Quyết định trì hoãn đánh thuế diễn ra sau cuộc trò chuyện giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ Tướng Canada Justin Trudeau Trump, nhưng trước đó, vì sao ông Trump nhắm thuế quan vào Canada?
“Fentanyl đến qua Canada là rất lớn,” đó là lời khẳng định mạnh mẽ của ông Donald Trump trong những ngày đầu nhậm chức. Trước đó, ông Trump nhiều lần bày tỏ sự giận dữ với người hàng xóm phương Bắc, viện dẫn lý do là vấn nạn ma túy fentanyl và tình trạng nhập cư bất hợp pháp để đi đến việc áp thuế 25% lên hàng hóa Canada.
Sự thật về tệ nạn ma túy từ Canada vào Mỹ
Số liệu thống kê từ Tuần Tra Biên Giới Mỹ (CBP) cho thấy, trong năm tài chính 2024, số vụ bắt giữ ở biên giới phía bắc, giáp với Canada, tuy có tăng nhưng vẫn thấp (khoảng 23,700 vụ) so với tình hình ở biên giới phía Tây Nam với Mexico (trên 1.5 triệu vụ). Sự chênh lệch một trời một vực này đặt ra câu hỏi lớn về tính xác thực trong những tuyên bố của ông Trump.
Trong vấn đề fentanyl, Cơ Quan Quản Lý Thực Thi Ma Túy Hoa Kỳ (DEA), một cơ quan nổi tiếng trong cuộc chiến chống ma túy của Mỹ, thường xuyên hạ thấp vai trò của Canada. Trong báo cáo Đánh Giá Nguy Cơ Ma Túy Quốc Gia năm 2024, DEA khẳng định fentanyl do các băng đảng Mexico sản xuất mới là “động lực chính” gây ra đại dịch ngộ độc ma túy ở Mỹ. Đáng chú ý, báo cáo dài 57 trang này hoàn toàn không hề nhắc đến Canada, trong khi Mexico và Trung Quốc được nhắc đến hơn ba chục lần.
Một phân tích khác của DEA vào năm 2020 về dòng chảy fentanyl vào Mỹ cũng chỉ ra rằng Mexico, Trung Quốc và Ấn Độ mới là những quốc gia đáng lo ngại, còn fentanyl từ Canada chủ yếu phục vụ người dùng trong nước và buôn lậu sang Mỹ chỉ một phần nhỏ.
Như vậy, dù các vấn đề ma túy và nhập cư ở biên giới phía bắc là có thật, nhưng quy mô và mức độ nghiêm trọng hoàn toàn không tương xứng với những lời lẽ gay gắt mà ông Trump sử dụng. Nếu những lý do “bề mặt” này không đủ sức thuyết phục, thì động cơ thực sự đằng sau việc ông Trump nhắm thuế quan vào Canada là gì?
Thuế quan: Vũ khí đàm phán hay lợi dụng quyền lực cho ác cảm cá nhân?
“Canada là một kẻ lạm dụng tồi tệ,” ông Trump từng tuyên bố mạnh mẽ về quốc gia nhập khẩu hàng hóa Mỹ lớn nhất thế giới ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Lời lẽ gay gắt trong những phát ngôn này cho thấy Canada dường như đã trở thành một “trọng tâm chính” trong chính sách thương mại của ông Trump, thậm chí vượt qua những đối thủ truyền thống như Mexico và Trung Quốc.
Henrietta Treyz, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế của Veda Partners, đưa ra gợi ý đáng chú ý trong một tập gần đây của chương trình Capitol Gains của Yahoo Finance. Bà cho rằng, động thái này có thể liên quan đến “việc gia hạn Hiệp Định Thương Mại Tự Do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA)” sẽ đến hạn vào năm 2026. USMCA, được ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, thay thế NAFTA, sẽ được xem xét lại trong vòng 18 tháng tới. Theo bà Treyz, các cuộc đàm phán sắp tới có thể tập trung vào các mặt hàng quan trọng trong quan hệ thương mại Mỹ – Canada, đặc biệt là gỗ và sữa. Thực tế, một trong những hành động thương mại đầu tiên của ông Trump là ban hành sắc lệnh yêu cầu chính phủ “bắt đầu quá trình tham vấn công khai” về USMCA, cho thấy khả năng Mỹ muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán lại hiệp định này.
Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận thẳng thừng rằng USMCA là lý do cho các đe dọa thuế quan. Vậy, liệu còn động cơ nào khác? Một số ý kiến cho rằng, ác cảm cá nhân của ông Trump đối với thủ tướng Canada sắp mãn nhiệm Justin Trudeau cũng có thể là một yếu tố. Trên Yahoo Finance, Signum Global nhận định rằng, sự khó chịu của Trump với Canada hiện nay đã vượt qua cả sự ác cảm lâu nay của ông dành cho Mexico, và “một phần sự khó chịu đó xuất phát từ sự ghê tởm đối với đảng Tự Do của Canada và các đại diện của đảng này.” Có ý kiến còn cho rằng, ông Trump có thể muốn sử dụng “con bài” thuế quan để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sớm, diễn ra vào mùa xuân tới tại Canada.
Hậu quả từ cuộc chiến thương mại của ông Trump với đồng minh
Dù động cơ thực sự là gì, hậu quả kinh tế của một cuộc đối đầu thương mại Mỹ – Canada có thể là rất lớn. Canada hiện là nước nhập khẩu hàng hóa Mỹ lớn nhất thế giới, với kim ngạch thương mại song phương khổng lồ $774 tỷ trong năm 2023. Trong đó, Mỹ nhập khẩu từ Canada nhiều hơn xuất khẩu khoảng $70 tỷ. Nếu ông Trump thực sự áp thuế 25% lên hàng hóa Canada, nền kinh tế Canada sẽ chịu tổn thất nặng nề. Một phân tích của Oxford Economics dự báo, GDP của Canada có thể giảm tới 3%, đủ để đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Các ngành công nghiệp trọng yếu như xe hơi, năng lượng và sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Không chỉ kinh tế Canada, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả. Thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân Mỹ.
Hiệp Hội Các Nhà Xây Dựng Nhà Ở Quốc Gia Mỹ (NAHB) từng nhấn mạnh sự trớ trêu khi Trump cam kết giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở, nhưng lại áp thuế lên vật liệu nhập khẩu từ Mexico và Canada, khiến chi phí xây dựng và giá nhà bị đẩy lên cao hơn.
Canada, với vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, chắc chắn sẽ không ngồi yên chịu trận. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Canada khẳng định, nước này sẽ không ngần ngại đáp trả để bảo vệ lợi ích quốc gia. Và thực tế, chính phủ Canada đã trả đũa khi áp thuế 25% ngược lại Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm Mỹ như nước cam, bồn cầu, một số sản phẩm thép và ngành xe hơi.
Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Canada không chỉ gây tổn hại cho hai nước mà còn có thể tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho thương mại toàn cầu. Thương mại quốc tế hiện đại được xây dựng trên chuỗi giá trị toàn cầu, nơi các công đoạn sản xuất được phân bổ khắp các quốc gia để tối ưu hóa chi phí và hiệu quả. Việc áp thuế cao bất thường ở một khâu nào đó có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng này, buộc các công ty đa quốc gia phải tìm kiếm nguồn cung mới, gây tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.
Phó chủ tịch cấp cao của Hiệp Hội May Mặc Và Giày Dép Hoa Kỳ, Nate Herman, bày tỏ lo ngại: “Đây không phải là thời điểm để áp thêm chi phí lên chuỗi cung ứng Mỹ. Ngành công nghiệp của chúng tôi cần được giảm thuế và có một chính sách thương mại thông minh, cùng với các mối quan hệ thương mại bền vững.” Ngay cả Công Đoàn Thép Mỹ (USW), vốn thường ủng hộ các biện pháp bảo hộ, cũng phải lên tiếng: “USW từ lâu đã kêu gọi cải cách hệ thống thương mại đang bị phá vỡ, nhưng tấn công các đồng minh quan trọng như Canada không phải là hướng đi đúng.”
Hơn nữa, chính sách thương mại đơn phương và khó đoán định từ một cường quốc như Mỹ sẽ làm xói mòn các thông lệ và quan hệ thương mại quốc tế, được xây dựng trong nhiều thập niên. Khi các quốc gia trả đũa lẫn nhau, căng thẳng địa chính trị cũng có nguy cơ gia tăng, tạo ra một môi trường kinh tế và chính trị toàn cầu bất ổn hơn.
Thái độ xem thường đối tác thương mại của ông Trump cũng được thể hiện rõ qua phát biểu hôm 7 Tháng Giêng: “Chúng ta không cần xe hơi của họ… Tôi thà sản xuất chúng ở Detroit.” Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Phụ Tùng Xe Hơi Canada, Flavio Volpe, đã chỉ ra sự thiếu thực tế của tuyên bố này, nhấn mạnh rằng việc thay thế sản lượng xe hơi từ Canada một cách nhanh chóng là bất khả thi và “có thể khiến General Motors và Ford phá sản.”
Canada không có thương hiệu xe hơi riêng, nhưng sản xuất khoảng hai triệu chiếc xe mỗi năm. “Khoảng 1.6 triệu chiếc trong số đó được xuất khẩu sang Mỹ,” Volpe cho biết thêm. Hơn một nửa số xe này thuộc các hãng xe Mỹ như General Motors, Ford, Chrysler và Dodge.
Cuối cùng, nhà kinh tế trưởng Greg Daco của EY đưa ra dự báo đáng lo ngại rằng GDP của Hoa Kỳ có thể giảm 1.5% vào năm 2025 và 2.1% vào năm 2026 nếu thuế quan có hiệu lực, đồng thời lạm phát sẽ tăng cao.
Vấn đề thuế quan của ông Trump không chỉ giới hạn ở Canada và Mexico. Việt Nam, một quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (đứng thứ 3 sau Mexico và Trung Quốc trong năm 2023), cũng có thể trở thành mục tiêu tiếp theo. Với tính cách khó đoán của tổng thống Mỹ, việc ông không hài lòng với cán cân thương mại Việt – Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam chủ động tìm kiếm các giải pháp để giảm thặng dư thương mại và tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, như động thái gần đây của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ.
Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau 30 ngày, kể từ khi quyết định trì hoãn đánh thuế vào Canada có hiệu lực. Nếu sau đó quyết định này vẫn được thực hiện, không chỉ Canada và Mexico, mà nhiều quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Liệu thế giới có tránh khỏi cuộc chiến thương mại lan rộng, hay những căng thẳng leo thang sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một giai đoạn bất ổn mới?