(Hình: jon bagnato/Unsplash)

Dù có ngớ ngẩn, Thanh và Vân cũng biết rõ chủ ý của bà Chánh, muốn tránh mặt để cho họ có dịp nói chuyện với nhau. Khi bà Chánh vừa biến mất phía sau căn phòng khách, khoảng không gian bao trùm Thanh và Vân hình như trở lên nặng nề, ngượng ngập làm cho cả hai bối rối. Mãi một lúc sau, Thanh lấy lại được phần nào bình thản, anh hỏi nhẹ:

-Vân khoẻ không ? Thanh xin lỗi vì không tham dự được đám cưới của Vân vừa rồi.

-Em cũng nghĩ anh sẽ không đến dự, nhưng…

Thanh vội vã ngắt lời:

-Thật ra ban đầu Thanh cũng muốn đi lắm, nhưng lại sợ mình quá buồn không tốt cho ngày vui của Vân nên đổi ý không đi nữa!

Tiếp theo là những kể lể về những kỷ niệm của những năm chơi đùa với nhau thủa ấu thơ. Bầu không khí trở lên thoải mái hơn, mất đi vẻ ngại ngần ban đầu. Thanh hỏi Vân:

-Bao giờ em sinh nở?

-Hai tháng nữa anh ạ.

Vừa trả lời xong, với chút ngập ngừng Vân chậm rãi nói rất nhẹ như vừa đủ cho Thanh nghe:

-Thanh, anh đặt tên cho con em đi?

Thanh cau mày ra vẻ khó nghĩ với ý kiến lạ lùng của Vân. Hình như nhìn thấy suy nghĩ của Thanh, Vân nối tiếp:

-Ghi dấu kỷ niệm của một người bạn thân thiết thời thơ ấu, có gì lạ lùng đâu Thanh. Thanh đừng ngại gì cả.

Ngần ngừ một chút, ra vẻ suy nghĩ rồi Thanh nói nhẹ:

-Yểm, Hồng Yểm, tên đó được không?

Vân giương mắt nhìn ra vẻ muốn Thanh giải thích thêm về ý nghĩa cái tên lạ kỳ mà anh vừa nói. Thanh đưa bàn tay xoa nhẹ lên gò má của mình, hơi nhăn mặt ra vẻ đau đớn, rồi mỉm cười giải thích:

-Yểm, tiếng Hán có nghĩa là gò má. Nếu con trai thì khỏi cần chữ đệm, con gái thì dùng chữ Hồng để…

Chẳng để cho Thanh nói tiếp, tỏ vẻ buồn bã nhìn Thanh, Vân hỏi nhẹ:

-Anh vẫn không quên được lần quá đáng của em ngày đó sao? Vẫn còn giận dỗi vì lỗi lầm của em sao?

Ngần ngừ một chút, tỏ vẻ buồn bã, Thanh trả lời:

-Giận dỗi thì không, mà có gì để phải giận dỗi đâu? Nhưng quên thì chắc không bao giờ quên được, dù sao đó cũng là kỷ niệm mà bất cứ ai nếu có cũng không thể nào quên được.

***

Bước sang năm 1973, Khi Thanh vừa lên năm cuối cùng ban cử nhân, anh lại có một cuộc tình mới với một người bạn gái cùng trường, sau anh hai lớp. Ông bà Chánh và cha mẹ cô bạn gái đã gặp nhau, đồng ý tổ chức đám cưới cho Thanh vào cuối năm khi hoàn tất việc học. Nhưng dự định cũng lại bị gãy đổ, khi gia đình người bạn gái lấy cớ không hợp tuổi để từ chối, rồi cô ta kết hôn với người khác có nhiều điều kiện tốt đẹp hơn.

Đây là lần thất bại đau đớn nhất, làm thay đổi tương lai cuộc sống của Thanh. Mang cho Thanh cảm giác chán nản, buông xuôi! Kết quả cuối niên học Thanh đã không qua nổi kỳ thi tốt nghiệp. Buồn chán vì tình người, mặc cảm vì thua kém trong danh vọng. Thanh bỏ ngang việc học không muốn theo đuổi đường tiến thân trong khoa bảng nữa. Ông bà Chánh cảm thông sự chán nản của con, rồi nhờ quen biết đã tìm cho Thanh vào làm cho một tờ nhật báo của Sài Gòn với vai trò một phóng viên tập sự.

Công việc làm không nặng nhọc nhưng thời gian thất thường, đi sớm về khuya, nhất là phải hoà nhập vào lối sống buông thả của nghiệp vụ báo chí. Cũng nhờ vậy Thanh đã quên được rất nhiều nỗi đau quá khứ, tìm lại được niềm vui trong cuộc sống.

Một hôm, ngẫu nhiên Thanh khi lang thang khu vực gần xóm cũ, Thanh gặp Vân bế con đi bộ trên đường phố, trong dáng dấp thiểu não, mất tất cả vẻ khỏe mạnh vui tươi ngày trước. Trên đầu Vân và đứa con gái quàng chiếc khăn tang màu trắng còn mới mẻ. Trông thấy Thanh, Vân đứng xững lại ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, không lời chào hỏi. Thanh đoán có gì không may cho Vân, ngần ngừ tí chút, Thanh hỏi:

-Vân, em có chuyện buồn phải không?

Vân im lặng, từ khóe mắt đôi dòng lệ chảy dài xuống gò má, mãi sau Vân mới trả lời:

-Chồng em vừa mới mất vì bệnh ung thư máu!

Nghe tin buồn đó, Thanh thừ người ra, anh không biết nói gì để chia sớt nỗi đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác, lem luốc những giọt lệ chảy dài trên đôi má của Vân. Vân ôm chặt đứa con gái vào lòng như muốn chuyền cho con sự ấm áp thương tâm mà hoàn cảnh đã đẩy đưa sự bất hạnh cho đời nó, Vân nói nhẹ bên tai đứa con:

– Tội nghiệp con tôi quá.  Chỉ mới hơn 2 tuổi đầu đã phải mồ côi cha!

Thanh càng bối rối hơn, anh im lặng đưa tay nắm nhẹ lấy vai Vân. Thẫn thờ nhìn sự âu yếm buồn bã của Vân đối với đứa con. Mãi một lúc tự thấy thái độ của mình có vẻ kệch cỡm và ngờ nghệch, Thanh chậm rãi với giọng buồn bã, an ủi Vân:

-Anh chỉ biết chia buồn với em mà thôi Vân ạ. Người ta có thể khôn ngoan để có được thành công trong mọi lĩnh vực, nhưng chẳng ai có đủ tài năng vượt qua được số phận mà thượng đế đã dành cho mình được!

Dừng lại một chút như để nhìn lại những thất bại vừa qua của chính mình, Thanh với giọng buồn rầu:

-Cuộc đời là thế, có mấy ai sinh ra rồi trưởng thành trong những điều kiện như mình ước muốn đâu? Anh cũng thế, suốt chục năm vừa qua đã phải nhận chịu biết bao nhiêu buồn đau, oái oăm và thất bại. Với hoàn cảnh của em, anh cầu mong em cố gắng vững mạnh để sống không riêng cho em mà còn cho đứa con của em nữa. Đó là điều cần thiết và thực tế nhất.

Hình như lời nói chí tình, cảm thông của Thanh đã mang được vài an ủi cho Vân. Đưa tay vuốt đi những giọt lệ trên khuôn mặt, cố lấy lại vẻ tự nhiên, Vân nói với đứa con gái:

-Yểm, Hồng Yểm con chào bác Thanh đi.

Thanh giật mình, cảm động khi nghe Vân nói đến tên đứa bé. Ký ức chợt kéo anh trở lại mấy năm về trước, trong lần gặp nhau, ngày đó Vân đang có thai. Vân đã nhờ anh đặt tên cho đứa con đầu lòng sắp sinh nở. Rồi cũng vì kỷ niệm thuở thơ ngây, anh đã đưa cho Vân cái tên Yểm để ghi dấu lần giận dỗi của Vân, cô bé hàng xóm của mình ngày xưa trong trò chơi kiếm tìm…

Hôm nay gặp lại, dù cuộc đời của anh và Vân đã đi vào một ngã rẽ khác nhau, nhưng nhìn về quá khứ với những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ vẫn còn là những hoài niệm khó quên. Cả hai đều phải nếm trải những đau buồn, bất hạnh của hoàn cảnh. Nhưng tiếng gọi con của Vân như một kích động rất mạnh gõ vào trí nhớ của Thanh, đưa cho Thanh cái cảm giác xúc động nhè nhẹ dễ thương vì cái tên ghi dấu kỷ niệm của thời ấu thơ xa xưa.

Thái độ ngẩn ngơ của Thanh khi nghe tên đứa bé lộ hẳn ra trên mặt nhưng Vân không nhận thấy. Có lẽ vì quá buồn đau Vân đã quên bẵng đi ý nghĩa và nguyên thủy của cái tên kỷ niệm của nàng và Thanh. Thanh vuốt đầu đứa bé gái, âu yếm bế nó lên tay, nghe vài tiếng chào thỏ thẻ chưa rõ ràng từ đôi môi mọng đỏ vô tư. Ngần ngừ một chút anh nói nhẹ với Vân:

-Hồng Yểm! Cám ơn em, Vân ạ.

Lúc này thì Vân đã hiểu ra, Vân ngước mắt nhìn Thanh trong ánh mắt cảm động, khó hiểu.

Sau lần gặp gỡ đó, Thanh trở lại với công việc báo chí đang trong thời kỳ rất bận rộn vì khói mù của cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn quyết liệt, của năm 1974. Vừa bước sang tháng giêng năm 1975 trong một lần đi lấy tin chiến sự ở ngoại ô Sài Gòn, Thanh lại gặp thêm một bất hạnh. Có lẽ vì quá vội vã với nghiệp vụ của một nhà báo săn tin tức, Thanh đã không làm chủ được chiếc xe gắn máy của mình, anh lao vào thành chiếc cầu trên xa lộ. Đúng lúc đó một chiếc xe chở hàng chạy đằng sau trượt đến bất thình lình, không kịp thắng khi mà Thanh vẫn còn đang nằm dài trên mặt đường nhựa.

Không biết qua bao nhiêu ngày mê man và giải phẫu, vừa mở mắt ra, người mà Thanh nhìn thấy đầu tiên là ba mẹ của mình và toàn thể gia đình của hai người em gái. Mọi người nhìn Thanh với ánh mắt đầy đau thương, buồn bã. Cũng chính lúc nửa mê nửa tỉnh đó, cái nhói đau đã làm Thanh nhìn xuống phần dưới thân thể mình. Cảm giác đau buốt tâm can đến với Thanh, khi biết mình đã thành kẻ tàn phế. Ống chân trái không còn nữa, phần đùi chân cũn cỡn đã được bó gọn gàng bằng băng vải trắng xóa!

Có lẽ nhìn thấy nỗi bàng hoàng, đau khổ hiện trên khuôn mặt Thanh. Bà Chánh đưa bàn tay âu yếm vuốt vài sợi tóc lòa xòa trên vầng trán còn tái xanh của Thanh, với giọng êm ả nhưng không dấu được buồn rầu, lo lắng:

-Thanh, con có đau lắm không? Tội nghiệp con quá!

Thanh vuốt cánh tay mẹ, im lặng nhìn những giọt nước mắt chảy giàn giụa trên khuôn mặt u ám đầy lo lắng của mẹ, lòng anh quặn đau. Anh có cảm tưởng khuôn mặt của mẹ hôm nay như bị già đi vì đau khổ do nỗi bất hạnh của mình. Cố chấn tỉnh, lấy can đảm, anh nở nụ cười trên môi với giọng nói cứng mạnh  an ủi mẹ:

-Mẹ đừng lo lắng làm gì cho khổ! Khối óc của con còn minh mẫn, đôi tay, mắt mũi còn toàn vẹn, con vẫn còn nhiều dịp để vươn lên. Ngay khi té xuống đường, con nhìn thấy chiếc xe chở hàng chờ đến, nuốt trọn con vào gầm xe, con đã nghĩ mình chẳng có dịp sống sót để gặp lại mọi người trong gia đình nữa. Nhưng con đã không chết, con vẫn  tỉnh táo và còn khả năng để đứng dậy phấn đấu với cuộc đời. Nghĩ cho cùng con cũng có được phần nào may mắn trong cái bất hạnh đó mẹ ạ.

Bà Chánh nắm lấy bàn tay đứa con trai nắn nhè nhẹ.Dù biết đó là những lời trấn an của con, chỉ muốn xua đuổi đi nỗi buồn đau đang có trong lòng bà. Nhưng dù sao lời nói đó cũng mang đến cho bà đôi phần an ủi vì sự bất hạnh của nó vẫn chưa đến mức cùng tận của bi đát. Bà vẫn còn đứa con trai duy nhất đầy đủ trí não như  ngày xưa dù thân xác nó đã có tí nào khiếm khuyết.. Mấy năm vừa qua, bà biết rõ con của bà đã liên tiếp gặp những chuyện buồn khổ. Qua mấy lần trắc trở yêu đương, dù nó không nói với bà, nhưng bà hiểu, những dở dang đã làm nó buồn chán, bỏ bê việc học hành.

Sáng hôm sau khi mấy người y tá vừa thay băng vết thương xong. Thanh nằm trên giường để mắt bâng quơ qua khung cửa sổ dõi theo vài con chim chuyền nhảy trên hàng cây điệp ở ngoài sân. Cảm giác cô đơn, buồn bã xấm chiếm tâm hồn Thanh. Thanh đang dìm minh suy nghĩ đến những ngày tháng sắp tới của đời mình với tấm thân tàn phế và cả việc học hành dở dang. Vài tiếng động nhẹ đã làm Thanh giật mình quay lại khi thấy Vân và đứa con gái đã đứng sát bên chiếc giường của mình từ lúc nào. Vân với đôi mắt buồn bã, đẫm lệ đang nhìn anh. Thanh ngẩn ngơ, chưa kịp mở miệng, Vân đã nói:

-Anh Thanh, mẹ con em đến thăm anh đây.

Không dấu được mừng rỡ, ngạc nhiên, Thanh hỏi dồn dập:

-Vân, em đến đây bao giờ vậy? Làm sao em biết anh bị tai nạn mà đến thăm?

-Chiều hôm qua, mẹ anh báo tin cho em biết đó.

Thanh ngước mắt, im lặng nhìn thật kỹ dáng dấp của Vân. Dù đã là một thiếu phụ nhưng vẫn còn ẩn dấu những nét mù mờ của cô bé với biết bao nhiêu kỷ niệm thuở ấu thơ của mình. Vẫn cặp má hơi ốm, làn da mịn màng làm nổi bật đôi môi mỏng hấp dẫn. Rồi hình ảnh của ngày xưa, những lần bên nhau đi lễ, tiếng cười vui cùng thưởng thức vị ngọt ngào của những bông hoa sứ. Dĩ nhiên làm sao Thanh quên được lần giận dỗi trong trò chơi “trốn tìm “ với cái tát nhớ đời nhưng lại là dấu tích đặt tên cho đứa con… Tất cả đang hiện về trong ký ức Thanh. Sự hiện diện của Vân, đã làm Thanh chợt hiểu ý tứ kín đáo của mẹ khi báo tin cho Vân biết mình bị nạn. Mẹ lại muốn nối lại tình thân giữa Thanh và Vân người con gái mà mẹ yêu mến từ ngày cô ta còn bé.

Nhưng khi vừa dây thân mình, cảm giác nhói đau từ chiếc chân cụt đã kéo Thanh nhớ đến hiện trạng tàn phế của mình. Cùng với nỗi đau đớn vì phản bội trong 2 cuộc tình trong dĩ vãng, cảm giác tự ti và chán ngán, nghi ngờ tình yêu lại đổ ập đến nhắc nhở Thanh. Với giọng buồn bã Thanh nói với Vân:

-Cám ơn Vân, anh không dám phiền em đâu

Vân ngẩn ngơ khi nghe câu trả lời của Thanh, ngẫm nghĩ một tí, Vân hỏi nhẹ:

-Anh không muốn em đến đây sao? Chắc anh có người khác lo lắng săn sóc cho anh rồi hả?

Thanh biết thái độ lạnh lùng, buồn chán của mình đã làm Vân hiểu lầm. Ngần ngừ tí chút rồi anh trả lời:

-Không! Em hiểu lầm rồi. Sau vài lần bị phản bội, anh chẳng còn dám nghĩ đến yêu đương nữa, huống chi ngày nay anh đã là một kẻ tàn tật. Anh….

Chẳng để Thanh nói tiếp, Vân ngắt lời:

-Thanh, anh tưởng rằng em không biết tình trạng bị thương của anh trước khi đến đây sao?

Vân âu yếm đưa bàn tay vuốt nhẹ trên khuôn mặt Thanh, nàng nói tiếp:

-Nếu anh không quên những kỷ niệm ngày xưa, chúng mình sẽ nối tiếp trở lại, chẳng có gì ngăn cách được chúng ta, Thanh ạ.

Thanh cảm động nắm lấy bàn tay Vân ép nhẹ lên khuôn mặt, bờ môi của mình. Niềm hạnh phúc ấm cúng lan khắp tâm hồn Thanh.

***

Thanh phải nằm bệnh viện hơn một tháng trời, Vân và Hồng Yểm gần như hàng ngày đều đến thăm nuôi, chăm sóc anh. Hạnh phúc của mối tình muộn màng luôn luôn hiện diện, nồng nàn giữa Thanh và hai mẹ con Vân. Mọi người trong gia đình Thanh cũng vui mừng vì cuộc đời Thanh đã được an ủi rất nhiều sau những khổ đau và thất bại.

Rời bệnh viện, mối tình của Thanh và Vân càng gắn bó hơn bằng tất cả những ngọt ngào, chiều chuộng nhau. Sau những buổi chợ Vân thường bế Hồng Yểm đến với Thanh, mang cho anh những món ăn ngon ngọt. Những ngày rảnh rỗi, họ hẹn nhau đi phố…  Hình ảnh mái gia đình hạnh phúc với người vợ hiền thục, gắn bó thương yêu người chồng tàn tật bên đôi nạng gỗ trong tiếng cười vui của đứa con gái ngây ngô 3 tuổi trên đường phố, trong tiệm ăn, đôi khi làm cho vài khách bộ hành ngẩn ngơ, cảm động ngó theo.

Tháng 4 năm 1975 cuộc chiến tranh chấm dứt, đưa đến biết bao nhiêu đổi thay của cuộc sống. Gia đình Thanh cũng như hầu hết mọi người khác của miền Nam cũng rơi vào một giai đoạn khó khăn của thời thế.  Ba của Thanh, ông Chánh sau một lần bệnh hoạn đã bất thình lình ra đi trong thời điểm nhiễu nhương đổi thay đó. Toàn thể gia đình hai người chị của Vân cùng với bà Tứ, mẹ của Vân đã kịp di chuyển theo đoàn người di tản rồi được định cư tại Mỹ, chỉ có Vân và bé Hồng Yểm còn kẹt ở lại.

Trong bối cảnh đó, tình thân thương của hai mẹ con Vân và Thanh cũng như mọi người trong đại gia đình Thanh càng trở lên thắm thiết. Mọi người nương tựa nhau, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt của xã hội. Dù vẫn phải lo ăn, lo mặc nhưng mẹ con Vân cũng như toàn thể gia đình Thanh đã có những âm thanh hạnh phúc rất hoà điệu. Mặc dầu Thanh và mẹ con Vân sống tách biệt, nhưng dưới mắt bà Chánh cũng như hai em của Thanh, Vân đã là thành một thành viên ruột thịt của gia đình họ, chỉ chưa chính thức thành vợ chồng mà thôi. Thanh và Vân dự định chờ đủ 3 năm mãn tang của ba Thanh sẽ làm đám cưới và chính thức sống với nhau.

Cuộc sống hạnh phúc đó kéo dài được hơn 2 năm dù trong khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng lại đầy tràn hoan lạc, thương yêu. Những bất hạnh trong quá khứ, những mặc cảm tự ti, chán nản sau hai lần tình yêu gãy đổ cũng như khiếm khuyết thân thể… Tất cả đã dần dần biến mất trong cảm nghĩ , trí nhớ của Thanh. Thay vào đó là những tin tưởng, hưởng thụ hạnh phúc của hiện tại để chờ đợi ngày mãn tang đang gần đến cho ngày đám cưới chính thức kết hợp thành một mái gia đình.

Nhưng cuộc sống vẫn có những hạt mầm của ngỡ ngàng phi lý. Đôi khi mang cho người ta những buồn đau ngoài tính toán. Vân tự nhiên giảm dần việc đến nhà Thanh, sự tiếp xúc hàng ngày của Vân với mọi người trong gia đình Thanh, ngay cả với Thanh như có gì khác lạ. Cái khác lạ pha âm thanh của giới hạn và ngại ngần kín đáo. Thái độ khác thường, khó hiểu của Vân, không riêng gì Thanh mà tất cả mọi người trong gia đình Thanh cũng linh cảm có điều gì không hay sắp xảy ra cho tình yêu của Thanh và Vân.

Tuy nhiên, trong xã hội hết sức phức tạp và đầy rẫy những mù mờ của những năm sau 1975, Thanh nghĩ rằng Vân đang gặp điều gì khó khăn mà nàng không muốn thổ lộ với mọi người trong gia đình anh. Rất có thể có những rắc rối riêng tư của gia đình mấy người chị và mẹ Vân ở bên Mỹ. Hay lại có vài lộn xộn về bé Hồng Yểm với gia đình bên người chồng cũ của Vân, đã thường xảy ra vài lần trước đây?…Nhưng bất thình lình, Thanh và gia đình bàng hoàng khi nhận được lá thư đoạn tuyệt của Vân:

Sàigòn, ngày… tháng… năm 1977

Anh Thanh thân mến,                                        

Suốt mấy tháng vừa qua,  em đã giấu anh một điều rất khó nói, đã dày vò em với biết bao nhiêu lương lự. Nhưng hôm nay thì sự kiện đã rõ ràng rồi, em không thể giấu giếm anh được nữa. Em phải nói với anh, dù biết rằng sẽ làm anh buồn đau, hận ghét em.

Như anh đã biết mẹ và hai gia đình người chị của em đang sống tại Mỹ, hầu hết những lá thư gửi về cho em đều nói đến vấn đề đoàn tụ. Mẹ em đã già, đau ốm liên miên, không biết sống chết lúc nào, mẹ em chỉ ước ao được nhìn thấy em và bé Hồng Yểm được sang Mỹ, cùng sống với gia đình hai chị của em. Gia đình các chị của em đã xếp đặt để cho em ra đi sang Pháp dưới dạng kết hôn với một người quen biết, rồi sau đó sẽ tìm cách sang Mỹ (thời gian mấy năm đầu tiên sau 1975 việc đi Mỹ vẫn còn khó khăn, chỉ có đường chính thức sang Pháp mà thôi!)

Em đã mang nhiều lưỡng lự trong hơn một năm vừa qua, bởi vì bên anh em đã tìm được quá nhiều hạnh phúc. Cái hạnh phúc của tình yêu nồng nàn mà anh dành cho em cũng như của tình thân gắn bó, chân thật mà mẹ anh cũng như hai người em của anh đối đãi với em trong nhiều năm vừa qua.  

Nhưng biết làm sao được khi hoàn cảnh đẩy đưa, bắt em phải chọn lựa, cái chọn lựa khổ tâm với rất nhiều ân hận và đau buồn. Đó là em phải ra đi, phải chấp nhận rời xa anh, dù em thật sự yêu anh. Em biết rằng sự lựa chọn miễn cưỡng của mình sẽ mang bao nhiêu buồn đau và tức giận nơi anh, nhưng em hy vọng anh hiểu cho hoàn cảnh của em, tha thứ cho em. Thời gian và ngăn cách sẽ là những cấu chất làm phai nhòa những buồn đau anh Thanh ạ.     

Thôi, viết thế nào cho anh, cuối cùng vẫn là chia ly, em cầu chúc mọi sự an lành và niềm vui mãi mãi đến với anh và mọi người trong gia đình.

Kính mến và thương yêu!

Vân và Hồng Yểm

Đọc xong lá thư, Thanh thẫn thờ như người mất hồn. Buông mình ngồi xuống chiếc ghế, đưa mắt nhìn bâng quơ ra phía ngoài đường mà lòng cảm thấy xót đau như bị cắt xé. Bà Chánh cầm lá thư lên, nhìn thoáng qua nét chữ trong lá thư và dáng điệu thất thần của đứa con trai tàn tật, bà cũng đoán được bất hạnh lại thêm một lần nữa đổ lên cuộc đời của con trai bà. Đọc thoáng qua, bà buông tiếng thở dài buồn bã:

-Thanh, mẹ cũng không ngờ Vân nó vô tình, bất nhân như thế. Mẹ xin lỗi con, chính mẹ đã tìm cách kết nối nó lại cho con để rồi ngày nay con phải nhận chịu lấy khổ đau.

Thanh khập khiễng đứng dậy, đưa đôi tay ôm lấy vai me, miệng nở nụ cười cay đắng, anh nói:

-Tại sao mẹ phải xin lỗi con nhỉ? Con người vô tình, giả dối, đóng kịch khéo léo như vậy, mẹ con ta làm sao mà ngờ được!?

Ngẫm nghĩ một chút rồi Thanh tiếp:

-Hơn nữa đó cũng là số phận của con mà thôi mẹ à. Từ nay con sẽ không dại khờ nữa! Ba lần đau khổ vì tình yêu do phản bội, dễ tin đã quá đủ cho con biết rằng đời con chẳng còn gì để mất mát nữa .

Vân ra đi được khoảng gần hai năm, hoàn toàn im lặng, chẳng có một lá thư nào gửi về. Cuộc sống của gia đình Thanh cũng như phần lớn người Việt Nam khác, vẫn bị cơn lốc xoáy của thời cuộc nhấn sâu vào thiếu thốn. Mọi người phải làm việc quần quật kiếm ăn,  tìm đủ cách sinh tồn với những bữa cơm độn bo bo hàng ngày. Trong hoàn cảnh cùng cực đó Thanh chẳng còn thời gian và trí não để nhớ đến hay giận hờn người đàn bà phản bội mà một lần mình đã yêu đương. Mẹ và hai đứa em của Thanh cũng không bao giờ nhắc nhở đến Vân nữa, cố tránh khơi dậy nỗi đau đớn thầm kín mà mọi người biết chắc chắn nó vẫn còn rướm máu trong lòng Thanh.

(còn tiếp)

Nguyễn Thị Hồng Yểm (1)

Nguyễn Thị Hồng Yểm (2)

-Nguyễn Thị Hồng Yểm (kỳ cuối)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: