Bản tin của Meta phát đi vào ngày 7 Tháng Giêng, đã gieo không ít ngờ vực cho giới quan sát, khi Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ thay đổi về các kiểm duyệt trên mạng xã hội Facebook, và khẳng định sẽ phục vụ cho các sự khác biệt quan điểm, kể cả chính trị.
Tuy nhiên không thấy là Mark Zuckerberg nói rõ là những thay đổi này, chỉ nhằm riêng vào nước Mỹ hay áp dụng toàn cầu.
Giới bình luận nói rằng, lâu nay Facebook đã rất giỏi trong việc từ chối kiểm duyệt những người phát ngôn tệ nhất hay có chủ trương thao túng trên internet, nhưng sẽ âm thầm tiếp tục kiểm duyệt những người lên tiếng tốt nhất. Đây là “tự do ngôn luận” của Mark mà đã được cho là hoạt động. Trên Facebook, đội ngũ làm việc của Mark đã kiểm duyệt một cách căng thẳng trong những năm qua ở Việt Nam, chẳng hạn như cấm nói bóng gió về tội ác chiến tranh, lịch sử tội ác của cộng sản… và xóa hàng ngàn bài viết có quan điểm riêng, chỉ vì chúng đến từ các phương tiện truyền thông không từ một nguồn được chỉ huy bởi nhà nước.
Nhưng điều gì đã khiến Mark Zuckerberg bất ngờ quay ngoắt 180 độ như vậy, sau nhiều năm tháng bị lên án vì chạy theo lợi nhuận, và tuân thủ các ràng buộc của các chế độ độc tài?
Hôm nay Facebook giương ngọn cờ tuyên chiến với Kiểm duyệt, chẳng qua được nhìn thấy để ngăn Tổng thống Trump mới đắc cử chĩa mũi dùi vào mình. Trước đó, đã có các tiết lộ là Meta đang nghiên cứu kiểm duyệt “siêu” hơn, là tạo môi trường AI trong nền tảng của mình để giảm khả năng tương tác với con người thực sự. Các nền tảng truyền thông xã hội không còn là chỗ để con người giao lưu với nhau, mà trực tiếp với AI và những phỏng đoán từ AI. Ghê sợ hơn, là nó phục vụ theo yêu cầu của các chính quyền. Ví dụ, bạn vẫn thấy facebook là một môi trường sôi động, nhưng không bao giờ thấy bài đăng từ những người mà bạn thực sự muốn theo dõi.
Mark Zuckerberg tự hào tuyên bố rằng Meta cần “quay trở lại với cội nguồn của chúng ta xung quanh quyền tự do ngôn luận”. Nhưng anh ta không nói rõ là sẽ quay lại với phương thức nào, và hủy bỏ hoạt động nào. Người Việt Nam nói chuyện thời sự chính trị trên Facebook tiếng Việt đã quen dần với việc hàng đống các nhóm, cá nhân cực đoan của Hà Nội gào thét khiêu khích, sỉ nhục một chế độ cũ, con người khác quan điểm, và nói sai sự thật lịch sử… nhưng loại đó vẫn tồn tại nghiễm nhiên. Còn bất kỳ ai khác biệt, dù chỉ là một status, một tấm ảnh… cũng bị gỡ bỏ nội dung với đủ loại lý do. Điều khiến mạng xã hội này trông tệ hại nhất là khi họ gỡ bỏ nội dung, và chỉ vẻn vẹn đưa một dòng giải thích đầy hèn nhát “theo yêu cầu của chính quyền”.
Nhưng việc kiểm duyệt nội dung, dù hàng năm được những người làm việc xác nhận, nhưng lại được ngụy biện là gỡ bỏ nó để bảo vệ người dùng.
Nói trong một video, Mark nhấn mạnh “Những người kiểm duyệt nội dung đã quá thiên lệch về chính trị và đã phá huỷ niềm tin nhiều hơn là tạo dựng”. Lời của Mark như một nhà cách mạng, nhưng nó không giải thích được từ ngày Facebook cộng tác chặt chẽ hơn với công an và các cơ quan thừa hành, số người ở Việt Nam bị bắt, truy tố và bị bỏ tù vì những bài viết của mình trên mạng xã hội này tay tăng vọt.
Trong một bước tiến tích cực, Meta nói họ đã chuyển bộ phận kiểm tra thông tin của mình từ California đến Texas, và sẽ hoạt động tích cực hơn. Có vẻ bước đầu của thay đổi chỉ là vậy.
Zuck giải thích rằng trong tương lai, các bot kiểm duyệt của Meta sẽ yêu cầu mức độ tin cậy cao hơn trước khi kiểm duyệt một bài đăng. Trước đây, các bot dò tự động chỉ cần 30% sự tin cậy từ nguồn tham khảo riêng, nghĩa là 70% bài đăng có thể đã bị kiểm duyệt do nhầm lẫn? Nhưng Mark không cho biết là trình độ hiểu biết văn hóa địa phương mỗi nơi mà Facebook có mặt được học tốt đến mức nào? Nhiều người Việt Nam vẫn bị khóa Facebook 30 ngày vì đăng ảnh những đứa trẻ Tây Nguyên mặc khố – bị coi dung tục hay xâm hại trẻ em, nhưng giới tuyên truyền cực đoan ghép ảnh chó mèo vào mặt các nguyên thủ cũ của VNCH thì được xuất hiện mọi nơi.
Nhưng đều quan trọng là Facebook có dùng những thuật toán của mình để đánh lạc hướng cuộc sống thật ở Việt Nam, và làm mất tương tác các bài đăng thảo luận chính trị hay? Mọi người sẽ tự do cãi nhau kịch liệt về các trận bóng đã hay các màn hài kịch, như một loại quyền tự do ngôn luận được thể hiện. Nhưng những gì mà người dân Việt Nam muốn thấy, muốn biết đều bị trôi vào vũ trụ Meta?