CSVN khuyến khích người dân trị nhau, đấu tố thời 4.0

(Hình minh họa: Dantri)

Thưởng tiền cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông, Chính Phủ CSVN đang vấp phải sự đả kích dữ dội từ dư luận Việt Nam, cho rằng khuyến khích “dân trị dân,” “dân giết dân,” đấu tố thời 4.0…

Ngày 1 tháng Giêng năm 2025, Chính Phủ CSVN thực hiện quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Theo đó, có 26 lỗi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông mà mức phạt sẽ tăng lên nhiều lần đối với người lái xe máy hai bánh, xe hơi.

Cụ thể, đối với người lái xe máy hai bánh, nếu vi phạm hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, mức phạt tiền thấp nhất là từ 4-6 triệu VNĐ. Mức phạt trước đây là từ 800,000 VNĐ đến 1 triệu VNĐ.

Còn với xe hơi, nếu lạng lách, chạy quá tốc độ, đuổi nhau trên đường bộ, dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường,… mức phạt tiền cao nhất là từ 40 triệu VNĐ đến 50 triệu VNĐ, mức phạt trước đây từ 10-12 triệu VNĐ.

Quy định mới bị phản ứng và gây tranh cãi trong nước từ mấy ngày qua là mức phạt từ 18-20 triệu VNĐ đối với hành vi vi phạm của xe hơi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, (mức phạt trước đây là từ 4-6 triệu VNĐ). Nhiều ý kiến của dư luận cho rằng, đèn giao thông và hạ tầng giao thông ở Việt Nam nói chung là chưa tốt, thường hay xuất hiện những lỗi như “bẫy” người điều khiển phương tiện, sơ sẩy hoặc vội vàng một tí là rất dễ bị mắc vi phạm.

Đồng thời, dư luận phản ứng mạnh việc mức phạt tiền mới tăng lên quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, số người thu nhập thấp ở Việt Nam rất dễ dính vào các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ, mức phạt không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân người vi phạm mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Thậm chí, từ vi phạm này người vi phạm còn trượt dài thêm những vi phạm khác, khó khăn chồng chất thêm khó khăn, rõ ràng không phù hợp với cuộc sống người dân.

Mức phạt tăng cũng đồng nghĩa với tỉ lệ thuận với nạn tham nhũng, mãi lộ bởi dễ dẫn đến tình trạng ăn chia tiền phạt giữa người vi phạm và người thi hành công vụ, ở đây chủ yếu là lực lượng cảnh sát giao thông. Lâu nay, lực lượng này bị dư luận Việt Nam gán cho cái mác “con sâu gặm tiền.”

Theo số liệu của Bộ Công An CSVN, ngay trong ngày 1 tháng Một năm 2025, tức là ngày đầu tiên quy định mới chính thức có hiệu lực, đã có hơn 13,000 trường hợp bị xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, số tiền phạt ước tính gần 28 tỉ đồng. Một con số phản ánh nhiều vấn đề để suy ngẫm.

Cũng trong ngày 1 Tháng Giêng 2025, Chính Phủ CSVN cũng cho thi hành quy định về “quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước,” cho phép Bộ Công An được trích % số tiền phạt vi phạm giao thông thưởng cho người báo tin vi phạm giao thông.

Cụ thể, nếu cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông sẽ được khen thưởng không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu VNĐ/1 vụ. Quy định này bị đả kích dữ dội. Dư luận cho rằng Chính Phủ CSVN dùng tiền khuyến khích “dân tố dân,” “dân giết dân”, một kiểu đấu tố thời 4.0.

Trên rất nhiều cung đường ở Việt Nam xuất hiện một số người mang thiết bị cá nhân như điện thoại di động, máy quay, máy chụp hình… núp lùm ở các tụ điểm đèn giao thông, góc khuất, bụi cỏ để thu thập các thông tin vi phạm giao thông. Sau đó đưa hình ảnh lên mạng xã hội cho rằng mình đã ghi được hình ảnh, video các trường hợp vi phạm giao thông, đã nhận được số tiền thưởng được trích % từ tiền phạt của người vi phạm.

Vào ngày 3 Tháng Giêng vừa qua, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ thông tin được cho rằng, một thanh niên ở Hà Nội trong ngày thu về 50 triệu đồng tiền tố giác vi phạm giao thông. Mặc dù ngay sau đó, Phòng Cảnh Sát Giao Thông Công An TP.Hà Nội lên tiếng khẳng định đây là thông tin sai sự thật.

Tâm lý coi đây là một nghề mới để kiếm tiền theo kiểu “làm giàu không khó,” người chụp hình ảnh, người quay video trong trường hợp này chính là những “thợ săn tiền thưởng.” Bởi lẽ, chỉ cần thành công một “vụ” hoặc may mắn được nhiều hơn một “vụ” thì số tiền mà những “thợ săn” thu được chí ít cũng được vài triệu mà lại không bị đánh thuế, không bị pháp luật cấm. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện tại thì đây là cách kiếm tiền khá hấp dẫn, một cơ hội không thể bỏ qua, đặc biệt là những người chuyên sống lừa đảo.

Người làm công việc này, ngoài cái tên được đặt là ‘thợ săn tiền” thì còn có cái tên khác là “chim lợn”hoặc “kền kền.” Nghề gì không quan trọng, hễ kiếm được tiền là bu bám.

Với quy định mới này, người cung cấp thông tin vi phạm giao thông có thể bị trả thù và người vi phạm giao thông cũng rất dễ bị lạm dụng, bị xâm phạm đời tư cá nhân, bị vòi tiền hoặc nghiêm trọng hơn là bị tống tiền cùng rất nhiều hệ lụy xã hội khác, ví dụ như tác động đến tâm lý ý thức của người tham gia giao thông. Người lái xe ra đường bây giờ không chỉ quan sát lực lượng chức năng mà còn lo những người xung quanh xem lỡ mình sơ hở gì, là sẽ bị chụp hình.

Quy định mới này dễ khiến người dân tạo xung đột, đấu tố lẫn nhau, gây chia rẽ, mất đoàn kết. Nó khơi gợi lại cuộc đấu tố mà CSVN từng thực hiện ở cuộc “cải cách ruộng đất” giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1957 ở miền Bắc Việt Nam, rất ghê gớm!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: