(Hình minh họa: Nelly Denysova/Unsplash)

Trong tình hình xung đột Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng, Moscow nói chỉ chấp nhận đàm phán hòa bình nếu Kyiv công nhận bán đảo Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas thuộc chủ quyền của Nga.

Về phần mình, Kyiv luôn tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán nếu Moscow trả lại cho Ukraine bán đảo Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas. Nghĩa là cả hai, không ai chịu ai.

Song mới đây, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine là ông Andrii Yermak nói rằng, để đàm phán giải quyết xung đột, cần quay trở lại biên giới năm 2022 (lúc đó Crimea đã trong tay Nga). “Sau đó chúng tôi sẽ nói về cách lấy lại chủ quyền của mình cho tới đường biên giới năm 1991 (lúc đó Crimea đang trong tay Ukraine).

Theo ông Yermak, Tổng Thống Zelensky chưa bao giờ bày tỏ sẵn sàng thỏa hiệp về lãnh thổ, nhưng sẵn sàng đàm phán với Nga dựa trên tình hình trước khi diễn ra cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.

Vậy có thể nói Kyiv đang có một sự uyển chuyển, nếu không nói là có chút nhượng bộ với Moscow, khi không còn yêu cầu Nga phải trả lại cho Ukraine toàn bộ Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas thì mới ngồi vào bàn đàm phán. Nghĩa là với Ukraine, xung đột có thể chấm dứt mà không nhất thiết Crimea đã được Nga trả lại cho Ukraine, dù trên danh nghĩa, Ukraine vẫn xem Crimea thuộc chủ quyền của mình.

Tổng Thống Zelensky từng nói: “Chiến tranh đã khởi đầu ở Crimea thì sẽ kết thúc ở Crimea.” Nay, với sự mềm mỏng trong đối sách của Kyiv, chiến tranh vẫn có thể kết thúc, nhưng không nhất thiết phải kết thúc ở Crimea.

Sau gần 3 năm chinh chiến, cả Nga và Ukraine đều đang trong tình trạng sức lực mỏi mòn. Cả hai có thể sẽ phải chấp nhận có nhượng bộ nào đó với đối phương. Tổng Thống Zelensky không ít lần nói Ukraine muốn chiến tranh sớm kết thúc. Tổng Thống Putin nhiều lần muốn Ukraine đàm phán hòa bình. Điều này cho thấy cả Nga và Ukraine đều đã thấm mệt vì cuộc chiến.

Người ta còn nhớ năm 2014, khi Nga bất ngờ chiếm bán đảo Crimea của Ukraine, thì Phương Tây đã tỏ ra không mấy sốc. Dường như trong suy nghĩ của Phương Tây, Crimea vốn là của Nga. Của Nga thì cứ để Nga lấy lại. Chiến tranh làm gì cho máu me, tốn kém. Thiết nghĩ, nếu Ukraine chấp nhận không lấy lại Crimea (nhưng vẫn xem Crimea thuộc chủ quyền của mình) mà chỉ lấy lại 4 tỉnh vùng Donbas để kết thúc chiến tranh với Nga, thì xem ra đây là một giải pháp tương đối chấp nhận được cho Ukraine.

Nhưng không chắc Nga sẽ dễ dàng chấp nhận giải pháp này, bởi như thế khác nào chấp nhận đầu hàng, vì trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt,” thì Crimea vốn đang trong tay Nga. Song sau khi tính đi tính lại, tính tới tính lui, rất có thể Nga sẽ phải chấp nhận giải pháp này. Vì, giống như Ukraine, Nga cũng không còn mấy sức lực để theo đuổi cuộc chiến.

Quốc Hội Nga mới đây vừa thông qua ngân sách quốc phòng cho năm sau, tăng gần 30% so với năm nay. Ngân sách mới được cho là sẽ đưa chi tiêu quốc phòng lên $145 tỷ vào năm 2025, nhiều hơn cả chi cho phúc lợi và giáo dục cộng lại. Con số này chưa bao gồm các nguồn lực khác, như chi tiêu cho an ninh nội địa.

Vì cuộc chiến Ukraine, Nga đã tăng chi tiêu quân sự lên mức chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô. Liệu Nga có thể kham nổi gánh nặng quốc phòng được bao lâu nữa trong tình hình nền kinh tế Nga đang bị bóp nghẹt bởi cấm vận của Phương Tây?

Thiết nghĩ, hòa bình sẽ đến với người dân Ukraine và Nga một khi Moscow nhận ra rằng nước Nga không còn có thể chịu đựng được nữa trước áp lực của cuộc chiến, và rằng được Crimea vẫn tốt hơn là chẳng có gì.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: