Hôm 26 Tháng Mười Hai, 2024, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết xin hoãn phiên tòa phúc thẩm với lý do để điều trị bệnh lao, ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày… Có thể đây là kế sách của tập đoàn quan chức Thanh Hóa dùng để kéo dài thời gian “chung tiền,” “hối lộ” nhằm giúp Trịnh Văn Quyết thoát án tù dài.
Trước đó, ông Quyết và hai em gái ruột của ông, là bà Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng 22 bị cáo có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ án tù, miễn hoặc giảm mức bồi thường dân sự.
Đặc biệt, hai em gái của ông Quyết còn thêm đề nghị, tòa an “không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả” (theo báo Tuổi Trẻ). Không biết đây là chủ ý của ai, ai là người chống lưng cho anh em nhà ông Quyết “cả vú lấp miệng em” lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán nhưng vẫn cả gan đưa ra yêu sách, hay phải chăng anh em ông Quyết nghĩ có tứ trụ chống lưng, nên “rõ ràng là sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì”
Chủ tọa Võ Hồng Sơn nói: “Để mở được phiên tòa phúc thẩm, riêng việc đóng dấu, gửi 1,000 công văn, giấy mời cho các thành phần được triệu tập, với nhân sự 5 người, tòa đã mất tới 7 ngày làm việc…”
Như vậy, để mở một phiên tòa đặc biệt liên quan đến các đại án, tập đoàn tham ô hối lộ thì ngân sách nhà nước hay nói cách khác là tiền thuế của dân sẽ bị ném qua cửa sổ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Trịnh Văn Quyết dựa vào 3 lý do sau để hoãn phiên tòa:
Thứ nhất, sức khỏe bản thân không tốt, đang trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính với các triệu chứng ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày… và phải điều trị tích cực.
Thứ hai, các luật sư cần thêm thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ. Vụ án này ông Quyết có 7 luật sư bào chữa.
Thứ ba, ông Quyết khẳng định sẽ khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả vụ án trong thời gian sớm nhất”.
Ông Quyết còn mạnh miệng nói sẽ sử dụng nguồn tiền hỗ trợ từ người thân và giá trị các tài sản hiện đang bị kê biên, phong tỏa trong vụ án này, là đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả.
Ông Quyết đang nhắm tới Nghị quyết 164/2024 của Quốc Hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự có hiệu lực từ đầu năm 2025.
Phải chăng Nghị quyết 164 là con át chủ bài khiến ông quyết tâm đến cùng để “chung tiền” mua án? Đây là nghị quyết thí điểm trong thời hạn 3 năm, trong đó:
Điều 4 khoản 1 và 2 nêu rõ:
- Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và được thực hiện trong 03 năm, trừ trường hợp Quốc Hội có quyết định khác.
- Nghị quyết này không áp dụng đối với vụ việc, vụ án hình sự đã có quyết định xử lý hoặc bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Qua đó cho thấy ông Quyết và tập đoàn quan chức tham nhũng Thanh Hóa bằng mọi giá kéo dài vụ án qua năm 2025, lúc đó hiển nhiên ông sẽ là người đầu tiên hợp pháp và tiên phong cho việc thực hiện thí điểm nghị quyết này.
Trước đó, vào đầu Tháng Tám 2024, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt ông Quyết 21 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán cùng hai em gái của ông là bà Trịnh Thị Minh Huế 14 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga 8 năm tù.
Tập đoàn chân rết của ông Quyết chiếm đoạt bỏ túi số tiền lên tới 3,600 tỉ VNĐ.
Riêng 3 anh em ông Quyết trong vụ án này phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu lên tới 1,700 tỷ VNĐ. Bản thân ông Quyết phải nạp lại hơn 680 tỷ VNĐ cho tòa án, đến nay ông đã “chung” được 600 tỷ VNĐ.
Nếu chung đủ với số tiền tòa án yêu cầu (chỉ còn 80 tỷ VNĐ), ông Quyết sẽ thoát. Đúng là ở Việt Nam và các nước độc tài, “có tiền mua tiên cũng được.”