(Hình minh họa: LinkedIn Sales Solutions/Unsplash)

Chiếc điện thoại nằm một góc kệ tủ nơi phòng khách bỗng reo vang khi tôi vừa đặt chân vào nhà. Chưa kịp cởi áo khoác, tôi vội vàng nhanh chân chạy đến, nhấc phone:

– A lô. Tôi là Thơ. Xin lỗi, ai bên kia đầu dây ạ?

– Anh đây. Hùng Uy.

Tôi reo lên:

– A, chào anh. Anh khỏe chứ? Anh gọi em có chuyện gì không?

– Đương nhiên là có. Mà còn là chuyện quan trọng nữa cơ.

Tôi tròn mắt:

– Quan trọng? Anh nói ngay cho em nghe đi.

Bên kia đầu dây, giọng anh Hùng Uy vẫn ôn tồn:

– Một độc giả của Chuyện tình với anh Cu Yên muốn tìm em. Độc giả đặc biệt.

Tôi chép miệng:

– Anh làm em sốt ruột quá. Ai mà đặc biệt vậy anh?

– Nhân vật chính của chính truyện đó.

– Anh Cu Yên?

– Đúng thế. Anh ấy gọi về tòa soạn hỏi thăm em và muốn biết địa chỉ cùng số phone của em. Em nghĩ thế nào?

Quá bất ngờ, tôi không khỏi ngạc nhiên, không thể trả lời ngay được nên ngập ngừng đáp:

– Anh cho em suy nghĩ đã. Tối, sau bữa cơm, em gọi lại anh được không?

– Được chứ. Anh sẽ đợi phone em. Chào em nhé. Anh có lời thăm ông xã.

Nói xong, cả hai cúp phone.

Tôi cởi áo khoác máng vào móc nơi kệ tủ nằm gần cửa ra vào rồi xuống bếp chuẩn bị cho bữa cơm tối. Bữa ăn tối hôm nay chắc chắn sẽ không ngon bởi tâm trí tôi hiện tại không đặt trọng tâm vào chuyện nấu, mà hoang mang bần thần nghĩ đến cú điện thoại của anh Hùng Uy!

Anh Cu Yên tìm tôi. Cu Yên là nhân vật có thật trong “Chuyện tình với anh Cu Yên” của tôi vừa được đăng báo. Anh Cu Yên – người đã hơn 30 năm, qua bao lớp phế hưng, trôi nổi phương nào, sống chết ra sao, từ lâu, tôi không hề để ý quan tâm đến nữa – nay bỗng dưng vì một truyện ngắn của tôi, viết cho có chuyện đáp ứng nhu cầu của tòa soạn, tôi không ác ý, nhưng dính líu tên anh, anh lù lù hiện về choáng ngợp tâm hồn tôi, như một bóng ma chờn vờn, luẩn quẩn mãi trong trí tôi.

Anh Cu Yên tìm tôi, không biết để hỏi thăm hay hỏi tội, hay để nhắc nhớ lại những kỷ niệm về một chuyện tình thơ mộng, trong trắng thuở thanh xuân giữa tôi và anh từ lâu bị bụi thời gian che lấp. Hay anh tìm tôi để trách móc, phàn nàn tôi… bươi chuyện của anh, của gia đình anh đưa lên báo. Ôi, lo lắng quá chừng chừng!

Từ khi tôi cầm bút, cũng lắm chuyện vui buồn trong cái nghiệp viết văn. Ai cũng biết văn chương hạ giới rẻ như bèo, câu nói của cụ Tản Đà, nhưng trong thực tế tại hải ngoại, văn chương còn rẻ… hơn bèo. Một chiếc bèo (lục bình) tại hải ngoại rất được nâng niu, không đủ để bán; trong khi đó, một cuốn sách là cả bao công trình sáng tạo bằng trí tuệ, công sức và cả tấm lòng thành của tác giả dâng tặng cho người, cho đời thế mà chả mấy ai đoái hoài. Thế nhưng, không phải vì thế mà người cầm bút bỏ cuộc, vì, đã mang lấy nghiệp (văn chương) vào thân xin đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa, rất khó mà giải được nghiệp.

Tôi thường nói với mọi người “viết văn là làm dâu trăm họ,” như cô gái về nhà chồng làm việc không công, dù tận tụy đến đâu cũng khó làm vừa lòng hết mọi người. Có những “mẹ chồng” (tức một vài độc giả nào đó) khó tính đến độ, buông những lời bóng gió xa xôi như ném phi tiêu, ám khí ghim thẳng vào tâm não người cầm bút: “Không phải có bút muốn viết sao là viết. Nhà mấy người, mấy người nên bươi ra. Không được bới móc nhà người ta.” Ôi, có ai thông cảm cho rằng, người cầm bút, ngoài vấn đề cá nhân để giải tỏa những uẩn ức chất chứa trong lòng, còn viết để tìm niềm vui tinh thần khi nhớ về kỷ niệm để được sống nồng nàn với những kỷ niệm, quên đi thực trạng đời thường nhàm chán của “một ngày không như mọi ngày” và cả những nỗi chua xót, đắng cay, bực bội mà trong cuộc sống không ai tránh khỏi. Đôi khi người cầm bút còn có một sứ mạng thanh cao chuyên chở những tư tưởng, phản ánh xã hội đương thời, đánh dấu một giai đoạn lịch sử mà họ đang sống. Chỉ cần đọc một bài viết, một số truyện ngắn, truyện dài của bất cứ thời nào, ở đâu, hậu sinh cũng đoán được ít nhiều những diễn biến, nếp sống cùng suy nghĩ của con người thời đó… Vì phản ánh xã hội, đương nhiên, không tránh khỏi những chuyện đụng chạm đến từng cá nhân, gia đình, và cả chính quyền nữa. Và rồi vấn đề sẽ xảy ra khi người nào đó… có tật giật mình!

Tuy nhiên viết thì phải lách. Ngôn ngữ Việt Nam có từ chung chung “viết lách” như hàm ý dặn dò người cầm bút hãy cẩn trọng khi múa bút. Do đó, bao năm qua, tôi cố gắng… lách rất nhiều, cố tránh đụng chạm để quí “mẹ chồng” khỏi mắng mỏ. Tôi không dám viết truyện người, quay về viết truyện mình, về mình, mặc dù tôi biết rõ “cái tôi thật đáng ghét.” Khổ nỗi, trong ta vẫn có người, trong người lại có ta. Ta và người đang cùng sống trên trái đất này, cùng xã hội này, đương nhiên phải có sự tương quan giữa con người với con người, trừ phi một trong hai phía, một mình định cư ngoài hoang đảo.

Tự dặn lòng và vẫn biết liên quan đến người là có chuyện, thế mà lần này, không hiểu ma đưa đường, quỷ dẫn lối thế nào, khi chuyển hướng viết về chuyện tình, mà chuyện tình của tôi, đương nhiên cũng là chuyện tình của anh, tôi đem ngay tên thật của anh ra viết để phải nhận cú điện thoại đặc biệt ngày hôm nay.

Phân vân và lo lắng rất nhiều, cuối cùng, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định, sau bữa cơm tối, tôi sẽ thông báo đến anh Hùng Uy, đồng ý đưa số phone, địa chỉ, lẫn Email của tôi đến anh Cu Yên rồi sau đó sự thể ra sao thì ra, bất quá anh Cu Yên mắng tôi vài câu; nhưng ít ra, tôi cũng thỏa được nỗi háo hức bồn chồn lẫn hiếu kỳ muốn biết rõ về anh, đời sống anh lẫn tâm trạng anh hiện tại. Chỉ thế thôi…!

Một buổi tối thứ bảy, đang nằm gác… hai chân lên đùi chồng, nghe nhạc – tiếng nhạc du dương trầm bổng phát ra từ chiếc computer đặt cuối phòng, tôi giật thót mình vì tiếng điện thoại reo. Đã hơn ba tuần nay, kể từ khi bật đèn xanh cho anh Cu Yên tiến tới, tôi bồn chồn trông đợi. Ngày nào đi làm về, tôi cũng kiểm Mail, ngóng phone. Một tiếng reng cất lên, tôi nôn nả đón lấy. Nhưng đã hơn ba tuần rồi, vẫn không phải là tiếng nói của anh. Anh vẫn lặng yên, bặt vô âm tín.

Hôm nay cuối tuần, niềm hy vọng tràn trề, thời gian thật thuận lợi nếu hai nước trái giờ nhau và cũng thuận lợi cho cả hai rảnh rang mới có nhiều thì giờ hàn huyên tâm sự. Tôi run run nhấc phone, hồi hộp, ngập ngừng cất tiếng:

– Alô…

Tiếng bên kia đầu dây:

– Em đây!

– Thật quỉ. Tiếng của cô em gái. Tôi hơi bẽn lẽn, cao giọng:

– Có chuyện gì đấy?

– Mai chủ nhật, anh chị đến em ăn bún bò.

– Khỏi.

Tôi đáp cộc lốc, bực bội. Rồi nhận ra sự vô lý của mình, tôi dịu giọng nói với em tôi:

– Anh chị không đi được đâu. Cám ơn nha. Chị bận rồi.

Bận! Có bận gì đâu, ngoài việc dành thời gian ở nhà đợi… trai! Tôi đợi, đợi hết cuối tuần đó, tuần sau qua tháng khác. Cuối cùng… anh Cu Yên đã không gọi đến và tôi cũng hết chờ trông! Thế nhưng, đùng một cái, vài tháng sau nữa, vào đúng 9 giờ tối mồng một Tết nhằm Chủ Nhật, có tiếng điện thoại reo giữa lúc tôi cũng đang nằm gác… hai chân lên đùi chồng nghe nhạc. Tôi chồm dậy, bình thản nhấc phone. Giọng nói đàn ông ồ ồ lạ hoắc hỏi thăm đến tên tôi và tự xưng tên mình, tôi reo lên:

– Anh Cu…, không, trời, anh Yên!

Tôi thảng thốt gọi tên anh, rồi ngồi chết trân, yên lặng. Dường như có cái gì đó đang lao xao trong lòng. Trái tim tôi lăn tăn gợn sóng. Sóng chở về bao kỷ niệm êm đềm, từng lớp, từng lớp nhẹ nhàng đưa vào hồn tôi. Hình ảnh bà Bắc Hải, thân mẫu anh, bệ vệ ngồi nhai trầu trên tấm phản gụ, những giọt nước mắt nhòe nhoẹt của bà khi nhắc đến tên anh, mùi phở thơm trong tiệm, cây phượng trổ hoa rực đỏ trước nhà, cả tiếng chim sẻ ríu rít và vóc dáng cao ráo của anh với khuôn mặt trắng trẻo đẹp trai ngày nào nữa. Ôi, bao kỷ niệm, như cuốn phim chiếu chậm, từ từ hiện ra trước mắt. Ngồi bên mép giường, tôi đờ đẫn thẫn thờ, chiếc điện thọai không dây nhẹ hều đang cầm trên tay thiếu điều muốn rơi xuống đất.

– Anh Yên gọi hở em?

Tiếng của chồng tôi cất lên như kéo tôi trở về thực tại. Tôi bịt máy điện thoại, quay sang trả lời chồng tôi:

– Dạ, anh Yên. Người hôm trước em viết truyện đó.

Rồi như nhận ra sự bất tiện khi nói chuyện với… trai ngay phòng ngủ của chồng, tôi xách điện thoại chạy ra phòng khách.

Bên kia đầu dây, anh Yên lại cất tiếng, giọng đầy xúc động:

– Thơ, Thơ….Thơ còn đấy không?

Tôi vẫn còn hồi hộp, giọng lạc hẳn đi, lắp bắp:

– Dạ, Thơ…Thơ đây.

Một lúc, đợi cả hai lấy lại bình tĩnh, anh bắt đầu vào chuyện:

– Năm mới, anh gọi sang chúc Tết em và gia đình một mùa Xuân an lành, hạnh phúc.

Tôi thì thầm, nói trong hơi thở:

– Cám ơn anh. Thơ cũng chúc anh và… chị như vậy.

Rồi tôi hỏi:

– Sao anh không gọi sớm hơn lúc nhận tin em?

– Thật ra, anh cũng hơi ngại. Không biết chồng em thế nào? có ghen không? Nếu ghen, chắc cũng không nỡ… cho em ăn đòn vì nhằm mồng một Tết.

Tôi cười, đáp:

– Không dám đâu. Chỉ có em… đánh ảnh thì có!

– Em dữ vậy sao?

– Dữ thì không dữ, nhưng cũng không hiền.

– Như vậy thì tốt, vì hiền dễ bị bắt nạt.

Tôi lại cười :

– Anh kinh nghiệm dữ a. Bộ ở nhà anh bị…

Anh Yên bỗng cười lớn:

– Làm sao bắt nạt được anh?

– Anh cũng dữ vậy sao?

– Dữ thì không dữ, nhưng cũng không hiền.

– Như vậy là anh giống em.

Chàng tặc lưỡi :

– Chúng ta còn nhiều điểm thật giống nhau, thế mà không có duyên để thành người một nhà.

– Cũng tại anh thôi. Tại anh không lên tiếng? Chẳng lẽ em phải cầm hoa hồng đường đột đến hỏi anh “Bao giờ anh mới chịu… gả anh cho em?”

Anh lại cười. Tôi tiếp:

– Ranh giới giữa tình yêu và hôn nhân cách nhau chỉ một sát na. Một lời thốt ra cũng chỉ ngắn một sát na. Tại anh không nói thành ra xa vời vợi…

– Thật anh cũng không ngờ em lên xe hoa sớm thế. Anh có ý đợi em đậu xong Tú Tài 2, cũng như anh, em sẽ…du học Sài Gòn. Thế là chúng ta có nhiều cơ hội bên nhau.

– Thì em cũng xong Tú Tài, cũng vào Sài Gòn học, nhưng mà lúc đó mọi sự đã muộn rồi anh ạ.

– Thôi, đành chờ kiếp sau em nhé!

Tôi phá ra cười:

– Kiếp sau?! Kiếp này thuận lợi như thế mà cũng chẳng thành duyên, mong gì ở kiếp sau? Hơn nữa, kiếp sau cũng… lỡ luôn rồi anh ạ.

– Tại sao thế?

– Em đã lấy hẹn.

– Với ai?

– Với chồng em.

– Sao anh ấy luôn luôn được may mắn?

– Không, anh ấy không may mắn. Em mới may mắn.

– Nghĩa là thế nào?

– Tại em… đì được ảnh, em… đánh được ảnh, em… lấn được ảnh. Nói chung, em… ăn hiếp được ảnh. Do đó, em hẹn tiếp.

– Ảnh có đồng ý không?

– Đồng ý chứ. Vì ảnh nói, em đánh không đau.

– Còn anh, anh không được” đánh mà lại đau!

Tôi an ủi:

– Thôi anh ạ, tình chúng mình như áng mây trôi, bay mãi, bay mãi giữa bầu trời bao la. Vì là mây nên không có điểm dừng. Nếu tình cờ vướng mắc đâu đó ở đỉnh ngọn núi cao, cũng chỉ tụ lại chốc lát rồi lại bay đi. Nhưng như thế tình chúng ta mới lãng mạn, được bao văn nhân, thi sĩ tán tụng. Ông Hồ Dzếnh đã chẳng nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời hết vui khi đã vẹn câu thề.

– Cải lương!

– Chẳng thà cải lương còn hơn… cãi lộn anh ạ.

– Em nói chuyện thật buồn cười nhưng chí lý.

– Anh xem, có cặp tình nhân nào sau hôn nhân mà không cãi lộn không? Do đó, cũng chính các văn nhân, thi sĩ lại cảnh báo “lấy nhau rồi…nham nhở lắm em ơi, (anh ơi)!”.

– Anh biết. Nhưng trong cuộc sống, ta có thể lựa chọn những điều khả dĩ tốt đẹp nhất.

– Không lựa chọn được đâu anh. Mỗi người đều có một số phận mà định mệnh đã an bài.

– Nhưng không phải vì thế phải đầu hàng trước số phận. Em biết không, ở bên Mỹ, mỗi khi anh nghe Như Quỳnh hát “Sao em nỡ lấy chồng khi tuổi hãy còn son, để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa…” anh lại nhớ và nghĩ đến em, xót xa cho tình mình.

– Xạo ke!

Tôi định buột miệng nói ra như thế. Vì rõ ràng sau khi tốt nghiệp đại học, anh ở luôn Sài Gòn. Bà Bắc Hải, thân mẫu của anh, cũng bán nhà rời miền Trung sau đó. Rồi chiến tranh, rồi biến động 30-4-75 dòng đời xô đẩy hai mẹ con anh trôi nổi phương nào, từ đấy đến giờ đã hơn 30 năm trời, tôi không nghe tin tức gì về mẹ con anh. Nay mới biết anh đang ở Mỹ. Anh… bay xa vì thời cuộc, chắc gì vì tôi để anh đổ thừa. Miệng lưỡi đàn ông xưa nay tán vẫn khéo, vẫn ngọt; biết vậy, nhưng tôi vẫn giả vờ cảm động nói:

– Cám ơn anh đã có lòng thương tưởng. Nhưng anh làm con đa đa tung cánh vẫn hơn con sáo bị nhốt trong chiếc lồng son.

– Em tù túng vậy sao?

– Không hẳn tù túng, nhưng ít nhiều cũng bị mất tự do. Gái có chồng như gông đeo cổ, như chim vào lồng biết thuở nào ra, mà anh.

– Đấy là quan niệm xưa. Thời nay, các bà, các cô phá củi xổ lồng. Tung lưới bắt lại không nổi.

– Bắt lại làm gì hở anh khi người ta muốn bay. Hơn nữa, đấy cũng là luật bù trừ vì phụ nữ Việt Nam trước đây về nhà chồng trăm bề cơ cực, cay đắng. Nay các bà có cơ hội vùng lên trả thù. Nhưng nhiều bà làm quá đáng, tự làm vữa đời mình ra. Thời trước lên xe hoa cô nào cũng khóc. Khóc vì biết sẽ khổ và rủi nhiều hơn may. Đâu được cười toe toét, hỉ hả và đôi khi còn thản nhiên dắt tay… con tham dự đám cưới của mình!

Tôi chợt thở dài:

– Nghĩ thương cho các thân mẫu của chúng ta, sinh bất phùng thời, luôn cam chịu sự áp bức của số phận.

– Tất cả cũng chỉ do quan niệm thôi em ạ.

– Thì là quan niệm, nhưng quan niệm sai lầm. Anh biết đấy, một thầy thuốc lầm chỉ giết chết một người; làm địa lý lầm giết chết một họ; làm chính trị lầm giết chết một nước; nhưng làm văn hóa lầm giết chết bao thế hệ. Mẹ chúng ta, chính là nạn nhân. Tại sao thời đó phụ nữ không được đi học giữa khi khả năng không thua gì nam giới. Như ở Trung Hoa, một Chúc Anh Đài, một Hoa Mộc Lan… đã phải giả trai đến trường, ra trận để thi thố tài năng.

– Anh cũng nghĩ thế. Nếu mẹ chúng ta được đi học ít ra cũng là…văn sĩ như em.

– Văn sĩ nhằm nhò gì hở anh. Mẹ chúng ta thông minh hơn mình nhiều. Được đến trường, không chừng, một bà sẽ là Tổng thống, một bà là Thủ tướng như các nữ Tổng thống, Thủ tướng trên thế giới hiện nay. Chà, lúc đó, thân phận của anh và của em hưởng ké làm hoàng tử, công chúa như ai, chứ đâu…ẹ như bây giờ.

Yên lặng một giây, tôi nói tiếp:

– Kiếp sau, em còn mơ được là hoàng hậu nữa cơ đấy.

Bên kia đầu dây, tôi nghe tiếng anh cười:

– Còn anh, anh mơ làm vua!

Tôi đùa:

– Vua xứ Phi Châu hay Irak hở anh?

– Vua trong cung điện trái tim em!

– Cải lương!

– Cải lương vẫn hơn cãi lộn, em ạ!

Cả hai cười rúc rích. Rồi sực nhớ tới má anh, tôi hỏi:

– Bác vẫn khỏe chứ anh?

Không có tiếng trả lời. Sự yên lặng như nói lên điều gì bất ổn trong anh. Đúng như tôi dự đoán, một lát, sau tiếng thở dài, anh kể tôi nghe niềm thương cảm của anh về người mẹ cô đơn, lạc lõng nơi xứ người dù đang sống cùng con cháu. Dù vợ chồng anh đã hết lòng chăm sóc nhưng hoàn cảnh xã hội đã bó buộc anh phải tuân thủ vào những điều kiện chẳng đặng đừng. Hằng ngày vợ chồng anh đi làm, hai con anh đi học, anh đã để mẹ già một mình với nỗi cô đơn cố hữu. Chị Mây, người cháu gái của bà ngày nào, từ ngày qua Mỹ cũng lấy chồng cuốn hút theo đời sống. Rồi không lâu sau, một ngày đi làm về, anh nhìn thấy mẹ thiếp ngủ trên sofa, giấc ngủ ngàn thu không bao giờ trở dậy.

Hồi còn sống, chỉ mới hơn 70 ngoài, mẹ anh đã lú lẩn. Những sự việc, hình ảnh trước mắt, hiện hữu xung quanh bà trên nước Mỹ, dường như bà không nhận biết hoặc chỉ nhập nhòa lúc nhớ lúc không.  Sống bên con cháu mà hồn bà để tận đâu đâu.

Những sự kiện của quá khứ nơi quê nhà, từ khoảng thời xa xưa lâu lắm khi bà còn ở miền Bắc cho tới lúc di cư vào Nam luôn hiện về trong tâm trí bà rõ mồn một. Nào lễ hội đình làng, nhất là vào dịp Tết, đám rước như rồng rắn lên mây; trai thanh nữ tú có dịp hò đối nhau mà nên duyên chồng vợ. Nào những lúc con lợn béo ngả thịt làm cổ Tết, cả nhà quây quần gói những tấm bánh chưng xanh, bàn bạc về nồi giả cầy, thịt đông ăn cùng với dưa kiệu hay dưa cải bẹ muối. Nào con đê đầu làng, đám trẻ mục đồng thả sáo diều vi vu, làn khói lam chiều tỏa ra từ những mái tranh nhà hàng xóm…

Bà nhớ và kể, kể nhiều lắm, làm như câu chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia. Rồi đến lúc vào Nam, định cư tại miền Trung, hình ảnh tôi, con bé con 13 tuổi ngày nào, một thời có cơ hội gần gũi với bà, được bà nhắc nhớ nhiều nhất. Hồi đó, với công tác đặc biệt, giúp bà viết thư thăm anh, hoặc lúc bố mẹ sai vặt qua bà lấy số hụi hay mua ruợu trắng, tôi thường hủ hỉ với bà như hai mẹ con. Có những kỷ niệm khó quên, thật dễ thương, tôi ghi dấu mãi trong đời.

Một lần, cũng như bao lần, ba tôi sai tôi mua ruợu. Bà Bắc Hải ngồi trên tấm phản gụ nặng nề bước xuống. Cùng lúc đặt mình trên chiếc ghế đẩu con thấp lè tè, bà sai tôi: “Mày nấy hộ tao cái ny.” Ở miền Trung, tôi hiểu theo ngôn ngữ địa phương cái “ny” tức là cái “này,” tôi lấy đại từng thứ đưa cho bà, từ cái phểu, cái vá, cái chén… cuối cùng mới đến cái… ly, vật mà bà muốn có. Cầm cái ly trên tay, bà đưa mắt, hỏi tôi: “Nhà mày cũng người Bắc, nhà mày bảo nó nà cái gì?” Tôi chậm rãi đáp: “Dạ, nhà con gọi nó là cái ly.” Bà cao giọng: “Thế thì nhà tao cũng bảo nà cái…ny!” Tôi hiểu ra, tôi cười, trong khi bà thản nhiên như không chuyện gì xảy ra.

– Giá em là con dâu của bà. Tuyệt, anh nhỉ?

Tôi hạ giọng, tủm tỉm phán một câu.

Bên kia đầu dây, anh Yên buông một tiếng thở dài:

– Cũng tại anh thôi. Tại anh chậm bước nên em đi lấy chồng.

– Tự trách làm gì nữa anh. “Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại Trời xui khiến nên chúng mình xa nhau“. Ca sĩ Chế Linh hay hát như thế đấy. “Đừng nhắc nữa anh ơi, xin đừng nhắc nữa làm gì. Duyên phận mình bọt bèo…”. Ca sĩ Thanh Tuyền cũng hát như vậy đó. Toàn những lời than thở, thật đúng quá cho những cuộc tình dang dở, anh nhỉ?

Nói xong, thấy mình cải lương, tôi phá ra cười, chuyển đề tài:

– Tết bên anh có gì lạ, vui không ạ?

– Cũng ra trò lắm. Cũng pháo nổ, bánh chưng xanh, hoa mai vàng, câu đối đỏ…nhưng tất cả đối với anh chỉ gượng gạo thiếu hồn Việt của quê nhà. Còn bên em ?

Tôi tặc lưỡi:

Một ngày như mọi ngày.

  Không thấy hoa mai nở.

  Chẳng thấy xác pháo bay.

  Nhìn bốn bề tuyết trắng.

  Xuân đã về, ô hay?

Đây là vài câu thơ em ưng ý nhất trong bài thơ

Xuân tha hương” của ông Lê Thế Hiển, cựu chánh án Long Xuyên và của tỉnh mình đấy. Ông tặng cho em để ngâm nga mỗi độ Xuân về. Tết Thụy Sĩ nói riêng và Âu Châu nói chung chỉ có thế.

– Em ngâm cho anh nghe được không?

Tôi chưa kịp trả lời, bỗng có tiếng gọi vói ra từ phòng ngủ của chồng tôi:

– Em ơi…

Tôi nhìn đồng hồ. Cây kim giờ chỉ đúng số 12. Biết chồng tôi nhắc chừng, tôi vội nói với anh Yên:

– Khuya rồi anh ạ. Chồng em gọi. Hẹn anh dịp khác nhé!

– Bên đây, vợ anh cũng đang chờ cơm trưa. Anh chào em. Hẹn em kiếp sau nữa… nữa nhé.

Tôi cười, nhẹ nhàng bấm nút tắt phone.

Chạy vào phòng ngủ. Chồng tôi vẫn nằm gác hai tay lên đầu, nghe nhạc. Thấy tôi, chàng nhẹ nhàng trách:

– Trò chuyện gì mà lâu thế?

Tôi đánh trống lảng, không trả lời, xà vào ôm chàng, nói:

– Anh này, có một nhà văn nọ viết “Tình yêu là bông hoa tô điểm cho đời, là hương thơm rắc vào cuộc sống, là ánh sáng mặt trời soi rọi làm ấm áp tâm hồn, là dòng suối ngọt tắm mát trong cơn nắng hạn, là ly nước mía thơm ngon giải khát khi trời oi bức, là… là… là…“

Tôi chưa kịp nói hết câu: “Anh có đồng ý như vậy không?…”, chàng đẩy nhẹ tôi ra, xoay người, chàng nói:

– Lộn xộn, đập chết bây giờ!!!

Chuyện tình với anh Cu Yên

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: