Hải đảo bé xíu Đài Loan có một hồ nước khá lớn, cái tên nghe ra cũng hơi là lạ “Nhật Nguyệt Đàm,” người Việt nôm na gọi là Hồ Nhật Nguyệt.
Người ta cho rằng hồ này có tên “nhật-nguyệt” là vì hình dáng của hồ. Bên phần phía Đông của hồ có hình dạng tròn giống như hình mặt trời và phần phía Tây trông giống như là mặt trăng. Hai hình ảnh này cho người ta hình dung ra cảnh “mặt trời ôm lấy vành khuyết của mặt trăng.”Vì thế nên gọi tên là hồ “nhật-nguyệt.” Kể ra người Hoa rất giàu tưởng tượng trong trí óc của họ.
Đài Loan là một quần đảo nằm về phía Đông của lục địa Á Châu, phía Bắc là quần đảo Nhật và phía Nam là quần đảo Philippines. Người ta thường ví hình thể Đài Loan như là hình ảnh một củ khoai trôi nổi trên biển. “Củ khoai lang mập” này dài hơn 390 km, bề ngang chừng 140 km và chia cách với lục địa Á Châu qua eo biển Đài Loan. Diện tích chỉ chừng 36,000 km2, nhưng Đài Loan lại là một hòn đảo sinh động và phát triển về mọi mặt.
“Nhật nguyệt trên cao
Ta ngồi (ôi à) dưới thấp
Một dòng trong veo
Sao lòng (ôi à) còn đục”
Lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tưởng chừng như khó hiểu. Vậy mà mỗi lần trở lại với không gian “Nhật Nguyệt Đàm” này tôi đều nhớ đến bài hát lạ lùng này và cảm nhận một vài điều khác lạ trong tâm tư mình.
Bất kể thời tiết mưa hay nắng, hồ Nhật Nguyệt luôn tạo ra những không gian khác nhau khó mà lường trước được. Nhất là vào thời tiết mùa Xuân mùa Thu, những đám sương mù “không hẹn mà đến,” có lần chiếc du thuyền bỗng dưng bị lạc trong đám sương mù, lênh đênh gần nửa tiếng đồng hồ mới thoát ra được thế giới mù sương ngay giữa lòng Nhật Nguyệt.
Nhật Nguyệt Đàm quả thực rất đẹp, nếu không đẹp thì làm sao ông Tưởng Giới Thạch, tổng thống Trung Hoa Dân Quốc tại Trung Hoa Lục Địa, lại cho xây nhà nghỉ mát ở đây để thưởng ngoạn không gian tình tứ thơ mộng với người đẹp Tống Mỹ Linh! Mái đình nhỏ nơi hai người thường hay ngồi thưởng ngoạn mặt hồ Nhật Nguyệt vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Người giàu có hay người quyền cao chức trọng có bao giờ tìm đến chốn lao xao ổ chuột nghèo nàn.
Đài Loan tuy chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng lại có nhiều ngọn núi cao trên 3,000 mét. Hồ Nhật Nguyệt vốn dĩ đã nằm ở trên cao nguyên cao gần 800 mét, lại nhờ các ngọn núi cao vây quanh nên tạo cho không gian phong cảnh hồ Nhật Nguyệt thêm phần thơ mộng trữ tình. Còn gì đẹp hơn một phong cảnh có núi, có sao, có trời xanh mây trắng lơ lửng giữa núi trên hồ, có cây xanh nước biếc, có tiếng chim hót líu lo, có con thuyền bé li ti lênh đênh giữa hồ!
Đứng từ Văn Võ Miếu du khách có thể nhìn thấy đường biên giới giữa Nhật Hồ và Nguyệt Hồ, nếu để ý kỹ hơn đôi chút người ta thấy được cả khu vực đập thủy điện Shueishe mà người Nhật đã xây từ những thập niên 1930 của thế kỷ 20. Về điểm này, người Đài Loan nên biết ơn quân Nhật vì nhờ họ mà Nhật Nguyệt Đàm có được mấy đập thuỷ điện ở hồ Nhật Nguyệt. Nhờ nước hồ dâng cao mà khuôn mặt hồ trở nên rạng rỡ, nước hồ trong xanh hơn và phong cảnh cũng trở nên hữu tình hơn.
Cũng đứng từ đây, du khách nhìn xuôi về phía Nam thấy một ngọn tháp cao như cây viết chì cắm trên đỉnh núi. Đó chính là ngôi tháp Từ Ân mà ông Tưởng Giới Thạch đã cho xây trả hiếu cho mẹ ít năm trước khi ông mất. Có quyền chức kể cũng thích thật, trả hiếu cho cha mẹ mình mà cũng phải khoe cho cả thế giới biết là mình “có hiếu.”
Nhật Nguyệt Đàm nhìn từ Văn Võ Miếu. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Cách ngôi tháp Từ Ân không xa du khách có dịp ghé qua thăm ngôi Huyền Trang Tự, ngôi chùa mới được xây dựng sau này, thờ kính Đường Tăng Tam Tạng Trần Huyền Trang, một vị cao tăng đời nhà Đường nổi tiếng về chuyến đi thỉnh kinh bên xứ Thiên Trúc ngày xưa (Nepal-Ấn Độ bây giờ).
Phong cảnh đẹp như thế, nước Hồ Nhật Nguyệt xanh biếc trong veo nhưng không hiểu sao lòng tôi “vẫn đục” mỗi khi nhìn thấy ngôi Miếu Văn Võ thờ Đức Khổng Tử, Quan Công và Nhạc Phi. Người Trung Hoa thờ ba vị này tượng trưng cho Văn (Khổng Tử) và Võ (Quan Công thời Tam Quốc và Tống Nhạc Phi đời nhà Tống). Họ cho ba vị này có chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.
Tôi thường hay có thói nhìn ông Quan Vân Trường và so sánh ông với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn của lịch sử Việt Nam. Qua nhân cách của hai vị tướng, tôi cho là Quan Vân Trường của Tam Quốc còn thua xa tài đức của Hưng Đạo Vương Việt Nam – một người đã vì nước mà dẹp bỏ thù nhà sang một bên để chống ngoại xâm Nguyên Mông. Tan giặc, ngài lui về ẩn dật, vì lo toan cho sự sống còn của Đại Việt mà ngài tạm quên chuyện thù nhà cho đến lúc mất.
Tướng Quan Vân Trường chỉ có lòng trung nghĩa với Lưu Bị, có tiết tháo với chúa, nhưng ông hữu dũng vô mưu nên mới bị Lã Mông của Đông Ngô bắt và giết đi. Người Hoa tôn Quan Vân Trường lên hàng Quan Thánh và thờ ông, nhưng đó là chuyện của người Hoa.
Người Việt Nam cũng tôn Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lên thành Hưng Đạo Đại Vương và tôn thờ ngài là Đức Thánh Trần Hưng Đạo mà chúng ta hay gọi tắt “Đức Thánh Trần.” Là người Việt, con cháu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chúng ta cũng có một vị Thánh Trần , một vị Cha tuyệt vời trong lịch sử nước Việt (Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ mẹ).
Chúng ta, hậu duệ của ngài mà quên đi công lao của ngài cống hiến cho đất nước Đại Việt mà đi tôn thờ “Thánh khác” thì quả thực tủi hờn cho nước Việt. Chúng ta tôn trọng các vị thánh khác nòi giống Lạc Long Quân-Âu Cơ, nhưng chúng ta không có quyền quên đi “cha mẹ,” quên đi công lao của “cha mẹ” đã giữ gìn mảnh đất cho mình có được ngày nay. Lòng tôi “vẫn đục” ở Nhật Nguyệt Đàm là vì thế!
Rời Văn Võ Miếu tôi chợt thấy tâm tư mình buông thả xuống nhẹ nhàng. Không gian Nhật Nguyệt Đàm lôi kéo tôi trở về thực tại. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Tế Hanh “Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh thấy thiếu!” nhà thơ này đã rời bỏ thế gian nhưng ông luôn luôn hiện hữu làm phiền lòng du khách mỗi khi phong cảnh đẹp hiện đến. Tôi nhớ đến một nụ cười hồn nhiên giữa hồ Nhật Nguyệt!