Có một gã khờ nọ, ít giao du với con người, dành hầu hết thời gian để chú tâm đến những điều xảy ra xung quanh như biến đổi khí hậu, sự thay đổi hành vi của loài vật như côn trùng hay sinh vật trong môi trường, những âm thanh trong xã hội. Đôi khi những âm thanh quanh nơi gã sinh sống là nguồn cơn khơi gợi cho gã những suy nghĩ lung tung về con người, về xã hội, đồng thời cũng giúp gã nhớ về quê xưa chốn cũ.
Côn trùng
Gã khờ sống trong một chung cư đông đúc tại Sài Gòn. Ở đây, người ta bố trí những căn hộ san sát nhau, với khoảng giếng trời chật hẹp. Thế nên, người sống ở đây có thể nghe tiếng động của hàng xóm cùng lô, thậm chí cả người ở lô khác – nếu có chung giếng trời.
Có lần, gã nghe tiếng em bé nhà ai đó đang tập nói, bé cứ lặp đi lặp lại một câu không trọn vẹn: “Người ta nói…”, “Người ta nói…”. Câu nói dở dang của trẻ nhỏ khơi nguồn cho dòng suy nghĩ của gã tuôn ra, như thể muốn hoàn thành câu nói ấy. Gã thầm nghĩ: “Người ta nói bây giờ rừng cây bị chặt phá quá nhiều để lấy gỗ, ruộng rẫy bị phân lô để bán đất nền đến nỗi côn trùng, hay những sinh vật từng sống ở những chốn đó, thuộc vùng ven Sài Gòn, không còn nơi sinh sống. Sự biến đổi sinh thái khiến chúng kéo nhau vào đô thị, vào nhà dân để sống”.
Cả thời thơ trẻ sống ở quê và hơn 30 năm di cư vào Sài Gòn sinh sống, gã chưa từng thấy con bọ rùa nào mà chỉ thấy loài côn trùng này qua những cuốn truyện tranh hay phim hoạt hình. Loài bọ rùa có nhiều màu: cánh màu đỏ chấm đen, cánh màu vàng chấm đen, và cánh màu cam chấm đen.
Vậy mà những năm gần đây, gã tận mắt nhìn thấy lũ bọ rùa cánh vàng chấm đen kéo nhau bu trên cánh cửa sổ nhà gã. Gã không sợ lũ bọ rùa này chút nào mà ngược lại lấy làm thú vị, vì có dịp chiêm ngưỡng “ngoại hình” của chúng trong đời thật.
Dầu vậy, con côn trùng bò vào nhà làm gã sợ nhất là kiến ba khoang. Từ nhỏ đến lớn gã có bao giờ nghe người ta nói đến kiến ba khoang là con gì đâu. Vậy mà có một lần gã đang nằm đọc sách trên sàn gỗ, bên cạnh cửa sổ, thì cảm thấy vùng da ở cái cần cổ nhột nhột như kiến bò nên gã lấy tay vuốt mạnh cho con côn trùng rớt xuống. Mấy ngày sau gã cảm thấy chỗ da đó ngứa, nóng rát. Gã rọi kiếng thì thấy vùng da quanh cần cổ nổi lên những vạt đỏ và bị phồng rộp. Gã càng gãi cho đã ngứa thì vạt đỏ càng lan rộng ra.
Gã đành đi khám bệnh thì mới biết nguyên nhân là do con kiến ba khoang gì đó gây ra. Bác sĩ kê thuốc “Fucidin” cho gã xức. Độ một tuần sau gã khỏi bệnh. Người ta nói khi kiến ba khoang bò lên người thì đừng nên chà nó trên da mà hãy thổi hay phủi nhẹ cho nó rớt xuống. Vì khi chà nó trên da thì độc tố pederin trong cơ thể nó sẽ lan ra gây viêm da. Ai hên thì nhìn thấy và nhận ra kiến ba khoang trên người để phủi nhẹ xuống, còn ai xui thì chà đại trên da sẽ bị viêm da.
Rồi kiến ba khoang kéo đến nhà dân không còn là một hoặc hai con mà đã kéo đến hàng đàn. Có những chung cư phải phun thuốc giết côn trùng theo định kỳ, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Lũ côn trùng có hại, nhất là kiến ba khoang vẫn kéo đến để… cắn con người, như thể trả thù con người, giống như trong những phim kinh dị Mỹ.

Ễnh ương
Cuộc sống hiện tại ở Sài Gòn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trước Tết Ất Tỵ, cơn mưa xuân lác đác rơi. Sài Gòn có mưa xuân đã là hiện tượng lạ, mà còn lạ hơn khi gã nghe tiếng ễnh ương kêu “ùm oang…ùm oang…” sau cơn mưa. Tiếng kêu buồn thảm của con ễnh ương lạc loài làm gã suy nghĩ vẩn vơ: “Chắc đó là lời kêu cứu của con ễnh ương nào đó bị người ta lấy mất đi nơi sinh sống. Hoặc vì người ta đã san bằng hết các mảnh đất để bán đất nền xây nhà nên nó phải “tha hương” vào các lỗ cống ở Sài Gòn để sống”.
Nghĩ đến đây, gã tự bắt bẻ mình: “Sài Gòn có hệ thống sông ngòi và kênh rạch nhiều mà sao con ễnh ương này không sống ở đó?”. Và rồi gã thẫn thờ tự trả lời luôn: “Người ta đánh bắt cá kể cả ở những con kênh thì làm gì còn an toàn để ễnh ương sống ở đó? Thôi, nó chui vào lỗ cống sống cho an toàn”.
Dân Sài Gòn chính gốc có lẽ ít ai được nhìn tận mắt con ễnh ương. Gã xuất thân từ dân nhà quê do đó gã đã từng tận mắt nhìn thấy ễnh ương, tận tay sờ vào chúng. Ễnh ương là loài lưỡng cư bốn chân, có lớp da dầy màu nâu sậm xen kẽ hai dải nâu nhạt, mỗi dải nâu nhạt chạy dọc từ đầu đến mép lưng. Khi người ta lấy ngón tay sờ vào ễnh ương thì bụng nó phình ra trông như trái bong bóng. Đây cũng là một trong những đặc điểm khác biệt giữa ễnh ương và ếch.
Ở quê gã, vào những đêm mưa lâm râm hay sau những cơn mưa đêm, những con ễnh ương đồng loạt kêu loạn xạ, tiếng trước tiếng sau vang trời “ùm oang…ùm oang…”. Tiếng kêu nghe sầu não giữa không gian hòa quyện với ánh sáng tù mù của cây đèn dầu và không khí se se lạnh. “Giai điệu” buồn thê lương của lũ ễnh ương như báo hiệu trước tương lai u ám của những kiếp người chịu đựng oan ức, thậm chí là chết oan. Tuy mang tiếng là dân quê, song phải đến năm chín tuổi gã mới nhìn thấy loài lưỡng cư này lần đầu tiên nhờ vào một “duyên cớ” xui xẻo: một người anh của gã bị bệnh chó điên.

Bệnh chó điên
Người nhà quê không gọi là “bệnh dại” mà kêu là “bệnh chó điên”. Tức là khi người ta bị chó điên cắn thì sẽ phát bệnh. Năm đó, một trong hai người anh của hắn trở bệnh lạ. Hễ thấy nước là người anh nhỏ tru tréo, sủa “gâu gâu” giống như con chó vậy, thấy người lạ thì anh chui xuống gầm giường trốn. Ông chú của gã bán con heo duy nhất mà bà nội nuôi sau hè để lấy tiền đưa cho ba của gã đem anh gã đi khám bệnh.
Kết quả là người anh bị bệnh chó điên. Người anh lớn lúc này mới khai ra là trước đó hai anh đi mua thuốc tây ở nhà ông Sáu, một con chó đã táp vào tay người anh nhỏ. Tưởng không sao nên hai anh đều im lặng, không nói gì với ba của gã. Ai dè!
Người anh nhỏ nằm bệnh viện được vài ngày thì nhà hết tiền nên phải xuất viện về nhà. Ở quê, bất cứ khi nào có ai bị bệnh gì thì người quen đều bày cho “những bài thuốc” dân gian để trị bệnh. Người ta chỉ đủ bài, đủ các loại lá cây, rễ cây, côn trùng,… để trị bệnh chó điên cho anh trai mà gã không còn dám nhớ là những thành phần gì vì nó quá mất vệ sinh. Một trong những bài thuốc tương đối sạch sẽ mà gã còn nhớ đó là dùng con ễnh ương để trị bệnh chó điên.
Người anh lớn đi tìm bắt ễnh ương trong những bọng cây lớn hoặc ở đầm lầy đem về nhà. Nhờ đó, gã mới biết hình dạng con ễnh ương. Người anh lớn làm sạch con ễnh ương, đem nướng cho cháy thành than, cà thành bột cho người anh nhỏ uống vì người anh nhỏ đã trở bệnh quá nặng nên không thể ăn uống bình thường được nữa. Được đâu vài tuần, người anh nhỏ “chịu” thuốc nên đỡ bệnh hẳn.
Đến lúc người anh nhỏ đã ăn uống trở lại bình thường thì người anh lớn chỉ nướng con ễnh ương vừa chín sau đó gỡ thịt cho em ăn. Không biết là do bài thuốc từ ễnh ương có hiệu nghiệm hay phép màu đã xảy ra mà người anh nhỏ của gã đã hoàn toàn bình phục. Sau này, có vài người thanh niên trong xóm trạc tuổi người anh nhỏ cũng bị chó điên cắn và trị bằng bài thuốc từ con ễnh ương nhưng bệnh không khỏi và… họ đều mất.
Người ta nói là khi làm thịt con ễnh ương thì phải moi bỏ ruột cho thật sạch, vì trong ruột ễnh ương thường có kiến vàng do con vật này thích ăn kiến. Dân gian nói bệnh nhân chó điên kỵ kiến vàng, nếu họ ăn phải kiến vàng trong bụng con ễnh ương hay bị kiến vàng cắn thì bệnh sẽ trở nặng, ngay cả khi đã hết bệnh. Vì vậy, gã nghi vấn rằng có thể những người khác bị bệnh chó điên đã ăn ễnh ương chưa được bỏ ruột, hoặc vô tình họ đã bị kiến vàng cắn nên không qua khỏi.
Sáng nay, trong tiếng kinh kệ vang ra từ một căn hộ lân cận, gã thầm nghĩ vong hồn của những kiếp người xấu số ấy bây giờ đang ở đâu, ở thiên đàng hay địa ngục, hay họ đang ở luyện ngục? Riêng người anh nhỏ của gã thì giờ đây đã có cháu ngoại gần 2 tuổi và luôn lảng tránh nếu ai đó nói về căn bệnh chó điên. Rồi gã lại nghĩ tiếp rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng đều có nguyên nhân sâu xa, kiểu như nhà Phật thường nói về “luật nhân quả”, hay như ông bà xưa từng nói “Gieo nhân nào gặt quả nấy”.
Đối với sự biến đổi môi trường như việc xuất hiện kiến ba khoang ở đô thị, gã cho rằng nguyên nhân gốc rễ là do tác động tiêu cực từ con người. Người ta nói thiên nhiên còn cho bài thuốc, ví như bài thuốc hay từ con ễnh ương, nhưng nếu con người không biết gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên thì sẽ chuốc lấy hậu quả xấu mà thôi.