Tôi vẫn thường tự hỏi: ngày thường người ta có biết bao nhiêu là món ngon để thưởng thức vậy mà không hiểu sao cứ Tết đến là họ cứ quanh đi quẩn lại với mấy món “cũ rích” như thịt kho tàu, củ kiệu, thịt đông, dưa món, bánh tét, bánh chưng… Tự hỏi rồi tự trả lời: nếu không giới hạn lại vài món tiêu biểu thôi thì làm sao phân biệt được đâu là Tết, đâu là ngày thường khi cả năm 365 ngày đều ăn những món giống nhau?
Nhắc Tết mới nhớ, những ngày này ở Việt Nam bao giờ cũng là khoảng thời gian đẹp nhất, ưa thích nhất trong năm của tôi khi những cơn gió se se lạnh mơn man cây lá, thứ gió xuân dịu dàng đê mê chứ không khiến ta gai gai người như những cơn gió mùa đông lạnh giá. Còn nắng thì vàng dịu như mật rải nhẹ khắp phố phường. Bao giờ cũng vậy, y như rằng, cứ vào khoảng này, má Năm từ quê sẽ gọi lên hỏi Tết này chị em tôi có về quê gói bánh tét với má không.
Còn tôi, dù bận rộn tối tăm mày mặt với những cái deadline sát Tết dí hơn giặc, tôi cũng không bao giờ do dự mà trả lời ngay với má Năm rằng tôi sẽ về, cùng với lũ trẻ nhà mình vì tôi không muốn bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp đẽ bên người thân, gia đình của mình vào những ngày cận Tết.
Mùa này, cảm giác mọi thứ ngoài phố xá như tất bật hơn, ngày như trôi về phía tối nhanh hơn khi ai nấy dường như muốn níu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của đất trời. Người ta sợ lỡ mất những điều đẹp đẽ nhất chỉ đến vào một mùa trong năm chăng?
Và dù bận rộn đến thế nào, cả nhà tôi cũng sẽ có mặt tại nhà má Năm trễ nhất là chiều 28 Tết. Bao giờ cũng vậy, theo “yêu cầu” của đứa cháu cưng là tôi, má Năm vẫn sẽ chờ nhà tôi về mới bắt đầu gói bánh. Các nguyên vật liệu để nấu bánh tét như lá chuối xanh, nếp, thịt ba rọi, đậu xanh, dây nylon… sẽ được má Năm mua sẵn trước (vì sợ sát Tết sẽ khó mua).
Như mọi năm, chúng tôi lại bày mọi thứ ra, ai làm việc nấy. Chỉ có má Năm với bà ngoại là đủ khéo léo để gói bánh nên hai chị em tôi luôn “giành” mấy việc phụ như lau, rửa và luộc lá chuối, vo nếp, ngâm đậu, xắt thịt heo thành lát mỏng… những việc “sở trường” của hai đứa đoảng nhất nhà. Riêng bọn trẻ con trong nhà (toàn con trai) được “đặc cách” ngồi chơi xem người lớn làm bánh hoặc loanh quanh trong sân vườn. Đây có lẽ là khoảng thời gian vui nhất khi cả nhà cùng quây quần bên nhau, vừa làm vừa trò chuyện, hết chuyện này đến chuyện kia cứ nối nhau không dứt như thể đã lâu lắm mới được gặp lại.
Thường khi gói bánh xong là cũng đã quá chiều. Công đoạn cuối cùng không kém thú vị nhưng cũng dễ… buồn ngủ là nấu bánh trên bếp củi. Sau bữa ăn tối là khâu luộc bánh. Ba và cậu Ba sẽ khiêng nồi bánh nặng trịch đã được má Năm xếp gọn gàng bắc lên chiếc bếp dã chiến là mấy viên gạch đỏ xếp lại. Củi là mấy thân, cành cây khô trong vườn. Cậu Ba chọn một khoảnh đất trống bên cạnh mấy gốc dừa, nơi có cái võng treo tòn teng. Hẳn là cậu đã nhìn xa trông rộng mới chọn cái góc lý tưởng này phòng khi ai đó ngồi canh nồi bánh có lỡ… ngủ gục thì cũng có cái võng để ngã lưng ngon lành. Tầm này ai cũng buồn ngủ díp mắt rồi nhưng tôi lại không muốn đi ngủ sớm. Tôi sợ mấy ngày cận Tết ngắn ngủi ở quê ngoại sẽ trôi qua nhanh nên xí phần canh lửa dù má Năm thúc tụi tôi đi ngủ. Có lẽ má lo mấy đứa “dân thành phố” chỉ quen với bếp hồng ngoại, bếp từ sẽ lóng ngóng với bếp củi nhà quê.
Không rõ thế hệ bà ngoại, má Năm nấu bánh tét canh lửa kiểu gì để không bị ngủ quên. Còn tôi, cứ đinh ninh đã cài chuông báo thức trên điện thoại nên tha hồ nằm võng lướt mạng rồi nghe nhạc dưới tán dừa, nghe gió hiu hiu thổi đến lúc ngủ quên lúc nào không hay. Vậy mà lúc bánh chín, má Năm lại là người đánh thức tôi dậy và kêu tôi vào nhà ngủ. Vừa quê độ vì bị má Năm bắt gặp ngủ quên, vừa tiếc hùi hụi một ngày giáp Tết lại qua đi khiến mấy ngày Tết của tôi ngắn lại một chút.
Ngoại tôi đã về miền mây trắng được vài năm. Má Năm giờ đã yếu hơn, mắt lại kém. Nhà tôi cũng đã xa quê hương nên việc gói bánh tét mỗi dịp Tết về không còn nữa. Năm đầu tiên sang Mỹ, nhìn cái sân vườn rộng trồng cỏ xanh mát mắt, tôi đã hào hứng hỏi mẹ năm nay có gói bánh tét ngày Tết như hồi còn ở Việt Nam không. Vậy mà mẹ dập tắt sự hào hứng của tôi một cách không thương tiếc rằng: ở đây mà nấu nướng bốc khói ngoài trời là hàng xóm sẽ gọi 911 báo cháy, rồi là cả đội quân cứu hoả rầm rộ kéo đến rất phiền. Mà nấu bánh tét chẳng lẽ dùng nồi nhỏ luộc vài cái một lượt, nấu bằng bếp gas hay bếp điện trong nhà thì còn gì vui?
Cái Tết đầu tiên ở Mỹ ấy, tôi đặt chị bạn quen chuyên nấu ăn, làm bánh tại nhà để bán cho cộng đồng người Việt ở thành phố tôi ở mười lăm đòn bánh tét loại đặc biệt, vừa to vừa chất lượng hơn mấy loại chị hay làm để bán (và dĩ nhiên giá bán cũng “to” hơn hẳn). Chị bạn vốn dân miền tây nên làm bánh tét rất ngon và hợp khẩu vị với cả nhà tôi. Vậy mà lúc ăn tôi vẫn thấy thiêu thiếu thứ gì, cảm giác buồn buồn sao đó. Mẹ tôi bảo: “Chắc lại nhớ nhà chứ gì?” Mẹ tôi quả thật tinh ý. Không chỉ nhớ nhà, nhớ ngoại, nhớ má Năm – người mẹ thứ hai của mình, tôi còn nhớ không khí chộn rộn, náo nhiệt của những ngày cuối năm nơi quê nhà, khi mọi người nô nức chuẩn bị đón Tết. Cuộc sống hối hả nơi xứ người cứ đẩy xô tôi về phía trước, chẳng biết khi nào tôi mới lại được sống trong không khí của những ngày giáp Tết nơi quê nhà. Biết lúc ấy, má Năm có còn đợi tôi không… Chỉ nghĩ đến đó thôi đã nghe sống mũi mình cay cay.
Từ ngày sang Mỹ, Tết Việt chỉ còn là những ngày Tết của riêng gia đình tôi và những bạn bè, người thân gốc Việt ở bên này vì ít khi Tết Việt trùng với “New Year” của dân Mỹ. Chúng tôi tự mua sắm, bày biện, nấu nướng những món đơn giản nếu Tết may mắn rơi vào những ngày cuối tuần. Còn nếu là ngày thường, sau giờ làm việc (thường là đã trễ) ai nấy tranh thủ tạt qua chợ mua những món làm sẵn bày bán đầy ắp về để có cái cúng tổ tiên, ông bà và để cả nhà quây quần bên nhau vừa ăn vừa nhớ nhung những cái Tết nơi quê nhà. Nhiều người vẫn hay ray rứt về cái xứ gì mà “thời gian qua vun vút, không như Sài Gòn” (*) nhưng tôi vẫn thầm biết ơn sự tiện nghi của cuộc sống nơi này, nhất là ở cái khoản “thứ gì cũng có” mà đặc biệt là các món ăn Việt ngày thường lẫn ngày Tết. Nên chăng, nói Tết trên đất Mỹ không còn là Tết Việt của ngày xưa phải chăng ngụ ý cái không khí Tết xưa đã dần phai nhạt chứ những món ngon ngày Tết Việt vẫn vẹn nguyên, không thiếu món gì. Thậm chí người ta còn chế biến ra nhiều món mới lạ, phong phú và lạ miệng để phục vụ mấy ngày Tết nhưng thú thật, tôi vẫn không sao quên được món bánh tét quê ngoại năm nào. Cái ngon của mấy đòn bánh tét theo tôi về phố sau mấy ngày Tết không chỉ là sự vừa miệng theo kiểu “nhà làm” mà còn bởi cái hương vị tình thân đậm đà được gói ghém trong đó, thứ mà có tiền mua ở đâu cũng không có được.
Trong những mảng màu vui buồn của Tết, bên cạnh những “bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ” kỷ niệm về những món ăn ngày Tết nơi quê nhà vẫn là miền hoài niệm khó quên nhất trong ký ức của mỗi người. Vì vậy, sống giữa thời đại shopping online với vô số chợ lớn nhỏ, Tây, Tàu, Việt, đủ cả, tủ lạnh nhà ai nấy luôn ăm ắp đủ đầy không thiếu thức gì, người ta vẫn day dứt tiếc nhớ những món Tết truyền thống “nhà làm” mộc mạc, đơn sơ mà ngon miệng và thấm đẫm tình thân.
Trải qua nhiều mùa Xuân trong đời, người ta có khuynh hướng ăn Tết với niềm vui nhẹ nhàng, giản tiện hơn. Người lớn chuẩn bị Tết không chỉ để giải quyết nhu cầu mua sắm bày biện mà còn xem đó là dịp để truyền cho con cháu, các thế hệ đời sau những truyền thống, tập tục ngày trước của ông bà, để chúng hiểu hơn về gốc gác, nguồn cội. Nhờ vậy, họ cũng được sống lại với những hoài niệm của chính mình về những mùa Tết xưa.
(*) Trích lời bài hát Khóc một dòng sông của tác giả Đức Huy