Trước khi Jeff Bezos đưa Amazon trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến có lợi nhuận cao nhất thế giới, ông ra mắt zShops. Từng mang tên gọi Amazon Auctions, chương trình này cho phép những người bán bên thứ ba niêm yết sản phẩm của họ trên Amazon. Dự án này thất bại thảm hại vì gây phức tạp cho người sử dụng.
“Tôi nghĩ có bảy người tham gia, nếu tính cả cha mẹ và anh chị em của tôi. Auctions chuyển thành zShops, về cơ bản là phiên bản giá cố định của Auctions. Chẳng có khách hàng nào cả,” Bezos cho biết trong bức thư thường niên gửi cho các cổ đông năm 2014.
Tuy nhiên, những nỗ lực này dẫn đến sự phát triển của Amazon Marketplace, nơi có 2.5 triệu người bán bên thứ ba.
Những thành công như của Bezos hay nhiều CEO khác thường được thúc đẩy bởi những thất bại, nhưng không phải bất kỳ loại bình thường nào, mà thất bại một cách hiệu quả.
Amy Edmondson, giáo sư tại Trường Kinh Doanh Harvard và là tác giả của “Right Kind of Wrong: The Science of Failing Well” chia sẻ, việc không đạt được mục tiêu sẽ làm rõ những gì bạn cần làm một cách khác đi trong tương lai.
“Thất bại một cách hiệu quả dạy bạn điều gì đó mà bạn nên làm, nhưng không phải tất cả các thất bại đều như vậy,” Edmondson giải thích: “Thất bại rõ ràng, như khi bạn vừa nhắn tin vừa lái xe và gặp tai nạn. Cái đó quá rõ.”
Nếu bạn đang đảm nhận một dự án mới và muốn học hỏi nhiều nhất từ quy trình, hãy bảo đảm dự án đó đáp ứng bốn tiêu chí dưới đây để những sai lầm của bạn vẫn mang lại hiệu quả.
Theo đuổi một hoạt động mà bạn chưa có kinh nghiệm
“Nếu ngày mai tôi quyết định chơi đàn violin, đối với tôi, đó sẽ là một trải nghiệm mới,” Edmondson nói. “Nếu tôi quyết định viết một cuốn sách chưa từng có trên đời, thì theo định nghĩa, tôi xem nó như một trải nghiệm mới và sẽ có những thất bại trong cả hai hoạt động.”
Hướng tới một mục tiêu
Hãy rõ ràng về những gì bạn muốn hoàn thành. Bằng cách hành động có chủ đích, bạn có thể theo dõi tiến trình của mình tốt hơn và học hỏi trong suốt quá trình.
Nghiên cứu một số điều trước đó
Theo Edmondson, chỉ vì điều gì đó mới mẻ với bạn không có nghĩa bạn phải lao vào nó một cách mù quáng. Hãy nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước và tìm hiểu những bước bạn nên thực hiện nhằm đạt được mục tiêu của mình.
Thất bại không lớn hơn mức cần thiết
Đừng cạn kiệt nguồn lực của mình vào một dự án mà bạn mới học cách giải quyết.
Thay vào đó, hãy thực hiện từng bước nhỏ hướng tới mục tiêu để bạn có thể điều chỉnh lộ trình khi cần thiết.