“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt,
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa…
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó…
Ta vẫn chờ em trong bao la đồi nương…
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người
Biệt ly nào… dấu môi…
Thu hát cho người… người yêu ơi!”
Vừa đi làm về, Tuấn bước vô nhà đã nghe tiếng Hoa nức nở trong từng lời ca trên gác Cao Ủy. Phải công nhận rằng Hoa hát rất hay, giọng của nàng ngọt ngào khi lên cao hôm nay lại thêm phần ai oán não nuột khiến chàng không cầm lòng nổi.
Trèo lên căn gác tư nhân đối diện mà chú cháu thằng Lâm đã để lại cho chàng khi lên đường đi Bataan tái định cư và khẽ liếc qua lỗ thủng khá to của tấm màng nilon dùng làm vách ngăn Tuấn thấy Hoa đang nằm nhắm mắt, đầu gối lên đùi thằng Điền miệng hát say sưa và Điền thì cũng nhắm mắt đầu lắc lư theo tiếng đàn, tay mân mê cây guitar, mấy ngón tay lướt nhẹ trên các phím đàn một cách điêu luyện như nâng niu người tình. Cả hai đang thả hồn đi hoang trong cơn say lắm muộn phiền, chìm đắm trong men tình, không cần biết đến ngày mai vì Hoa có thai được hơn bốn tháng rồi còn Điền thì mới nhận được kết quả “đậu” thanh lọc hôm qua sau cả năm dài chờ đợi, bởi BOI (The Bureau Of Immigration) của Phi giam hồ sơ nó lại, họ chỉ muốn phát kết quả cho nó khi nào nó bổ túc thêm được các bằng chứng về cô vợ lai Mỹ (Amerasian) mà nó khai là cũng sẽ sang Mỹ định cư theo diện “con lai” mà thôi.
Việc cô vợ lai Mỹ sẽ đi định cư Hoa Kỳ mà nó đã khai với phái đoàn phỏng vấn này là cái “phao” cứu nó khỏi bị đá vì ngoài diện này ra thì nó chẳng có điều gì để vượt qua thanh lọc theo tiêu chuẩn của CPA lúc ấy cả. Thế nên ngày vợ nó đặt chân tới VA, Hoa Kỳ, là vài hôm sau đã vội vã gửi thêm giấy tờ sang trại cho nó bổ túc mà có hay đâu nó đã vướng phải lưới tình với một người đàn bà không chồng nhưng có một con khác rồi vì nó không thể sống thiếu vắng tình cảm vợ quá lâu trong những ngày dài tháng rộng ở đây suốt mấy năm trời.
Nhìn hai đứa chúng nó tình tự, quấn lấy nhau trong bản tình buồn “Thu hát cho người” của Nhạc Sĩ Vũ Đức Sao Biển quên cả hiện tại Tuấn thở dài, rón rén leo xuống gác, đi lần ra bãi biển, trả lại cho họ không gian riêng. Điền nhỏ hơn Tuấn vài ba tuổi, cao ráo, phảng phất nét đẹp hơi bụi của chàng thanh niên đang độ sung mãn, còn Hoa thì sanh cùng năm cùng tháng cùng ngày nhưng chỉ nhỏ hơn Tuấn vài giờ. Đó là điều bất ngờ lý thú mà trong một lần nói chuyện với nhau cả hai mới biết được. Hoa có một vóc dáng cao, đẹp, với mái tóc xõa dài, mặn mà của người thiếu phụ một con. Cả hai đều ở Saigon cũ, chẳng biết gia cảnh Hoa thế nào mà khiến nàng phải bỏ chồng mang con ra đi, nhưng có một điều chắc chắn là gia đình nàng rất giàu vì thân nhân của Hoa thường lén lút chuyển vàng sang trại qua các trung gian cho nàng.
Ngoài khơi xa, mặt biển xanh lơ phẳng lặng, rộng bao la trong buổi chiều thu vắng vẻ bóng người, một cơn gió tạt mạnh vào mặt mang theo hương vị mằn mặn của biển làm Tuấn bừng tỉnh, nghĩ ngợi miên man “nay mai Điền sẽ đi định cư, cuộc tình ngang trái này tạo ra một nghịch cảnh trớ trêu, chẳng biết rồi sẽ ra sao nhưng chắc chắn nó sẽ mở ra một khoảng trống mênh mông vô định cho tương lai của đứa bé khi em được sinh ra mà không có cha lo lắng trong hoàn cảnh này? Và số phận sắp tới của đám người bị đá (screened out) như bọn chàng rồi cũng sẽ thế nào đây? Nhiều câu hỏi liên tục kéo tới mà nhất thời Tuấn không giải đáp được làm chàng bức bối khó chịu. “Que sera, sera? Whatever will be, will be? The future’s not ours to see? Que sera, sera!” Những câu hỏi về tương lai, số phận trong bài hát lừng danh “What will be, will be?(Que sera, sera?)” lại vang vọng lên đâu đó trong lòng chàng!
Cứ vài ba tuần thì tất cả các thiện nguyện viên Việt Nam của phòng IOM lại cùng với ông Trưởng Phòng William Barriga, và các nhân viên như Barin, tài xế Dong, Robert… đều là người bản xứ ngoại trừ hai thiện nguyện viên người Mỹ là Cô Kerry với Mary, đều phải tập trung đến trước văn phòng để lo sắp xếp giấy tờ, phương tiện vận chuyển và quan trọng hơn hết là kiểm soát xem “người đậu thanh lọc” có phù hợp với hình ảnh trên thẻ chuyển trại RS (Refugee Status) của họ không để đưa ra cảng Puerto Princesa, chuyển lên PRPC; là trại dành cho những người được quyền tị nạn sống, học tiếng Anh, tiếng Pháp, học lối sống văn minh xứ người từ sáu đến chín tháng để chuẩn bị lên đường định cư ở các đệ tam quốc gia. Nơi này được mệnh danh là “ngưỡng cửa của thiên đường” vì đời sống đầy đủ và sung túc bởi có Cao Ủy tị nạn và các chính phủ phương Tây hỗ trợ mọi thứ chứ không như PFAC.
“Gió đưa cây cải về trời,
rau răm ở lại chịu đời đắng cay!”
Thường những buổi chuyển trại hay được tổ chức vào các chủ nhật, do đó ngày này luôn luôn đông đảo vì mọi người đều nghỉ làm và nghỉ học. Nếu ngày chuyển trại được xem là ngày vui của người ra đi thì nó cũng là ngày đầy đau khổ cho kẻ ở lại trong cuộc đời tỵ nạn.
Làm việc ở IOM, ngoài nỗi buồn riêng gặm nhấm tâm hồn của thằng “bị rớt thanh lọc” thì Tuấn cũng bị “stress” do đã chứng kiến thêm biết bao nhiêu cảnh đau lòng, bao nhiêu mảnh đời rách nát, vỡ vụn vì chia ly khác mà lắm lúc chàng tự hỏi lấy mình “không biết kẻ đi người ở, ai buồn hơn ai?”
Hôm nay Điền đi định cư. Cả ngày hôm qua anh em tụi nó; mấy chục đứa cả trai lẫn gái, tụ tập về nhà chàng ăn nhậu ồn ào, tiễn đưa say xỉn cho tới gần sáng. Khi Tuấn lên văn phòng IOM thì bọn chúng vẫn còn ngủ la liệt khắp nơi, chỉ có Điền là ôm lấy Hoa đang ngồi khóc thút thít trong góc nhà. Nước mắt Hoa đầm đìa, thấm đẫm gương mặt, còn Điền thì đầu tóc rối bời, buồn vời vợi chẳng màng sửa soạn hoặc sắp xếp đồ đạc, áo quần như người định cư thường hay chuẩn bị!
“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về… gọi bờ cát trắng đêm khuya. Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ… Hôm nao em về, bàn tay buông lối ngỏ, đàn lên cung phím chờ, sầu lên đây hoang vu… Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về … gọi bờ cát trắng đêm khuya… Ngày mai em đi, biển có bâng khuâng gọi thầm… Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rủ buồn… nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương!”
Vẫn biết rằng thói quen lâu ngày sẽ thành thông lệ và trở nên một cố tật khó bỏ, biết rằng mở bản nhạc này lên mọi người sẽ buồn nhưng người nhân viên trực Ban Truyền Thông Văn Hóa vẫn không thể cưỡng nổi lòng mình và bài “Biển Nhớ” của Trịnh Công Sơn lại da diết như than vãn, trách móc qua giọng ca ai oán của Khánh Ly nức nở trên các chiếc loa của trại làm cho những bước chân người ở lại thêm ê chề ngày tiễn đưa.
Sau khi chuẩn bị giấy tờ xong, tất cả nhân viên thiện nguyện lên chiếc Jeepney của phòng và Robert chở mọi người ra ngoài đường lộ xuống cổng chuyển trại, ở Khu 12. Nơi đây đã có rất nhiều đồng bào đứng lố nhố chờ đợi bên trong.
Lúc nắng lên cao qua đỉnh các ngọn dừa và thời tiết trở nên nóng dần thì chiếc xe rác xanh dương đậm hàng ngày của trại; là một chiếc xe to với cái thùng lớn có thể nâng cao đầu và mở nắp thùng phía sau (a truck equipped with a “dirt tub” dump body) để trút rác xuống nay được dùng làm phương tiện đưa người tị nạn cũng vừa trờ tới.
Điều này được coi là một sự nhục nhã của thời kỳ tị nạn cuối mùa khi thuyền nhân bấy giờ không còn được xem là người hùng của tự do nữa mà chỉ còn như một đám rác rưởi. Tuy nhiên để biện minh cho chuyện này, Cao Ủy giải thích là Liên Hợp Quốc đã hết tiền nên trước ngày chuyển trại họ thường yêu cầu nhân viên Ban Vệ Sinh rửa ráy xe sạch sẽ cho công tác đưa người, mà dân tỵ nạn vì lệ thuộc nên phải chấp nhận mà không quyền chọn lựa. Tuy vậy nhiều người cũng mong ước được bước lên xe rác tủi nhục đó còn hơn là cứ ở mãi chốn này chẳng biết đến bao giờ với một ngày mai vô vọng!
Rồi lần lượt đàn bà và trẻ em được xe Jeepney của IOM chở ra cảng lên tàu William trước, còn đàn ông thanh niên thì đi bằng xe rác. Cứ thế đám chàng phụ chuyển đồ đạc, quần áo được đóng trong các thùng giấy hay thùng thuốc lá mà người tị nạn lượm hoặc xin ở đâu đó, lên xe cho họ. Nhìn người đi bịn rịn và nụ cười méo xệch trên những khuôn mặt đẫm nước mắt của kẻ ở lại trong đám đông, cảm giác của Tuấn thật là xót xa như có ai lấy muối xát vào lòng.
Mãi cho đến khi người lên đường sắp hết Tuấn mới thấy đám anh em nhà chàng lục đục kéo ra, thằng nào thằng nấy mặt mày phờ phạc, tóc tai bù xù không buồn chải, quần áo xốc xếch, mệt mỏi. Thằng Điền thì đi thất thểu với một túi xách nhỏ trên tay mà chẳng thấy bóng dáng Hoa đâu cả.
Khi mọi người đã leo hết vào trong thùng và xe chuẩn bị lăn bánh thì đột nhiên Tuấn thấy Hoa đang từ xa tất tả chạy tới tay vẫy gọi liên tục. Nàng níu chặt lấy hàng rào lưới B40 gào thét:
-Điền…Điền… !
Trông Hoa thảm hại, khóc bù lu bù loa, tóc rối bời với cái bụng bầu vượt mặt trong tay mấy đứa em trai bước lại đỡ lúc nàng đang khụy xuống bên cạnh hàng rào, Tuấn nghe “đau cả nửa hồn!” Trước tình cảnh nghiệt ngã ấy, chàng quay qua Điền thì thấy nó im lặng, mặt buồn hiu, ánh mắt đầy đau khổ, bối rối ngó mãi về phía trại lúc xe chạy được một khoảng khá xa.
Tại bến cảng, sau khi giúp mang hành lý cho người cuối cùng lên tàu xong, Kerry gọi Tuấn ra về. Đột nhiên Điền xuất hiện, nó tiến lại nắm tay chàng:
-Anh ở lại mạnh giỏi.
-Cám ơn em, thượng lộ bình an nhe!
-Anh… nhờ anh đặt tên cho con em rồi bảo Hoa viết thư cho em biết tên nó là gì nghe anh.
Đấy là tâm tư Điền gửi cho Tuấn ngày xưa và cháu gái ngày ấy là bé Khanh mà bây giờ tuổi cũng đã hơn hai mươi rồi!
“Thời gian tựa cánh chim bay*” thấm thoát mà đã có thêm hai nhiệm kỳ nữa trôi qua. Hiện tại là Nhiệm Kỳ Thứ 33 do anh N. C. C. làm Chủ Tịch. Và có thể nói khi thuyền nhân đã bị bác quyền tị nạn thì kể như số phận đã an bài vì chuyện kháng cáo chỉ là thủ tục pháp lý ngoài trừ một vài trường hợp hiếm hoi được tái cứu xét và đảo ngược quyết định như trường hợp của chú Phạm Nhã hay trường hợp của Hồng vì nhờ có ba là cựu trung tá và đã đi theo diện HO (The Humanitarian Operation) sang Mỹ rồi nên mới được “đậu kháng cáo” mà thôi!
Trong cái không khí hơi lành lạnh của buổi sáng đầu đông ngày 07 Tháng Mười Hai năm 1993, sau khi đánh răng rửa mặt xong Tuấn bước ra trước sân nhà đứng vươn vai uốn éo thì bất chợt thấy anh Bắc hớt hơ, hớt hãi từ Chùa Vạn Đức đi xuống. Vừa thấy Tuấn anh giơ tay chỉ vào mặt, nói cà lăm:
-Vô… vô viết… gấp thư mời.. mời… các hội đoàn họp liền đi. Thằng Trần Anh Dũng, Hội Thanh Niên Phụng Sự chết rồi!
-Hả? Nó chết hồi nào? Sao chết vậy?
Tuấn ngạc nhiên hỏi dồn, anh Bắc trả lời trong lo lắng:
-Nó lên cơn suyễn hồi đêm qua. Hội Thanh Niên Phụng Sự mang nó lên Trạm Y Tế nhưng Ban Y Tế không có xe, tụi nó phải cõng thằng nhỏ chạy bộ qua tới bệnh viện bên WESCOM thì nó chết mất tiêu. Giờ xác đem về để trước chùa kìa!
Ngồi trong nhà đang lúc hai anh em còn lo lăng xăng thảo thư mời thì nghe thiên hạ ồn ào bên ngoài, hỏi ra mới biết Hội Thanh Niên Phụng Sự và Đại Đức Thích Thông Đ. đã mang xác của D. ra Sân Cao Ủy biểu tình phản đối Cao Ủy lơ là, không chu toàn trách nhiệm trong việc bảo vệ người lánh cư… Thế là vô tình, lần biểu tình hôm nay lại xảy ra cũng đúng y vào ngày này năm trước. Một sự trùng hợp đến khó hiểu? Và trong cương vị Tổng Thư Ký, anh Bắc cả hai lần đều bị rơi vào thế “triệt buộc” chớ thật tâm Liên Hội Đoàn chưa có ý tổ chức biểu tình phản đối Cao Ủy khi ấy!
Rút kinh nghiệm năm trước, lần này ngoài những thành viên cũ, Ủy Ban Đấu Tranh còn đề nghị mời thêm một số vị có khả năng khác trong trại tham gia vào Ủy Ban Đấu Tranh, nên công việc bài bản và quy cũ hẳn ra đồng thời cũng nhân cơ hội trên Ủy Ban quyết định đấu tranh với một quy mô lớn và một kế hoạch lâu dài hơn vì lúc bấy giờ mọi người không còn gì nữa để mất!
Phần Tuấn thì chàng đã giới thiệu Thầy Nguyễn Văn Khớ dạy Việt Văn ở trường Việt Ngữ 1, cũng là một người khá nổi tiếng và uy tín khác vô Ủy Ban vì Tuấn biết ngày xưa lúc còn ở Việt Nam, thầy đã từng tham gia “Chương Trình Công Tác Hè năm 1965 do ông Đỗ Ngọc Yến làm tổng thư ký lúc đó và sau này là nhà báo nổi tiếng ở Mỹ. Đây là một tổ chức mùa hè nhưng đã huy động được cả trăm ngàn học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết ở khắp bốn mươi tỉnh thành của miền Nam Việt Nam ngày trước tham gia, thực hiện được rất nhiều công tác xã hội cho dân chúng mà Tuấn hiểu rõ vì nhà chàng cũng có các cô chú tình nguyện vào chương trình này lúc đó.
Thời gian này, nhóm chàng kêu gọi mọi người ngừng buôn bán, không mở cửa các tụ điểm chiếu phim, vận động học sinh nghỉ học không tới trường, yêu cầu các ban ngành đoàn thể huy động mọi người trong hội mình dồn hết lên Sân Cao Ủy, ”biểu-tình-ngồi,” bất bạo động suốt ngày đêm, canh giữ quan tài của Trần Anh Dũng.
Nhưng sau khi phủ nhận trách nhiệm thiếu sót y tế trong việc chăm sóc người lánh cư, bác bỏ cáo buộc của dân chúng về cái chết của Dũng do sự tắc trách của mình, văn phòng Cao Ủy đã đóng cửa, ngưng làm việc và không tiếp tục thương thảo với Ủy Ban Đấu Tranh. Mặc dù vậy, cơ quan OIC thì vẫn luôn mở 24/24, túc trực theo dõi diễn biến cuộc biểu tình của mấy ngàn người lánh cư trên Sân Cao Ủy.
Có thể nói trong lịch sử tị nạn của người Việt tị nạn tại PFAC thì chưa có cái chết nào gây tiếng vang lớn và đám ma nào được tổ chức thật to như đám tang của Trần Anh Dũng. Sau hai hôm để quan tài trước cửa ra vào văn phòng Cao Ủy thì cũng đã đến lúc đưa anh về nghĩa trang ngoài phố, nơi an nghỉ sau cùng của đời người lánh cư bất hạnh ở Phi Luật Tân!
Trong toan tính nhằm mục đích giải tán cuộc biểu tình, Bộ Tư Lệnh Miền Tây và Cao Ủy Tị Nạn Palawan hứa sẽ tạo mọi điều kiện tốt để chuyên chở đồng bào tiễn đưa bằng cách mang quân xa và rất nhiều binh sĩ sang trại trước giờ di quan. Tuy nhiên để tránh bị “trúng kế” trên, bọn chàng chỉ cử một số vị trong Ủy Ban Đấu Tranh đại diện tháp tùng theo Linh Mục N. T. T. ra nghĩa trang làm lễ để tiếp tục duy trì đông đảo số lượng người lánh cư ở lại vì mọi người biết nếu tất cả rời bỏ “chiến trường ở Sân Cao Ủy” thì khi trở về thuyền nhân sẽ không bao giờ ra lại đây được nữa! Thế nhưng vẫn có hàng trăm người rơi lệ, ngậm ngùi thương tiếc đưa anh đi trong một buổi chiều hanh nắng giữa muôn vàn thổn thức đớn đau. Vĩnh biệt anh, người chiến hữu can trường, sống chết cho tự do của trại!
Lúc này Cao Ủy Tị Nạn đã cử ông Bernard Qua; một người đàn ông còn trẻ, rất quyết đoán, gốc Mã Lai, từ Manila về để giải quyết khủng hoảng tị nạn ở PFAC. Thế nhưng cuộc thương thảo giữa Ủy Ban Đấu Tranh với Cao Ủy và đại diện của IOM, OIC, CFSI (The Community and Family Services International) không đạt được thỏa thuận theo yêu cầu tái xem xét lại tiến trình thanh lọc của người tị nạn nên vẫn bế tắc và cuộc biểu-tình-ngồi vẫn tiếp diễn từ ngày này sang ngày nọ.
Một số người mất kiên nhẫn, nôn nóng dần với những diễn biến chậm chạp của cuộc đấu tranh nên một hôm lúc Tuấn đi ngang đoàn người biểu tình trên sân thì bất ngờ chú Ba Vàng; người chuyên sửa lò gas cho đồng bào trong trại ở đầu Khu 1 lên tiếng, gọi chàng giật giọng:
-Tuấn, lại đây chú nói cái này nè!
Đang đi, nghe gọi chàng vội dừng lại và đến ngồi xuống cạnh chú Ba Vàng. Mắt mũi dù đã lem nhem, mệt mỏi vì ăn uống thiếu thốn, tay chân sạm đen do dãi gió dầm sương, tóc bạc phơ bởi nắng cháy phận người nhưng giọng chú vẫn còn sang sảng:
-Tụi mày tính sao rồi?
Nhìn hình hài tiều tụy của chú Ba Vàng, lòng Tuấn không khỏi ngậm ngùi, ái ngại. Sau vài giây đắn đo, chàng trình bày sơ qua một chút dự định của Ủy Ban Đấu Tranh trong những ngày tới cho chú an lòng. Ngẫm nghĩ đôi chút rồi chú lên tiếng:
-Tao chờ tụi mày, nhưng nếu tụi mày làm không xong thì tao tính. Tao có một kế hoạch cho riêng tao mà tao nói thiệt nếu tao “chơi” là Cao Ủy này chết chắc!
Vừa nói chú vừa gật gù ra chiều rất thích chí, hài lòng với dự tính của mình khiến Tuấn hơi chột dạ. Chàng ân cần nói nhỏ nhẹ với chú:
-Làm gì thì làm nhưng phải “non-violence” nghe chú!
Khi trở về gặp anh em trong Ủy Ban, Tuấn có thuật lại chuyện gặp chú Ba Vàng lúc nãy. Dù không ai nói gì nhưng tất cả đều có vẻ trầm tư.
Trong khi ấy, để tạo điều kiện đấu tranh lâu dài nhiều đồng bào đã ủng hộ, vật chất, tiền bạc cho Ủy Ban Đấu Tranh do đó nhằm gìn giữ sức khỏe cho mọi người “ban ngày phải ngồi dãi nắng dầm mưa, ban đêm thì co ro trong gió biển lạnh lùng” Ủy Ban đã quyết định mua một tấm bạt màu xanh dương đậm, dựng thành cái lều thật to, trên sân. Động thái này được Cao Ủy và Ban Quản Đốc trại xem như là một quyết tâm tuyên chiến của người lánh cư, mặc dù vậy họ vẫn không trả lời các Thỉnh Nguyện Thư mà Ủy Ban đã gửi cho họ.
Nhưng rồi những lễ lạc cuối năm cũng đến, giữa lúc thiên hạ trở về sum họp với gia đình trong mùa Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới an lành thì tại một góc trời tị nạn nào đó ở Phi Luật Tân vẫn còn có những con người bất hạnh cùng khổ đang ngửa tay van xin tí tình thương nhân loại trong giá rét vô vọng!
Cuộc biểu tình kéo dài được hơn bốn mươi ngày thì Ban Quản Đốc trại OIC bất ngờ ra lệnh đóng cửa trại và yêu cầu tất cả các thiện nguyện viên ngoại quốc ra ngoài. Họ không cho phép mấy người này ở trong trại nữa vì bắt đầu nghi ngờ có bàn tay bí mật của các thiện nguyện viên này đã lén lút ủng hộ người biểu tình.
Do vậy hàng ngày, Tuấn phải lén đi ngỏ tắt trong rừng ở Khu 12 ra gần phi trường để gặp Josh; người đồng nghiệp IOM và cũng là thầy dạy Anh Văn cho chàng để tham khảo ý kiến cũng như “correct” các câu biểu ngữ mà bọn Tuấn dự định sẽ viết thêm. Tới ngày thứ năm mươi thì những người lãnh đạo biểu tình chuyển hướng sang tuyệt thực để làm áp lực với Cao Ủy. Lần tuyệt thực này anh em thành lập hẳn một “Đội Tuyệt Thực” và làm một Bản Tuyên Cáo ghi rõ tên họ, số PS của các đồng bào tự nguyện tham gia tuyệt thực cũng như những người đã bị ngất xỉu sau khi tuyệt thực dựng ngay Công Viên Thuyền Nhân với quyết tâm “rather die than return!”
Trong lúc ấy, Thầy Nguyễn Văn Khớ cũng cố gắng đẩy mạnh bầu nhiệt huyết tuổi trẻ lên cao, kêu gọi sự tích cực tham gia đấu tranh của đám học trò mình nhiều hơn. Thầy luôn nỗ lực “ cổ động tinh thần binh sĩ,” hô hào “không thành công ắt cũng thành nhân” khiến mọi người đang tranh đấu cho tự do thêm hăng say!
Ngay lập tức Bản Tuyên Cáo này đã trở thành một điểm nóng mà mỗi ngày Cao Ủy cho người ra ghi chép để biết có bao nhiêu người tuyệt thực và bao nhiêu người đã bị chấn thương. Đến đầu Tháng Hai năm 1994, sau sáu mươi lăm ngày đêm đấu tranh dai dẳng, khi nghe có tin người lánh cư sẽ chuyển tới một “tình trạng đau đớn hơn của thân thể” tức “tự thiêu” thì Cao Ủy và Bộ Tư Lệnh Miền Tây lấy làm quan ngại và cuối cùng quyết định dùng lực lượng cảnh sát từ ngoài phố với khiên, dùi cui cùng hàng trăm lính Thủy Quân Lục Chiến được trang bị súng ống đầy đủ, có cả xe cứu thương, cứu hỏa với vòi rồng xịt nước chốt chặn mọi ngã không cho đồng bào từ các khu lên tiếp ứng đoàn người trên sân đồng thời tấn công dẹp lều, bắt đi một số người và chú Ba Vàng nhằm giải tán cuộc biểu tình vào một ngày rạng sáng khi mặt trời còn ngủ say. Tiếng đánh đập, tiếng la hét kêu gào than khóc vật vã van xin của chị Đào ở Khu 4 lúc bị chặn lại không cho tiến ra Cao Ủy tại ngã ba của Ban Lương Thực với con đường chính, của đàn bà con nít vang động cả một Sân Cao Ủy, tiếng động cơ xe gầm rú chở người bị bắt chạy rần rần về bên Bộ Tư Lệnh dấy lên sự hỗn loạn cực độ.
Khi trời sáng hẳn, mặt trời lên cao. Một cảnh tượng hoang tàn đổ nát bày ra trước mắt mọi người. Lều, chõng ngả nghiêng, tứ bề xốc xếch! Trên những gương mặt hốc hác, sạm đen vì nắng gió sau bao ngày đói ăn thiếu ngủ, người ta còn đọc được nỗi kinh hoàng bị đánh đập đêm qua! Quân đội đã vây kín, những người lính dữ dằn, mặt mày hung tợn ngó đám người biểu tình ngồi tan tác, nhìn các bà các cô và mấy em nhỏ một cánh dương dương tự đắc với thắng lợi đêm hôm.
Họ cô lập đoàn biểu tình với các thành viên của Ủy Ban Đấu Tranh bên trong. Họ đã bịt kín tất cả mọi ngã đường dẫn lên Sân Cao Ủy nhằm ngăn cản không cho đồng bào ở các khu lên tiếp ứng với đoàn biểu tình nhưng họ sẵn sàng cho bất cứ ai đang ngồi trong sân ra về. Binh lính cầm giữ những người bên trong và đợi tối đến sẽ tóm gọn các kẻ còn ngoan cố bám sân về trại giam bên Wescom theo kế hoạch đã lên mà không cần giấu diếm. Tới trưa thì do trời nắng, nóng và khát, lại thêm mệt mỏi và sợ hãi một số người lần lượt bước ra khỏi đám đông về nhà.
Từ trong đám đông, Tuấn ngồi ngó bâng quơ liên tưởng tới cuộc lùng bắt tối nay khi đêm xuống thì bỗng nhiên thấy Cha Crawford đứng sát hàng rào dưới tượng Mẹ Maria trong Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình nhìn qua phía sân Cao Ủy. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu chàng, Tuấn muốn kêu gọi mọi người vô nhà thờ để từ đây có thể băng qua Công viên Thuyền Nhân tiếp ứng cho đoàn biểu tình. Ý tưởng ấy Tuấn mang ra trình bày cho Ủy Ban Tranh Đấu, được các anh em đón nhận một cách hời hợt vì không ai nghĩ nó sẽ thành công, dường như tất cả đã chấp nhận bị bắt. Chỉ riêng anh Trần Tiến Bắc lên tiếng:
-Làm sao thông báo cho mọi người biết khi “nội bất xuất ngoại bất nhập?”
Vậy là Tuấn nhờ Minh, một huynh trưởng của Hướng Đạo Ra Khơi, tìm cách liên lạc với những hướng đạo sinh của mình và đánh “Morse” thông báo tin tức trên về các khu cho đồng bào rõ. Khi Minh liên lạc được với các em hướng đạo đang ngấp nghé bên ô cửa sổ của Lớp Đánh Máy Liên Hội Đoàn nằm đối diện với sân Cao Ủy thì Minh tiến ra gần cây me bắt đầu đưa tay làm tín hiệu trước sự cười cợt chế giễu của quân lính. Nhưng chẳng mấy chốc sau dường như họ đã hiểu chuyện nên một số quân nhân Thủy Quân Lục Chiến đã đến án ngữ trước mặt Minh, giơ khiên lên cao che chắn và vài người trong số họ còn tính xông cả vào đoàn biểu tình để bắt Minh nữa. Vì thế cuộc truyền tin bằng Morse kia đã không thành!
Hơn hai giờ chiều, Tuấn quyết định rời đoàn người trên sân để về khu lo kế hoạch vừa phác họa. Lúc chàng ngỏ ý ấy thì mọi người im lặng chỉ có anh N.C. C. nói mà qua ánh mắt anh Tuấn hiểu anh nghĩ chàng sợ “bị bắt” muốn ra về thôi:
-Tùy mày!
Tuấn lén ra khỏi đám đông biểu tình đi xuống biển rồi vòng qua sân bóng rổ đi băng ngang Đoàn Quán của Gia Đình Phật Tử Quảng Đức xuống Hội Trường Con Cựu Quân Nhân gặp em Trần Văn Đ. lúc đó đang là Hội Trưởng. Một nhóm họp lại bàn thảo kế hoạch này và bắt đầu đi kêu gọi đồng bào tập trung ở cây me sau lưng Lớp Đánh Máy LHĐ. Càng lúc càng nhiều đồng bào kéo về và đến bốn giờ chiều thì tất cả xuất phát ngang qua IOM đi băng ra con đường chính để xông vào nhà thờ. Đoàn người bị chặn lại tại ngã ba với một bên là IOM và một bên là Hang Đá Đức Mẹ với con đường chính của trại, dưới áp lực của vòi rồng mạnh bạo với dùi cui của quân lính quất tới tấp vào đoàn người tay không tấc sắt. Tiếng kêu gào, tiếng khóc la, tiếng đàn bà con nít thét thất thanh vang động một góc trời. Mọi người ướt át, phụ nữ thì áo quần xộc xệch, tóc tai bê bết nước, mặt mày nhếch nhác tái xanh, nhưng mọi người vẫn quyết tâm xông lên cứu đoàn người trên sân.
Trong lúc đang xô xát thì Tuấn chợt thấy thằng Na ở gần Vòi Nước Khu 1 nhà chàng lượm một cục đá thật to chọi mạnh vào người lính đang sử dụng vòi rồng xịt nước vào đồng bào trên xe cứu hỏa, Tuấn hoảng hốt la lên:
-Ê, đừng!
Nhưng không kịp rồi vì cục đá đã rời khỏi tay nó, Tuấn quay lại thì chỉ vừa kịp thấy cục đá đã bay trúng chiếc nón sắt của người lính làm anh ta ngã lăn quay trên xe. Hành vi bạo động của nó đã khiến quân đội Phi thêm tức giận và ra tay quyết liệt hơn. Bên kia trên sân Cao Ủy, đoàn người xót xa, nhốn nháo nhìn đồng bào bị đánh đang kêu gào thảm thiết, bên này. Và trong sân nhà thờ kín cổng, Cha Crawford cũng đưa ánh mắt lo lắng nhìn đám người đau khổ đang níu kéo, ôm lấy nhau để tránh bị té ngã dưới sức mạnh như vũ bão của vòi nước đang phun từng giòng trắng xoá, cho cuộc đấu tranh, cho sự sống còn, của họ bên ngoài.
Trong quang cảnh hỗn loạn ấy, tiếng của Nhu, một phật tử Chùa Vạn Đức vang lên đâu đó phía trên:
-Cố lên đi bà con ơi, sắp tới nhà thờ rồi!
Đột nhiên từ phía ngoài cổng của con đường chính, lính Phi cứ lùi dần, lùi dần vào trong, khi anh Cung; một “hooligan” của trại nhưng là một con chiên ngoan đạo, đã nảy ra sáng kiến lúc anh chạy vô Hang Đá Đức Mẹ ôm hình Mẹ Maria mang ra đi mở đường. Đất nước Phi với hơn chín mươi lăm phần trăm là người theo đạo Thiên Chúa thì làm sao họ có thể ra tay đánh một thanh niên đang ôm tượng Đức Mẹ như thế kia chứ? Ý tưởng tuyệt vời và hành động can đảm phi thường của anh đã góp công lớn cho sự thành công của cuộc biểu tình ngày ấy. Bởi khi một khoảng trống trước cửa nhà thờ hiện ra thì Cha Crawford đã lập tức dùng “búa tạ” tiến tới đập vỡ ổ khóa cho đồng bào tràn vào. Từ đây thiên hạ đã chạy qua sân Cao Ủy ôm lấy đoàn người vì mấy người lính đã rút sâu vào trong nhường đường và nhìn mọi người vỡ òa trong nước mắt bằng sự kính phục cho lòng can đảm của thuyền nhân vượt biển mà họ từng nghe nói!
Trông mọi người mừng mừng, tủi tủi, ôm lấy nhau Tuấn cảm thấy vui và thở phào nhẹ nhõm vì mọi nguy nan đã qua. Đằng kia chị U., người Hội Trưởng Hội Phụ Nữ kiên cường, can đảm của trại, đang lấy dầu xoa cho các chị em bị đánh, bị thương, trông thật tội nghiệp. Phải công nhận một điều là đất nước Phi Luật Tân là quốc gia “nhân đạo” nhất trong các nước thứ hai cho thuyền nhân tạm dung và quân đội Phi Luật Tân là quân đội “hiền” nhất theo đúng nghĩa trong tình thương mà Thiên Chúa đã rao giảng chứ không phải là họ không dẹp nổi đám người biểu tình ngày ấy.
Đến lúc này thì Tuấn mới biết trong khi chàng trở ra vận động đồng bào thì Đại Đức Thích Thông Đ. cũng rời đoàn biểu tình bằng con đường sau giếng Khu 1 về chùa. Lúc Thầy băng qua lộ chính của trại để vô Chùa Vạn Đức thì Thầy đã bị lính gác cổng chặn bắt chở về giam bên Bộ Tư Lệnh. Đây cũng là một nguyên nhân chính mà quân đội Phi đã nhượng bộ vì dù muốn hay không thì họ cũng đã hoàn thành mục tiêu, bắt được lãnh tụ đầu não của những cuộc biểu tình. Mấy ngày sau, bọn Tuấn được tin Cao Ủy đã nhờ Bộ Tư Lệnh Miền Tây chuyển Thầy cùng số người bị bắt lên trại PRTC gần Manila bầng C130 rồi. Cuộc bắt bớ này đã làm cho một số gia đình bị “broken family,” con thiếu cha, vợ mất chồng!
Thế là cuộc biểu tình chấm dứt sau sáu mươi lăm ngày đêm dữ dội khi cuối cùng Cao Ủy hứa là sẽ xem xét lại một số trường hợp. Và theo gợi ý của Linh Mục N.T. T. thì chúng ta đã gây được tiếng vang lớn trong những trại tị nạn thời đó qua việc biểu tình chống thanh lọc bất công này nên không cần thiết để tiếp tục nữa vì nếu cứ tiếp tục thì cuộc biểu tình không còn ý nghĩa và có thể sẽ gặp phải đàn áp lớn hơn bởi chính phủ Phi đã nhiều lần nhượng bộ. Nhưng khi Ủy Ban Đấu Tranh tuyên bố giải tán vào ngày 04 tháng 02 năm 1994 thì đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số trưởng hội đoàn và đồng bào. Họ không đồng ý với kết quả này và cho là bọn chàng “hèn nhát.” Có một chị quá tức giận sau đó đã chạy vô tới Chùa Vạn Đức kiếm Tuấn và các anh em trong nhóm lãnh đạo và “đòi chém từng thằng.” Còn chị khác cũng nóng nảy không kém, mắt long lên, giơ tay chỉ vào mặt bọn Tuấn, miệng rít lên khi gặp:
-Ban Lãnh Đạo gì “ngu như bò!”
Anh em Tuấn chẳng biết làm gì hơn là dùng kế “Tôn Tẩn giả điên” để chịu đựng trước cơn thịnh nộ ấy của bà con? Tuy nhiên từ đó đã có sự phân hóa giữa các hội đoàn cùng một số đồng bào trong trại và trại thì trở nên xanh xao vàng vọt, thê lương như người bệnh nặng sắp mất. Thất vọng và buồn bã, số người trốn trại đi buôn bán dầu ngày một nhiều. Trại càng ngày càng vắng dần như “ông đồ già vẫn ngồi đó, mà qua đường chẳng ai hay!”
Một hôm, Tuấn đang ngồi trước Lớp Đánh Máy Liên Hội Đoàn đối diện với văn phòng Cao Ủy, ngắm nắng chiều hôn mặt biển thì Thầy Khớ đi ngang. Thấy Tuấn thơ thẩn, thầy ghé lại ngồi kế bên im lặng. Tuy cả hai không nói với nhau lấy câu nào nhưng như ngầm hiểu nhau tất cả. Ít phút sau, thầy chợt lên tiếng:
-Thầy bây giờ là Nguyễn Văn Khờ chớ không còn là Nguyễn Văn Khớ nữa, Tuấn à.
Tuấn quay sang nhìn thầy, thấy mặt thầy chảy dài, hai má xệ xuống, mắt trỏm lơ mà thương thầy. Thân già bất đắc chí, một mình nơi xứ người!
Nhớ có lần chàng hỏi về cái tên không có trong tự điển tiếng Việt ấy của thầy thì thầy bảo “hồi xưa khi thầy vào đại học thì thầy cũng có thắc mắc vì sao mình mang cái tên lạ vậy nên thầy ‘bèn’ hỏi má thầy và bà nói là vì bà mong muốn cho đời thầy sung sướng, đỡ cực khổ như bà do đó bà đặt tên thầy là Khá. Nhưng vì người miền Tây ở Mỹ Tho lúc ấy phát âm chữ này không rõ và ‘thằng làm hộ tịch lại u mê’ viết tên đứa nhỏ thành vậy, nên thôi…giờ thì thằng nhỏ…phải vậy!” làm Tuấn cười đau cả bụng.
Đang còn nghĩ ngợi miên man, thầy bỗng đứng dậy bỏ về. Độ chừng một giờ sau, lúc nắng tắt dần trên biển, xuất hiện nhiều đám mây xanh vàng đỏ tím quyện lấy nhau làm thành những vệt dài thật đẹp. Chúng ôm lấy nhau, in lên nền trời một bức tranh trừu tượng mỹ miều mà chỉ có Tạo Hóa mới vẽ nên được thì Thầy Khớ trở lại với một dĩa gỏi khô cá sặc làm bằng dưa leo; món nhậu dân dã mà rất ngon của người miền Tây, cùng một chai Gin tròn nhỏ, có in hình con “ác quỷ” bên trên như lời cảnh báo kẻ uống rằng đây là loại rượu mạnh, có nồng độ cồn cao. Cẩn thận khi dùng!
Thế là hai thầy trò uống say mèm tới khuya với một bầu tâm sự chưa nguôi.
“Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?”
Sau này nhiều lúc Tuấn suy nghĩ ngày ấy nếu không có sáng kiến của anh Cung để giải tỏa con đường máu kia thì chắc chắn tối đó Ban Lãnh Đạo Biểu Tình sẽ bị bắt hết và PFAC có lẽ đã trải qua một khúc quanh khác cũng nên!
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.