền đều được mọi người nhiệt tình giúp đỡ cho ăn, học, tái định cư xây dựng lại đời sống mới.
Tuy nhiên cái thời “hoàng kim” ấy không còn, khi năm 1989 Tuấn vừa tới đảo thì nhiều biến động đã xảy ra như vụ đàn áp sinh viên Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn, biến cố lịch sử lúc nhân dân hai miền nước Đức phá sập bức tường ô nhục vào ngày 09 tháng 11 năm 1989 dẫn tới một loạt cách mạng lật đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên xô rồi chiến dịch “Bão táp sa mạc (Operation Desert Storm)” do Mỹ lãnh đạo ở Vùng Vịnh năm 1991…làm cho chuyện xin tị nạn của dân vượt biên lúc ấy đã trở nên có nhiều khó khăn hơn nếu chẳng muốn nói là dường như đã lỗi nhịp!
Trước tình hình bất lợi như bị “việt vị” ấy thì lại có một số lớn người Việt từng xin tị nạn đang định cư ở các nước đệ tam quốc gia như Mỹ, Canada, Úc ồ ạt “vinh quy bái tổ, áo gấm về làng” khi nhà nước cộng sản Việt Nam mở cửa chiêu dụ khiến cho tình cảnh của đám tị nạn cuối mùa như Tuấn thêm khốn đốn trước cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nọ. Thật là khó để thuyết phục nhân viên sở di trú nước sở tại chấp nhận họ ra đi vì không thể sống với cộng sản khi hàng chục ngàn người tị nạn ngày xưa lũ lượt kéo về!
Tối một đêm, trong lúc Tuấn đang ngồi học trong trên căn gác tồi tàn thì bên dưới có bóng dáng hai bà cháu người Phi đi ngang dưới đường, tay xách cái giỏ khá to, trong có đặt một cái đèn dầu nhỏ, miệng rao:
-Balut! Balut here! (Hột vịt lộn, hột vịt lộn đây!)
Tiếng lanh lảnh của người đàn bà trong đêm trường qua ánh đèn leo lét của màn đêm đen dày đặc tạo thành một bức tranh của sự nghèo nàn, an phận. Không như chúng ta, người Phi chỉ đơn giản là ăn hột vịt lộn với muối trắng nên sau này khi thấy dân tị nạn Việt Nam ở đây ăn hột vịt lộn với muối tiêu cùng rau răm tự trồng được, họ rất ngạc nhiên và bảo rằng “dân tộc này hay ăn cỏ!”
Nhìn theo ánh lửa nhập nhằng, nhỏ dần cho đến khi khuất hẳn trong gió hú từ biển thổi vào, Tuấn chép miệng thở dài nghĩ bụng “Nếu kháng cáo của chàng mà tiếp tục thất bại thì có lẽ chàng sẽ đành phải tìm cách ở lại và sống cuộc đời đi bán dạo như bà Phi này chàng cũng chấp nhận chứ nhất quyết không trở về với cộng sản!”
Ý tưởng này dù chỉ mới nhen nhúm, manh nha trong đầu nhưng nó cũng làm cho chàng nghĩ ngợi mông lung trước một tương lai không mấy sáng sủa của mình. Thế có nghĩa là con đường trở lại quê hương còn xa thăm thẳm, quê hương ơi!
Trưa một hôm, dưới cái nắng nóng như thiêu đốt của mùa hè, Tuấn với đôi dép Nhựt lép xẹp bước đi nhón nhón trên con đường đầy đá đỏ từ Thư Viện Trung Tâm trở về, ngang qua phòng y tế của IOM, chàng thấy chị Tám của “group” mình đang đỡ một cô gái trẻ, mặt xanh mét, đứng không vững kế bên Sister Lizzie. Vừa thấy bóng chàng, chị mừng rỡ, gọi ơi ới:
-Tuấn, mày tới giúp chị cái này tí đi “cưng.”
Chàng bước đến gần. Chị cuống quít nói gấp:
-Mày nói với Sister con này có bầu mới hơn tháng, hồi nãy ở nhà nó trợt chân té trong nhà tắm, chảy máu ở dưới, bây giờ nó làm mệt con nhỏ, đi “cưng!”
Nghe chị Tám nói một hơi, nhất thời Tuấn đứng nghĩ ngợi nói thế nào cho Sister hiểu đây trong lúc Sister có vẻ nóng ruột ngó chàng chăm chú chờ đợi.
Thấy Tuấn đờ mặt ngẩn ngơ, chị Tám hết kiên nhẫn, bên quay sang Sister Lizzie chỉ bụng con nhỏ nói ngay:
-Sister, sister “balut inside!”
Đoạn chị xoay con nhỏ và chỉ dưới mông nó. Sister Lizzie nhìn thấy một đốm máu là bà hiểu liền vội vã đưa con nhỏ vào phòng Y Tế ngay. Chị Tám cũng lẹ làng đi theo, bỏ Tuấn đứng lóng ngóng bên ngoài một đổi.
Trên đường về Tuấn thầm phục sự lanh lợi của chị. Quả nhiên mấy đợt phát kết quả kế tiếp, chị có tên và đậu thanh lọc rồi lên đường đi định cư trước sự khâm phục của nhiều người bởi chẳng ai biết chị khai báo ra sao mà qua được “ải tử thần, hay thế!”
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.