Hôm nay ngày 22 Tháng Giêng năm 2025, nhằm ngày 23 Tháng Chạp năm 2024 theo Âm lịch, đây là ngày các gia đình Việt Nam thực hiện nghi thức truyền thống cúng tiễn đưa ông Táo về trời.
Tùy theo vùng miền mà tục cúng tiễn này có tên gọi khác nhau. Miền Bắc gọi là “cúng ông Công, ông Táo,” còn miền Trung và miền Nam gọi là “cúng tiễn đưa ông Táo về trời.”
Đây là nghi thức truyền thống nổi bật nằm trong tuần lễ đón Tết Nguyên Đán hằng năm của người dân Việt Nam và cũng như của người dân Trung Quốc. Qua một số bạn bè người Việt gốc Hoa mà tôi có quen biết, họ chia sẻ rằng: Trung Quốc gọi ngày này là Tết Tiểu Niên. Người dân miền Bắc Trung Quốc thường chọn cúng vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, còn người dân miền Nam Trung Quốc lại chọn cúng sau một, hai ngày, vào ngày 24 & 25 tháng Chạp.
Trong khi Việt Nam, hầu hết người dân chỉ chọn cúng một ngày, là ngày 23 tháng Chạp.
Theo truyền thuyết, Táo quân của Trung Quốc có nguồn gốc từ ba vị thần gồm: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ. Còn ở Việt Nam, Táo quân là sự tích “Hai ông chồng-Một bà vợ” gồm: thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc, tương ứng với cái tên dân gian Việt Nam là Trọng Cao, Phạm Lang và Thị Nhi. Sự tích kể về một câu chuyện tình gia đình đầy cảm động, bi thảm và chung thủy.
Vào ngày này, tại các chợ truyền thống của Việt Nam, không khí mua sắm rất nhộn nhịp, với những mặt hàng quen thuộc như: áo giấy vàng mã, cá chép, hoa quả cúng hoặc mâm cỗ cúng…
Chị Sương, một tiểu thương bán đồ hàng mã ở chợ Mới (Đà Nẵng) cho biết, dù năm 2024, kinh tế khó khăn, nhưng do đây là tục lệ truyền thống nên dù có như thế nào thì người dân cũng phải mua ít đồ như: áo giấy, hoa quả, tượng gạch có hình 03 ông bà Táo…để cúng tiễn đưa ông Táo về trời. Sức mua sắm nói chung giảm nhiều, người dân không có mạnh chi tiêu. Mặc khác, sau tục cúng ông Táo thì có nhiều gia đình sẽ tổ chức cúng tất niên, dọn dẹp nhà cửa để cúng đón ông bà tổ tiên về chung vui Tết Nguyên đán cùng con cháu ở nhân gian… dịp này cúng kiếng nhiều nên người dân có tâm lý muốn gói gọn bớt thủ tục, công việc vừa khỏe người vừa lại tiết kiệm.
Một anh bạn sinh sống gần chợ Bình Tây (Quận 6. Sài Gòn) chia sẻ, thị trường các mặt hàng dành cho ngày cúng ông Táo năm nay 2025 không thay đổi nhiều so với mọi năm. Bộ đồ cúng ông Táo thường giao động từ 30,000 đồng- 50,000 đồng tùy kích cỡ và đồ kèm theo. Hoa cúc có giá khoảng 15,000/bó, trái cây như: thanh long, bưởi…. giá khoảng mấy chục ngàn đồng/kg. Do gia đình anh bạn này không có tục thả cá chép nên không rõ giá cả như thế nào. Ở các chợ Đà Nẵng, giá khoảng 30,000 đồng đến 40,000 đồng/bịch 3 con cá chép đỏ.
Ngoài ra, do địa bàn chợ Bình Tây có đông người Hoa sinh sống nên các mặt hàng bán chạy nhất vào ngày này có thêm bánh tố Nian Gao (bánh gạo nếp và mật ong), kẹo Guandong (kẹo hạt kê), mạch nha, bánh tiết lợn…
Ngoài tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền Việt Nam và mâm cỗ cúng ngày đưa tiễn ông Táo về trời cũng có điểm khác nhau:
-Miền Bắc: mẫm cỗ cúng thường có 01 con gà luộc được trang trí ớt tỉa hoặc hoa hồng, 01 tô canh mọc hoặc măng.
-Miền Trung và Nam: Mâm cỗ cúng ngoài những món như: hoa quả, kẹo bánh, cơm, cá, thịt cơ bản…thường dâng lên một con ngựa giấy hoặc bộ giấy “cò bay ngựa chạy”…
Mâm cỗ cúng tùy vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình, quan trọng nhất là lòng thành tâm của gia chủ, không cần thiết phải quá cầu kỳ.
Thời gian cúng thường từ qua 0 giờ cho đến trước 12 giờ trong ngày. Sau cúng, người miền Bắc thường có tục thả cá chép xuống sông. Trong khi tục này lại không phổ biến ở miền Trung và miền Nam.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi bay về trời để cáo tình hình làm ăn, cách cư xử của gia chủ trong năm qua với Ngọc Hoàng. Đêm giao thừa, Táo quân quay về hạ giới để tiếp tục công việc.
Nhà chức trách tại các địa phương của Việt Nam trong những năm gần đây thường lên truyền thông, khuyến cáo người dân hạn chế tục đốt vàng mã và cảnh báo tình trạng thả cá chép phải đúng chổ và đúng cách để hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân Việt Nam do thiếu thông tin, cá chép thuộc loại cá nước ngọt nhưng lại thả nơi môi trường nước lợ hoặc nước mặn nên hậu quả khi thả xong là dẫn đến hiện tượng cá chết, nổi phơi bụng trên mặt nước.
Tục cúng tiễn đưa ông Táo về trời là nét đẹp văn hóa lâu đời, không biết nó có từ khi nào. Tuy nhiên, nó mang ý nghĩa là dịp mỗi gia đình Việt Nam thể hiện lòng tri ân với những vị thần cai quản bếp núc đã đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình suốt một năm đã qua. Ngoài ra, sau ngày này, cũng là khoảng thời gian Tết Nguyên Đán đến gần, đây cũng là dịp mọi người sum họp, quay quần bên mâm cơm đoàn viên, chăm lo nơi thờ tự để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành kính với ông bà tổ tiên, chuẩn bị cho một năm mới mọi sự bình an, tốt đẹp.