Hội thi ‘giáo viên dạy giỏi’ hay thi ‘đóng kịch giỏi?’

Một lớp học ở tình Thái Bình. (Hình minh họa: thaibinhtv.vn)

Ở Việt Nam, để đạt được danh hiệu “giáo viên dạy giỏi,” các thầy cô giáo và cả học sinh vô hình chung bị biến thành những “diễn viên kịch nói.”

Mấy ngày gần đây của tháng Mười Hai năm 2024, cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam chia sẻ, tranh luận sôi nổi vụ việc, nhiều giáo viên trong số 328 giáo viên tham gia “Hội Thi Giáo Viên Dạy Giỏi” Trung Học Cơ Sở (THCS) cấp tỉnh năm học 2024- 2025 diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29 tháng Mười Một vừa qua tại tỉnh Thái Bình, bày tỏ thất vọng và uất ức trước việc lãnh đạo Sở Giáo Dục & Đào Tạo Thái Bình công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh cho tất cả giáo viên tham gia hội thi.

Đáng nói ở chỗ, có 2/328 giáo viên vì nguyên nhân đột xuất nào đó nên đến ngày không thể tham gia hội thi nhưng vẫn được công nhận đạt danh hiệu.

Có nghĩa là, không cần biết bạn là ai, có tâm huyết, sức lực, đầu tư ít nhiều thời gian vật chất cho hội thi hay không, chỉ cần bạn có thi là có đạt giỏi, có đăng ký là được công nhận. Kết quả hội thi cũng không phân loại, phân cấp, thứ hạng, tất cả giáo viên đều đồng hạng như nhau. Ngay sau những chia sẻ của các giáo viên, lãnh đạo Sở Giáo Dục & Đào Tạo Thái Bình thừa nhận có sự sai sót và khắc phục đối với hai trường hợp nêu trên.

Được biết, “Hội Thi Giáo Viên Dạy Giỏi” ở Việt Nam hiện nay thực hiện theo thông tư của Bộ Sở Giáo Dục & Đào ký ngày 20 tháng Mười Hai năm 2019 về việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm mục đích:

-Phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn Ngành.

-Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.

-Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên phổ thông.

Hội thi diễn ra ở ba cấp: trường, quận/huyện, thành phố/tỉnh. Hội thi đã diễn ra từ nhiều năm nay và đang bị đánh giá là còn nặng tính hình thức, gây áp lực cho nhiều người tham gia. Ví dụ như, người tham gia hội thi phần lớn là những giáo viên có thời gian công tác lâu năm và đã vào biên chế. Trong khi đó, những giáo viên dạy hợp đồng dù có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm công tác lâu năm nhưng vẫn không đủ yêu cầu tham dự hội thi.

Một giáo viên ở Hà Nội từng tham gia hội thi cấp thành phố chia sẻ một số thông tin về trình tự hội thi như sau: Nội dung thi gồm hai phần: Phần I/ Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi; Phần II/ Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc.

Ví dụ Trường THCS A có giáo viên X tham gia “Hội Thi Giáo Viên Dạy Giỏi” cấp trường, lãnh đạo và một số giáo viên trong trường thành lập thành ban giám khảo Trường, chọn thời gian dự khán một tiết học của một lớp học bất kỳ, để theo dõi giáo viên X thực hành giảng dạy theo kế hoạch. Dĩ nhiên là trước đó, giáo viên đã chuẩn bị kỹ những nội dung diễn đạt trong tiết học đó và cũng có trường hợp dặn dò đôi điều trước với học sinh.

Để tăng thêm phần đánh giá của ban giám khảo, trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường đặt những câu hỏi dành cho học sinh và thường chỉ chọn những học sinh giỏi của lớp đứng lên trả lời. Nếu may mắn, đúng phải lớp học hành sôi nổi thì giáo viên được đánh giá điểm cao.

Hoặc có trường hợp gặp phải lớp ít sôi nổi, lúc này có giáo viên chủ động chọn một số học sinh đại diện rồi cho biết trước câu hỏi-câu trả lời, khi vào tiết học thực hành chính thức, giáo viên và học sinh cứ làm theo kịch bản chuẩn bị sẵn.

Vượt qua hội thi cấp trường thì lên thi cấp quận/huyện. Nội dung thi cũng có hai phần như cấp trường, nhưng khác ở chỗ, lúc này, giáo viên nào được trường chọn làm đại diện đi tham dự cấp quận/huyện sẽ làm theo sự chỉ đạo của ban giám hiệu trường, soạn giáo án có sự kiểm duyệt của trường, tập dợt thử đi thử lại nhiều lần để các giáo viên trong trường góp ý, chỉnh sửa cho đến khi nào chỉnh chu, vừa ý. Nói chung, chỉ một tiết học dự thi cấp quận/huyện mà giáo viên được trường chọn bị áp lực rất nặng nề, mệt mỏi và tốn rất nhiều thời gian lẫn công sức.

Chưa hết, trường cũng chọn học sinh để giúp cho giáo viên dự hội thi tập dợt. Thế là một số học sinh được tuyển chọn từ các lớp vì sự thành công của thầy cô và cũng như của nhà trường nên phải chịu khổ cực, phải bỏ công bỏ sức ra để tham gia tập dợt, phải đóng tròn vai hoc sinh của một tiết học dự thi, quan sát và phối hợp diễn xuất sao cho ăn ý với giáo viên.

Giáo viên nào được quận/huyện chọn làm đại diện tham dự hội thi cấp tỉnh/thành phố đều phải thuộc diện quản lý, chỉ đạo của phòng giáo dục cấp quận/huyện và được các cán bộ công chức ở phòng soạn giáo án dự thi, lên kịch bản diễn xuất, lên lịch tập dợt và tìm kiếm học sinh để cùng giáo viên tập dợt. Trình tự cũng giống y như cấp cấp/huyện, khiến ai thấy cũng hết sức ngao ngán.

Hầu hết các tiết học dự thi đều giả tạo, giáo viên thực hành giảng dạy tiết học giả tạo và học sinh học tiết học giả tạo. Các tiết học này cũng không phải là bộ khung áp dụng chung trong quá trình giảng dạy của giáo viên tại các lớp học, nên gọi là đóng kịch thì đúng hơn là dự thi.

Một trong những mục đích của hội thi là khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo nhưng ở hội thi cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố, giáo án của giáo viên dự thi do nhiều người cùng soạn, nhiều người cùng góp ý khi thực hành, vậy tự học, sáng tạo ở chỗ nào? Có thể hiện được năng lực giảng dạy của giáo viên hay không?

Chỉ vì danh hiệu “giáo viên giỏi” mà bắt giáo viên và học sinh phải mệt mỏi tập luyện, đánh đổi thời gian và công sức, ảnh hưởng đến công việc và học tập, rõ là quá nặng nề về thành tích. Vả lại, giáo viên dạy giỏi hay không, không phải ở mỗi danh hiệu đạt được từ hội thi này hay hội thi nọ, mà đó là cả một quá trình giảng dạy của giáo viên cũng như chất lượng học tập của các em học sinh.

Hội thi giáo viên dạy giỏi ở Việt Nam có nâng cao chất lượng ngành giáo dục hay không chưa biết, chỉ thấy các thầy cô giáo và học sinh vô hình chung đang bị biến thành những “diễn viên kịch nói” và phải cố gắng làm tròn vai diễn của mình, để được công nhận là “giáo viên dạy giỏi.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: