Những thời khắc cuối cùng của năm 2024 đã trôi qua, cả thế giới đều náo nức chào đón năm mới 2025 đến với thật nhiều hy vọng.
Phong tục đón giao thừa không hoàn toàn giống nhau ở những nơi trên thế giới, các truyền thống có thể bao gồm việc dọn dẹp nhà cửa thật kỹ, ra đường nhảy múa hoặc treo một cành lựu tươi trước cửa.
Trước thềm năm mới, hãy thử tìm hiểu về một số truyền thống đêm giao thừa kỳ lạ và tuyệt vời nhất trên thế giới.
-Nhiều quốc gia chọn ăn thực phẩm may mắn
Trên khắp thế giới, đêm giao thừa được tổ chức bằng bữa ăn cùng bạn bè và gia đình. Ở một số nơi, điều này có nghĩa là ăn một số loại thực phẩm “may mắn.” Như ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và phần lớn châu Mỹ Latinh như Colombia, thực phẩm được coi là may mắn là 12 quả nho tươi hoặc nho khô, và ở Ý là 12 thìa đậu lăng, mỗi thìa tương ứng với từng tiếng chuông đồng hồ lúc nửa đêm.
Người Pháp chào đón năm mới tuyệt vời bằng một chồng bánh kếp. Người Đức thích bánh hạnh nhân có hình con lợn để cầu may, trong khi ở Hà Lan, người ta ăn bánh rán và thức ăn hình chiếc nhẫn.
Người Estonia tổ chức tiệc tới bảy, chín hoặc thậm chí 12 lần vào đêm giao thừa, vì họ tin rằng cứ mỗi bữa ăn tương đương với sức mạnh của một người đàn ông và họ sẽ càng có nhiều sức khỏe khi ăn nhiều bữa.
-Nếu bạn tình cờ có mặt ở Edinburgh để tham dự lễ hội, hãy mong đợi được chứng kiến những người thổi sáo và đánh trống dẫn đầu nhóm người dân địa phương cầm đuốc diễu hành khắp thành phố. Và vào ngày đầu năm mới, bữa tiệc kết thúc bằng màn bơi lội trong làn nước lạnh giá của Firth of Forth.
-Philippines: Mặc đồ chấm bi và ăn trái cây hình tròn
Tròn, tròn, và tròn. Để cầu cho một năm mới vui vẻ, “tròn trĩnh,” người Philippines tin rằng mặc đồ hình tròn (chẳng hạn như chấm bi) sẽ mang lại sự thịnh vượng và may mắn. Ngoài ra, việc ăn các loại trái cây hình tròn như cam, quýt, nhãn, nho, bưởi cũng được coi là ăn may mắn. Nhiều người Philippines thu thập 12 quả trái cây hình tròn và bày làm vật trung tâm trên bàn ăn tối của họ.
-Đốt hình nộm ở Panama
Người dân Panama có truyền thống xua đuổi tà ma bằng cách đốt hình nộm (muñecos) của những người nổi tiếng như nhân vật truyền hình và nhân vật chính trị ở Panama. Những hình nộm có ý nghĩa đại diện cho năm cũ, do đó cho phép mọi người bắt đầu một năm mới an lành.
-Vứt bỏ đồ cũ ở Nam Phi
Theo truyền thống, người dân ở Johannesburg tiệc tùng cuồng nhiệt bằng cách ném các thiết bị và đồ dùng cũ ra ngoài cửa sổ, theo nghĩa đen của câu “Tống cựu, nghinh tân.”
-Hy Lạp: Treo hành tây hoặc cành lựu
Ở Hy Lạp, người ta có truyền thống treo một củ hành trước cửa nhà vào đêm giao thừa như một biểu tượng của sự tái sinh trong năm mới. Để kỷ niệm ngày đầu năm mới, các bậc cha mẹ đánh thức con mình bằng cách gõ nhẹ củ hành tây vào đầu họ. Cây lựu được cho là có nguồn gốc từ Hy Lạp và trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, nó tượng trưng cho khả năng sinh sản và sự phong phú.
-Cuba: Ném xô nước ra cửa trước
Ở Cuba, người ta tượng trưng là tập hợp tất cả những linh hồn xấu và năng lượng tiêu cực trong 365 ngày qua và ném ra khỏi cửa trước. Không có gì lạ khi nhìn thấy những xô đầy nước bẩn bay ra khỏi nhà trong thời gian đếm ngược đến nửa đêm. Hãy cẩn thận coi chừng bị ướt nếu bạn đi dạo qua một khu phố ở Cuba vào đêm giao thừa.
-Mexico: Đi loanh quanh với chiếc vali rỗng
Ở Mexico, có một truyền thống mà mọi người thường tham gia vào đêm giao thừa với mong ước chào đón một năm tràn ngập những chuyến du lịch và trải nghiệm mới. Mọi người sẽ đi lại với một chiếc vali rỗng hoặc đặt nó ở giữa phòng và đi dạo quanh đó. Những người khác đi xa hơn hoặc đi một vòng quanh khu nhà với hành lý trống rỗng. Truyền thống này cũng được thực hiện ở các nước Mỹ Latinh khác.
-Nhật Bản: Dọn dẹp nhà cửa thật sạch và hoàn thành mọi việc vào cuối năm.
Theo truyền thống Nhật Bản, các năm được coi là hoàn toàn riêng biệt, mỗi năm mới lại mang đến một khởi đầu mới. Do đó, mọi nhiệm vụ phải hoàn thành vào cuối năm, trong khi các bữa tiệc Bonenkai (“bữa tiệc quên năm cũ”) được tổ chức với mục đích bỏ lại những lo lắng và rắc rối của năm cũ. Các ngôi nhà và cổng vào được trang trí bằng các đồ trang trí bằng cây thông, tre, mận. Đặc biệt, quần áo và nhà cửa được giặt giũ, lau chùi thật sạch sẽ.
Vào đêm giao thừa, toshikoshi soba (mì kiều mạch), tượng trưng cho sự trường thọ, được phục vụ. Một phong tục gần đây hơn là xem chương trình ca nhạc “kohaku uta gassen” – một chương trình truyền hình rất nổi tiếng với sự tham gia của nhiều ca sĩ J-pop và enka nổi tiếng nhất Nhật Bản.
-Hoa Kỳ
Là một quốc gia đa sắc tộc nhưng phần đông là người nhập cư, nên năm mới ở Mỹ cũng có nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Tuy nhiên có một đặc điểm chung nhất trong đêm giao thừa là người người thường đổ ra đường và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới. Các đường phố chật kín người với tiếng cười đùa, còi sáo vang rộn với ánh đèn hòa lẫn những bông hoa giấy đủ sắc màu.
Vào đêm giao thừa 31 Tháng Mười Hai, hàng ngàn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau cùng chờ đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đếm giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp lung linh, chứa hàng ngàn mảnh thuỷ tinh tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ, rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống “Auld Lang Syne” rồi tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời.
(tổng hợp)