Nhớ cái bánh ú của ba tôi

Cái bánh ú quê tôi (TK)

Nhiều năm rong ruổi trên những con đường của đất nước này, mỗi khi nhìn thấy cái bánh ú, bao nhiêu ký ức xưa lại ập đến với tôi, bàng bạc không thể thành lời.

Những hương vị làm nên tuổi thơ tôi, cùng những ký ức về người cha quá cố, là những cái bánh ú mà ông đã đi dọc trên những con đường quê, nuôi lớn những đứa con trong thời khốn khó. Những chiếc bánh ú như phao cứu sinh cho người đàn ông đi tù cải tạo ngơ ngác trước biển đời đổi thay, trở về, đưa cả cuộc đời ông cùng gia đình qua một chương mới.

Ba tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi trung du, ven con sông Vệ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, khi vừa thi xong Tú Tài bán phần, tức Tú Tài I, theo lời kêu gọi tổng động viên, ba tôi vào quân đội, cầm súng chống lại quân cộng sản Bắc Việt, bảo vệ miền Nam Việt Nam, mà nói gần hơn, là bảo vệ ngôi nhà có mẹ và các anh em của tôi. Lúc đó tiếng súng xâm lược mỗi lúc càng gần kề.

Trong quân ngũ, ông phục vụ ở quân đoàn Thiết Giáp, mặt trận chính là ở Vùng 2 Chiến thuật, đóng quân ở Căn cứ Chu Lai. Đầu năm 1975, quân đoàn của ông được lệnh rút về cố thủ ở thủ đô Saigon. Biến cố 30 Tháng Tư 1975 xảy ra, ba tôi cũng như bao người dân khác ở miền Nam Việt Nam, trở thành người mất nước. Đặc biệt, cái lý lịch “sĩ quan ngụy” với 11 năm ở chiến trường, khiến ba tôi trở thành “giặc,” thành “kẻ thù” trong mắt chính quyền cộng sản. Ông bị đi tù, mà họ gọi là “học tập cải tạo.”

Sau gần 2 năm tù tội, do sức khỏe yếu nên ba tôi được trả về nhà. Quả thật nước mất thì nhà tan. Nhưng người dân miền Nam Việt Nam nói chung, và “lính ngụy” như ba tôi nói riêng, nếu chưa bị giết chết thì vẫn phải tiếp tục sống. Sống như một công dân hạng hai.

Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn, ba tôi trằn trọc nhiều đêm để nghĩ cách làm sao để nuôi lớn được anh em tôi và giữ được gia đình mình. Dù là công dân hạng hai, dù là thành phần bị coi là kẻ thù của chế độ mới, bị đẩy ra lề xã hội thì con cái vẫn phải làm sao để được đến trường, và gia đình cũng phải có được miếng ăn. Ba hay nói với mấy anh em tôi rằng, gia cảnh mình nghèo, nên gia tài của ông để lại cho chúng tôi chỉ có những bài học nhân nghĩa làm người và con chữ mà thôi. Rồi khi đứa em út của tôi ra đời, khiến cảnh nhà đã khó khăn lại càng thêm lam lũ. Lúc này má tôi đã không còn được buôn bán gạo ở chợ quê, gánh nặng mưu sinh càng đè nặng lên vai ba tôi.

Cái bánh ú từ đó mà ra đời. Để kiếm tiền độ nhật, ba tôi quyết định gói bánh ú để bán hằng ngày. Thứ bánh ú được gói bằng một “bí quyết” riêng mà may mắn thay, ba tôi đã học từ bà nội, mỗi khi bà làm trong những ngày giỗ, chạp, mà khách nào đến, hễ ăn là cứ muốn ăn nữa.

(Ảnh: KT)

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, bánh trái ngày thường mặc dù rất hiếm, người dân ở quê thắt lưng buộc bụng nên không dễ mà bỏ tiền ra mua ăn. Những cái bánh ú đầu tiên, ông mang đi rao, bán dạo cả ngày trên những con đường quê, mà chẳng được bao nhiêu. Sau đó, ba tôi quyết định mỗi ngày mang bánh ra chợ bán. Chợ thì xa, cách nhà hàng chục cây số, hơn nữa đường sá lại vô cùng khó đi, đầy ổ voi, ổ gà. Nhưng bán được một cái thì nhà lại có thêm được một chút phần ăn cho anh em tôi ngày hôm đó, nên ba tôi không ngại nhọc, chứ sáng sớm là lại lên đường.

Cũng nên nói một chút về chuyện làm bánh ú của ba. Cứ mỗi buổi trưa, ba tôi ra vườn cắt lá chuối chát, (miền Trung gọi vậy, còn miền Nam là chuối hột). Về sau lá chuối phải đi mua lại từ hàng xóm, hoặc ở chợ. Lá chuối sẽ dùng vải (áo cũ) lau sạch, mang phơi nắng cho hơi héo, để khi gói bánh, lá chuối không bị rách. Thời gian phơi nắng, là lúc ba tôi chẻ lạt cột bánh, cũng từ bẹ cây chuối chát. Xong  công đoạn này, ông đi làm nhân bánh và “gút” nếp.

“Gút” nếp là phương ngữ quê tôi, nói về việc mang nếp ngâm nước nhiều giờ, rồi vớt lên rổ để cho rút nước trước khi gói bánh. Có lẽ tên gọi “gút” do đọc trại từ từ “rút” mà ra chăng? Tương tự, đậu xanh đã bỏ vỏ cũng đem ngâm nước, rồi nấu tương đối nhuyễn, cho đường vào vừa ăn, sau khi để nguội thì lấy phần vừa đủ vo tròn, để làm nhân bánh.

Nhân bánh ú của ba tôi làm luôn có hương vị đặc trưng, là hương quế. Tôi hay phụ giúp ông giã mịn vỏ cây quế, với một lượng nhất định do chính ông lấy. Vì nếu nhiều quá thì nhân bánh sẽ quá nồng, thậm chí bị đắng. Còn ít quá thì bánh không đủ hương thơm.

Mỗi ngày, ba tôi gói khoảng 200 cái bánh ú, để bán trong một buổi chợ. Lúc bấy giờ, một chục bánh (12 cái) có giá 2,000 đồng. Người dân ở thị xã thường hay mua nửa chục trở lên. Nhờ bánh của ba tôi rất ngon, với hương quế đặc trưng không giống ai. Hơn nữa với thủ thuật gói của ông, khi nấu nước không lọt vào bên trong, bánh vẫn chín đều, dẻo ngọt chứ không bị ướt, nhão.

Cứ thế, trong đêm bánh nấu chín xong, thì ba tôi vớt ra treo cho ráo nước. Tinh mơ, ông thức dậy, một nửa bánh thì treo ở ghi-đông xe đòn-dông, nửa còn lại cho vào giỏ xách cũ, cột ở ba-ga phía sau, rồi đạp ra chợ thị. Trời thương, tiếng lành đồn xa, hàng bánh ú của ba tôi thường bán hết sớm, ông lại tất tả đạp xe trở về, lo gói bánh cho ngày hôm sau.

Cũng từ đó, những khi có giỗ chạp, người ta hay đặt ba tôi gói hàng trăm bánh. Hay những ngày Rằm, Mùng Một, thì lượng bánh gói bán thường gấp đôi. Còn vào những ngày gần Tết Nguyên Đán, cả nhà chúng tôi liên tục gói và nấu bánh cho khách. Nhờ vậy, mà cuộc sống gia đình tôi dần dần ổn định hơn. Ai mà ngờ rằng chuyện gói bánh nhà quê của bà nội tôi, chỉ trong phút chốc truyền lại cho đứa con, mà nhờ đó cả gia đình của tôi đã đi qua được cả một thời khốn khó.

Có những hôm trời mưa, hay chợ ế, cả nhà hôm đó toàn ăn bánh ú thay cơm. Nhớ lại lúc đó em chúng tôi thích lắm, vì được bánh thả ga. Sau này lớn lên mới hiểu là ba má tôi khi đó lo biết chừng nào, vì vốn ít, lấy công làm lời cho nên bữa nào ế hàng là đều lo ngay ngáy.

Một hôm, đang gói bánh thì ba tôi nhận tin, em trai của bà Nội tôi qua đời. Má tôi hối thúc ông, bỏ mọi việc về quê chịu tang, nhưng lo nhà không có tiền cho hôm sau, ông cố nán lại gói bánh cho xong, rồi đội nón đi trong đêm. Ba vừa gói bánh mà vừa khóc. Đôi lúc nhớ lại, tôi cũng không biết là ba khóc thương vì người thân đã mất, hay khóc cho người cuộc đời của mình, hay cho chúng tôi.

**

Gần nhà tôi lúc này, có một bà cụ chiều chiều lại đem bánh ú ra ngồi bán, nhìn cụ tôi lại nhớ biết bao nhiêu điều đã đi qua trong đời mình với hình ảnh chiếc bánh ú đó. Từ những cái bánh ở làng quê nghèo, mà ba tôi đã nuôi chúng tôi khôn lớn, vượt qua nghịch cảnh của đời mình và cũng như của quê hương mình khi tàn cuộc chiến. Về sau, dù không còn bán bánh nữa, nhưng những ngày đặc biệt của gia đình, ba tôi đều gói một ít bánh ú, để cả nhà cùng ăn, như để ôn về một thời khốn khó.

Từ khi ba mất, tôi đã không còn thú vui được ăn thứ bánh ú có hương vị đặc biệt này nữa. Suốt những tháng năm đó, tôi vẫn mãi đi kiếm tìm nhưng có lẽ không tìm thấy cái bánh ú nào gói ngon bằng thứ bánh mà chính tay ba tôi đã làm. Có thể tôi cố chấp, nhưng cũng có thể hương vị của cái bánh ú trong thời của nhọc nhằn và cay đắng đó đã cộng hưởng thành một ký ức không thể nào quên, mà dẫu đã đi qua, sao vẫn cứ nhớ về.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Ăn gì bổ não?
Khi nói đến việc tăng cường sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, dầu ô liu luôn đứng đầu danh sách các loại thực phẩm…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: