Cuộc đối đầu Mỹ-Trung trong cuộc chiến giành kênh đào Panama

Panama City, Panama. (Hình minh họa: Yosi Bitran/Unsplash)

“Trung Quốc đang vận hành kênh đào Panama. Chúng ta không trao nó cho Trung Quốc mà trao cho Panama, và giờ chúng ta sẽ lấy lại.” Tuyên bố gây sốc này của Tổng Thống Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức đã ngay lập tức gây tranh cãi. Giới quan sát quốc tế đặt câu hỏi về ý đồ thực sự của ông đằng sau phát ngôn hiếu chiến này. Nhiều người cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, phát ngôn của ông Trump có thể là dấu hiệu cho thấy một chiến lược đối đầu cứng rắn hơn đang được Washington triển khai.

Mới đây, ngày 2 Tháng Hai, Tổng Thống Panama José Raúl Mulino chính thức thông báo Panama sẽ không gia hạn Biên bản ghi nhớ về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, một động thái được cho là chịu áp lực không nhỏ từ phía Mỹ. Trước những lời lẽ cứng rắn của ông Trump về kênh đào Panama, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường thủy huyết mạch này trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh.

Điều gì khiến ông Trump quyết tâm “lấy lại” kênh đào Panama? Phải chăng đây chỉ là một chiêu bài chính trị hay ẩn sau đó là những tính toán chiến lược sâu xa hơn trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại “sân sau” của mình?

Lịch sử kênh đào Panama: Từ lợi ích Mỹ đến dấu ấn Trung Quốc

Kênh đào Panama có một lịch sử hình thành đầy biến động và phức tạp, được Mỹ hoàn thành xây dựng vào năm 1914 với chi phí ước tính hàng tỷ đôla, và không ít sinh mạng của công nhân Mỹ đã bỏ lại trong quá trình xây dựng do bệnh tật nhiệt đới. Từ khi đi vào hoạt động kênh đào Panama đã trở thành tuyến đường huyết mạch cho thương mại hàng hải toàn cầu rút ngắn hàng nghìn hải lý khoảng cách giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đồng thời giảm đáng kể chi phí vận chuyển so với việc phải đi vòng qua Mũi Sừng hay eo biển Magellan. Đối với Mỹ, kênh đào Panama có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hơn 70% hàng hóa thông qua kênh đào này là đến và đi từ bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ. Chính vì vậy Mỹ luôn coi kênh đào Panama là một tài sản chiến lược và có lợi ích to lớn.

Tuy nhiên lời lẽ đòi “lấy lại” kênh đào Panama của ông Trump bị nhiều người đánh giá là thiếu căn cứ, và không thực tế. Thực tế lịch sử cho thấy Mỹ đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong mối quan hệ với Panama liên quan đến kênh đào này.

Vào năm 1902 Mỹ mua lại quyền xây dựng kênh đào Panama từ một công ty Pháp đang gặp khó khăn một phần cũng là để hạn chế ảnh hưởng của Pháp trong khu vực. Năm 1903 Mỹ dùng sức mạnh quân sự để giúp Panama tách khỏi Colombia, và thành lập quốc gia mới. Chỉ hai tuần sau đó Mỹ và chính phủ Panama non trẻ ký Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla trao cho Mỹ quyền kiểm soát vĩnh viễn vùng kênh đào Panama.

Tuy nhiên, đến năm 1977, dưới thời Tổng Thống Jimmy Carter, Mỹ ký hai hiệp ước quan trọng với Panama. Đó là Hiệp ước về Tính trung lập vĩnh viễn và Vận hành kênh đào Panama (hay còn gọi là Hiệp ước Trung lập), và Hiệp ước kênh đào Panama. Các hiệp ước này quy định Vùng kênh đào Panama sẽ chấm dứt tồn tại vào ngày 1 Tháng Mười, 1979, và toàn bộ kênh đào sẽ được trao trả cho Panama vào ngày 31 Tháng Mười Hai, 1999. Cả hai hiệp ước này đều đã được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn vào năm 1978.

Đối với ông Trump, việc Mỹ trao trả kênh đào Panama cho Panama là một sự “cho đi” một tài sản vô giá của nước Mỹ mà ông cho rằng Panama đã không biết ơn Mỹ khi giành được độc lập năm 1902, mà còn “bạc nghĩa” thu phí tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào trong suốt 25 năm qua. Thực tế thì phí qua kênh đào Panama được tính cho tất cả các tàu dựa trên kích thước, và các tiêu chuẩn khác theo đúng điều khoản “công bằng hợp lý và bình đẳng” trong hiệp ước đã ký. Không khó để nhận ra rằng ông Trump có lẽ đang “thèm muốn” nguồn lợi nhuận khổng lồ mà kênh đào Panama mang lại, nếu nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Trung Quốc trỗi dậy và nỗi lo của Mỹ

Tuy nhiên có lẽ mối quan tâm của ông Trump không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế đơn thuần từ kênh đào Panama. Điều khiến ông lo ngại hơn cả có lẽ là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, và sự hiện diện ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại Panama cũng như khu vực Mỹ Latinh nói chung.

Từ năm 2017, Panama chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, thay vì duy trì quan hệ với Đài Loan, và đến năm 2018, quốc gia này đã trở thành nước Mỹ Latinh đầu tiên gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Điều này mở ra một loạt các dự án hợp tác kinh tế giữa Panama và Trung Quốc như dự án đường sắt cao tốc tuyến tàu điện ngầm ở thành phố Panama cảng container, và đặc biệt là dự án cây cầu thứ tư trị giá $1.4 tỷ bắc qua kênh đào Panama. Tất cả các dự án này đều được thống nhất dưới thời cựu Tổng Thống Panama Juan Carlos Varela sau cuộc gặp gỡ với Chủ Tịch Tập Cận Bình vào năm 2018.

Mặc dù vậy, các dự án này sau đó bị đình trệ hoặc trì hoãn, một phần do áp lực từ Mỹ, và một phần do nghi ngờ về tham nhũng liên quan đến các nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên đến năm 2023 dự án cầu vượt kênh đào lại được khởi động lại sau khi hai bên ký phụ lục hợp đồng. Nếu được hoàn thành cây cầu dây văng hai trụ tháp dài 1,120 mét này sẽ nằm ở phía bắc Cầu Châu Mỹ tại lối vào Thái Bình Dương của kênh đào Panama.

Bên cạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sự hiện diện của Trung Quốc, còn thể hiện rõ qua việc tập đoàn CK Hutchison của tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành nắm quyền điều hành 25 năm các cảng ở cả hai đầu Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của kênh đào Panama. Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc cũng nắm giữ cổ phần chi phối tại Cảng Panama – cảng lớn nhất của Panama nằm ở phía Đại Tây Dương. Quy mô đầu tư này của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ dần kiểm soát kênh đào Panama, và gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ.

‘Học thuyết Donroe’ tái sinh?

Khi sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng gia tăng tại khu vực Mỹ Latinh, không khó hiểu khi ông Trump quan tâm nhiều đến kênh đào Panama. Tờ New York Post ngày 8 Tháng Giêng giật tiêu đề trang nhất “Học thuyết Donroe” (The Donroe Doctrine) để ám chỉ chính sách cứng rắn của ông Trump đối với khu vực Mỹ Latinh, và sự cạnh tranh với Trung Quốc.

“Học thuyết Donroe” là một cách chơi chữ dựa trên “Học thuyết Monroe” (Monroe Doctrine), một nguyên tắc chính sách đối ngoại của Mỹ được công bố vào năm 1823. Học thuyết Monroe tuyên bố các cường quốc châu Âu không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia ở châu Mỹ, và ngược lại. Nó được xem là một tuyên bố về ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và một sự cảnh báo đối với các thế lực bên ngoài.

Việc tờ báo New York Post sử dụng cách chơi chữ này với “Donroe” là một sự ám chỉ đến chính sách của ông Donald Trump, được cho là mang hơi hướng cứng rắn, và quyết đoán, tương tự như Học thuyết Monroe trong quá khứ, cho thấy giới truyền thông Mỹ đang so sánh hành động của ông Trump với những chính sách can thiệp mạnh mẽ của Mỹ trong lịch sử khu vực.

Cựu Nghị Sĩ Matt Gaetz, một người trung thành với ông Trump thậm chí đăng trên mạng xã hội X (Twitter cũ) về việc “giành lại kênh đào Panama từ Trung Quốc” chứ không phải từ Panama. Một nền tảng WeChat có trụ sở tại Trung Quốc còn ví von lập trường của ông Trump về kênh đào Panama như một phiên bản “vấn đề Đài Loan” của Mỹ về mặt chủ quyền. Mặc dù chính phủ Panama chủ động tiến hành điều tra về tài chính, và hoạt động của các công ty Hong Kong vận hành các cảng ở hai đầu kênh đào, thể hiện rõ quyết tâm kiểm soát vận mệnh của mình, song những căng thẳng liên quan đến khu vực này vẫn rất khó lường.

Cuộc cạnh tranh địa chính trị, và địa kinh tế giữa Mỹ, và Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh, và Caribbean đang ngày càng leo thang. Việc Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các dự án như Cảng Chancay tại Peru, cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm khẳng định vị thế của mình tại khu vực này.

Kênh đào Panama tiếp tục là một điểm nóng chiến lược. Cuộc đối đầu Mỹ-Trung tại khu vực này sẽ không hề hạ nhiệt, sẽ tiếp tục định hình các chính sách, và quan hệ quốc tế trong những năm tới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: