Số phận Võ Văn Thưởng trong phòng chờ án

(RFA)

Dễ dàng dự đoán có hai sự lựa chọn mà cựu Chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) phải đối mặt trong thời gian tới: Một là, nhận hình thức kỷ luật ở mức nặng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đưa ra. Hai là…chết để bảo toàn uy tín, danh dự cho bộ mặt tổ chức…

Vụ việc vào ngày 20 Tháng Mười Một năm 2024 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN đã đề nghị xem xét kỷ luật và thi hành kỷ luật đối với 7 cá nhân vi phạm, khuyết điểm gồm: Võ Văn Thưởng (cựu Chủ tịch nước), Vương Đình Huệ (cựu Chủ tịch Quốc hội), Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải), Phạm Văn Vọng (Bí thư-Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc), Phùng Quang Hùng (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Hà Hòa Bình (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) và Trần Văn Vẹn (Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam).

Danh sách “đen” 7 người nên bị tên, tâm điểm chú ý và gây chấn động dư luận Việt Nam chính là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đây là hai nhân vật từng nằm trong nhóm “Tứ Trụ”, từ khi khai sanh thành lập Đảng CSVN cho đến nay là bất khả xâm phạm. Thậm chí chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng thời cựu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng việc bỏ tù Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng cũng được xem là đã mạnh tay vì “đánh chuột tránh làm vỡ bình”. Thì nay, xem ra đến thời Tổng Bí thư Tô Lâm có vẻ chiều hướng càng mạnh tay hơn, “không ngoại lệ” “không vùng cấm”.

Bằng chứng là ông Vương Đình Huệ đã bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo do vi phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Trước đó vào hồi Tháng Tư 2024, cấp dưới và thân tín của ông Huệ là cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà bị Bộ Công an CSVN khởi tố, tống giam do liên quan đến vụ án tham nhũng ở Tập đoàn doanh nghiệp Thuận An.

Ngay sau đó, cũng trong Tháng Tư và Tháng Năm, ông Huệ bị buộc tuyên bố từ chức Chủ tịch Quốc hội dựa theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3 Tháng Mười Một năm 2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ “áp dụng với các lãnh đạo” chịu trách nhiệm chính trị hoặc “chịu trách nhiệm của người đứng đầu” khi cấp dưới xảy ra sai phạm.

Nếu dừng ở Quy định số 41-QĐ/TW thì việc ông Huệ từ chức coi như đã thực hiện tạm đủ, vậy nay nhận thêm hình thức kỷ luật cảnh cáo thì hẳn phải còn những sai phạm nghiêm trọng khác mà Đảng CSVN muốn ém nhẹm, không muốn cho dư luận biết.

Tiếp đến sẽ là trường hợp của cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Nhìn lại danh sách “đen” 7 người bị đề nghị xem xét kỷ luật và thi hành kỷ luật vào hôm 20 Tháng Mười Một, tên của ông Thưởng được nhắc đến đầu tiên. Cụ thể, trong thời gian ông Thưởng giữ cương vị ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010 – 2015, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Bộ Chính trị hiện chưa đưa ra hình thức kỷ luật ông Thưởng với lý do là ông Thưởng “đang điều trị bệnh”. Có thể đây là cách ông Thưởng viện ra để tránh mặt ở một phiên họp nhục nhã hoặc có thể ông Thưởng đang mắc bệnh và đang chữa bệnh là thật. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN sẽ hoãn lại khoảng thời gian để xem xét đưa ra một hình thức kỷ luật thích hợp dành cho ông Thưởng. Bởi lẽ, nhìn vào “thành tích” sai phạm bị liệt kê, sai phạm của ông Thưởng là hết sức rõ ràng và kéo dài từ khi ông đương còn đảm nhận chức vụ Bí thư tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010-2015 cho đến khi nhận chức Chủ tịch nước Việt Nam.

Ngày 21 Tháng Ba năm 2024, ông Thưởng tuyên bố từ chức sau khi hàng loạt thuộc cấp của ông ở tỉnh Quảng Ngãi bị bắt trong đại án tham nhũng tại Tập đoàn Phúc Sơn bị phanh phui sau 12 năm.

Liên quan đến vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, ngoài Quảng Ngãi thì hàng loạt quan chức tại tỉnh Vĩnh Phúc và Vĩnh Long cũng bị khởi tố, tống giam. Vĩnh Phúc là nơi ông Thưởng từng công tác, Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan là cấp dưới của ông Thưởng thời còn ở công tác Đảng-Đoàn, còn Vĩnh Long là quê hương của ông Thưởng.

Ngoài ra, thời điểm ông Thưởng nhận nhiệm vụ tại TP.Sài Gòn cũng chính là thời điểm xảy ra sai phạm trong đại án tham nhũng, tài chính Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát hiện đang xét xử. Bà Lan nhận bản án sơ thẩm là tử hình ngay sau khi ông Thưởng tuyên bố từ chức Chủ tịch nước.

Có thể thấy sai phạm của ông Thưởng rõ ràng và nghiêm trọng hơn ông Huệ rất nhiều. Ông Thưởng cũng chính là người ký ban hành Quy định số 41-QĐ/TW. Như vậy, với 4 mức kỷ luật từ nhẹ cho đến nặng: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức và Khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Huệ nhận hình thức cảnh cáo do Bộ Chính trị quyết định. Nếu ông Thưởng nhận ở mức kỷ luật nặng hơn có thể là cách chức hoặc khai trừ ra khỏi Đảng thì sẽ chuyển qua cho Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN quyết định. Khả năng này có thể xảy ra nhưng rất thấp bởi nó sẽ là cơ địa chấn chính trị không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia theo chế độ Cộng sản. Không mấy ai tin, hàng ngũ chóp bu CSVN hiện tại có thể làm điều ngoạn mục này.

Vậy còn cách nào khác để Đảng CSVN xử lý được ông Thưởng, vừa giữ yên dư luận vừa bảo toàn uy tín, danh dự bộ mặt của mình?.

Nhìn lại cục diện chính trị CSVN của mấy năm về trước. Trường hợp của ông Thưởng có phần giống cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thời điểm ông Quang đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an (2011- 2016) đến chức Chủ tịch nước cũng để cho hàng loạt thuộc cấp ở Bộ Công an dính án tham nhũng kinh tế và đất đai. Chẳng hạn:

-Đại án tham nhũng Vinalines- Dương Chí Dũng vào năm 2012. Khi ra Tòa, Dương Chí Dũng đã khai có đưa hối lộ cho ông Quang và các cấp dưới của ông Quang như Thượng tướng-Thứ trưởng Phạm Qúy Ngọc tổng số tiền cả triệu đô la để giúp ông Dũng chạy trốn và che đậy sai phạm. Ngay sau lời khai này, khoảng một tháng sau, tức là vào ngày 18 Tháng Hai năm 2014, ông Ngọ qua đời vì bệnh. Trước đó là vào năm 2010, ông Ngọ còn dính vụ nhận hối lộ một triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan trong đại án Vạn Thịnh Phát.

-Vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm-thượng tá tình báo Bộ Công an): Dưới thời ông Quang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an cho đến chức Chủ tịch nước, hàng loạt tướng –tá thuộc cấp của ông Quang đã phải bị kỷ luật, bị án tù do nhận hối lộ, tham nhũng như: Trung tướng Phan Hữu Tuấn, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thượng tướng Trần Việt Tân, Đại tá Nguyễn Duy Linh…trợ giúp cho Vũ Nhôm trong những sai phạm về kinh tề-tài chính, đất đai và bỏ trốn. Bản thân ông Quang có quan hệ mật thiết với Vũ Nhôm, mẹ vợ Vũ Nhôm chính là em gái ruột của vợ ông Quang.
Ở Đà Nẵng, Vũ Nhôm và Nguyễn Bá Thanh là cặp bài trùm, là vua chúa một vùng nên giới chóp bu CSVN dù biết những sai phạm của hai người này nhưng khó có thể yêu cầu ông Quang –Bộ Trưởng Bộ Công an trừ khử nên đã tính đến kế tách rời mối quan hệ này ra.

Cuối năm 2012, Nguyễn Bá Thanh bị điều ra Hà Nội đảm chức Trưởng ban Nội chính Trung ương. Năm 2013 & 2014, sai phạm đất đai ở Đà Nẵng bị phanh phui. Đầu năm 2015, ông Thanh qua đời vì “bệnh lạ”. Những thuộc cấp của ông Thanh ở Đà Nẵng cùng nhiệm kỳ lần lượt xộ khám.

Đầu năm 2016, Trần Đại Quang bị giới chóp bu CSVN chuyển khỏi Bộ Công an, cho lên nắm giữ chức Chủ tịch nước. Tháng 9 năm 2018, ông Quang qua đời cũng vì “bệnh lạ”. Trước đó, vào cuối năm 2017 đầu năm 2018, Vũ Nhôm bị Bộ Công an dưới thời Tô Lâm khởi tố.

Giống như một quy trình, để trừ khử cá nhân hoặc phe nhóm quyền lực nào thì điều trước tiên là chia tách đối phương, kế đến là luân chuyển chức vụ và sau đó là ra đòn hạ gục.

Trở lại trường hợp của ông Võ Văn Thưởng. Ông Thưởng, hiện đã bị rơi vào quy trình mà CSVN đặt ra. Những sai phạm của ông Thưởng không khác gì mấy so với ông Trần Đại Quang. Hiện ông Thưởng cũng đang triều trị bệnh một cách khó hiểu. Liệu số phận ông Thưởng có sớm bị kết cục như ông Quang hay không? Bởi lẽ, dễ dàng dự đoán được có hai sự lựa chọn mà ông Thưởng phải đối mặt trong thời gian tới: Một là, nhận hình thức kỷ luật ở mức nặng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đưa ra. Hai là…chết để bảo toàn uy tín, danh dự của tổ chức.

Ông Huệ hay ông Thưởng đều là những gương mặt một thời được giới quan sát đánh giá là có tiền đồ xán lạn trong chính trường Việt Nam. Tuy nhiên, chính trường Việt Nam hiện đang ở hồi gió tanh mưa máu cực độ, kết cục khó lường.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: