Lo lắng, nghi ngờ và bồn chồn là một phần bình thường của cuộc sống. Lo lắng về một hóa đơn chưa thanh toán, một cuộc phỏng vấn xin việc sắp tới hoặc buổi hẹn hò đầu tiên.
Tuy nhiên, sự lo âu bình thường trở nên quá mức khi nó dai dẳng và không thể kiểm soát. Để tránh tình huống này xảy ra, Tiến Sĩ Martha Beck, nhà xã hội học, huấn luyện viên và tác giả bán chạy nhất của tờ New York Times được đào tạo tại Harvard, chia sẻ cách để thoát khỏi những lo toan dai dẳng, gây nguy hại cho sức khỏe.
Cuốn sách mới nhất của cô mang tựa đề “Beyond Anxiety: Curiosity, Creativity, and Finding Your Life’s Purpose.” (Vượt qua nỗi lo lắng: Tò mò, sáng tạo và tìm ra mục đích sống của bạn).
Có một quá trình mà Beck sử dụng trong nhiều năm. Cô gọi đó là “tự nói chuyện tử tế với chính mình.” Quá trình này giúp cô cảm thấy an toàn hơn về mặt cảm xúc và ngừng quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Cô cũng thường giới thiệu nó cho khách hàng của mình.
Cách thực hiện:
Dẫn dắt bản thân bằng lòng tốt và sự trắc ẩn
Hãy tưởng tượng sự lo lắng của bạn như một con thú cưng nhỏ bé hay một “sinh vật lo lắng,” theo như cô ấy. Dù là nói thầm hay nói ra bằng giọng nhẹ nhàng, bình tĩnh, cho sinh vật này biết bạn có thể nhìn thấy nó. Dù con thú này không hiểu được những từ ngữ, nhưng nó sẽ cảm nhận được ý định của bạn.
Bằng cách tập trung vào lòng tốt, bạn sẽ đánh thức một phần não bộ sống trong lòng trắc ẩn và không bao giờ bị mắc kẹt trong sự lo lắng. Để có được hiệu ứng, bạn phải nói chuyện như thể với một sinh vật khác. Vì vậy, đừng gọi sinh vật sợ hãi của bạn là “tôi,” không phải về nó, mà với nó và thổ lộ những điều như: “Bạn không sao cả,” “Tôi biết bạn mà, và tôi đang ở đây cùng bạn,” “Mọi thứ đều ổn thôi,” “Tôi thấy bạn đang rất sợ hãi, nhưng chuyện gì rồi cũng qua mà.”
Những câu này tuy nghe có vẻ vô nghĩa đối với bạn, nhưng khi lặp lại, chú ý đến những cụm từ giúp “sinh vật lo lắng” bình tĩnh lại, ngay cả khi chỉ một chút. Lặp lại những cụm từ có hiệu quả nhất.
Hy vọng cho tương lai
Khi bạn cảm thấy giảm bớt lo lắng, chuyển sang thầm cầu chúc những điều tốt đẹp cho bản thân, như những điều sau đây từ thiền từ bi của Tây Tạng: “Mong bạn cảm thấy yên ổn,” “Chúc bạn luôn bình an,” “Hy vọng bạn tránh được mọi nguy hiểm,” “Chúc bạn được hạnh phúc,” “Mong bạn được tự do.”
Bạn có thể sử dụng bất kỳ câu nói nào đầy lòng trắc ẩn bắt đầu từ “Mong/Chúc/Hy vọng bạn…” do tự mình nghĩ ra. Bạn càng tiếp tục cầu nguyện những điều này cho sinh vật lo lắng của mình, thì khả năng bạn lấy lại được sự cân bằng nội tâm càng cao.
Hình dung
Trước khi quay lại cuộc sống bình thường, tưởng tượng bạn đang đưa sinh vật lo lắng của mình vào một chiếc lồng có nệm thoải mái, sau đó cho lồng vào trong một chiếc túi tưởng tượng đủ lớn nhưng cũng vừa để đeo qua vai. Hứa với sinh vật này bạn sẽ để ý khi nó lo lắng và luôn ở bên cạnh khi nó cần đến bạn. Hứa là phải luôn nhớ giữ lời.