Nước Đức giữa hai làn đạn Mỹ-Trung

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị G-20 năm 2017. Đến nay bà Merkel vẫn phản đối việc cấm tập đoàn Huawei tham gia thiết lập mạng 5G cho Đức như đề nghị của Hoa Kỳ. Ảnh Reuters

HIẾU CHÂN

Thủ tướng Đức Angela Merkel – người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu – không ngờ trong những tháng ngày cuối của cuộc đời chính trị, bà lại phải trả lời một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản mà vô cùng khó: có nên cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) của Đức hay không?

“Nên” hay “không nên” – đó mới là vấn đề

Hơn một năm qua, chính trường Đức chia rẽ sâu sắc chung quanh câu hỏi này: với các doanh nghiệp – nhất là các nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng của Đức, thì câu trả lời là “nên”, ngược lại các cơ quan tình báo, ngoại giao và quốc phòng thì trả lời “không nên”. Ngay trong đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (Christian Democratic Party, CDP) cầm quyền của bà Merkel cũng có sự trái ngược giữa câu trả lời “nên” của giới lãnh đạo đảng, và “không nên” từ các nghị sĩ của đảng.

Quyết định của Đức về Huawei sẽ định hình mối quan hệ giữa Đức với Trung Quốc trong nhiều năm sắp tới, ảnh hưởng tới khối lục địa châu Âu và cả mối quan hệ thiết yếu với Hoa Kỳ cho nên chính phủ Đức không thể đưa ra kết luận một cách vội vàng. Quốc hội Đức đã mất nhiều tháng tranh luận về đề tài này nhưng chưa đi đến đâu, dự tính sẽ tiếp tục tranh luận trong vài tuần tới nữa. Hôm thứ Năm 16-01-2020 bà Merkel đã triệu tập cuộc họp với các nghị sĩ thuộc đảng CDP của bà và thúc giục họ nhanh chóng tìm ra một giải pháp để hóa giải mâu thuẫn. Cho đến nay quan điểm của bà Merkel là không chấp nhận việc cấm đoán công ty Trung Quốc mà phải có biện pháp kiểm soát thích hợp.

Tình hình càng cấp bách khi chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần thúc hối các nước đồng minh “không hợp tác” với Huawei vì cho rằng công ty công nghệ này là “Con ngựa thành Troy” giúp chính phủ Trung Quốc do thám và kiểm soát mạng viễn thông châu Âu và cả Hoa Kỳ nữa. Ông Trump thậm chí đe dọa sẽ chấm dứt sự hợp tác, chia sẻ về tình báo và an ninh với bất cứ nước nào chấp nhận cho Huawei thiết lập mạng 5G vì lo ngại các thông tin tình báo sẽ được bí mật chuyển tới Bắc Kinh. “Phương Tây [gồm cả Mỹ và châu Âu] phải có một giải pháp chung cho vấn đề mạng 5G bởi vì chúng ta nhìn thế giới theo cùng một cách,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức, ông Richard Grenell, phát biểu hôm thứ Năm 16-01 vừa qua, theo New York Times.

Yếu huyệt: xe hơi Đức

Trong vấn đề Huawei, nước Đức khó khăn hơn nhiều so với các nước châu Âu khác như Pháp, bởi vì kinh tế Đức gắn bó quá chặt với thị trường Trung Quốc – thành quả nhiều năm cầm quyền của bà Angela Merkel. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mang lại tăng trưởng cho các nhà sản xuất xe hơi chính của Đức, nơi mà các dòng xe BMW, Daimler-Mercedes và Volkswagen thống trị phân khúc xe hơi hạng sang. Năm 2019 mặc dù thị trường xe hơi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các hãng xe Đức như Volkswagen, Daimler và BMW vẫn tiếp tục đạt được doanh số kỷ lục, giành bớt thị phần của các hãng Ford, GM và Toyota.

Theo giới công nghệ, thị trường Trung Quốc không chỉ tiêu thụ nhiều xe hơi Đức mà còn tác động trở lại các hãng xe; thị hiếu khách hàng và chính sách của chính phủ Bắc Kinh góp phần quyết định mẫu xe nào sẽ được sản xuất, công nghệ nào sẽ được áp dụng. Và từ đó, các hãng xe Đức tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ Trung Quốc – chủ yếu là Huawei – để phát triển và thử nghiệm các công nghệ xe hơi mới. Năm 2018, hãng xe Audi – thương hiệu xe sang của Volkswagen, công bố “hợp tác chiến lược” với Huawei để phát triển công nghệ xe hơi tự lái; hãng Daimler – có 9,9% cổ phần thuộc về nhà đầu tư Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), sử dụng công nghệ máy tính của Huawei trong xe Mercedes; còn BMW và một số đối tác khác hợp tác với Huawei về nghiên cứu và phát triển.

Volkswagen là trường hợp nổi bật nhất: hơn một nửa doanh thu bán hàng của hãng này đến từ thị trường Trung Quốc, nơi Volkswagen chiếm tới 14% thị trường xe hơi. “Nếu chúng tôi rút ra” khỏi Trung Quốc, “thì sẽ có từ 10.000 đến 20.000 kỹ sư ở Đức bị mất việc ngay lập tức,” ông Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen nói với báo Wolfsburger Nachrichten của Đức.

Sự phụ thuộc của các hãng xe Đức vào thị trường Trung Quốc đã bị Bắc Kinh “nắm thóp” và sử dụng các “con tin” này để gây sức ép chính trị lên chính phủ Berlin. “Nếu Đức quyết định loại Huawei ra khỏi thị trường Đức thì sẽ có hậu quả. Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên đâu,” Ngô Khẳng (Wu Ken), Đại sứ Trung Quốc tại Berlin cảnh cáo hồi tháng trước. Và ông ta nói bóng gió: “Hãy nhìn đi, năm ngoái có 28 triệu chiếc xe hơi được bán ra ở Trung Quốc, trong đó có 7 triệu chiếc là xe Đức.” Nghị sĩ Konstantin von Notz, thành viên ủy ban những vấn đề kỹ thuật số của Quốc hội Đức, nói thẳng: “Trung Quốc đã nói rõ họ sẽ trả đũa vào điểm gây tổn thương nặng nhất: ngành xe hơi Đức.”

Ta về ta tắm ao ta!

Trong khi đó mối quan hệ giữa Đức và châu Âu nói chung với Hoa Kỳ đang trải qua không ít thử thách khi Tổng thống Trump nhiều lần đe dọa áp thuế trừng phạt lên xe hơi Đức nhập khẩu vào Mỹ như ông ta đã tăng thuế đánh vào rượu vang Pháp. Nhưng cho dù không thích chính phủ Mỹ của ông Trump, Đức không thể quay lưng với Hoa Kỳ; chỉ riêng việc Washington dọa cắt đứt việc chia sẻ thông tin tình báo đã khiến các cơ quan an ninh của Đức lo lắng, nhất là sau vụ họ phát hiện hôm đầu tuần này ba người Đức, trong đó có một cựu nhân viên ngoại giao cao cấp, làm gián điệp cho Bắc Kinh nhiều năm qua.

Vả lại, cáo buộc của Hoa Kỳ đối với Huawei được nhiều chính trị gia Đức tán đồng ở chỗ đây là một tập đoàn được chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn. Norbert Rottgen, một nhà lập pháp bảo thủ, người phản đối chính sách đối với Huawei của Thủ tướng Merkel, nói rằng: “Theo luật Trung Quốc, các công ty có nhiệm vụ hợp tác với Sở Mật vụ Trung Quốc. Khi giao dịch với Huawei, bạn sẽ phải chấp nhận rằng bạn có thể liên can tới đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Bên cạnh mối lo sợ về gián điệp và phá hoại, các nhà lập pháp Đức còn lo ngại, nếu cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, Đức sẽ không chỉ xung đột với Washington mà còn có nguy cơ xói mòn khối đoàn kết châu Âu. Thay vì Huawei, họ đề nghị giải pháp “ta về ta tắm ao ta”: trao hợp đồng thiết lập mạng 5G cho các doanh nghiệp châu Âu như Nokia (Phần Lan) hoặc Ericsson (Thụy Điển). Hai công ty công nghệ này đã giành được hợp đồng thiết lập mạng 5G ở Đan Mạch và hoàn toàn có thể đảm nhiệm công việc tương tự ở Đức hay Pháp, tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn và tốn chi phí cao hơn, một phần do công nghệ của Huawei đã góp phần lớn vào hệ thống viễn thông hiện hành của Đức, việc chuyển đổi công nghệ sẽ tốn kém và phức tạp.

Về mặt chiến lược, việc loại trừ Huawei có lẽ là quyết định tối ưu. “Nếu bạn để cho Huawei xây dựng mạng 5G thì sau một thời gian bạn sẽ không hiểu được hệ thống của chính mình nữa. Và đó là mất mát lớn lao về quyền kiểm soát và chủ quyền quốc gia,” nghị sĩ Rottgen nói.

Những người khác thì không bi quan đến mức đó mà lo ngại nhiều hơn cho triển vọng của ngành xe hơi Đức. “Nếu chúng ta cấm Huawei, ngành xe hơi Đức sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc trong một cảnh huống mà tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt các nhà sản xuất xe hơi Đức,” ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Đức, than thở.

Câu hỏi nên hay không nên chấp nhận Huawei xem ra sẽ còn làm đau đầu các nhà lãnh đạo Đức một thời gian dài nữa.

(theo The New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: