Nữ họa sĩ người Mỹ gốc Việt Ann Phong không còn xa lạ gì, với hàng loạt tác phẩm là những “câu chuyện” kể về thân phụ nữ Việt và các vấn đề môi trường. Nhưng có lẽ ít ai biết để có thể “chạm” vào cảm xúc thăng hoa bước đến thành công như hôm nay, chị đã từng đối diện với tử thần, chứng kiến nhiều cảnh bi thương, không ít lần gắng bước qua những nỗi ám ảnh chẳng thể nào phai.
Năm 1975, ở cái “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu,” chị ôm mộng trở thành họa sĩ. Sau khi tốt nghiệp trung học, chị thi vô trường mỹ thuật, nhưng không đậu. Bốn năm sau chị đi thi lại, cũng… rớt cái bạch. Chị kể: “Thấy không có tương lai làm họa sĩ, tôi chuyển hướng thi sư phạm, và đậu. Thế là trở thành cô giáo.”
Ám ảnh
Trong số học sinh của chị, có một em nhà có tàu đánh cá ở Bạc Liêu. Thương cô giáo, em xin ba má cho cô đi cùng trong một chuyến vượt biển. Chưa ra tới biển, trên đường đi Bạc Liêu, mỗi người một hướng, hai cô trò lạc nhau. Lòng cô giáo quặn đau khi nghe tin học trò của mình bị bắt.
Chiếc tàu đưa chị ra biển nhỏ, nhưng chứa 59 người. Đi được ba ngày tàu ra tới hải phận quốc tế, và gặp một tàu đánh cá của Thái Lan. Chị kể: “Khi tàu đến gần, họ chỉ lên trời, cho biết bão đang đến, rồi bảo chúng tôi lên tàu họ. May mắn, đây là tàu đánh cá thật. Tối đó bão lớn ập tới dữ dội. Sáng hôm sau chúng tôi trở lại chiếc thuyền nhỏ. Thuyền Thái Lan chỉ đường cho chúng tôi đi theo hướng tới Mã Lai. Hai ngày sau thuyền chúng tôi được Hội Lưỡi Liềm Đỏ của Mã Lai đưa về Pulau Bidong.”
Khi bước lên trại, chị nhận ra một em học sinh cũ của mình. Em cũng nhận ra cô giáo, chạy tới ôm cô, nước mắt lưng tròng, kể: “Cô ơi, hai chị em em cũng vượt biên. Thuyền em gặp nạn. Tụi em bị hãm. Chị em lớn hơn em mấy tuổi, bị hãm nhiều lắm. Chị bị nặng quá, nên Hội Lưỡi Liềm Đỏ đưa chị vô bệnh viện ở Kuala Lumpur rồi. Em của em mới có 9 tuổi, cũng bị luôn cô ơi.”
Hai cô trò đứng ôm nhau, chỉ biết khóc. Em học trò mới chỉ 13 tuổi, và có lẽ là vị thành niên nên em có nhà hảo tâm bảo lãnh. Chị kể, ở trong trại ai, những người bị hãm hiếp, được gọi là người “bị mở hồ sơ.” Sau này chị mới biết, số người “bị mở hồ sơ” rất nhiều, và chị được nghe những thuyền nhân khác kể lại câu chuyện của họ trên tàu: đàn ông bị đánh đập, bị cướp tiền, phụ nữ bị hãm hiếp đến chết, thân xác lõa lồ bị vứt xuống biển sâu,… Còn chị thì bị những nỗi ám ảnh dày vò…
Bị ghẻ lở, ban ngày chị ra biển nhúng chân để nước biển lấy đi hết những con ghẻ. Ban đêm chị đi lòng vòng, và nghe thấy nhiều tiếng khóc than, người mất vợ, mất chồng, mất con, mất cha, mất mẹ. “Mỗi lần ra biển ban đêm, bên cạnh tiếng sóng, tôi lại nghe tiếng người khóc. Đó là động lực cho tôi sáng tác,” chị nói. “Tôi nghĩ mình may mắn, nên sống tới ngày nay. Điều duy nhất tôi trả ơn là nói lên tiếng nói của những thuyền nhân, qua các tác phẩm của mình. Những tác phẩm này, tôi dùng màu xanh dương đậm và màu đen nhiều. Đó là nỗi lòng của những người không nói được thành lời.”
Điều làm nhẹ đi nỗi ám ảnh của chị, đó là ba năm sau khi đặt chân lên đất Mỹ, chị nhận được tin cô học trò cho chị đi vượt biên… ké, cũng đã ở Mỹ, đi diện gia đình bảo lãnh, chứ không phải vượt biên, và không bị bắt như tin đồn.
Đổ màu để tự chữa lành
Chị được một nhà thờ ở Connecticut bảo lãnh, nhưng sau quyết đi6nh bay sang nam California, nơi có sẵn “điểm tựa” là người bạn trai, mà sau trở thành “đấng phu quân” của chị, đến bây giờ. Gia đình người bạn trai của chị có đông anh chị em, 10 người sống trong một ngôi nhà, nhưng ai cũng lo đi học, đi làm. Chị cũng vậy, mỗi ngày chỉ ngủ được vài tiếng, nhưng chị vui vì được hưởng khí hậu tuyệt vời của Nam California.
Chị kể, trong suốt quãng thời gian dài để có được thành công, chị gặp nhiều khó khăn. Khó khăn vì không giỏi tiếng Mỹ, vì là đàn bà, vì là người da vàng,… nhưng những điều ấy không hề làm chị chùn bước. Chị không dám chọn ngành nghệ thuật vì còn phải tìm kế sinh nhai, vì phải kiếm tiền nuôi cha mẹ ở Việt Nam. Chị phụ làm việc cho một nha sĩ. Thấy cô nhân viên chăm chỉ, khéo léo, ông nha sĩ khuyên chị đi học ngành nha, kiếm được nhiều tiền, nhưng chị không thích, trả lời: “Mắt tôi thấy màu nhiều hơn chữ.”
Chị bị như vậy thật, nhưng sau này mới biết mình bị hội chứng thấy chữ nhảy.
Năm 1987, chị bị xe khác đụng, phải đi cấp cứu. Nằm bệnh viện, nghĩ sự sống mong manh quá, chị dứt khoát chọn ngành nghề mà mình yêu thích, chứ không phải nghề kiếm nhiều tiền. Đường đi không dễ, chị vẫn không nản chí.
Niềm say mê nghệ thuật cùng với những nỗi ám ảnh đeo bám, giúp chị lấy được bằng đại học mỹ thuật ở đại học Cal Poly Pomona, và sau đó là bằng thạc sĩ mỹ thuật ở Cal State Fullerton.
“Tôi ‘giải cứu’ mình bằng cách đổ màu ra. Đó là cách tôi tự chữa lành tôi. Tới hôm nay, tôi vẫn cảm thấy cái ướt của nước biển, nặng lắm!” Họa Sĩ Ann Phong tâm sự. “Mỗi lần như vậy, tôi lại phải tìm cách vượt qua bằng cách sáng tác, và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Chính vì thế, tôi thấy mình giống đại dương, vẽ có nét mềm, nét cứng, đậm, lợt, có nét đổ, chảy và có nhiều đường cong của sóng biển, như thân hình của một người đàn bà, làm cho tôi thấy cái gì đó trở thành của riêng mình.”
Thăng hoa…
Nữ Họa Sĩ Ann Phong hiện giảng dạy hội họa tại trường đại học Cal Poly Pomona. Các cuộc triển lãm của chị được những nhà phê bình hội họa Mỹ chú ý, và để lại nhiều nhận xét, như Richard Chang của VoicofOC, Angelina Dequina của Daily Titan, và Zan Dubin của Los Angeles Times.
Có dịp tiếp xúc với sinh viên của mình, hoặc các thiện nguyện viên ở hội văn học Việt-Mỹ, hay trong các triển lãm, chị nhận thấy lớp trẻ bắt đầu đi tìm cội nguồn. Chị kể: “Các em hỏi tôi nhiều về cội nguồn. Tôi hay nói, khi cộng đồng khác đánh giá cộng đồng mình, họ không chỉ nhìn tô phở, mà đánh giá những thứ tiền bạc không mua được, như phim ảnh, văn học nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tạo hình, vì tranh ảnh không có chữ, không có tiếng, người ta coi tranh thì có thể cảm được. Chính nghệ thuật làm cho cộng đồng thêm phong phú.”
Gần đây chị được thăng hoa, qua các cuộc triển lãm cá nhân trong những ngôi trường đại học nổi tiếng gần cộng đồng Việt ở Orange County. Khi Cal State Fullerton lần đầu tiên mời chị – nữ họa sĩ gốc Việt, tham gia triển lãm tranh, chị cảm thấy vui mừng, hãnh diện vì được là cầu nối cho thế hệ trẻ gốc Việt với giới nghệ thuật hội họa ở Mỹ.
“Hôm nay tôi được mời, ngày mai các em trẻ người Mỹ gốc Việt như tôi cũng sẽ được mời,” chị nói. “Tiền bạc không làm tôi sung sướng bằng, và điều ấy chứng minh tôi đi đúng đường, tác phẩm của tôi có thể để lại cho mai sau, khi không có tôi, người xem tranh vẫn có thể thưởng ngoạn được. Đó là cái đẹp.”
Trong thời gian được “sống với hội họa,” chị có hơn 200 lần triển lãm solo và nhóm, từ gallery đến viện bảo tàng tại Orange County, Los Angeles, và các quốc gia khác như Bangkok-Thái Lan, Seoul-Đại Hàn, Thành Đô-Trung Quốc, Stuttgart-Đức, Vancouver-Canada, và Tokyo-Nhật Bản.
“Tài sản” lớn nhất của chị hiện nay là hơn 500 tác phẩm hội họa, nhỏ có lớn có. Khi sáng tác các bức tranh lớn, chị phải tập trung nhiều, sẽ làm chị mệt, khi đó chị chuyển qua vẽ tranh nhỏ để… chơi với tranh, để thoải mái hơn.
“Trong quá trình sáng tác, tôi để cảm xúc của mình chuyển động với những gì xảy ra xung quanh tôi. Tôi thích đi lang thang, thích nghe tiếng người, thích lẩn mình trong đám đông nhìn mọi người lao xao xoay xở trong cuộc sống. Mỗi tác phẩm của tôi, mỗi quãng thời gian tôi sống, tôi ghi lại như một dấu khắc trên mạn thuyền đời. Những dấu khắc về con người sống xa xứ, con người sống tại quê nhà, hay con người sống ở thế kỷ 21.
Trong nhiều tác phẩm của tôi, đâu đó hiện ra những chiếc thuyền nhỏ, trôi mênh mông trên mặt nước lớn. Đối với tôi, thuyền mang nhiều ý nghĩa. Thuyền cũng là một cách biểu tượng cho phái nữ. Khi chưa lập gia đình, ‘cô ấy’ là chiếc thuyền chưa cập bến. Nhưng dù thuyền nào không cập bến, cũng biểu hiện được sự tự do của phái nữ.”
Những năm sau này, chị chuyển chủ đề sáng tác theo hướng về cách con người sống trên trái đất này, cả dưới nước và trên mặt đất về môi trường. Rác thải vô tội vạ, môi trường sống độc hại làm chị ray rứt, rồi khi ngồi trước giá vẽ, những hình ảnh cảm xúc đó trở lại một cách tự nhiên. Khi sáng tác, màu sắc, bố cục từng tác phẩm di chuyển theo tâm thái của chị. và khi bắt được nhịp đập của trái tim, cũng là lúc tác phẩm hoàn tất.
Tháng Bảy năm 2024, nữ họa sĩ nhận được một tin vui: bài dự thi của chị nộp cho Lakers In The Paint được chọn vào chung kết, cùng với chín họa sĩ khác. Đây là năm thứ 4 Lakers có nhã ý tặng tiền thưởng cho họa sĩ và tổ chức một cuộc triển lãm lớn vào Tháng Hai năm 2025 tại phòng tranh The Band of Vices ở LA Downtown.
“Một họa sĩ di dân Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trước, đứng chụp hình chung với chín họa sĩ trẻ, sinh ra và trưởng thành tại Hoa Kỳ. Tôi rất vinh dự được lãnh phần thưởng này,” chị nói.
Thời gian trôi qua, cũng là cục gôm tẩy đi những nỗi đau, phiền muộn, những nỗi ám ảnh mà với Họa Sĩ Ann Phong tưởng chừng như không thể nào phôi phai, nhưng nó đã, và sẽ mờ dần, để rồi chị lại được thăng hoa cho những tác phẩm mới của mình. Hy vọng sẽ là như thế!