1.
Mới đây, khi được hỏi Tổng thống tân cử Donald Trump có yêu cầu Ukraine tham gia đàm phán với Nga không, Tổng thống Zelensky đã nhấn mạnh rằng Ukraine không nghe lệnh của ai cả.
“Ukraine là một quốc gia độc lập. Những lời lẽ kiểu ‘hãy ngồi xuống và lắng nghe’ không hiệu quả với Ukraine”, ông Zelensky nói. Có thể xem đây là lời khẳng định mạnh mẽ của Kyiv trước việc ông Trump tuyên bố xung đột Nga-Ukraine phải chấm dứt ngay. Lời khẳng định này cho thấy Ukraine hoàn toàn tự tin vào sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh chính nghĩa của mình. Và rằng vận mạng của Ukraine nằm trong tay người Ukraine. Không một ai và không một thế lực nào có thể áp đặt bất cứ điều gì lên Ukraine nếu người Ukraine không muốn.
Trong khi đó, ông Donald Trump tuyên bố quyết tâm đưa Mỹ trở lại làm đất nước vĩ đại với quân đội hùng mạnh. Có lẽ khi nói như thế, ông Trump có ý rằng với quân đội hùng mạnh, Mỹ mới có thể buộc Nga phải thoái lui ở Ukraine. Nếu thế thì ông rất có lý, bởi những kẻ hiếu chiến như Putin khó có thể dùng lời để thuyết phục.
Không phải tự nhiên mà TT Zelensky phản đối cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với TT Putin, trong đó Thủ tướng Đức kêu gọi Putin đàm phán hòa bình. Hẳn ông Zelensky đã đúng khi phản đối cuộc điện đàm, bởi ông Scholz đã hoài công khi đưa ra lời kêu gọi đó với Putin, kẻ chỉ biết dùng sức mạnh để bắt nạt người yếu, chứ không cần biết lẽ phải là gì. Có ý kiến rằng ông Olaf Scholz gọi điện cho Putin là để tránh bị gạt ra rìa trong vấn đề Ukraine, với lo ngại ông Trump có thể đàm phán riêng với Putin mà Đức không biết gì. Đức hiện là nước viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều nhất, chỉ đứng sau Mỹ. Thiết nghĩ, một cuộc gọi khó có thể lay chuyển được Putin mà chỉ làm nhà độc tài nước Nga xem thường Phương Tây, cho rằng Phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài đàm phán.
Nói thẳng ra, chỉ sức mạnh mới có thể khiến Putin phải chùn bước. Ông Trump đã nói nhiều về việc phải sớm kết thúc xung đột ở Ukraine và chủ trương “hòa bình thông qua sức mạnh”. Người ta hãy chờ xem ông ấy sẽ biến lời nói của mình thành hành động như thế nào.
2.
Giữa lúc Hamas bị Israel tấn công quyết liệt, quan chức cấp cao của phe này là Bassem Naim tuyên bố Hamas sẵn sàng ngừng bắn và kêu gọi Tổng thống tân cử Donald Trump gây áp lực lên Israel để Israel chấm dứt hành đông gây hấn.
Lời kêu gọi này của Hamas hẳn sẽ khiến những người quan tâm tới Trung Đông phải bật cười. Bởi ai cũng biết ông Trump vốn là người không có mấy thiện cảm với Palestine. Năm 2017, Hamas từng gọi quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đồng nghĩa với lời tuyên chiến với Palestine. Vì thế, người ta tin rằng ông Trump sẽ không gây áp lực lên Israel theo lời kêu gọi của Hamas thì chớ mà ngược lại, sẽ cổ vũ Israel đánh, đánh nữa, đánh mãi cho tới khi Hamas bị xóa sổ hoàn toàn.
Không hề quá lời khi cho rằng với vụ 7 Tháng Mười, Hamas đã muốn tự diệt vong. Lúc đầu các lãnh tụ Hamas nói rằng họ tiến hành cuộc tấn công vào Israel ngày 7 Tháng Mười năm 2023 vì họ tin chính nghĩa của Palestine đang lụi tàn và chỉ bạo lực mới có thể tạo ra động lực. Giờ đây nhiều thành viên Hamas đang tỏ ra hối tiếc về vụ tấn công đó vì nó đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho Gaza và làm suy yếu nhiều thập niên cố gắng xây dựng nhà nước Palestine.
Hối hận thì đã muộn. Bánh xe thời gian không quay ngược lại cho Hamas sửa chữa sai lầm khủng khiếp của họ. Gây ra vụ 7 Tháng Mười, Hamas xem như đã tự đào hố chôn mình.