Chuyện Đông Chuyện Tây: Chẳng ai có lỗi

(pexels)

1.

Mỹ : Một số thành viên đảng Dân chủ được cho là đã chỉ trích TT Biden về việc ông Trump tái đắc cử.

Họ cho rằng chuyện này đến từ việc ông Biden quyết định tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, không giữ hứa lúc vận động tranh cử năm 2020 rằng ông sẽ là vị tổng thống “cầu nối”.

Theo các thành viên này, nếu ông Biden không tái tranh cử thì đảng đã có nhiều thời gian chọn ứng cử viên kế tiếp để đối đầu với ông Trump. Và người được đảng chọn sẽ có đủ thời gian để vận động tranh cử. Việc ông Biden quyết tái tranh cử rồi bỏ cuộc đã khiến bà Harris phải cập rập tranh cử với thời gian ít ỏi.

Bà Harris cũng bị không ít người cho là có một phần lỗi vì “đã không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để làm khác với ông Biden” như bà từng nói trên chương trình “The View” của đài ABC trong thời gian bà đang tranh cử. Nhưng làm sao bà có thể nói khác được khi bà là cấp phó của ông Biden. Bà không thể chỉ trích chính quyền Biden về bất cứ điều gì khi bà đang là một phần của chính quyền Biden. Nếu chỉ trích chính quyền đó thì khác nào bà tự vả vào mặt mình, đồng thời tỏ ra là một kẻ bất trung.

Thiết nghĩ, các thành viên Dân chủ đó không sai khi đổ lỗi cho ông Biden. Nhưng có lẽ ông Biden không phải là người duy nhất sai về việc để cho ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Bởi lẽ nếu như thấy ông Biden không đủ sức khỏe để tái tranh cử thì đảng Dân chủ phải ngăn ông ấy ngay từ đầu. Cớ sao lại để ông Biden ra tranh cử rồi bây giờ đổ lỗi cho ông ấy. Nói thẳng ra, cả đảng Dân chủ và ông Biden đều có lỗi trong chuyện này.

Câu hỏi đặt ra là nếu như bà Harris là người chiến thắng chứ không phải ông Trump, thì liệu phe Dân chủ có đổ lỗi cho ông Biden không? Chắc chắn là không rồi. Ngược lại, hẳn đảng còn khen ông ấy hết lời vì đã biết hy sinh cái riêng để nhường chỗ cho bà Harris đánh bại ông Trump. Nghĩa là ai cũng đúng, ai cũng hay nhờ sự lãnh đạo tài tình của đảng. Chẳng ai sai để cắng đắng nhau, gây chia rẽ nội bộ.

Tốt nhất là thay vì đổ lỗi cho người này, người kia, phe Dân chủ nên kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết quanh tân TT Donald Trump để cùng đưa đất nước tiến lên phía trước. Cắng đắng nhau thì chẳng ích gì.

2.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình ở Tòa Bạch Ốc, ông Donald Trump từng chỉ trích các đồng minh trong NATO là không chi đủ ngân sách cho quốc phòng. Ông yêu cầu họ tăng gấp đôi mức chi tiêu cho quốc phòng lên 4% GDP.

Có lẽ trong suy nghĩ của ông Trump lúc đó, và cả trong lúc này, các đồng minh NATO chỉ muốn lợi dụng Mỹ để bảo đảm an ninh cho họ. Và yêu cầu của ông có lẽ đã không nhận được sự đồng tình ngay tức thì của tất cả các đồng minh này.

Nhưng giờ đây, tân Tổng thư ký NATO là ông Mark Rutte thừa nhận rằng ông Trump đã đúng khi đưa ra yêu cầu đó. Nghĩa là con số 2% là chưa đủ, cần được nâng lên. Vậy là các đồng minh của Mỹ trong NATO nay ý thức được rằng không nên tiếp tục ỷ lại vào Mỹ. Cái gì cũng có cái giá của nó. Muốn an ninh được bảo đảm thì cần phải hao tốn nhiều hơn. Mỹ là đồng minh chứ không phải vú em. Cứ dựa vào Mỹ thì không bao giờ lớn được.

Thật ra từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một số quốc gia NATO đã gia tăng chi tiêu cho quân sự. Chẳng hạn Ba Lan và các nước vùng Baltic đã tăng lên 4% GDP cho quốc phòng. Vào thời điểm 2014, khi Nga chiếm Crimea của Ukraine, chỉ có 3 nước NATO dành 2% GDP cho quốc phòng. Hiện đã có một phần ba thành viên NATO đạt được mức này.

Song với ông Trump, con số 2% vẫn là chưa đủ. Cần phải tăng gấp đôi. Với một số nước NATO, 4% có lẽ là con số không dễ đạt tới. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, một khi NATO quyết tâm lột xác để trưởng thành.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: