Nếu chiến tranh thương mại toàn cầu bùng nổ, Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào? Giới cầm quyền CSVN có chuẩn bị trước kịch bản ứng phó để hạn chế những rủi ro cho một nền kinh tế vốn đang còn nhỏ yếu, và có đủ bản lĩnh nhận ra những cơ hội để đưa đất nước phát triển không? Đây là những vấn đề chính yếu mà giới quan sát tình hình Việt Nam đang quan tâm.
Nói là chiến tranh thương mại toàn cầu nhưng thực ra, tâm điểm quan tâm của dư luận là cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc.
Vào ngày 5 tháng Hai năm 2025, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) cho biết, Trung Quốc đã nộp đơn kiện về thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa nước này, kèm lời tuyên bố “Trung Quốc có quyền đưa ra các biện pháp bổ sung và khiếu nại liên quan đến các vấn đề được xác định trong quá trình tham vấn.”
Trung Quốc đưa ra quyết định này sau khi Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng và khoáng sản từ Trung Quốc: xe điện tăng gấp 4 lần, lên 100%, chất bán dẫn thuế suất tăng từ 25% lên 50%…
Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố từ ngày 10 tháng Hai sẽ áp dụng thuế bổ sung 15% đối với than, khí LNG và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số thiết bị xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, siết chặt các mặt hàng kim loại như: tungsten, ruthenium, tellurium và molobdenum… Ngoài ra, Google đang bị điều tra chống độc quyền, và hai công ty khác của Mỹ bị đưa vào danh sách “đen” trừng phạt.
Hồi Tháng 8, 2024, Mỹ đưa 42 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách “đen,” hạn chế thương mại do có liên quan đến các hoạt động quân sự, quốc phòng Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.
Khoảng trung tuần Tháng Giêng, 2025, có nguồn tin tiết lộ Mỹ đang ráo riết điều tra các cáo buộc về chính sách không công bằng của Trung Quốc khi đã bóp méo, giảm chi phí lao động một cách nghiêm trọng, và bất thường trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và logistics. Đây là những hoạt động căng thẳng trong lĩnh vực thương mại gần đây giữa Mỹ -Trung Quốc, báo hiệu một cuộc thương chiến toàn diện đang đến rất gần.
Thế giới trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, Việt Nam không tránh khỏi ngoại lệ. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Mỹ năm 2021 đạt gần $112 tỉ, năm 2022 đạt gần $124 tỉ, năm 2023 hơn $110 tỉ, và tính đến Tháng Bảy, 2024 là hơn $74 tỉ.
Với Trung Quốc cũng có con số ngang ngửa. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc vào năm 2023 là hơn $171 tỉ, và năm 2024 hơn $205 tỉ.
Chiến tranh thương mại xảy ra, Việt Nam không đơn giản chỉ bị ảnh hưởng mà sẽ phải đối mặt với những rũi ro nghiêm trọng như: xuất –nhập khẩu giảm, vốn đầu tư FDI giảm, đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến kinh tế khủng hoảng, nguy cơ mất các thị trường trọng điểm và dễ bị trừng phạt thương mại nếu làm ăn, tiếp tay cho hàng hóa đối thủ.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam dễ bị Mỹ, EU trừng phạt, đánh thuế cao như: sắt, thép, linh kiện điện tử, pin mặt trời, gỗ, dệt may-giày da và một số mặt hàng tiêu dùng.
Các mặt hàng như: nông sản, thủy sản, các mặt hàng thô… của Việt Nam dễ bị Trung Quốc ngưng nhập khẩu do có quan hệ với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, chiến tranh thương mại sẽ khiến Việt Nam bị tác động không nhỏ từ những vấn đề tiêu cực như: lạm phát, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp tăng cao và bất ổn xã hội.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngưng hoạt động và rút khỏi thị trường Việt Nam trong hai, ba năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng.
Thống kê mới nhất, vào Tháng Giêng năm 2025 có hơn 58,300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam, tăng hơn 8.1% so với cùng kỳ năm 2024. Toàn năm 2024, có 197,900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam, tăng 14.7% so với năm 2023.
Trong khi đó, vào năm 2024 Việt Nam có khoảng hơn 1.06 triệu người thất nghiệp.
Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam đưa ra những chia sẻ, trong hoàn cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, Việt Nam phải gấp rút lên kịch bản ứng phó cho những tình huống xấu nhất như: tận dụng triệt để ngoại giao thương mại, các hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết trước đó để mở rộng thị trường, đa phương hóa thị trường hơn nữa, hỗ trợ doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng để giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ hàng hóa thuế quan, và tài chính ngoại tệ.
Rõ ràng, chiến tranh thương mại chỉ mới là “bóng ma” lơ lửng trên bầu trời kinh tế thế giới và Việt Nam, nhưng tại Việt Nam đã xuất hiện những khó khăn không hề nhỏ. Nền kinh tế èo uột của Việt Nam có nguy cơ không thể trụ nổi những tác động tiêu cực dồn dập ập tới.
Qua một số trao đổi từ người dân Việt từ nam ra bắc, hầu hết các chia sẻ, bày tỏ sự lo lắng trước thực tế cuộc sống khó khăn. Người dân đặt hy vọng nhà cầm quyền CSVN có những quyết sách đúng đắn. Nếu có quyết sách tốt thì cũng khó cho Việt Nam tận dụng được những cơ hội để vượt qua khó khăn và phát triển. Bởi lẽ, tư duy lãnh đạo của giới cầm quyền CSVN rất hạn hẹp và Việt Nam lại đang trong thể chế độc tài, kiểm soát chặt chẽ quyền tự do báo chí, quyền phản biện, nên những ý tưởng cải cách, sáng tạo và phát triển bị cản trở, kìm hãm, khó thích nghi với xu hướng dân chủ tiến bộ toàn cầu. Bộ máy tổ chức cồng kềnh, quan liêu dù đang chủ trưởng tinh gọn nhưng không phải một sớm một chiều có thể thành công.