Ký ức, với mỗi chúng ta, có thể giống hoặc khác nhau. Nếu những ai có cùng một vài ký ức nào đó, ắt hẳn trong quá khứ, họ phải là người sống cùng một nơi, một vùng gần nhau hoặc có chút liên hệ với nhau.
Nếu từng người lại có ký ức khác đi, chưa hẳn họ đã sống khác vùng miền, mà bởi vì, những ngày quá xa đó đã để lại ấn tượng mạnh theo cách rất riêng.
Chỉ lấy chút ví dụ, ngay tại đô thị này thôi, nếu cùng là người Sài Gòn, lấy mốc là những năm 1960 -1970, chúng ta có những điểm chung và điểm riêng. Chẳng hạn, ai cũng biết rạp Rex nằm ở đâu, từng trình chiếu những phim gì và đối diện nó, rạp Eden có những đặc điểm gì. Nhưng mỗi người lại nhớ về Rex theo một cách khác nhau. Người thì nhớ nó bằng Bác Sĩ Zhivago với Omar Sharif và Julie Christie, người lại nhớ bằng Thập Tứ Nữ Anh Hào của Thiệu Thị với Lăng Ba, Lý Thanh, La Liệt. Người khác lại nhớ Lơ Lửng Trên Cành làm mình cười vỡ bụng với Louis De Funès và Geraldine Chaplin.
Tức là cùng về một chủ đề để nhớ lại, Rex, người ta có thể mường tượng ra nó bằng các chi tiết khác nhau. Tất nhiên, đâu đó cũng có người xem cả ba phim đã kể, hoặc xem hai trong ba, là giao hòa với cả ba hướng riêng lẻ kia.
Người sống ở khu Phan Đình Phùng, Cao Thắng ngày trước như tôi, ông TAK và Martha, hẳn phải rành rẽ về rạp Việt Long. Người ở khu Gia Định như Kiến Trúc Sư Hữu Khiêm, chắc chắn là phải biết rất rõ rạp Huỳnh Long và Lăng Ông Đức Tả quân. Người ở khu Phú Nhuận như đạo diễn Bá Vũ phải rành rạp hát khác, người khu Tân Định phải biết rõ rạp Kinh Đô trên đường Trần Văn Thạch, trước đó nữa, có tên là Moderne. Người ở quận 5, như anh Hồ Nhân, phải biết Palace là tên gọi cũ của Đống Đa. Nhưng tất cả, cùng một ký ức lớn, chắc ít nhiều phải nhớ Rex. Phải hiểu về Rex hơn Eden.
Chuyện đó cũng giống như tán chuyện ăn phở. Người khu Phan Đình Phùng như ông TAK chắc chắn biết trên đường Nguyễn Thiện Thuật có 2 tiệm phở nổi danh ngày xưa nằm đối mặt nhau, là phở Tàu Thủy và phở Thanh Hương – Một bên phở bò, một bên phở gà. Người khu Công Lý dĩ nhiên phải biết phở Dậu, dù trước đó nữa, khi con đường rộng lớn này còn tên Bạc Má Hồng (Mac Mahon), chưa chắc đã có nó.
Hiển nhiên, người ở khu Phú Nhuận và quanh Nhà thờ Ba Chuông phải biết phở Phú Vương với cái vị mặn khó tả của nó, nhưng nó mặn như thế, mà mấy chục năm qua, khách cứ gạt đi không hết. Nó ngon tới mức có người nay đã về Bình Dương thường trú, như bạn Nguyễn Doanh, vẫn nhớ đến nó để nhắc về những ngày xa ấy. Và còn phở Gió Đông, phở Trương Minh Ký (Nguyễn Thị Diệu), phở Ánh Hoa Hồ Xuân Hương, tuy những nơi này phải đứng tụt lại đằng sau vài bước.
Người ta nói chuyện “đầu bảng.” Ký ức riêng, người quen đi bơi ở hồ An Đông chắc chắn sẽ không có điểm chung nào với người quen đi bơi chuyên nghiệp, thậm chí từng là thành viên đội tuyển ngày đó như anh Kim Khanh, lấy hồ Cercle Sportif Saigonais làm chốn đi về. Người bơi hồ Yết Kiêu hẳn phải nhớ về từng viên gạch men, từng cái vòi sen tráng nước sạch, từng người thầy dạy mình khác với người quen bơi ở hồ Chi Lăng. Với họ, những ký ức đó là “đầu bảng”, vì chúng mật thiết, cắn sâu, ngập chân răng vào cõi nhớ của mình.
Nói sang chuyện lớn hơn chút, bóng đá, người quen tập sân Hoa Lư, người quen sân Tao Đàn, người lại quen sân Lữ Gia, nhưng chắc chắn tất cả một khi đã yêu bóng đá thì phải có một đôi lần trong đời mình vào sân Cộng Hòa. Họ có thể thích đội Quan Thuế, Cảnh Sát Quốc Gia, Tổng Tham Mưu hay xa hơn trước đó nữa là Ngôi Sao Gia Định. Họ có thể thích riêng Tam Lang, Lê Đình Thăng, Cù Sinh, Cù Hè, Rạng, Ngôn, Xinh, Hồ Thanh Chinh, Hồ Thanh Cang hay Võ Thành Sơn, nhưng trên tất cả, khi những cái tên ấy cùng vào một đội tuyển – Thì họ yêu cái chung ấy như nhau, có ký ức về Cúp Vô địch Merdeka 1966 như nhau, có lòng biết ơn ông Karl Heinz Weigang lúc đó dẫn dắt đội tuyển như nhau.
Cái sự quá xa nhất là khi ngồi ghế nhà trường, người ta cũng có những kỷ niệm giống, và khác nhau. Người học trường Hồ Ngọc Cẩn khu Gia Định phải nhớ về trường lớp mình khác hẳn người học trường Gia Long, luôn nơm nớp dưới vẻ nghiêm khắc của cô hiệu trưởng Trần Thị Tỵ và cô giám thị Lê Thị Ánh.
Người học Trưng Vương nhớ thầy cô mình phải khác, chẳng hạn như thầy Lê Nguyên Đại ngày xưa gầy như củi, người Quảng Nam dạy Văn hay ra phết. Người học trường Nguyễn Bá Tòng chắc phải biết thầy Trần Sĩ Khảng, cũng dạy Văn cả đời ở đó nhưng với người học trường Gia Long, người được cho rằng dạy Văn cho ra dạy phải là thầy Trần Kế Xương.
Những ai học trường Tây, Ma-ri “Cút”, Saint Paul, Saint Exupéry, Yersin Đà Lạt lại có những kỷ niệm khác. Ông TAK nói với tôi, ông ấy suốt đời không quên những cái bạt tai của ông thầy Baud dạy môn Sciences Naturelles (Vạn vật học) ở Saint-Ex khi TAK học 6ème ở đó, quên mang vở đến lớp đúng như thầy ấy muốn.
Người mà nhà mình có xe 404 ngày xưa, hẳn là phải có kỷ niệm về nó khác người quen đi xe Traction. Ngay cả Peugeot cũng khác, 203, 403, 404 rồi 504 – Khác, khác lắm. Gia đình tôi ngày xưa có chiếc Vélo-Solex, khi nói ra thì ông TAK hiểu ngay vì quãng những năm đó, bố ông ấy cũng đi. Nhưng khi ông TAK hỏi ngược: “Nương có biết chiếc Bridgestone 50 không?”, thì tôi chịu. Thế mà ai nói đến chiếc Suzuki 50 màu đỏ thì tôi nhớ ra ngay, vì lúc xa xôi kia, tôi đã trèo lên yên của nó, ngồi áp má vào lưng bố tôi, nghe gió reo phả vào mặt mình mỗi lần vi vu phố phường – Không biết bao nhiêu lần.
Bạn có thể thích Trần Quang hay thích La Thoại Tân, thích Thanh Nga hay thích Thẩm Thúy Hằng, nhưng nói chung lúc đó bạn đã từng rất ủng hộ phim Việt Nam. Bạn có thể thích ăn hủ tíu Nam Vang trong tiệm Xinh Xinh trên đường Phan Đình Phùng hay tại nhà hàng Thanh Thế gần khu thương xá Tam Đa ngày trước. Bạn có thể thích chơi banh đũa dù bạn là con trai 100%, hoặc chơi u mọi vật nhau với lũ húi cua dù bạn là con gái chính cống. Bạn thích ăn gỏi khô bò hay bột chiên, tùy.
Bạn thích nghe nhạc Smokies hơn Beatles, bạn khoái nghe Christophe rên rỉ Nue Comme La Mer hơn là nghe France Gall nũng nịu chảy nước trong Poupée De Cire, Poupée De Son. Bạn quen đi chợ Bà Chiểu để biết rằng ở đó có một hàng xôi xá xíu – gà quay ngon tuyệt cú mèo. Bạn biết chắc chắn ở sạp số 1 khu hàng ăn chợ Bến Thành luôn có món bánh nghệ dọn ra cho mỗi người một mâm ăn quên hết sự đời. Bạn biết ở số 121 Gia Long có tiệm Hoa Đông bán bún chả – giả giò cua -bún bung rất đắt nhưng danh tiếng, mà bạn lại thích ăn chả giò cua khu Trần Quý Cáp hay khu Đinh Tiên Hoàng hơn. Bạn biết nhiều chỗ bán nước mía sạch bây giờ nhưng bạn nhất quyết phải nhớ đến ly nước mía Viễn Đông ngày trước.
Bạn mê kem Baskin & Robbins nhưng sao lại ngẫm ra, kem Pôle Nord nơi thương xá TAX ngày xưa, thậm chí cả kem Mai Hương nữa với món ruột bánh mì cuốn nhân thịt của nó, là đáng lưu hơn vào kỷ niệm. Bạn nghe bài Yesterday cả nghìn lần không chán. Bạn hút Jet một thời gian rồi bỏ vì không còn thuốc thứ thật nữa. Bạn chuyển sang hút thuốc píp Half And Half rồi Seventy Nine, vì bạn không còn tin vào thuốc lá vấn. Bạn nhớ Capstan, Ruby Queen, Bastos Luxe ngày nào nhưng trong khi kiểm nghiệm lại, bạn chợt nhớ ra mình từng hút Gi-tanes, Gauloise thấy thống khoái hơn nhiều. Nhưng có người khác hoàn toàn không thích những gì mà bạn thích, ví dụ, họ thích ăn cơm tấm “ma”, họ thích hút Président, họ không uống Bireley’s mà uống Gin Tonic. Họ không thích xem Ali MacGraw và Ryan O’Neal mà họ thích cái cách sướt mướt của Chân Trân và Đặng Quang Vinh hơn.
Người này nhớ tờ Chính Luận, người kia nhớ tờ Trắng Đen, người nọ nhớ tờ Quật Cường. Anh này thích đọc Thiếu Nhi của ông Nguyễn Hùng Trương, chị kia đọc Tuổi Hoa của ông Chân Tín hay Thằng Bờm của ông Nguyễn Vỹ. Ông TAK khoái lang thang ở Portail Xuân Thu hay Liên Châu để tìm mua ban-des Dessinées, bạn ông ấy lại quen vào Việt Bằng hay Thanh Bình. Nhưng ai cũng biết ông Khai Trí cả. Ai cũng từng vào đọc “cọp” sách ở đó.
… Bởi vì đó, đó là tất cả những ký ức – Như trong những tấm ảnh minh họa bài này: Thảo Cầm Viên, nhà hàng Continental quá nhiều kỷ niệm, khu quảng trường trước cửa chính chợ Sài Gòn không lúc nào ngớt người qua kẻ lại, kể cả những mảnh vụn như con hẻm 60 Lý Chính Thắng ngày trước nay đã thành đường Huỳnh Tịnh Của nối dài. Rồi còn đường Bùi Chu chạy trước mặt nhà thờ Huyện Sĩ, còn đường Thủ Khoa Huân chọc thẳng vào Cửa Bắc chợ Bến Thành, cột đồng hồ trên đường Nguyễn Huệ đối diện trụ sở Tòa Hòa Giải ngày đó…
Ký ức thì vẫn luôn quá nhiều…