Cụ Lê Đình Kình. (Hình: danviet/wikipedia.org)

Khi có dịp gặp nhau, ở bất cứ nơi đâu, những người Việt tị nạn Cộng Sản vẫn thường hay sa đà vào những câu chuyện có liên quan đến vấn đề thời sự hay chính trị ở quê nhà.

Bữa rồi, trong tiệc cưới, có ông mượn một thành ngữ thường nghe ở Hoa Kỳ (“The only good Indian is a dead Indian”) để lên tiếng giễu cợt: “Thằng cộng sản chỉ tốt khi nó không còn thở nữa.” Câu nói được nhiều người ngồi chung bàn người bật cười tán thưởng.

Sự thực (e) không giản dị thế đâu. Khối thằng đã chết từ lâu nhưng di hại vẫn kéo dài mãi mãi:

“Bác Hồ đang sống bỗng chuyển qua từ trần vào năm 1969 nhưng hơn một phần tư thế kỷ qua ổng vẫn gây ra hao tốn đều đều, và mỗi lúc một thêm hao. FB Vũ Huy Hoàng  cho biết “ngân sách cho BQL Lăng đã tăng từ 157,300 tỷ đồng năm 2010 lên tới 318,730 tỷ đồng cho năm 2016.” Thảo nào mà số nợ công hằng năm cũng  tăng theo vùn vụt.

Cái kiểu lìa đời của bác Trần Đại Quang cũng phiền nhiễu lắm. Ổng chiếm một “khu lăng mộ vài chục ngàn mét vuông” lận. Khoảnh đất bao la này mà mang bán cho anh Vượng Vin để xây chung cư thì số nợ công chắc cũng giảm kha khá, chứ không phải ít. Bác Phạm Văn Đồng tuy đã rời xa nhân thế khá lâu nhưng vẫn để lại một dấu ấn khó phai: Công Hàm (158). Bác Nguyễn Văn Linh và bác Đỗ Mười, tất nhiên, cũng không kém cạnh: Mật Ước Thành Đô

(Hình: tác giả cung cấp)

Gần đây, có lẽ, chỉ có một đảng viên cộng sản duy nhất khi sống (cũng như lúc thác) vẫn được coi là một người tốt, là ông Lê Đình Kình. Nhân vật này bị giết hại một cách tàn bạo, vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, và ngay hôm sau kẻ thủ ác được Đảng và Nhà Nước truy tặng huân chương chiến công hạng nhất. Tuy thế, cái chết thương tâm của ông (tựa như một giọt nước tràn ly) đã gây ra một hiệu ứng tích cực về mặt nhận thức nơi rất nhiều người:

T.S Mạc Văn Trang: Sự kiện đảng viên Đảng CSVN LÊ ĐÌNH KÌNH 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời, một lý lịch đảng viên đầy chiến tích, mà không một UV Trung ương hay UV Bộ Chính trị nào hiện nay dám so sánh với Cụ, đã bị chính các đồng chí của mình sát hại, vẫn gây chấn động nhân tâm. Nhân đây, nhìn lại TÌNH ĐỒNG CHÍ của các đảng viên Đảng cộng sản thì mới rõ.  ĐỒNG CHÍ = “ĐỒNG CHÓ”!

Nhà báo Lê Phú Khải: “Máu ở Đồng Tâm như một thứ thuốc hiện hình làm rõ những điều mà trước đây người ta không thể nghĩ tới! Nó là một bước ngoặt vô hình của lịch sử.

Nhà văn Nguyên Ngọc: “Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu.”

Lời kêu gọi “thiết tha” thượng dẫn được đáp ứng tức thì:

BBT trang Bauxite Việt Nam lên tiếng: “Nhiệt liệt hưởng ứng lời tuyên bố nóng hổi của nhà văn Nguyên Ngọc và qua trang mạng chúng tôi cũng như nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác, rất mong tiếng nói tố cáo trung thực của nhà văn sớm lan tỏa rộng rãi khắp trong nước và trên toàn thế giới.”

Thành viên của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng gửi thư đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi sự can thiệp trong vụ việc Đồng Tâm: “Mong Ngài Tổng Thư ký LHQ có tiếng nói kịp thời để ngăn chặn giải pháp tàn bạo của một nhà nước vừa được đảm nhận vai trò Uỷ viên Không Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.”

Sau bức thư lịch sử này, có thể, cụm từ “đối lập trung thành” sẽ biến mất luôn khỏi ngôn ngữ VN. Cũng từ nay –  hy vọng – sẽ không còn lời kêu cầu, bản kiến nghị, hay đơn thư (tâm huyết) nào gửi đến Bộ Chính Trị, Văn Phòng Thủ Tướng hay Quốc Hội như trước nữa. Ông Hà Sĩ Phu bình luận: “Việc thảm sát đảng viên lão thành rất yêu đảng như cụ Kình là lời tuyên ngôn khai tử hình thức đấu tranh trong nội bộ đảng, cũng chấm dứt hy vọng dùng đường lối cải lương để cải biến tình hình.”

Nguyễn Quang Lập  khái quát vấn đề một cách vô cùng dung dị: “Nguyễn Trọng Tín đánh xe tới nhà tui, nói, tui nói với ông một câu rồi tui dzề: Dzụ Đồng Tâm cho biết điều quan trọng này: Thực sự chính quyền này không phải của dân. Dzậy thôi!”

Sao “thôi ngang” như vậy được, cha nội? Chơi vậy đâu có “fair”! Nẫy giờ toàn trích dẫn ý kiến của một phe thôi – phe của những đảng viên ly khai và của đám dân đen sôi sục vì bất mãn. Còn phía Đảng và Nhà Nước nữa chớ. Để cho nó khách quan xin nghe thêm tiếng nói của hai ông (cố) TBT và TT:

Nguyễn Phú Trọng: “Không có một lực lượng nào khác ngoài ĐCSVN có đủ bản lĩnh, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn.”

Nguyễn Xuân Phúc: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.”

(Hình: tác giả cung cấp)

Sự thực ra sao? Thực trạng và thực lực của Đảng CSVN hiện nay thế nào?

Hãy nghe đôi lời từ vài nhân chứng khả tín và thế giá:

Đại Tá Nguyễn Đăng Quang:

“Tôi ‘thoái Đảng’ vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của ‘một thời đáng quên!’.

Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để ‘tạm biệt’ Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45%! Số còn lại, mang tiếng là ‘vẫn yêu Đảng’, nhưng thực tế đa số họ đã ‘chán Đảng’, họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến ‘sổ hưu’, tức kế sinh nhai hàng ngày của họ.”

Nhà văn Tạ Duy Anh, một người ngoài Đảng, viết trong tác phẩm (“Dưới Bàn Tay Vô Hình”) chưa xuất bản như sau: “… Lần ấy P. Thắng, nhân viên chính trị của tiểu đoàn, nhận lệnh đi công tác một tháng. Theo thông lệ, cậu ta bàn giao lại việc cho tôi, nhân viên quân lực. Tuy không phải đảng viên nhưng tôi thông thuộc hết mọi thủ tục để hoàn thiện bộ hồ sơ cho một đảng viên mới, chính là nhờ một tháng làm thay ấy.

Vốn là người chu đáo, trước khi đi, Thắng bỏ ra một buổi chiều dặn kỹ tôi phải làm gì. Bấy giờ tôi mới biết: Trọn vẹn một bộ hồ sơ để kết nạp ai đó vào đảng, từ đơn xin gia nhập đảng, lời của hai đảng viên giới thiệu, đến tất cả những trích biên bản cuộc họp, (họp quần chúng, họp chi đoàn, liên chi đoàn, chi bộ, chi ủy…) đều do nhân viên chính trị làm.

Tức là bịa ra hoàn toàn. Càng bịa giỏi càng được coi là có năng lực… Suốt cái tháng cuối năm ấy, tôi “chế” được cả thảy hơn chục bộ hồ sơ “đẹp như mơ”, có bút tích, chữ ký của tôi với cái tên Tạ Duy Anh chưa bao giờ được công nhận về mặt hành chính. Nhiều năm sau thỉnh thoảng tôi vẫn thấy khoái trá với ý nghĩ: “Mình chỉ làm thay có một tháng, trong phạm vi một tiểu đoàn, mà đã góp cho đội ngũ trùng trùng điệp điệp hơn chục thành viên, vẻ vang là cái chắc.”

Cái “đội ngũ trùng trùng điệp” mấy triệu đảng viên CSVN, xem ra, chỉ là những con số không hồn. Nền không chắc mà tường cao thì sự sụp đổ nằm sẵn nơi đó rồi. Ấy thế mà hôm 3 tháng 2 vừa qua, họ vừa “Kỷ Niệm Trọng Thể 90 Năm Ngày Thành Lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.” Rõ ràng là nguyên một dân tộc bị đè đầu cưỡi cổ gần một thế kỷ qua mà không nhóc nhách gì được cả.

Sao thế nhỉ?

Và liệu nghịch lý này sẽ còn kéo dài thêm bao nhiêu năm nữa?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: