Mùa Giáng Sinh lại về, người ta vui mừng, háo hức chào đón mùa của những yêu thương. Có người tin rằng:
-Có những Thiên Thần giáng trần mang tặng những món quà kỳ diệu.
-Có những tấm lòng nhân hậu mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác.
-Có những người sống biết yêu thương nhiều hơn và luôn trân trọng những yêu thương mình đang có.
***
Vào một ngày buồn của tháng 9, buổi sáng tôi thức dậy với sáu đứa con thơ và 75 xu trong túi. Cha của chúng đã rời bỏ và “cao bay xa chạy” phương trời nào không rõ …?!
Có năm đứa anh trai từ 3 đến 7 tuổi, đứa em gái bé bỏng chỉ mới lên 2. Cha của chúng chẳng có tình nghĩa gì ngoài cái làm cho các con luôn sợ hãi và xa lánh. Mỗi khi nghe tiếng bánh xe rít thắng ngừng trên sân là chúng vội vã trốn dưới gầm giường. Mỗi tuần, người cha chỉ đưa cho bà mẹ 15 đôla để mua thức ăn. Bây giờ ông đã quyết định rời bỏ vợ con, từ nay sẽ chẳng còn la mắng đánh đập nữa, cũng như sẽ chẳng còn gì để ăn!
Ở miền Nam của tiểu bang Indiana thuộc nước Mỹ, vào thời đó (thập niên 1960), nếu có chương trình “Welfare” giúp đỡ cho những người nghèo khó, cho những bà mẹ đơn thân, người già nua, bịnh tật,… thì chắc rằng tôi sẽ chẳng có chuyện gì để kể.
Tôi tắm rửa lau mặt mũi cho các con, mặc cho chúng những bộ đồ tôi tự may đẹp nhất rồi đưa chúng lên chiếc xe tồi tàn cũ rích ’51 Chevy và lên đường đi tìm việc làm để sinh nhai. Bảy mẹ con tôi rong ruổi lê la đến từng hãng xưởng, từng cửa hàng, nhà hàng trong cái tỉnh lỵ nhỏ bé này để xin việc. Đám trẻ ngồi chen chúc trong xe, lặng lẽ u buồn, trong khi tôi cố gắng và cầu mong tìm được bất cứ công việc gì làm để kiếm tiền nuôi con. Nhưng mấy mẹ con đi… đi… mãi vẫn không có một chút hy vọng mỏng manh, may mắn nào!
Nơi chúng tôi đặt chân đến sau cùng chỉ cách thành phố khoảng vài cây số, đó là một nhà hàng mang tên “The Big Wheel ” (Có nghĩa là “Bánh Xe Lớn”), dành cho những tài xế lái xe vận tải đường dài, dừng chân nghỉ ngơi. Chủ nhân là một phụ nữ đứng tuổi tên Granny. Qua khung cửa sổ nhỏ, bà Granny ngao ngán, e ngại nhìn những đứa trẻ con lúc nhúc trong xe mà động lòng trắc ẩn. Bà đang cần người làm vào lúc nửa đêm về sáng (từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng), 65 xu một giờ, nếu đồng ý sẽ bắt đầu làm ngay đêm đó.
Tôi mừng rỡ, hối hả chạy về nhà, gọi cô bé dưới phố thường nhận giữ trẻ và trả cho cô 1 đôla một đêm đến ngủ ở ghế sofa và trông coi tụi nhỏ. Cô ta đồng ý và đến nhà trong lúc bọn trẻ đã êm ấm ngủ say rồi. Đêm hôm đó, mẹ con tôi đã quỳ xuống cầu nguyện tạ ơn Chúa đã cho tôi may mắn có được một việc làm.
Kể từ đêm đó, tôi bắt đầu đi làm công tại The Big Wheel. Khi trời sáng, trở về nhà, tôi đánh thức cô giữ trẻ dậy và đưa 1 đô, khoảng nửa số tiền “tip” tôi có mỗi đêm. Vài tuần lễ yên ấm trôi qua, tiền sưởi là một gánh nặng đối với số lương ít ỏi của tôi, thêm vào đó cái bánh xe cũ kỹ bị xì, mỗi ngày tôi phải bơm lên trước và sau khi đi làm thì xe mới có thể lăn bánh được, thật là vất vả!
Vào một buổi sáng cuối thu, Tôi lê tấm thân mệt mỏi bước ra xe, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy bốn cái bánh xe nằm chễm chệ trên cái băng ghế sau. Không thể ngờ được! Không một chữ ghi chú nào ngoài bốn cái bánh xe đẹp đẽ mới toanh! Tôi lặng lẽ tạ ơn, phải chăng thiên thần đã động lòng thương xót đến người nghèo khổ như tôi ở Indiana?
Tôi đã đến gặp người chủ tiệm sửa xe và thỏa thuận với ông. Tôi sẽ lau chùi quét dọn phòng làm việc của ông với sự trao đổi là ông lắp bốn bánh xe mới cho xe của tôi. Tôi nhớ là đã bỏ hết công sức ra lau chùi cả cái nhà và cái sàn thật dơ dáy, cáu bẩn của ông lâu hơn là công ông thay bốn cái bánh xe, nhưng tôi thấy vui lắm.
Lúc này tôi đi làm sáu ngày một tuần nhưng vẫn chưa đủ vì Giáng Sinh gần kề tôi biết mình sẽ không đủ tiền để mua quà cho các con. Tôi tìm thấy một thùng sơn đỏ trong kho và lấy ra tô điểm lại những món đồ chơi cũ, rồi giấu chúng dưới tầng hầm, mong các con có một tí gọi là quà của ông già Noel. Còn quần áo của chúng cũng tả tơi theo năm tháng, tôi đã chắp vá nhiều nhưng cũng đã quá sờn rách đến nỗi không còn khâu vá gì được nữa!
Đêm Giáng Sinh, những khách hàng quen thuộc đang ngồi nhâm nhi cà phê ở The Big Wheel, những tài xế xe tải, nào là Les, Frank, Jim và một cảnh sát tiểu bang tên Joe. Một vài nhạc sĩ tụ họp để chuẩn bị trình diễn và vài người đang bỏ tiền cắc vào máy chơi bắn banh. Một số khách ngồi quây quần tán gẫu đến sáng rồi ra về trước khi mặt trời mọc. Khi xong việc lúc 7 giờ sáng, vào ngày Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, tôi hối hả bước vội ra xe. Hy vọng đám trẻ nhỏ sẽ không thức dậy sớm trước khi tôi về đến nhà và tôi có thể đặt những món quà dưới cây Noel (Một cây thông nho nhỏ tôi đã cắt bên đường gần bãi rác).
Trời tờ mờ sáng, như cái bóng ẩn hiện lúc tranh tối tranh sáng, đôi mắt tôi dường như bị lừa? Tôi không tin vào mắt mình nhưng cũng không nói nên lời. Tôi bước ra xe, cẩn thận nhìn vào cửa sổ bên hông, há hốc miệng, tròn mắt ngạc nhiên… không thể tin được là chiếc Chevy tàn tạ cũ rích của tôi chứa đầy những hộp quà đủ loại, đủ cỡ, đủ màu.
Tôi vội vàng mở cửa xe, lao nhanh vào và quỳ trên ghế trước, nhoài người tới băng ghế sau, tôi mở nắp hộp… Ô … kìa… bên trong là những chiếc quần Jean xanh, từ cỡ 2 đến 10! tôi mở thêm cái hộp nữa, toàn áo sơ mi, áo thung đi chung với quần Jean. Rồi tôi nhìn vào những hộp khác: nào là kẹo, đậu phọng, hạt điều và những gói thực phẩm. Có cả một cục thịt nguội to tướng để nướng và những đồ hộp, rau củ, khoai tây, bánh Pudding, Jell-O, cookies, mứt và bột mì. Thêm một túi to chứa bột giặt và những đồ dùng để lau chùi. Vui sướng nhất là có 5 cái xe đồ chơi và một con búp bê nhỏ xinh.
Trên đường về nhà, chạy qua những con phố vắng tanh, mặt trời vừa ló dạng bừng sáng lên như chào đón một ngày lễ hội tuyệt vời nhất trong đời. Tôi khóc nức nở với lòng biết ơn sâu xa. Tôi không thể nào quên nét mặt rạng rỡ, vui mừng hớn hở của sáu đứa con thơ vào buổi sáng Giáng Sinh mầu nhiệm ấy.
Huyền diệu thật! Có những thiên thần giáng trần ở Indiana đã lâu lắm rồi! Mà dường như những thiên thần này thường hay rong chơi ở “The Big Wheel.”
(Phỏng dịch từ “Angels, Once in a While” By Barb Irwin)