Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm: “Mừng vì đời còn được ca hát tự do”

Nhạc Sĩ Hoàng Thanh Tâm (bìa phải), MC Nam Lộc và đạo diễn Thanh Tâm trong buổi ra mắt phim Bóng Quá Khứ ở Úc và công bố giải Best Music Awards. (Hình: Hoàng Thanh Tâm)

Nhạc Sĩ Hoàng Thanh Tâm là một trong những lớp nhạc sĩ kế thừa dòng nhạc tự do của miền Nam Việt Nam sau 1975. Với lối sáng tác già dặn, ngôn từ trau chuốt, nhiều người tưởng là Hoàng Thanh Tâm là cùng thời với những nhạc sĩ lớn tuổi, sinh hoạt từ thập niên 60, 70… nhưng thật ra ông sinh năm 1960, thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của Hoàng Cao Tăng, chủ nhiệm chương trình tiếng Việt của đài phát thanh Pháp Á, cũng là cái nôi phát triển của những tên tuổi lừng lẫy như Khánh Ly, Duy Khánh, Kim Tước, Mai Hương,…

Nhiều người nhớ đến nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm với ca khúc Tháng Sáu Trời Mưa, được trình bày đầu tiên và thành công vang dội bởi ca sĩ Thái Hiền, nhưng ông còn là sáng tác những ca khúc ăn khách khác như Lời Tình Buồn, Trả Lại Thoáng Mây Bay, Đêm Tha Hương, Dáng Xưa, Xuân Mơ, Đêm Hoàng Lan, Lời Cho Người Tình Xa, Tìm Em…

Từ Sydney, Úc Châu, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm dành chút thời gian để trò chuyện cùng Sài Gòn Nhỏ :

(Hình: TK)

*PV: Được biết, khi bộ phim “Bóng Quá Khứ” của đạo diễn Thanh Tâm trình chiếu ở Úc vào năm 2024, ông nhận được giải ca khúc trong phim – đây quả là là một năm hoạt động hết sức đặc biệt của nhạc sĩ, vậy ông có thể cho biết cơ duyên của việc viết nhạc cho bộ phim này, cũng như giải thưởng về âm nhạc của bộ phim?

-Nhạc Sĩ Hoàng Thanh Tâm: Nhạc phẩm “Tình Ca Người Xa Xứ,” viết năm 1989, nằm trong album cassette “Tháng Sáu Trời Mưa” của Hoàng Thanh Tâm, được phát hành tại Mỹ, trở thành nhạc phim chính cho bộ phim ngắn “Bóng Quá Khứ” của đạo diễn Thanh Tâm, một người Canada gốc Việt. Khi Thanh Tâm nghe được bài hát này trên YouTube, cô thấy phù hợp với nội dung phim, nên đã liên lạc với tôi để mua bản quyền làm nhạc cho bộ phim mới của mình. Dù không viết nhạc trực tiếp cho phim, nhưng tôi cũng vui vì đã đóng góp một phần vào tác phẩm đầy ý nghĩa về đời thuyền nhân của đạo diễn Thanh Tâm. Phim “Bóng Quá Khứ” đã đoạt nhiều giải thưởng và nhạc phẩm “Tình ca người xa xứ” cũng giành được giải “Best Music Award” khi ra mắt khán giả quốc tế vào năm 2023.

*Tác phẩm “Tình ca người xa xứ” nghe như là khúc kinh nguyện cho đời người bước đi tìm tự do. Là người gần như đặc biệt viết tình ca, có khác biệt gì trong suy nghĩ của ông, khi sáng tác với bối cảnh của những đau thương lịch sử mang màu sắc xã hội chính trị? Ông có viết nhiều những bài hát nào tương tự?

-Một số người nghe nghĩ rằng tôi chỉ viết nhạc tình, có thể do đa số các bài hát được yêu thích của tôi là tình ca. Tuy nhiên, những người thật sự hâm mộ các tác phẩm Hoàng Thanh Tâm đều biết tôi cũng viết về các đề tài khác như quê hương, thân phận, xã hội, và có cả những bài mang màu sắc chính trị, phản ánh các góc khuất và bất công trong xã hội Việt Nam.

Mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân, nhưng những bất công nổi bật bao gồm sự chênh lệch giàu nghèo, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội, và hạn chế về quyền tự do ngôn luận vẫn hiển hiện. Sự chênh lệch giàu nghèo được thấy rõ rệt ở sự khác biệt về thu nhập và điều kiện sống giữa các vùng nông thôn và thành thị. Sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực, từ cơ hội việc làm đến quyền lợi trong gia đình và xã hội. Ngoài ra, tự do ngôn luận đôi khi bị hạn chế, ảnh hưởng đến quyền được bày tỏ ý kiến và quyền tiếp cận thông tin.

Trong một đất nước thiếu tự do, không tránh khỏi đàn áp và bất công giữa kẻ cầm quyền và người dân. Một số bài hát tôi đã viết thể hiện màu sắc chính trị và tâm tư về thân phận con người, hoàn cảnh xã hội như: “Lời trăn trối của người tù,” “Vết thương đời của em,” “Dựng mùa Xuân trên quê hương,” “Niềm mơ ước hồi sinh,” “Tình ca người xa xứ,” “Hãy cho nhau tình yêu,” hay “Hồn khói thuốc” phổ thơ Hoài Điệp Tử, “Lời mẹ dặn” phổ thơ thi sĩ Phùng Quán… Những nhạc phẩm này đều có thể tìm nghe qua trên trang nhà blogspot và trên kênh Youtube chính thức của Hoàng Thanh Tâm (hoangthanhtamofficial).

*Chắc từng nghe, tham khảo nhiều với các tác giả trước và cùng thời, ông có niềm cảm hứng bình luận nào đối với các tác phẩm có chủ đề liên quan về số phận con người, lịch sử, chính trị, xã hội của tác giả mà ông được biết?

-Có nhiều nhạc sĩ ở hải ngoại và một số ít trong nước không chuyên về tình ca, tôi cũng đã được nghe họ viết về thân phận con người, hoàn cảnh xã hội và thực trạng Việt Nam hiện tại, nói thay cho những người không thể tỏ bày. Những sáng tác này tôi tạm gọi là nhạc đấu tranh, phản ánh những khía cạnh bức bối của đời sống, thân phận con người trong nước. Đặc biệt tôi thấy từ sau Tháng Tư 1975, trỗi lên một dòng nhạc như vậy trong đời sống tinh thần người Việt trên toàn thế giới.

Một số nhạc sĩ nổi bật bao gồm Phạm Duy, Nam Lộc, Hà Thúc Sinh, Phan Văn Hưng, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng ở hải ngoại và Tuấn Khanh, Việt Khang trong nước… Dù hôm nay có những nhạc sĩ đã qua đời, nhưng các sáng tác của họ vẫn truyền cảm hứng về lòng yêu nước và hy vọng cho tương lai Việt Nam, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 30 Tháng Tư hàng năm.

Nhạc Sĩ Hoàng Thanh Tâm (phải) trong đêm nhạc cùng nhà thơ Du Tử Lê. (Hình: Hoàng Thanh Tâm)

*Người Việt miền Nam tự do đã có một giai đoạn âm nhạc hết sức sôi động, đa đề tài và ca hát không ngần ngại. Nửa thế kỷ trôi qua, ông có cảm nghĩ gì khi nhìn về quá khứ vàng son này? Liệu khi một nền văn hóa nó gắn chặt với một chế độ đã mất, nó có thể cùng tàn phai?

-Giới văn nghệ sĩ trước 1975 ở miền Nam Việt Nam nói chung, và các nhạc sĩ sáng tác nói riêng, đều may mắn được hít thở không khí tự do, cởi mở dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa, nên những sáng tác của họ, dù ở bất cứ đề tài nào, đều rất trung thực với những cảm xúc, những rung động trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Với tự do sáng tác, họ có toàn quyền viết lên những suy nghĩ thật của mình mà không hề sợ hãi bị bắt bớ hay tù đày bởi những tác phẩm của mình.

Một điều may mắn là khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm năm 1975, ngoài một số văn nghệ sĩ bị đưa vào trại tập trung cải tạo, một số lớn nhạc sĩ tên tuổi ở miền Nam đã đào thoát khỏi chế độ cai trị, đến được bến bờ tự do, nên có một số bài hát ra đời ở hải ngoại, vẫn nối dài và giữ nguyên giá trị của nền văn hóa nhân bản miền nam Việt Nam trước 1975. Và dù chính quyền cộng sản, trong suốt nửa thế kỷ qua, vẫn căm thù luôn tìm đủ mọi cách để tiêu diệt nền văn hóa nhân bản của miền Nam, nhưng cuối cùng họ đã hoàn toàn thất bại, vì không chỉ ở trong Nam, nơi nền văn học mang giá trị nhân bản đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người dân, mà chính người dân ở miền Bắc, khi tiếp cận với dòng chảy văn hóa tự do của miền Nam, điển hình là những bài hát của các nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam trước 1975, đều yêu thích và say mê thưởng thức những nhạc phẩm được sáng tác trong miền Nam mà họ gọi là nhạc vàng, vì sức thu hút và quyến rũ của những giai điệu mượt mà, chứa chan tình tự dân tộc của một nền văn hóa khai phóng nhân bản….

Thấy rõ điều này, khi nhà cầm quyền mới cố gán ghép dòng nhạc của Việt Nam Cộng Hòa với chữ nhạc vàng theo ý là loại văn hóa vàng vọt, thiếu sức sống, nhưng dần dần, qua thời gian, chữ ‘vàng’ đó trở thành một giá trị đẹp, vượt thời gian mà những ai yêu mến đều tự hào.

Sau 1975, có không ít những sáng tác mới của nhạc sĩ ở hải ngoại mang giá trị nghệ thuật, cũng như của các nhạc sĩ đã thành danh trước 1975, một dòng nối dài kế thừa mãnh liệt của âm nhạc tự do đã xuyên biên giới và không gì có thể ngăn cản nổi. Tôi không thể liệt kê hết, cũng như khẳng định rằng những người làm nghệ thuật nói chung, và những nhạc sĩ sáng tác nói riêng của dòng âm nhạc tự do, đều có công lớn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trong lãnh vực âm nhạc, điển hình là những sáng tác của các nhạc sĩ trong miền Nam sau 1975, đều được nhiều thế hệ người Việt trong nước, ở khắp mọi miền thưởng thức và trình bày…

*Là nhạc sĩ vẫn hoạt động sáng tác, ca hát, ghi âm… ông nhận thấy nền âm nhạc trong nước hiện nay chuyển động ra sao? Theo ông, điều gì đáng chú ý và điều gì thì đáng lo ngại?

-Ý muốn tiêu diệt nền văn hóa nhân bản của miền Nam mà một thời chính quyền cộng sản gọi là “văn hóa đồi trụy, độc hại, ủy mị”… là điều bất lực, bất khả thi của chế độ, nên song song với việc âm mưu thâu tóm bản quyền của những bài hát có khả năng lan tỏa những sự thật gây bất lợi cho chế độ, ban tuyên giáo cũng cố tình cổ súy cho một số những sáng tác vô hồn, phi nghệ thuật của những lớp trẻ, để giảm bớt đi sức ảnh hưởng của nền văn học trước 1975. Nói cho đúng thì phần nào, họ cũng đã thành công, khi một số thế hệ Z (sinh sau năm 2000) không hề biết đến những tác phẩm âm nhạc giá trị của những thế hệ trước, và chỉ biết những tác phẩm mô phỏng, phái sinh từ các dòng nhạc trào lưu của Hàn, Thái, Hoa…

Đó là điều thiệt thòi và thật sự đáng lo ngại. Nhưng tôi cũng ngạc nhiên là bên cạnh đó, vẫn có một số tầng lớp trẻ, phần nhiều sinh sau năm 1975, nhưng nhờ các em ảnh hưởng từ ba mẹ, anh chị, nên cũng tiếp cận được những tinh hoa của nền văn hóa nhân bản. Trong số đó cũng có một số ít những nhạc sĩ trong nước sáng tác được những bài hát có giá trị, như nhạc sĩ Việt Anh, Thái Thịnh, Trịnh Gia Kiệt, Đức Tiến…

Càng nhìn và nghe, tôi cảm thấy mình may mắn vì đời mình vẫn còn được ca hát tự do.

*Một người sống và không ngừng hoạt động, ông có hối tiếc khi rời đất nước Việt Nam và mang một chính kiến cụ thể để không thể quay lại sinh hoạt ở trong nước, nhất là vào lúc âm nhạc Việt Nam có vẻ vô cùng sôi động như lúc này?

-Tôi là một trong hàng triệu thuyền nhân đã may mắn thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển vào năm 1979, tính ra cũng đã gần nửa thế kỷ sống xa quê hương… Việc sẵn sàng chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình để đi tìm tự do, đối với tôi cho đến hôm nay, vẫn là một quyết định sáng suốt và đứng đắn nhất, bởi vì sau nửa thế kỷ nhà nước cộng sản cai trị quê hương, tôi vẫn chứng kiến biết bao cảnh đàn áp, tang thương, mất mát và bất công đầy rẫy trên đất Việt thân yêu. Và cho đến tận hôm nay, người dân Việt vẫn còn tiếp tục đánh cược với mạng sống của mình ra đi, để rồi có một số “thùng nhân” đã phải trả giá bằng mạng sống của mình trong những chuyến vượt biên qua Âu châu đi tìm con đường sống….

Tôi có cuộc sống âm nhạc riêng, và cũng khó có thể hòa cùng nhịp với sự thay đổi văn hóa khác biệt trong nước. Vì vậy tôi tin rằng nếu ngay khi này, tôi còn ở trong nước, tôi vẫn lạc lõng như khi mình đang nhìn về phía ấy vậy.

(Hình: TK)

*Trong năm qua có một sự kiện vô cùng đáng chú ý, đó là những ca sĩ từ trong nước đi ra các cộng đồng hải ngoại trình diễn, vô tình đứng dưới lá cờ vàng 3 sọc đỏ, đòi phải xin lỗi, ăn năn, hối cải. Ông nghĩ sao về chuyện này?

-Có thể thấy rõ dù đã cưỡng chiếm được cả miền Nam 50 năm qua, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn thua cuộc tinh thần và sợ hãi quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa- lá cờ đại diện của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, hoàng kỳ của những người không chấp nhận cộng sản, là lá cờ biểu tượng cho tự do của mấy triệu người Việt liều chết đi tìm tự do trên toàn thế giới.

Sự kiện ca sĩ ở Việt Nam đi hát ở hải ngoại rồi chụp hình vô tình có dính lá cờ Việt Nam Cộng Hòa rồi khi về nước bị bắt phải xin lỗi, phải ăn năn hối cải là một hành động hết sức ấu trĩ và vô lý của nhà cầm quyền cộng sản, trong khi họ vẫn luôn kêu gọi chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc, vẫn luôn kêu gọi gửi ngoại tệ từ “khúc ruột ngàn dặm” về để duy trì sự vận hành của chế độ độc đảng. Đây là một minh chứng rõ nhất để thấy rằng chính quyền Cộng Sản Việt Nam vẫn còn phân biệt và đầy ác cảm với một lá cờ của một chính thể đã không còn tồn tại ở Việt Nam từ nửa thế kỷ qua. Họ thắng bằng bạo lực, nhưng vẫn là kẻ đầy lo lắng, sợ hãi khi nhìn thấy lòng người dân Việt Nam Cộng Hòa đầy khác biệt khi đứng cùng lá cờ đó.

Tôi không đánh giá khắt khe hay ác cảm với những ca sĩ chấp nhận xin lỗi nhà nước Việt Nam vì đã đứng dưới lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, rồi sau đó lại tiếp tục quay ra hát ở hải ngoại. Bởi tôi hiểu được sự sợ hãi và thuần phục đó. Mọi thứ nằm trong lý do họ cần phải tồn tại trong bạo quyền để sống với nghề nghiệp của mình. Nhưng tôi tin rằng khi quay lại với khán giả ở hải ngoại, không ít thì nhiều, họ cũng đã mất đi phần nào sự mến mộ trong lòng khán giả nói chung.

*Nhận định về sinh hoạt âm nhạc của cộng đồng người Việt ở Úc, và các cộng đồng người Việt tự do ở các nơi khác nói chung trong bao năm qua, ông có suy nghĩ gì?

-Cộng đồng người Việt tự do trên khắp thế giới vẫn tự hào với một nền văn hóa nghệ thuật phong phú và đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật thường xuyên được tổ chức, từ các buổi hòa nhạc truyền thống đến những chương trình biểu diễn hiện đại, thu hút sự quan tâm của cả người Việt và bạn bè quốc tế. Các lễ hội âm nhạc không chỉ là dịp để người Việt xa quê hương kết nối và giữ gìn bản sắc văn hóa, mà còn là cơ hội để giới thiệu vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam đến với thế giới.

Những nghệ sĩ gốc Việt tài năng thường xuyên biểu diễn và sáng tác, góp phần làm giàu thêm kho tàng âm nhạc toàn cầu. Bên cạnh đó, các lớp học nhạc dân tộc và các cuộc thi âm nhạc cũng được tổ chức nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu và phát huy truyền thống âm nhạc quê hương. Những nỗ lực này không chỉ giữ cho văn hóa âm nhạc Việt Nam luôn sống động, mà còn tạo cầu nối giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt khắp nơi. Tôi tự hào nhìn thấy xa quê hương, nhưng người Việt vẫn giữ gìn văn hóa của mình, phát triển và làm giàu thêm văn hóa, con người nơi những vùng đất mới.

*Ước mơ về một tương lai mới đối với cộng đồng người Việt tự do ở Úc, và niềm cảm hứng mới nhất của ông cho một năm hoạt động tiếp theo, sẽ là gì?

-Trong bối cảnh cộng đồng người Việt tại Úc ngày càng phát triển và hội nhập, ước mơ cho một năm mới của tôi xoay quanh việc thắt chặt tình đoàn kết, giữ gìn văn hóa truyền thống và cùng nhau phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều người trong chúng ta hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước Úc. Riêng tôi, với niềm đam mê sáng tạo sẵn có, vẫn cố gắng dùng khả năng của mình để có thể đem đến cho mọi người những giai điệu sâu lắng và ý nghĩa đầy Việt Nam tính nhất.

Cảm hứng mới nhất trong năm 2025 của tôi, có thể đến từ việc kết hợp những âm hưởng truyền thống Việt Nam với phong cách âm nhạc hiện đại của thế giới, và hy vọng có thể sẽ khai thác những câu chuyện đầy cảm hứng từ chính các thành viên trong cộng đồng, tạo nên những tác phẩm gIá trị đến với bạn bè quốc tế. Chúng ta tự do, và chúng ta sẽ tiếp tục ca hát tự do, thay cho phần văn hóa đang bị kiểm duyệt, kềm giữ ở quê nhà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: