Sư cô Thích Diệu Minh bị tố cáo, vì sao?
Những ngày qua, người dân xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng từ bàng hoàng đi đến phẫn nộ, trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội, chùa cổ Tây Am, một Di tích văn hóa vài trăm năm, tọa lạc trên địa bàn, đã bị sư cô Thích Diệu Minh (sinh năm 1966, thế danh Đoàn Thị Nhã), là trụ trì chùa này, đã xâm hại nghiệm trọng trong thời gian dài.
Cụ thể, sư cô Thích Diệu Minh đã tự ý đập bỏ di tích gốc chùa cổ, để xây dựng trái phép, không xin ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, nhưng lại tuyên truyền là Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cấp phép phá chùa di tích cổ, rồi kêu gọi công đức xây dựng chùa mới.
Bên cạnh đó, trụ trì chùa Tây Am tự ý san lấp 1/2 diện tích hồ Quan Âm nằm trong khu vực bảo vệ, thuộc di tích chùa Tây Am, xây dựng trái phép các huyệt mộ. Đồng thời còn tùy tiện di dời, thay đổi cổ vật di tích – các pho tượng có tên trong Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, để sai vị trí ban đầu – rồi đưa hàng loạt các pho tượng gỗ mới chưa sơn thếp, vào di tích.
Cũng theo thông tin tố cáo lan truyền, tính đến ngày 4 Tháng Một 2025, bộ khung gỗ cổ có niên đại hàng trăm năm đã biến mất, với nghi vấn đã bị sư cô Diệu Minh, mang về nhà ông Đoàn Văn Linh – anh trai ruột của sư cô – ở tại thôn Vĩnh Lạc 1, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, đặng xây dựng nhà thờ bố mẹ.
Ngoài ra, tính đến ngày 7 Tháng Một 2025, 20 cổ vật, bảo vật có niên đại hàng trăm năm, rất giá trị, có tên trong danh sách Lý lịch Hồ sơ Khoa học xếp hạng Di tích này, cũng đã bị biến mất,
Nếu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, sự việc đúng như những điều tố cáo, thì câu hỏi cần đặt ra, là vì sao sư cô Diệu Minh có thể hủy hoại một di tích văn hóa, xâm hại nơi chốn tôn nghiêm, có giá trị tâm linh, trong thời gian dài, nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết? Liệu có hay không sự tiếp tay từ một thế lực nào đó, nhằm hủy hoại những di tích cổ xưa, như chùa Tây Am?
Trên thực tế, có rất nhiều chùa xưa tự cổ, trên cả nước, nếu không bị cháy, rồi xây mới, thì cũng bị hạ giải, phá hủy nhưng nhân danh trùng tu, cho dù nhiều nơi được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Điều đáng nói là, những việc tày đình như thế, thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật, và không cần bất kì cơ quan có thẩm quyền giám định và cấp phép.
Trong khuôn khổ bài viết ngắn, chúng tôi đưa ra trường hợp cụ thể là chùa Quốc Ân (Huế) – một di tích cấp quốc gia, nhưng đã bị hạ giải, phá bỏ chánh điện, rồi xây dựng mới, vào năm 2019, để minh chứng cho vấn đề vô cùng bức thiết, đáng quan tâm này.
Chùa Quốc Ân, có niên đại hơn 300 trăm năm, thuộc hệ phái Thiền Lâm Tế Tự.
Từ năm 1983, Hòa thượng Diệu Tánh, kiên trung với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đảm nhiệm trụ trì ngôi chùa này, và nhất quyết không chấp nhận hạ giải chánh điện để xây mới, theo gợi ý từ thế quyền, cho dù họ có tập kết hàng trăm khối gỗ lim đến chùa, cùng cam kết hỗ trợ những khoản tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhằm thực hiện việc hủy hoại di tích chùa cổ này.
Tuy nhiên, vì tuổi cao sức yếu, khi Hòa thượng Diệu Tánh đổ bệnh nằm liệt giường, rồi viên tịch. Thì, ngay lập tức vào tháng Tám 2019, kẻ giám tự Đại đức Thích Minh Chơn, đã tự ý tiến hành phá hủy mọi thứ ở chánh điện, thuộc di tích chùa cổ Quốc Ân, mà không cần sự cấp phép, cũng như trình tự trùng tu một di tích văn hóa, tài sản của quốc gia, bởi từ các nhà nghiên cứu và cơ quan đủ thẩm quyền quyết định.
Dầu vậy, cho đến nay, Đại đức Thích Minh Chơn vẫn chưa bị bất kì sự tố cáo, hay chế tài từ pháp luật. Và cứ như thế, một di tích cổ xưa bị biến mất, mà không ai hay tổ chức nào bị truy cứu trách nhiệm, là vì sao?
Từ câu chuyện chùa cổ Quốc Ân, có thể liên tưởng đến những vụ việc mà sư cô Diệu Minh bị tố cáo hôm nay, khiến người ta mơ hồ nhận ra, phải chăng, đến một lúc nào đó, những kẻ thừa sai trong vỏ bọc cà sa, đã trực tiếp hủy hoại những di tích tiền nhân để lại, họ sẽ bị loại bỏ khi thế lực phía sau không còn đủ mạnh để bao che cho nhau được nữa?
Nhưng cho dù, những việc ác tày đình mà họ gây ra, có bị trừng phạt hay không, thì vĩnh viễn tiếng xấu, sự nhơ nhuốc của những “kẻ đốt đền”, không thể nào được gột rửa, mà sẽ hằn khắc cùng dòng chảy lịch sử Phật giáo, cũng như dân tộc Việt nói chung, đã phải chịu quá nhiều ách nạn này.