Huy Đức và Bên thắng cuộc

Ảnh chụp hôm Huy Đức ký tặng bộ Bên thắng cuộc, sau khi đã đọc “nát sách” của ông ấy! (Ảnh: Trần Thanh Cảnh)

Chính xác là khi Huy Đức (Trương Huy San), công bố bộ sách Bên thắng cuộc tôi mới biết đến tên tuổi ông ấy. Bởi nghe dư luận trên internet, tôi lập tức down trên mạng về đọc. Rồi in hẳn ra để đọc. Chưa đã, tôi ra Đinh Lễ, mua một bộ sách lậu về nghiền ngẫm cho ngấm.

Ngay từ lúc đó, tôi đã âm thầm đánh giá, Bên thắng cuộc là một tác phẩm cực kỳ xuất sắc. Nó có giá trị và văn phong như “Sử Ký” của tiên sinh Tư Mã Thiên xưa. Cho đến bây giờ, trong dòng văn học phi hư cấu của Việt Nam, Bên thắng cuộc vượt hẳn lên một cõi. Quả là độc nhất vô nhị: Để viết được một bộ sách như vậy, ngoài tài năng thiên bẩm còn phải là cơ may hiếm có. Và, thậm chí là được đấng tối cao lựa chọn- thiên mệnh!

Bộ sách viết về lịch sử xã hội Việt Nam kể từ năm 1975 đến sau khi “đổi mới”. Đề cập không những các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội nổi cộm nhất, mà còn phác họa được cả chân dung rất nhiều nhân vật quyền lực đỉnh cao đương thời! Nhưng, cho tới nay nhiều nhân vật trong số đó vẫn còn sống, mà tuyệt không có ai lên tiếng phản đối lại những điều viết trong đó, nó càng chứng tỏ tính chân thực và giá trị cao của bộ sách.

Sau đó, do một cơ duyên, tôi bỏ nghiệp dược sĩ đi viết văn. Thế rồi mới quen Huy Đức. Đủ để thỉnh thoảng gặp nhau đâu đó bắt tay chào nhau. Mấy năm gần đây, ông ấy chuyển ra Hà Nội sống, cũng gần chỗ tôi ở nên chúng tôi có điều kiện gặp nhau thường xuyên hơn.

Ông Huy Đức viết phi hư cấu [nonfiction], còn tôi sáng tác kiểu hư cấu [fiction] tưởng như trái ngược nhau. Nhưng càng gặp gỡ trao đổi nhiều, tôi càng thấy quý mến và kính trọng Huy Đức: Kiến thức sâu rộng, uyên thâm, trí tuệ sáng suốt, tư duy logic. Tôi âm thầm học hỏi ông ấy được nhiều điều. Và có vẻ như Huy Đức cũng quý tôi. Có lúc đã bảo: “Nếu không gọi được ai đối ẩm, ông cứ gọi tôi”! Là vì chúng tôi có cùng một sở thích với rượu: ẩm giả!

Tôi đã nói ở mọi nơi, và ngay cả trước mặt Huy Đức rằng, với bộ sách Bên thắng cuộc, ông đã làm xong nghĩa vụ của một trí thức sống trong thời buổi này. Bộ sách không chỉ có giá trị văn chương, mà nó là một bộ sử đúng nghĩa về một thời kỳ của nước Việt. Mai sau, những pho sử “quốc doanh” sẽ bị hậu thế phỉ nhổ và quên lãng, nhưng Bên thắng cuộc sẽ mãi mãi tồn tại cùng non sông nước Việt! Sẽ như cả mấy ngàn năm sau, giờ đây chúng ta vẫn khoái trá đọc “Sử Ký” của Tư Mã Thiên đấy thôi…

Tôi không phải là bạn lâu năm của Huy Đức. Chúng tôi là bạn “tân giao”, nhưng đồng cảm. Đã nhiều lần, chúng tôi nói với nhau, nếu làm được điều gì [dù nhỏ nhất] thúc đẩy xã hội Việt Nam hòa bình tiến lên, về phía ánh sáng của tự do, dân chủ, văn minh, giàu mạnh chúng tôi làm ngay. Bởi đó là trách nhiệm của những trí thức chân chính. Không cần phải ai giao trách nhiệm hay đòi hỏi gì. Đó chính là lẽ sống.

Chúng tôi cũng hiểu rất rõ rằng, nói những điều chướng tai gai mắt, phản biện lại những thế lực đang có quyền là một việc cực nhiều rủi ro. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm việc có ích cho xã hội. Đặc biệt Huy Đức, khi công bố bộ sách Bên thắng cuộc bên Mỹ, và trở về Việt Nam ngay sau đó, ông đã sẵn sàng đối mặt với “rủi ro”! Thậm chí, chỉ trước khi bị bắt không lâu, ngồi uống trà với tôi, Huy Đức còn nói, mình sẵn sàng cho mọi việc có thể xảy ra.

Huy Đức, tôi, và rất nhiều trí thức dấn thân khác của nước Việt hiện thời luôn sẵn sàng đối diện với mọi gian nan. Có sao đâu cái sự giam cầm tù đày? Ngày xưa, các bậc tiền bối cách mạng nước nhà cũng muôn trùng khổ ải gian nan tù đày mà! Thậm chí đối diện cái chết, họ vẫn mỉm cười! Nên chúng tôi chỉ bảo nhau, tâm mình sáng, một lòng vì việc chung của xã hội, vì sự văn minh cường thịnh của nước nhà, là mọi chuyện khác nhỏ hết.

Nên khi nghe tin Huy Đức bị bắt, một người bạn chung của chúng tôi, nữ sĩ xứ Huế, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy đã viết: “Huy Đức, anh chết cũng được rồi!”. Tôi cũng đồng ý với Nguyễn Thị Tịnh Thy ở điểm: Một người cầm bút mà viết được bộ sách như Bên thắng cuộc, thật sự mãn nguyện, có thể thanh thản nhắm mắt đi vào giấc ngàn thu.

Nhưng tôi tuyệt đối không muốn Huy Đức chết! Và cũng không bao giờ muốn Huy Đức phải chịu cảnh tù đày!

Bởi, với một trí tuệ sáng láng, tư duy sắc sảo, kiến thức uyên thâm như vậy, Huy Đức sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước Việt Nam yêu quý! Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Mấy hôm nay, nghe tin Huy Đức sắp bị đưa ra xét xử theo điều 331 của Bộ luật Hình sự. Mà cụ thể là 13 bài viết trên trang facebook cá nhân, “xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân…”. Tôi cũng chỉ cười nhạt. Tôi đã đọc. Và đọc kỹ ba bài gần nhất, vốn bị coi là nặng nề nhất. Tôi chỉ thấy trong đó là những đóng góp hết sức chân tình, trung thực, thẳng thắn và uyên bác cho việc chung của đất nước! Vậy mà lại nên tội?

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của một người anh, người bạn, cố thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm:

“Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
Tất cả chúng ta đều không vô tội
Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi”
Có lẽ nào lời thơ là hiện thực?

Ảnh chụp hôm Huy Đức ký tặng bộ Bên thắng cuộc, sau khi đã đọc “nát sách” của ông ấy!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
XÍ MUỘI
Kidspace Museum ở Pasadena chiều thứ ba đầu tháng luôn luôn đông đúc trẻ em vì đó là ngày vào cửa miễn phí. Trong khu giải trí này có nhiều…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: