Nếu bạn đã kịp lớn để biết và yêu nhạc Việt Nam do các nhạc sĩ Sài Gòn, và cả miền Nam, sáng tác hồi trước 1975, bạn chắc còn nhớ, ngày đó có nhiều nhà xuất bản chuyên in nhạc tờ, mà nổi bật trong đó là An Phú và Tinh Hoa. Về sau gọi là Tinh Hoa Miền Nam. Nhạc tiền chiến cũng không thiếu chỗ.
Những bản nhạc tờ dễ thương này thường in trên giấy dày, hình như là Bristol thì phải. Lúc đó tới thập niên 1970, kỹ thuật in offset đã bắt đầu song hành với kỹ thuật in typo, cho mỗi bản nhạc chỉ có 4 trang, khổ ngang ngửa A4 hay gia giảm một chút, phổ biến là kích thước 22x30cm. Phân biệt in offset và typo khá dễ.
Khi nhìn bìa, bìa nào ít màu, thậm chí chỉ là một màu cho in trên một nền nào đó khác màu đen, bất kể màu ấy có sắc độ đậm nhạt thế nào tùy theo bản ảnh gốc, là typo. Bản nhạc với năm dòng kẻ và lời hát nằm trọn vẹn ở các trang 2 và 3, còn trang 1 là bìa, thường do họa sĩ sáng tác trong suốt 20 năm 1950 – 1960, và trang 4 là bìa cuối, để giới thiệu các bản nhạc khác sắp phát hành.
Nếu bài hát nào dài quá, người ta sẽ tận dụng bìa 4 để in hết tác phẩm. Ví dụ, bài Tình Hoài Hương của Phạm Duy. Lúc đó, có lẽ gần như mọi nhạc sĩ sáng tác từ nổi danh nhất cho đến người khẳng định được vị thế của mình trong làng ca nhạc miền Nam, đều có tác phẩm in trên nhạc tờ.
Ngày xưa, nhà tôi có cả một collection nhạc tờ tới mấy trăm bài đóng tập, vì mẹ tôi là người rất yêu âm nhạc. Bà hát nho nhỏ suốt ngày, dù phải kiếm sống vất vả để nuôi gia đình. Bà thuộc làu rất nhiều bài tiền chiến, mãi từ các nhạc sĩ Hà Nội, may thay theo thời cuộc chúng cũng vào Nam theo, để in trên nhạc tờ.
Nhạc tờ đã có từ lâu lắm, tôi nhớ, xa xôi cỡ Bến Xuân của Văn Cao và Phạm Duy, với lời mới do Phạm Duy viết lại, trên nền bài nhạc gốc của Văn Cao là Đàn Chim Việt, cũng đã đi vào nhạc tờ miền Nam.
Bài gốc của Văn Cao: “Về đây nghe gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ, bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô…” Bài Phạm Duy viết lại lời cho Bến Xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim cùng họp đàn trên khắp bến Xuân…”
Những vị sành nhạc cũ của Je me sou-viens như của thế hệ thập niên 50-70 của thế kỷ 20, chắc chắn biết câu chuyện này, Đàn Chim Việt ở lại ngoài Bắc sau 1954, khi vào miền Nam, nhờ Phạm Duy, thành Bến Xuân. Hai tâm tình, hai nỗi niềm, hai ý tứ mà cả hai đều cùng đi vào lòng người. Họa sĩ nào vẽ bìa bài Bến Xuân, lâu quá tôi không nhớ có phải là ông Lê Minh (hay Lê Trung) hay không, nhưng tôi nhớ cái nền màu xanh hy vọng của nó, một đàn chim trắng đang cùng nhau rũ cánh phơi phới trong ánh nắng Xuân trên một chiếc cầu ao, thật gợi cảm.
Nhiều lắm. Nếu kể ra đây thì Đan Thọ, với bài Tình Quê Hương phổ thơ Phan Lạc Tuyên, và cả bài Chiều Tím trứ danh của ông, cũng có mặt: “Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa, nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ…” và “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài, sầu lên phím đàn, mây bay quan san. Có hay?”
Có cả Đoàn Chuẩn và Từ Linh, không thiếu một bài nào, từ Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Gửi Người Em Gái, Lá Thư và tất cả những bài viết về mùa Thu khác. Ngay cả Ngọc Bích, Trăng Mờ Bên Suối, Việt Lang, Đoàn Quân Đi, Hùng Lân, Hè Về, Lê Thương với bộ ba Hòn Vọng Phu mà phần 2 là Ai Xuôi Vạn Lý, và phần 3 là Người Chinh Phu Về, đều có mặt.
Tất nhiên, 5 tác phẩm để đời của Văn Cao, là Trương Chi, Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Suối Mơ và Cung Đàn Xưa, cũng đi vào nhạc tờ. Chỉ duy nhất có đề tài Người Thiếu Phụ Nam Xương, mà nếu không để ý lắm, chúng ta nhờ nhạc tờ Sài Gòn cũng có thể biết là bao nhiêu nhạc sĩ tài danh hàng đầu đều có tác phẩm từ đó.
Lê Thương đã đành, mà Văn Cao thì với Buồn Tàn Thu còn có cái tên là Chinh Phụ Khúc: “Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng…” cứ mỗi khi Thái Thanh cất lên chữ “lướt” lại nghe đến độc đáo rợn người. Và đến Phạm Duy thì có Chinh Phụ Ca: “Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y, mà hồn nương bóng quốc kỳ. Nàng dừng con thoi, có khi nhớ chàng, có muốn gì đâu, lệ thắm tơ vàng…” Còn những phiên bản nào khác nữa, chẳng nhớ hết!
Rồi Hoàng Trọng, Dừng Bước Giang Hồ, Văn Phụng, Bức Họa Đồng Quê hay Trăng Sáng Vườn Chè, lại Lê Thương, Thằng Cuội, La Hối, Xuân Và Tuổi Trẻ, Chung Quân, Làng Tôi – “…có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vòng quanh, êm xuôi về Nam” – kể cả Nguyễn Thiện Tơ, Giáo Đường Im Bóng, một khi nhạc sĩ vẫn còn ở lại nơi xa đó; nhất là Hoàng Giác, Ngày Về từng gây bao rắc rối cho chính ông và Mơ Hoa.
![](https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/02/Nhac-to-4-640x1001.jpeg)
Tôi chỉ không rõ, tại sao các tuyệt phẩm hay đến thế của bao nhạc sĩ miền Bắc mà tất cả những người yêu nhạc miền Nam trước 1975 đều biết đến chúng không sót một nốt nhạc hay một lời nào, trong khi con đường ngược lại đã cắt đi một chiều rất lâu cho tới khi “nhìn lại.” Và tất cả Phạm Duy, và tất cả Phạm Đình Chương, và gần như tất cả Trịnh Công Sơn, dù gây nhiều tranh cãi.
Rồi thế hệ trẻ hơn ít nhiều, Tha La Xóm Đạo, Lối Về Xóm Nhỏ, Nắng Đẹp Miền Nam, rồi Chiều Làng Em, gần hơn nữa thì Lưu Bút Ngày Xanh, Bài Ngợi Ca Quê Hương. Tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam, trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình. Tình là đồng ruộng bao la, tình là đình làng cây đa, thương tiếng ai ru bùi ngùi rót trên đất bồi phù sa… Bao nhiêu là tình tự quê hương, bao nhiêu là hơi thở âm nhạc, bao nhiêu là nỗi niềm khắc khoải vì hai chữ Việt Nam. Trên nhạc tờ, trên khuông nhạc có 5 dòng kẻ huyền hoặc, trên những đêm ngày bao nhạc sĩ đã gò lưng bên phím đàn và bên bàn viết.
Ai thích nghe loại nhạc nào, nhạc tờ cũng có cả. Sang trọng hết mực như Cung Tiến, đầy lãng mạn như Ngô Thụy Miên từ tiệm sách nhỏ Thanh Bình, da diết như Lam Phương, than khóc như các tác giả viết trên nền boléro mà có thời, ai đó đã vội vã kết luận nó là “nhạc máy nước” trong khi với thực tế sau 1975, ngoài Hà Nội người ta còn hát nó nhiều hơn cả Sài Gòn.
Thành Phố Buồn, Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp, Chuyến Đò Vĩ Tuyến của Lam Phương – Người một thời từng thầm yêu trộm nhớ bà mẹ cơ cực của anh chủ trang, đến Lâu Đài Tình Ái, Hẹn Em Cuối Tuần, Mùa Đông Của Anh, Hoa Trinh Nữ, Đám Cưới Đầu Xuân của Trần Thiện Thanh. Rồi cả đầy những rạo rực thầm kín như Hãy Yêu Nhau Đi, Tình Khúc Cho Em, Vũng Lầy Của Chúng Ta – “Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay, cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say, trên những đôi tay, trên những ngón chân bước về tình buồn, tình buồn…” của Lê Uyên Phương. Đó là nhạc tờ.
Phải. Từ Công Phụng với Trên Ngọn Tình Sầu hay Bây Giờ Tháng Mấy, rồi Vũ Thành An với những Bài Không Tên, Trần Trịnh, Nguyễn Hiền, Xuân Tiên, Trúc Phương, Trịnh Hưng, cả Duy Khánh nữa. Tất cả đã đưa nền âm nhạc muôn màu ngày đó vào nỗi nhớ của chúng ta mà bất cứ khi nào. Tôi tin chắc như thế, chúng ta thấy xúc cảm bất chợt, sẽ khe khẽ hát lên cho chính mình một vài giai điệu nào đó từ những bài hát cũ. Nằm trên nhạc tờ.
Lật lại nữa, sau này, trên mỗi khuông nhạc ở 2 trang giữa, lại có nhạc sĩ chịu khó ghi cả từng hợp âm để giúp cho người mua tự biết đệm đàn guitar hoặc piano.
Người hiểu chuyện kể lại, “cha đẻ” loại nhạc tờ này là ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa. Ông tuổi Ất Mão, sinh năm 1915 tại Huế, cha người Quảng Đông, mẹ người Việt. Là người mê sách, thấy có nhiều người cần đọc sách tại Huế lúc ấy nên ông mở hiệu sách Tân Hoa ở đường Gia Long, sau chuyển sang 121 Trần Hưng Đạo.
Cùng với thị hiếu công chúng, ông mở nhà in Tân Hoa rồi nhà xuất bản Tinh Hoa mà nơi bìa 4 mỗi tờ nhạc đều có in rõ: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật, NXB Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính, với một công trình ấn loát mỹ thuật để hiến tặng các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý.”
Có lẽ ông Duyệt đã áp dụng sáng kiến của báo Ngày Nay, từ Tháng Chín năm 1938, từng đăng những bài tân nhạc đầu tiên như Bông Cúc Vàng, Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên; Bình Minh, Ðàn Xuân của Nguyễn Xuân Khoát; Khúc Yêu Đương của Thẩm Oánh; Bản Đàn Xuân của Lê Thương.
Với nhà xuất bản Tinh Hoa, đứng đầu mục lục xuất bản từ năm 1945 là bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và trong năm đó, chỉ in được 8 tác phẩm, tính luôn cả Trên Sông Hương, Hương Giang Một Đêm Trăng, Dưới Bóng Cờ đều của Nguyễn Văn Thương; rồi Phạm Duy thì có Chiến Sĩ Vô Danh, Chinh Phụ Ca, Nợ Xương Máu và Dương Minh Ninh thì có Gấm Vàng).
Sang 1946 là đến Phan Huỳnh Điểu với 4 tác phẩm và còn lại là của Ngọc Trai, Nguyễn Hữu Ba, Văn Đông. Ông Phan Huỳnh Điểu cho biết, một bài của ông năm đó được Tinh Hoa trả nhuận bút tới 800 đồng, trong khi giá một bản nhạc là 7 đồng.
Suốt 11 năm tồn tại, tới 1955 – 1956, Tinh Hoa đã tập hợp và xuất bản gần 500 ca khúc của hầu hết nhạc sĩ tiền bối từ trước đến lúc đó, có cả Thông Đạt, Nguyễn Mỹ Ca và Hoàng Thi Thơ. Nối chân có Sống Chung, Á Châu, An Phú, Hương Thu, Phương Mộc Lan (1949), Diên Hồng, Nguyên Thảo – Phạm Thế Mỹ, Tiếng Bạn, Sóng Lúa, Tinh Hoa Miền Nam (Hậu thân của Tinh Hoa do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo phụ trách), và Minh Phát, Lửa Hồng.
Bìa nhạc lúc ấy chỉ dùng 2 màu do các họa sĩ Phi Hùng, Ngọc Tùng, Bạch Đằng Cát Mỹ vẽ theo lối tả chân. Về sau có thêm họa sĩ Duy Liêm với lối vẽ lập thể, đầy góc cạnh, tạo ra một diện mạo mới cho bìa nhạc. Rồi từ Diên Hồng, Minh Phát, lại xuất hiện thêm mấy họa sĩ vẽ bìa tài danh khác mà nổi tiếng nhất có Kha Thùy Châu. Ông Châu lúc ấy còn kẻ chữ và là họa sĩ thiết kế cho phim ảnh.
Từ đầu thập niên 1970, khi kỹ thuật in off-set phát triển, bìa tờ nhạc đã là ảnh của các ca sĩ trẻ, là những người đưa nhạc phẩm tới công chúng bằng 2 con đường phát thanh -truyền hình như Thanh Lan, Khánh Ly, Nhật Trường, Duy Khánh, Giao Linh, Hoàng Oanh. Người không hát giỏi vẫn có thể mua nhạc tờ vào lúc này vì nó có in ảnh của thần tượng. Những người thích sưu tầm thì mua ngay khi nhạc phẩm mới phát hành rồi sau đó chính họ đi đóng lại thành tập, như mẹ tôi.
Cả nhạc nước ngoài được viết lời Việt như Chiều Tà (Serenade, nhạc Frank Schubert, lời Phạm Duy), Sầu (Tristesse, nhạc Frédérick Chopin, lời Phạm Duy), Cánh Buồm Xa Xưa (La Paloma, nhạc Sebastian Iradier, lời Phạm Duy) cũng góp mặt trên nhạc tờ.
Không hiểu sao khi viết kết bài này, bên tai tôi lại nghe văng vẳng đúng lúc những lời rất vui tươi của bài Hoa Cài Mái Tóc từ một đĩa CD nào đó ở nhà hàng xóm: “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc, nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình, lệ mừng nhòa đôi mắt long lanh, nghe tin con vẫn còn ngày xanh. Một cành hoa em cài mái tóc, anh đưa em qua quãng đường dài, về thành đô anh may áo cưới, ta thương nhau xây dựng ngày mai…”
Những lời thật mộc mạc từ tác phẩm của Thông Đạt, và có lẽ giới trẻ Sài Gòn bây giờ chẳng còn ai hát, nhưng với tôi, đó là kỷ niệm.