Người được, kẻ mất

Tổng Thống Đắc Cử Donald J. Trump. (Hình: Facebook “Donald J. Trump”

1.

Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump đã mời Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự lễ nhậm chức của mình.

Trước đó, ông Trump từng đưa ra tuyên bố về chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Nhưng với lời mời này, có thể hiểu ông Trump vẫn xem trọng mối quan hệ với Trung Quốc.

Chẳng hiểu ông Tập có nhận lời mời của ông Trump hay không, nhưng thiết nghĩ sẽ không phải là khôn ngoan nếu ông Tập từ chối lời mời đó. Bởi điều này cho thấy Trung Quốc không xem trọng mối quan hệ với Mỹ, nước có nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, ông Trump tuyên bố sẽ xem xét áp thuế tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu tháng này, ông Trump đã đề cử ông David Perdue, một người có quan điểm chống Trung Quốc, làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.

Nhiều khả năng là ông Tập sẽ tới Mỹ dự lễ nhậm chức của ông Trump. Và rất nhiều khả năng là ông Trump cũng sẽ mời Tổng Thống Đài Loan là ông Lại Thanh Đức tới dự lễ nhậm chức đó. Sẽ là điều thú vị nếu ông Tập Cận Bình được xếp ngồi cạnh ông Lại Thanh Đức.

Chẳng hiểu ông Tập có xem đó là điều thú vị không?!

2.

Ông Poroshenko, cựu Tổng Thống Ukraine, cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ sớm kết thúc nếu Ukraine được chấp nhận vào NATO.

Vậy là ông Poroshenko đồng quan điểm với cựu Thủ Tướng Anh Boris Johnson khi tuyên bố như thế. Hẳn vì hai ông tin rằng một khi Ukraine trở thành thành viên NATO thì Nga phải chùn bước, không dám tiếp tục manh động vì không dám đối đầu trực diện với liên minh quân sự này. Điểm đầu tiên trong Kế Hoạch Chiến Thắng của Tổng Thống Zelensky cũng chính là Ukraine phải được kết nạp ngay vào NATO.

Thế tại sao tới giờ này NATO vẫn trù trừ trong việc thực hiện mong muốn đó của Ukraine? Phải chăng vì NATO ngại phải đối đầu trực diện với Nga?

Nếu đúng vậy thì có lẽ đó là lý do khiến NATO thời gian qua dù hỗ trợ Ukraine rất nhiều song vẫn tỏ ra thiếu dứt khoát, thiếu mạnh mẽ. Rất có thể vì nhận ra NATO chỉ là một liên minh lỏng lẻo, thiếu quyết đoán mà Moscow đã tiến hành cái “chiến dịch quân sự đặc biệt.”

Thủ Tướng Anh Keir Starmer mới đây cam kết đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất cho các cuộc đàm phán hòa bình, nhằm đảm bảo một nền hòa bình công bằng và lâu dài theo các điều kiện của Ukraine. Khi tuyên bố như thế, hẳn ông Keir Starmer đã nhận ra những nguy cơ đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng của Âu châu nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine.

Mong rằng đây cũng là quan điểm chung của tất cả các nhà lãnh đạo Âu châu. Bởi một Âu châu lừng khừng, thiếu quyết đoán chỉ khiến Nga càng dấn tới.

3.

Trong diễn đàn đầu tư “Nước Nga Vẫy Gọi” được tổ chức hôm 4 Tháng Mười Hai ở Moscow, Tổng Thống Vladimir Putin nói rằng Nga chào đón sự trở lại của các doanh nghiệp đã rút khỏi Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ.

Ông Putin nhấn mạnh cánh cửa cơ hội tại Nga luôn rộng mở, và rằng “Nga không đuổi ai ra ngoài.” Khi đưa ra những lời có cánh như vậy, dường như ông Putin giả vờ quên rằng chính cuộc xâm lược mà Nga phát động vào Ukraine đã khiến Phương Tây tung ra những đòn cấm vận ngặt nghèo đối với Nga. Việc các doanh nghiệp Phương Tây rút khỏi Nga là vì cuộc xâm lược đó, chứ không phải do bị Nga “đuổi.”

Với diễn đàn “Nước Nga Vẫy Gọi,” ông Putin rõ là muốn làm thất bại sự trừng phạt của Phương Tây, đồng thời lại cho thấy Nga đang kiệt quệ vì cuộc chiến mà nước này gây ra ở Ukraine và khát khao sự đầu tư của các doanh nghiệp Phương Tây.

Moscow nên tỉnh táo để thấy rằng chỉ cần Nga rút quân khỏi Ukraine thì mặc nhiên các cuộc cấm vận mà Phương Tây đang áp đặt lên Nga sẽ chấm dứt, và việc các doanh nghiệp Phương Tây trở lại Nga sẽ là điều tất yếu, chẳng cần nước Nga phải vẫy gọi.

Và chỉ như thế mới chứng tỏ “cánh cửa cơ hội tại Nga luôn rộng mở và Nga không đuổi ai ra ngoài.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: