Trong xã hội hiện đại, pháp luật đóng vai trò then chốt trong việc duy trì trật tự và công bằng. Tuy nhiên, một văn bản pháp luật dù được xây dựng với mục đích tốt đẹp vẫn có thể gây ra những hệ quả tiêu cực nếu thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng về tính công bằng và phù hợp với thực tiễn xã hội.
Nghị định 168 về xử phạt hành chính giao thông tại Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy sự bất cập khi áp dụng các quy định máy móc, không tính đến điều kiện kinh tế xã hội và hạ tầng giao thông của đất nước, dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.
Bình đẳng, trong một xã hội pháp quyền, là việc cung cấp các điều kiện như nhau cho tất cả mọi người và được xem là quyền cơ bản của con người, thể hiện qua việc mọi cá nhân đều có tư cách pháp lý như nhau, không bị phân biệt đối xử và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng.
Để đạt đến sự công bằng thực sự, cần xem xét thêm yếu tố khác biệt giữa các cá nhân. Công bằng chính là việc tạo cơ hội như nhau, có tính đến những khác biệt để đảm bảo mọi người đều có khả năng tiếp cận và thụ hưởng các quyền lợi một cách hợp lý. Vì vậy, pháp luật không chỉ cần thể hiện sự bình đẳng mà còn phải hướng tới sự công bằng. Ví dụ, sự khác biệt về giới tính được thể hiện qua việc phụ nữ ở Việt Nam có tuổi nghỉ hưu sớm hơn nam giới và có quyền nghỉ thai sản sáu tháng. Tương tự, ở Phần Lan và nhiều nước Châu Âu, việc mọi trẻ em đều được giáo dục chất lượng cao miễn phí đến lớp 12 thể hiện sự công bằng khi đảm bảo tất cả trẻ em đều có cơ hội tiếp cận tri thức, bất kể sự khác biệt.
Do đó, luật pháp cần áp dụng sự bình đẳng nhưng vẫn phải xem xét các quy định để đảm bảo sự công bằng cho xã hội, từ đó bảo vệ quyền lợi của cả cộng đồng và những người yếu thế trước nguy cơ bị lạm quyền.
Nghị định 168 về xử phạt hành chính giao thông ở Việt Nam là một văn bản pháp luật đang gây ra sự bất công bằng, bởi mức phạt quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, tạo ra gánh nặng kinh tế không tương xứng cho người vi phạm, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp. Mức phạt nặng nề này có tác động không đồng đều lên các tầng lớp khác nhau trong xã hội; người có thu nhập cao dễ dàng nộp phạt mà không gặp khó khăn, trong khi người có thu nhập thấp phải đối mặt với gánh nặng tài chính rất lớn, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc thực thi pháp luật. Mặc dù việc xử phạt nặng các lỗi giao thông không phải là hiếm trên thế giới, tuy nhiên, các quốc gia khác thường có mức phạt phù hợp hơn với mức sống và thu nhập của người dân, đảm bảo tính răn đe nhưng không gây khó khăn quá mức.
Mức phạt tối đa cho xe hơi vượt đèn đỏ tại Việt Nam theo nghị định 168 là 20 triệu VNĐ. Trong khi đó mức phạt cao nhất cho hành vi tương tự ở Nhật Bản chỉ khoảng 12,000 yên (tương đương 1.95 triệu VNĐ) và ở Đức là 388.50 Euro (tương đương khoảng 10.3 triệu VNĐ). So sánh với GDP bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam khoảng $4,600 một năm, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản là $33,846 và Đức là $52,824, mức phạt 20 triệu đồng ở Việt Nam tương đương gần 218% thu nhập bình quân tháng của một người dân. Trong khi đó, ở Nhật Bản và Đức, mức phạt tương đương chỉ chiếm khoảng 2.93% và 9.6% thu nhập bình quân tháng. Sự chênh lệch này cho thấy rõ sự bất hợp lý và thiếu công bằng trong quy định xử phạt giao thông của Việt Nam.
Hệ quả từ việc áp dụng mức phạt giao thông quá cao theo Nghị định 168 đã tạo ra những tình huống trớ trêu. Một đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu không thể chạy khi gặp đèn đỏ, do toàn bộ các xe phía trước dừng đèn đò và không dám nhúc nhích, sợ bị phạt vượt đèn.
Trái ngược với điều này, ở Đức, việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương là hành động được pháp luật cho phép và không bị phạt. Luật giao thông Đức còn quy định các phương tiện phải tạo “Rettungs Gasse” (làn cứu hộ) để ưu tiên các xe cứu thương, cứu hỏa.
Ở một góc độ khác, Phần Lan áp dụng hệ thống “day-fine” (phạt theo ngày), trong đó mức phạt vi phạm giao thông được tính dựa trên thu nhập cá nhân nhằm bảo đảm tính công bằng, khi người có thu nhập cao sẽ chịu mức phạt tương xứng. Nếu xét về tính ‘hợp tình hợp lý’ đối với người Việt, hệ thống phạt theo ‘day-fine’ của Phần Lan là một giải pháp công bằng nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thống này ở Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.
Trước hết, để xác định được tổng thu nhập của tài xế, chính quyền cần thu thập và can thiệp sâu vào dữ liệu thu nhập của công dân. Điều này chỉ khả thi ở các quốc gia có tính minh bạch cao và phúc lợi xã hội tốt, nơi người dân tin rằng việc khai báo thu nhập trung thực và đóng phạt đầy đủ sẽ mang lại lợi ích cho họ. Ngược lại, ở một quốc gia mà tình trạng tham nhũng còn cao và phúc lợi xã hội chưa thực sự mang lại lợi ích rõ rệt cho người dân như Việt Nam, việc áp dụng hệ thống ‘day-fine’ có thể tạo điều kiện cho tham nhũng và sách nhiễu, đặc biệt là trong ngành cảnh sát giao thông.
Thực tế, báo cáo “Tham nhũng dưới góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2012 do Ngân Hàng Thế Giới hợp tác với Thanh Tra Chính Phủ VN thực hiện, chỉ ra rằng cảnh sát giao thông là một trong những ngành có tỷ lệ tham nhũng cao nhất ở Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định 168 còn bộc lộ sự vội vàng trong khâu ban hành (có hiệu lực chỉ sau 5 ngày ban hành) khi hạ tầng giao thông vẫn chưa hoàn thiện, khiến tình trạng kẹt xe trên đường phố Việt Nam trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng đèn giao thông đang xanh đột ngột chuyển sang đỏ không phải là hiếm, gây ra các điểm ùn tắc giao thông. Mặc dù các biện pháp xử phạt thắt chặt đã giúp giảm bớt một phần các vi phạm, nhưng đồng thời cũng làm tình hình ùn tắc giao thông trở nên tồi tệ hơn.
Cục Cảnh Sát Giao Thông cho rằng hiện tượng ‘đang xanh bỗng nhảy đỏ’ là do đèn giao thông thế hệ cũ và sắp được thay thế. Nhưng bao giờ thay? Như vậy, có thể thấy Nghị định 168 chỉ đang giải quyết phần ngọn của vấn đề, tức là hậu quả của việc quản lý giao thông yếu kém. Còn những vấn đề gốc rễ như hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ và quá tải, cùng các giải pháp về tổ chức giao thông và quy hoạch đô thị chưa được cải thiện đáng kể thì không mấy khi được đoái hoài tới.
Vì vậy, cũng không khó hiểu khi nhiều người cho rằng Nghị định 168 chỉ làm khổ dân và làm giàu cho cán bộ.