Tương lai nào cho Ukraine?

Tương lai nào cho Ukraine?

(Hình minh họa: Edoardo Ceriani/Unsplash)

Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine. Hồi Tháng Bảy ông tuyên bố sẽ giải quyết cuộc chiến chỉ trong một ngày, ngay cả trước khi ông nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng, 2025.

Hiện các cố vấn an ninh quốc phòng trong nhóm tiếp quản quyền lực của ông Trump đang phối hợp với chính quyền của ông Joe Biden, tổng thống mãn nhiệm, để cân nhắc nhiều đề nghị về việc đưa hai bên vào một cuộc đàm phán hòa bình. Tương lai Ukraine sẽ ra sao, theo những đề nghị này?

Kế hoạch hòa bình của Đặc Phái Viên Keith Kellogg

Với quyết tâm chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump vừa bổ nhiệm tướng hồi hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên tại Nga và Ukraine, một động tác được cho là sẽ đem lại giải pháp mới cho vấn đề Ukraine.

Tướng Keith Kellogg, 80 tuổi, là cựu chiến binh Sư Đoàn Nhảy Dù 101st Screaming Eagles trong chiến tranh Việt Nam, cựu chỉ huy các chiến dịch đặc biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Âu Châu (SOCEUR) trong chiến tranh Iraq lần thứ nhất. Ông về hưu năm 2003 với quân hàm trung tướng. Gần đây, ông làm cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng Thống Mike Pence, rồi làm chánh văn phòng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, quyền cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng Thống Trump trong nhiệm kỳ đầu của ông từ 2017 đến 2021 thay cho Tướng Michael Flynn.

“Tôi rất vui mừng bổ nhiệm Tướng Keith Kellogg làm Phụ Tá Tổng Thống và Đặc Phái Viên về Ukraine và Nga… Cùng nhau, chúng tôi sẽ bảo đảm HÒA BÌNH QUA SỨC MẠNH, và làm cho nước Mỹ, và Thế giới, AN TOÀN TRỞ LẠI,” ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hôm Thứ Tư, 27 Tháng Mười Một.

Hồi Tháng Tư, ông Kellogg đã trình cho ông Trump, lúc đó là ứng cử viên có triển vọng đại diện đảng Cộng Hòa, một kế hoạch chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine do Kellogg soạn thảo cùng với ông Fred Fleitz, cựu chuyên gia phân tích của CIA và cũng là cố vấn của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu. Nội dung chính của kế hoạch là sử dụng vũ khí Mỹ làm đòn bẩy thương lượng: ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev nếu Ukraine từ chối đàm phán, ngược lại sẽ gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine nếu Nga từ chối.

“Chúng tôi sẽ bảo Ukraine, ‘Các bạn phải ngồi vào bàn, nếu các bạn không ngồi vào bàn, viện trợ của Mỹ sẽ chấm dứt.’ Và chúng tôi cũng bảo Putin, ‘Ông phải ngồi vào bàn, nếu ông không ngồi vào bàn chúng tôi sẽ cho Ukraine mọi thứ họ cần để tiêu diệt ông trên mặt trận,’” Tướng Kellogg từng nói như vậy với hãng tin Reuters vào Tháng Sáu.

Một nội dung quan trọng của kế hoạch Kellogg-Fleitz là phê phán chính sách của chính quyền Biden “thù địch” với Nga, “biến Nga thành một kẻ thù của Mỹ và đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc, dẫn tới sự phát triển của một trục quân sự Nga-Trung Quốc-Iran-Bắc Hàn.” Và cũng như ông JD Vance, phó tổng thống đắc cử, ông Kellogg cho rằng viện trợ cho Ukraine đang làm cạn kiệt nguồn lực mà Washington cần để đối phó với mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc. Dù vậy, Tướng Kellogg không tán thành quan điểm của ông Vance, coi việc chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine là điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc chiến.

Hiện chưa có chi tiết về kế hoạch mới của ông Kellogg nhằm chấm dứt chiến tranh mà Dân Biểu Mike Waltz (Cộng Hòa-Florida), cố vấn an ninh quốc gia của Trump, đang xem xét nhưng nhiều nguồn tin am hiểu cho biết ông Trump sẽ thúc đẩy một cuộc ngừng bắn sớm, đóng băng cuộc chiến trong tình thế hiện nay, trong lúc hai bên thương lượng. Washington cũng có thể thúc đẩy các đồng minh Âu Châu trong NATO gia tăng chia sẻ gánh nặng hỗ trợ Ukraine.

Ukraine nói gì?

Về phía Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, tổng thống, nói ông sẽ làm mọi chuyện để kết thúc chiến tranh vào năm tới thông qua con đường ngoại giao, kể cả đàm phán với Nga. Nhưng ông Zelensky không chấp nhận ngừng bắn nếu không được bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Sau khi điện đàm với ông Trump sau cuộc bầu cử, ông Zelensky nói với báo chí tại Budapest: “Ông ấy [Trump] muốn chiến tranh phải kết thúc. Tất cả chúng ta đều muốn chấm dứt cuộc chiến này, nhưng phải là một kết thúc công bằng… Nếu kết thúc nhanh quá, đó sẽ là một tổn thất cho Ukraine.”

Cho đến nay, Ukraine vẫn kiên trì với lập trường chỉ chấp nhận ngừng bắn nếu toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được tôn trọng (nghĩa là Nga phải hoàn trả những vùng lãnh thổ đã chiếm được) và an ninh của Ukraine trong tương lai được bảo đảm (nghĩa là Ukraine phải được gia nhập NATO). Tuy vậy, Tướng Kellogg và nhiều nhà phân tích quân sự đều đồng ý rằng, nếu Kiev vẫn cương quyết đòi lại các vùng lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng thì hai bên sẽ lâm vào một cuộc chiến tranh tiêu hao, “có thể giết hết một thế hệ thanh niên Ukraine.”

Ông Kellogg cho rằng Ukraine không cần phải nhượng đất cho Nga một cách chính thức nhưng phải thừa nhận Kiev không có khả năng giành lại quyền kiểm soát hiệu quả toàn bộ lãnh thổ. Điều đó ngụ ý, Ukraine phải tạm thời giao cho Nga quyền kiểm soát bán đảo Crimea và một phần bốn tỉnh vùng Donbass mà Nga đã sáp nhập. Các vùng đất này sẽ là lãnh thổ Nga, là vùng tự trị dưới sự kiểm soát của quốc tế, hoặc là vùng phi quân sự đóng vai trò vùng đệm giữa hai nước sẽ do các cuộc đàm phán tương lai quyết định. Tuy vậy, trong kế hoạch trình cho ông Trump hồi Tháng Tư, ông Kellogg thừa nhận Ukraine sẽ khó chấp nhận một thỏa thuận hòa bình “không trả lại cho Ukraine những vùng đất đã mất, ít nhất vào lúc này, và không buộc Nga phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá mà họ gây ra cho đất nước Ukraine.”

Triển vọng gia nhập NATO của Ukraine cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Ukraine cho rằng tư cách thành viên chính thức của NATO là bảo đảm quan trọng để Ukraine không bị Nga xâm lược một lần nữa trong tương lai.

Nhưng theo kế hoạch của Tướng Kellogg, NATO phải “dụ” Nga ngồi vào bàn đàm phán hòa bình bằng cách hứa với Nga rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO sẽ được đình hoãn, có thể tới 20 năm, hoặc hủy bỏ vĩnh viễn. Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, nhiều lần nói rằng việc NATO mở rộng về phía Đông, kết nạp các nước thành viên Liên Xô cũ, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga và là một trong những nguyên nhân khiến Moscow phải động binh xâm lược Ukraine hồi Tháng Hai, 2022.

Về nguyên tắc, NATO không kết nạp thành viên mới là quốc gia đang có chiến tranh nên việc Ukraine gia nhập NATO chỉ có thể được xem xét sau khi hai bên Nga và Ukraine đình chiến. Trong thời gian Ukraine chưa phải là thành viên NATO mà vẫn đối mặt với nguy cơ xâm lược của Nga, kế hoạch của ông Kellogg cho rằng “một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine đòi hỏi các biện pháp bảo đảm an ninh bổ sung, bao gồm việc vũ trang đến tận răng cho người Ukraine,” nghĩa là Mỹ và Âu Châu phải gia tăng viện trợ vũ khí, huấn luyện cho quân đội Ukraine.

Mục đích mà ông Kellogg nhắm tới là một quân đội Ukraine đủ mạnh, sở hữu những vũ khí tân tiến từ Mỹ và Âu Châu, đủ để tự bảo vệ một cách hiệu quả nếu Nga trở mặt xâm lược Ukraine một lần nữa. Đáng tiếc là đề nghị gia tăng viện trợ của Mỹ cho Ukraine trái ngược với quan điểm của các ông Trump-Vance, muốn giảm can dự vào Ukraine để “xoay trục” sang Thái Bình Dương ứng phó với Trung Quốc.

Chạy đua giành lợi thế trước đàm phán

Khi được đài NBC News hỏi ông có phê chuẩn kế hoạch của Tướng Kellogg hay không, ông Trump nói: “Tôi là người duy nhất có thể dừng cuộc chiến. Lẽ ra nó đã không nên bắt đầu.” Tại Đại Hội Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa (RNC) hồi Tháng Bảy, ông Trump cũng cho biết: “Chúng ta phải bảo đảm các đồng minh cùng chia sẻ gánh nặng bảo vệ hoà bình thế giới. Các quốc gia không thể tự do lạm dụng sự hào phóng của người đóng thuế Mỹ.” Ông Trump không trực tiếp bình luận về kế hoạch của Tướng Kellogg nhưng việc bổ nhiệm ông Kellogg làm đặc phái viên về Ukraine và Nga cho thấy ông Trump dường như tán thành giải pháp đóng băng cuộc chiến tại tình hình hiện tại, đình hoãn việc Ukraine gia nhập NATO và buộc các đồng minh Âu Châu phải chia sẻ nhiều hơn gánh nặng trợ giúp Ukraine.

Chính quyền sắp mãn nhiệm Joe Biden dường như thừa nhận kế hoạch đó và thấy trước triển vọng Ukraine có thể lâm vào thế yếu trên bàn đàm phán. Do vậy, Tổng Thống Joe Biden gần đây chẳng những cấp tốc viện trợ vũ khí, trang bị cho Ukraine trong phạm vi quyền hạn của mình, cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn ATACMS tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong đất Nga và cung cấp mìn sát thương cá nhân để Ukraine ngăn chặn bước tiến của bộ binh Nga trên chiến trường.

Về phía Nga, Tổng Thống Vladimir Putin cũng cảm nhận được cơ hội sắp đến nên gia tăng nỗ lực tấn công nhằm lấy lại một phần tỉnh Kursk đang bị mất vào tay Ukraine đồng thời mở rộng càng nhiều càng tốt các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm được trước khi một cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine có thể bắt đầu với sự trung gian dàn xếp của chính quyền Trump. Nga đã không ngần ngại sử dụng hỏa tiễn đạn đạo tầm trung đang còn thử nghiệm Orechnik để phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và đe dọa tấn công các quốc gia viện trợ cho Ukraine nhằm giành lợi thế trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Hãy còn quá sớm để biết chính xác và chi tiết kế hoạch của chính quyền Trump chấm dứt chiến tranh cũng như hiệu quả của nó nhưng xem ra Ukraine khó mà tránh được giải pháp “đổi đất lấy hòa bình” sau ba năm chết chóc tang thương mà không hy vọng đánh bại Nga trên chiến trường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: